Một vài thập kỉ trước, thế hệ "7x", "8x" may mắn được lớn lên trong bầu trời âm nhạc ngọt ngào, sâu lắng, trong trẻo mà nhạc sĩ Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Thanh Tùng… đem đến. Đặc biệt, với riêng Thanh Tùng, những ca khúc của ông như thay lời bao trái tim đã sống và yêu mang "chất" riêng của một thời.
Một vài thập kỉ trước, thế hệ “7x”, “8x” may mắn được lớn lên trong bầu trời âm nhạc ngọt ngào, sâu lắng, trong trẻo mà nhạc sĩ Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Thanh Tùng… đem đến. Đặc biệt, với riêng Thanh Tùng, những ca khúc của ông như thay lời bao trái tim đã sống và yêu mang “chất” riêng của một thời.
Vĩnh biệt mùa hè, Mưa ngâu, Phố biển…, những câu chuyện tình yêu nắng - mưa học trò, những bối rối - dỗi hờn - mê say khó lãng quên như được nhạc sĩ tài ba này “đọc vị” để thay lời không ít trái tim. Nhiều người ví von rằng, nghe nhạc Thanh Tùng như thấy được cả cách yêu, kiểu yêu thương của một thế hệ: trong sáng, e ấp “Mùa hè bâng khuâng, bâng khuâng nỗi nhớ”, “Mong sao mưa thật lâu/Để cho đôi lứa bên nhau”. Cả lời tỏ tình cũng mượn mùa xuân để bày tỏ: “Mùa xuân rất hiền lặng yên ngồi nghe tôi hát/Và tôi biết rằng nói yêu em là điều khó khăn/Mùa xuân đến rồi mùa xuân nói giùm với em/Tình yêu rất gần tình yêu hãy đừng là cánh chim”. Quả thật, những cách bày tỏ, những ngại ngần ấy khó tìm thấy trong dòng nhạc thị trường hiện giờ.
Lời ca hay xuất phát từ cách sống đẹp, “nhiều lúc, tôi thấy mình như người cô đơn bẩm sinh trong suốt quãng đời” - Thanh Tùng nói vậy và âm nhạc như là cách giải tỏa hiền lành mà vui tươi, êm đềm nhưng cá tính. Để có được những tác phẩm nghe nhẹ lòng nhưng đã trút cả tấm lòng nhạc sĩ, ông đã “ủ mình” nhiều năm để khi đến độ tuổi trên 40, những ca khúc ngọt ngào của ông mới được phổ biến. Sinh năm 1948 tại Khánh Hòa với phố biển Nha Trang, lớn lên ở đất cảng Hải Phòng (phải chăng vì thế mà những ca khúc viết về biển của Thanh Tùng thường rất thấm?), ông tốt nghiệp Nhạc viện quốc gia Bình Nhưỡng và bước vào thế giới âm nhạc, tôi luyện ở hai môi trường sáng tác và thưởng thức âm nhạc lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến khi trở về lại phố biển Nha Trang, công tác trong đoàn Hải Đăng, Thanh Tùng mới bùng nổ với muôn vàn giai điệu và lời ca, thổn thức cùng nhiều ca khúc như Lời tỏ tình của mùa xuân, Chuyện tình của biển, Hát với chú ve con, Ngôi sao cô đơn… Thời điểm này như chính những ca từ: “Rồi một ngày một ngày cuộc sống mới/Ghé bước chân dưới hiên nhà em”, “Rồi một ngày em đến, biển hát em nghe, bài hát có những niềm vui thật vui…”.
“Tôi cho rằng, nghệ thuật không phải là thứ đem so tài thắng thua mà để thưởng thức”, và ông đã cho người nghe những gu thưởng thức riêng biệt. Quay lại TP.HCM vào thập niên 90 của thế kỉ 20, bên vòng tay “Những người bạn” - Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên, nhạc sĩ Thanh Tùng đã có một cuộc chơi đẹp cùng âm nhạc để cho ra đời nhiều ca khúc rất đời mà cũng đậm chất thơ. Có thể kể đến một danh sách: Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Trái tim không ngủ yên… Trái tim người nhạc sĩ như trẻ lại và thốt nên thanh âm trong trẻo, những ca từ dù có day dứt nhưng vẫn rất tình “Đừng mang trong lời ca những nỗi ưu phiền; Và đừng mang cho tình yêu những tiếng ca buồn”. Đó cũng là một chất rất Thanh Tùng - nhẹ nhàng và bao dung.
Ở thời mà lời bài hát thường tế nhị thay lời trái tim để đôi lứa bày tỏ tình cảm thì thông qua các làn sóng như Làn sóng xanh, Nhịp cầu âm nhạc, Câu lạc bộ âm nhạc… những ca khúc của Thanh Tùng thường được yêu cầu rất nhiều. Sau này, xuất hiện những chương trình âm nhạc khác với kĩ nghệ tinh xảo, đầu tư âm thanh, ánh sáng công phu nhưng sao vẫn như luyến tiếc một thời nằm nghe radio để chờ những ca khúc nhẹ nhàng mà sâu lắng ấy “Hát đi em, hát lên những lời trái tim, để với tiếng ca, bỗng như ta gần nhau thêm”. Hiện giờ, có thể một vài “9x” và những “x” về sau thấy lạ lẫm với cách bày tỏ “dài dòng” ấy nhưng với nhiều người yêu nhạc thế hệ trước - yêu chậm và sống có phần chậm thì nhạc Thanh Tùng là một thứ gia vị không thể thiếu để được lắng lòng nhấm nháp những vị ngọt - đắng nhưng vẫn lạc quan “lâu lắm rồi em không đến chơi/bài hát cho em giờ đã hát cho mọi người”. Dù trong tháng 3 này, trái tim người nhạc sĩ ấy đã ngừng đập nhưng ca khúc của ông vẫn “không ngủ yên” trong lòng người yêu nhạc, chỉ tiếc rằng “Ai vội đi để ai còn đứng đó, tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi…”.
YÊN NGUYÊN