Từ hơi ấm bàn tay Bác đến "Những nẻo đường chiến tranh"

05:03, 16/03/2016

Gặp ông cách đây khoảng sáu, bảy năm trước khi vị đại tá nghỉ hưu tròm trèm gần 20 năm mang bản thảo một số bài ghi chép, ký đến cộng tác với Tòa soạn Báo Lâm Đồng. Tác phẩm của ông ngồn ngộn chất liệu hiện thực sinh động chỉ "người trong cuộc" mới cảm nhận tường tận về cuộc sống đời thường của một tổ dân phố ngỡ bình yên nhưng ẩn chứa bao "sóng ngầm"; về nỗi trăn trở lo toan, những công việc bình dị, thầm lặng mà những người đứng mũi chịu sào ở dưới nấc thang tột cùng trong hệ thống quản lý nhà nước đã hết lòng vì cuộc sinh kế của những "tế bào" nhỏ nhất xã hội...

Gặp ông cách đây khoảng sáu, bảy năm trước khi vị đại tá nghỉ hưu tròm trèm gần 20 năm mang bản thảo một số bài ghi chép, ký đến cộng tác với Tòa soạn Báo Lâm Đồng. Tác phẩm của ông ngồn ngộn chất liệu hiện thực sinh động chỉ “người trong cuộc” mới cảm nhận tường tận về cuộc sống đời thường của một tổ dân phố ngỡ bình yên nhưng ẩn chứa bao “sóng ngầm”; về nỗi trăn trở lo toan, những công việc bình dị, thầm lặng mà những người đứng mũi chịu sào ở dưới nấc thang tột cùng trong hệ thống quản lý nhà nước đã hết lòng vì cuộc sinh kế của những “tế bào” nhỏ nhất xã hội. Ông là Đại tá Đinh Minh Đảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Hậu cần (Tỉnh đội Lâm Đồng) lúc ấy đang là Tổ trưởng Tổ dân phố 31, phường I, TP. Đà Lạt… Cuối năm 2015, tại hội nghị của Hội VH-NT Lâm Đồng, Đại tá Đinh Minh Đảng với nụ cười hiền từ sáng ngời trên gương mặt chất phác, phúc hậu chậm bước đến ngồi bên tôi. Ông rút từ áo măng tô màu cỏ úa ra tặng tôi một cuốn sách. Giọng ông nhỏ nhẹ: “Mấy năm rồi dồn sức viết tập ký và truyện ngắn này, cũng là sự trả ơn đời nhân dịp mình bước vào mùa Xuân thứ 75 ”…! Nhìn ông và ngắm tập truyện ngắn và ký “Những nẻo đường chiến tranh” (NXB Thanh Niên), lòng tôi chợt trào dậy nỗi niềm thán phục “gừng càng già càng cay”…
 
Ông Đinh Minh Đảng (thứ ba, phải sang) thời trai trẻ trong quân ngũ
Ông Đinh Minh Đảng (thứ ba, phải sang) thời trai trẻ trong quân ngũ
 
Một ngày sau Tết Bính Thân, bên ấm trà Thái Nguyên thơm ngát, đượm đà, Đại tá Đinh Minh Đảng bồi hồi tâm sự với tôi: Quê ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Miền đất từng được ông phác thảo qua câu thơ: “Quê hương tôi đồng trũng, nước chua/ Cái nghèo giăng giăng mỏi mòn năm tháng/ Sáng khoai lang, chiều ngô cùng sắn/ Mưa bão triền miên, úng lụt trôi mùa/ Đồng mênh mông căng mỏi cánh cò/ Chim cu cu đi tìm ăn đá sỏi…”. Mê văn học từ thời học phổ thông nhưng gia cảnh khó khăn nên con đường đến với văn chương cũng rất gập ghềnh. Mới 6 tháng tuổi, cha mất; mấy năm sau, mẹ tái giá nên về ở với bác ruột. Mấy anh nhà bác đều mê chơi, không ham học, ông bác tức quá cho nghỉ tuốt và bảo “thôi đành tập trung lo cho thằng Đảng ăn học vì nó sáng dạ, ham chữ”. Năm 1961, đang học chớm cấp 3, xin vào quân đội. Để tiếp tục học lên, đã cùng với mấy chiến sĩ lập tổ tự học văn hóa, mua sách tự nghiên cứu, bài khó nhờ các thầy dạy bổ túc văn hóa giảng cho. Chịu khó “dùi mài kinh sử” nên chỉ đôi năm sau đã có trình độ văn hóa hết cấp 3. Đơn vị thấy Đảng có chí học hành nên chọn gửi đi học trường sĩ quan công binh. Tốt nghiệp làm huấn luyện công binh, tham gia bắc các cây cầu ở khu 3 trong giai đoạn Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sau theo tiếp trường sĩ quan lớp cán bộ đại đội. Năm 1966 được cử vào Thanh Hóa bổ sung khung đoàn cán bộ đi B. Năm 1967, trải qua 4 tháng 20 ngày gian khổ xuyên rừng Trường Sơn, đoàn vào Tây Ninh và ông giữ chức vụ Trung đội trưởng. Sau đó về làm trợ lý chính trị Tiểu đoàn 235, chính trị viên đại đội thồ lương thực cho mặt trận dọc tuyến từ Đồng Xoài tới lộ Nha Bích. Đồng Xoài là chi khu huấn luyện biệt kích của Mỹ - ngụy. Nửa tháng hay mỗi tháng chúng thường cho đám lính học viên đi hành quân thực tập, gây nhiều nguy hiểm cho đoàn thồ. Giai đoạn này được Đinh Minh Đảng phản ánh sinh động qua truyện ký “Ngày về hậu cứ”: “… Chúng thả vào rừng để bọn lính cắt rừng tìm phương hướng, nếu gặp đường mòn là tổ chức mai phục. Chúng phục kích chừng 50 mét dài theo đường, cứ 5 mét lại đặt một quả mìn Cơ-lây-mo (điều khiển bằng điện từ xa, loại mìn này có độ sát thương rất cao) rồi lùi sâu vào rừng chờ đợi… Chúng sẵn sàng chờ quân ta lọt vào trận địa phục kích là đồng loạt bấm điện. Mìn nổ, quân ta thương vong hàng chục, những viên bi xuyên thủng cả khung xe, xe đã bị mìn thì nát bấy, không còn sử dụng được. Người hy sinh, phương tiện, hàng hóa mất đã là nỗi đau xót, nhưng nguy hiểm hơn là nó đã gây ra tâm trạng hoang mang sợ sệt trong anh em, nói đến đi thồ là sợ, mà phải đi thì không ai muốn đi đầu…”. Không chỉ thể hiện sát thực hoàn cảnh cuộc chiến khốc liệt, không né tránh khi lý giải tâm lý đời thường của những người đang đối diện với cuộc sinh - tử “ngàn cân treo sợi tóc”, tác giả còn phản ánh được bản chất thông minh, sáng tạo, không chịu lùi bước trước khó khăn, hiểm nguy của quân đội ta trong chiến tranh: “… Mãi sau chúng tôi cũng có một cách là: Lựa chọn những chiến sĩ nhanh nhẹn dũng cảm để thành lập một đội, lấy tên là đội trinh sát tinh nhuệ. Đội được huấn luyện cắt rừng, xuyên rừng, tìm phương hướng, đọc bản đồ và địa bàn. Đơn vị này ngày nào cũng phải đi trinh sát theo đường cắt hai bên đường mòn những ngày đi và đi thồ, đội này đi trước 30 phút. Mỗi mũi đi chia thành 3 tổ, một tổ tìm địch, một tổ dò tìm dây mìn (loại dây màu đất khó phát hiện) nên phải rất tỉ mỉ, một tổ sẵn sàng chi viện hai tổ kia. Nếu gặp địch bất ngờ thì đánh một vài loạt rồi rút nhanh, bảo tồn lực lượng. Nếu phát hiện được địch mà chúng không phát hiện ra ta, thì nhằm chỗ chúng ẩn mình bắn vài loạt và ném vài trái lựu đạn vào đó rồi rút nhanh, tránh thương vong, khẩn trương về sau báo cáo, bọn địch bị lộ tẩy sẽ thu quân rút về căn cứ”.
 
Giải phóng 1975, Đinh Minh Đảng đi học khóa quản lý nhà nước do Quân khu 7 tổ chức. Sau về Đoàn La Ngà làm nhiệm vụ khai hoang, phát triển kinh tế. Chiến tranh biên giới phía Nam được biệt phái về làm Trưởng phòng Xây dựng cơ bản Xí nghiệp Liên hợp Công - Nông nghiệp thuộc Sư đoàn 600 đóng ở vùng Ba (nay là địa phận các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên). Năm 1982, xin chuyển về Tỉnh đội Lâm Đồng làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần. Giai đoạn này, ông phụ trách làm kinh tế, đi khai hoang, thi công cầu đường ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến trước 1975
 
Năm 1989 vì lý do sức khỏe, ông xin nghỉ và 1991 được nghỉ chính thức với quân hàm đại tá. Về địa phương được bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố 31, phường I, Đà Lạt. Đây là địa bàn phức tạp, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” - ông thường xuyên đi nắm bắt tình hình, cùng các tổ chức đoàn thể họp dân bàn cách vận động, giáo dục các đối tượng tệ nạn xã hội; hỗ trợ nhau làm kinh tế; xây dựng nếp sống hiền hòa, thanh lịch ở một trung tâm có nhiều nhà nghỉ, khách sạn… Từ một tổ dân phố “nóng” chỉ ba năm sau đã trở thành điển hình về an ninh - trật tự xã hội của thành phố. Hơn mười năm bước vào “mặt trận không tiếng súng”, gắn bó với việc dân, việc phố, đã giúp vị đại tá già mê văn chương hiểu biết sâu sát “nhân tình thế thái” và viết nên những ký, truyện ngắn bình dị, mộc mạc nhưng đa góc cạnh, đẫm chất nhân văn, giàu tính giáo dục như: Bác Tư lệnh dân phố, Chuyện một tân binh bỏ ngũ, Con gái tôi lấy chồng, Bài bạc… Ở truyện ngắn “Chuyện cô Ngàn” viết rất văn, giàu hình ảnh, câu chuyện về nhân vật được tái hiện cảm động, có tính thuyết phục cao về một số phận không đầu hàng những bi kịch, bất hạnh do cuộc sống xô đẩy… Năm 2005, bệnh u đại tràng tái phát, ông mới xin nghỉ công tác để chữa bệnh.
 
- Từng 30 năm trong quân ngũ và đến nay hơn 50 năm tuổi Đảng, bác có kỷ niệm nào sâu sắc và ấn tượng nhất?
 
Một thoáng bần thần, đại tá cầm tập sách trên bàn, chậm rãi mở và đưa cho tôi xem phần in truyện ký “Vượt sông Hồng”, giọng ông khẽ khàng, thổn thức: 
 
- Anh ạ, cuộc đời lam lũ của tôi có được như hôm nay, trước hết là nhờ quân đội đã giáo dục, dìu dắt trưởng thành… Thế nhưng kỷ niệm sâu sắc mà mỗi lần nhớ đến đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao, động viên tôi phấn đấu vươn lên… đó là lần được gặp Bác Hồ khi tôi đang thuộc Tiểu đoàn công binh 239! Sau lần đó, tôi được điều động vào chiến trường miền Nam!
 
Đã đọc tuyển tập, nhưng tôi vẫn lướt qua và chăm chú với đoạn văn: “… Một ngày tiểu đoàn triệu tập tất cả cán bộ từ trung đội trở lên về tiểu đoàn họp…, đồng chí nói, do thành tích học tập, nên cấp trên - Bộ và Trung ương sẽ về thăm đơn vị. Để đón đoàn cấp cao về thăm, tiểu đoàn quyết định hội thao: Bắc cầu vượt sông Hồng với thành tích thật xuất sắc để báo cáo chào mừng đoàn.
 
Bến bắc cầu ngay làng Mễ Sở… Một phát pháo hiệu bắn lên trời, báo hiệu cầu đã bắc xong. Trên giao chỉ tiêu thời gian 40 phút, nhưng chúng tôi chỉ hết 35 phút. Nhân dân và bộ đội ào ào xuống cầu tham quan… Sau khi nhân dân đã lên khỏi cầu, chúng tôi được lệnh tập hợp tại đầu cầu bên này để chờ lệnh. Khoảng 15 phút, có đoàn chừng 10 người đi với một ông già tóc bạc, người gầy, cao từ đầu cầu phía nam đi tới. Khi đoàn cán bộ qua khỏi đầu cầu, đến sát chúng tôi, có tiếng hô: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng” và thế là tất cả chúng tôi đều hô: “Kính chào Thủ tướng, hoan hô Thủ tướng đến thăm công trình bắc cầu vượt sông Hồng! Hoan hô, hoan hô, hoan… hô!”… Thủ tướng ra hiệu cho chúng tôi im lặng, ông nói: “… Các đồng chí giỏi lắm, bắc cầu đã vượt chỉ tiêu thời gian, cây cầu đã nối hai bờ sông Hồng rất vững chắc. Bây giờ các đồng chí im lặng chờ đón vị đại biểu tối cao sắp đến thăm công trình vượt sông Hồng”. Nói xong Thủ tướng quay trở lại cầu, chậm rãi tham quan cầu. Lúc sau, Thủ tướng quay lại đón cùng với đoàn người. Thủ tướng đi bên cạnh ông già ốm gầy và tóc râu bạc trắng, bên cạnh có hai người cặp tay dìu đi. Khi tới đầu cầu, có đồng chí hô to: Bác Hồ! Bác Hồ! Thế là tất cả cùng đồng thanh hô vang “Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm!”. Tất cả bộ đội và nhân dân cùng hô vang, tạo thành âm thanh vang vọng sông Hồng… Lòng tôi lúc này vô cùng xúc động và hồi hộp, tôi không ngờ, không bao giờ ngờ là mình được gặp Bác Hồ và các đồng chí nguyên thủ quốc gia. Đặc biệt lúc này vị trí đứng của Bác ngay bên cạnh chỗ tôi, thân thể Bác sát vào người tôi. Tay phải Bác vẫn giơ cao vẫy vẫy, tay trái Bác để thẳng dọc thân người. Tôi mạnh dạn nắm bàn tay Bác, Bác nhìn tôi mỉm cười, tôi rất bẽn lẽn nhưng vẫn cảm nhận được bàn tay Bác ấm nóng... Trong không khí vô cùng sôi động, Bác ra hiệu im lặng, lập tức tất cả đều im phắc, không một tiếng động. Bác giơ tay chỉ lên mặt trăng, hỏi: Các cháu có biết cái gì sáng kia không? Tất cả đồng thanh thưa Bác đó là mặt trăng đấy ạ! Bác chậm rãi nói: Đúng, đó là mặt trăng, tuy rất cách xa trái đất chúng ta, nhưng Liên Xô đã đưa con tàu vũ trụ lên được mặt trăng. Bác mong các cháu cùng toàn Đảng, toàn dân ta cố gắng học tập, làm việc, chiến đấu để rồi chúng ta cũng lên được mặt trăng, các cháu có đồng ý không? Tất cả hô vang đồng ý, đồng ý, đồng ý… Những lời nói ấy của Bác, tôi ghi nhớ từng ý, từng lời nguyện không bao giờ quên. Và tôi nguyện thề với lòng mình rằng phải hết sức cố gắng học tập, làm việc và chiến đấu để trở thành người tốt, một chiến sĩ tốt của quân đội nhân dân...”.
 
Lặng suy tư trước đoạn văn chân thành và xúc động, tôi buột thốt: - Năm 1988, lãnh đạo Tỉnh đội “chọn mặt gửi vàng” giao bác là chỉ huy trưởng công trình làm thủy điện nhỏ phục vụ sinh hoạt của cán bộ, công nhân Nông trường 22-12 và đồng bào thôn 1, xã Liên Đầm quả không nhầm người. Góp phần đưa điện khí hóa trên cao nguyên, bác đã phần nào thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ rồi! Đọc “cái” ký “Bộ đội làm thủy điện” quả là sướng ran với đoạn miêu tả lễ khánh thành công trình.
 
- Quả là mình cũng rất xúc động khi nhớ tới buổi lễ. - Ngừng lời rồi ông cất tiếng đọc đoạn văn nằm lòng: “… Mới hơn 6 giờ sáng mà bà con đã lục đục kéo tới khá đông, đến 7 giờ thì dọc bờ suối đã kín người, bãi cỏ thường để tập hợp bộ đội cả 100 người còn lọt thỏm thế mà giờ đông nghẹt, không còn chỗ chen chân. Đúng 8 giờ sáng, tôi rút súng ngắn giơ lên trời bắn thì trong nhà điều hành cũng đóng cầu giao. Cùng lúc hàng trăm bóng đèn bật sáng, anh em mở đài phát trên loa rất to và hùng tráng bài Quốc ca. Tự nhiên, không ai bảo ai cũng cất cao bài hát Quốc ca, giữa khung cảnh núi rừng cây lá nổi lên một không khí hào hùng hoành tráng. Mọi người rất xúc động, tiếp đến là từng tràng pháo tay liên hồi...”.
 
*
 
Chia tay vị đại tá - người lính gương mẫu, tiền phong một thời bom rơi, khói đạn cũng như trên “mặt trận” xây dựng hôm nay, tôi nhớ mãi lời bộc bạch của bác Đinh Minh Đảng: “Tuyển “Những nẻo đường chiến tranh” là “đứa con đầu lòng” gồm 16 truyện ngắn và ký nhưng mới có 5 tác phẩm phản ánh về chiến tranh chống Mỹ. Tôi thấy vẫn còn mắc nợ quá khứ, đồng đội… Do vậy, mình đang viết một hồi ký hay gọi là truyện dài cũng được về những năm tháng đi theo Đảng, phục vụ quân đội để đất nước, gia đình có hạnh phúc như hôm nay!”. Vâng, tôi tin đây sẽ là tác phẩm tâm huyết, những trang văn lấp lánh giá trị cao đẹp đối với cuộc sống bởi 50 năm trước khi nắm bàn tay ấm nóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sông Hồng, bác Đinh Minh Đảng đã nguyện không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để “trở thành người tốt, một chiến sỹ tốt của quân đội nhân dân”.
 
Bút ký: ĐAN THANH