Cận ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), ni cô Tịnh Hạnh như có phần bận rộn hơn với những công việc - chăm sóc, bón phân, cắt lá, tỉa khóm…, cho hồng môn thêm rực rỡ. Sư cô nói rằng, những bông hoa đẹp sẽ góp phần tôn vinh tâm hồn và tấm lòng biết ơn của những người con đối với các bậc vua Hùng trong ngày đặc biệt ấy.
Cận ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), ni cô Tịnh Hạnh như có phần bận rộn hơn với những công việc - chăm sóc, bón phân, cắt lá, tỉa khóm…, cho hồng môn thêm rực rỡ. Sư cô nói rằng, những bông hoa đẹp sẽ góp phần tôn vinh tâm hồn và tấm lòng biết ơn của những người con đối với các bậc vua Hùng trong ngày đặc biệt ấy.
|
Sư cô Tịnh Hạnh bên vườn hồng môn của mình |
Dù trời đã sang trưa, đôi bàn tay nhỏ xíu vẫn thoăn thoắt chăm chút cho từng gốc hồng môn. Sư Tịnh Hạnh kể lại, cách đây 8 năm, trong một lần đến thăm một nhà phật tử của chùa, đứng trước thảm hồng môn Tropical, lòng ni cô trào dâng xúc cảm vì sắc đẹp của loài hoa này. Lần ấy, sư Hạnh được tặng hai chậu hồng môn về chưng và chợt nhận ra cuộc sống ở chốn thanh tịnh này cần có những bông hồng môn. Năm 2007, với sự hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm của người phật tử trồng loài hoa đó, sư Hạnh đã mua 500 cây (trị giá 5 triệu đồng) về trồng thử nghiệm.
Dưới bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ni cô, những khóm hồng môn nhanh chóng bén duyên với xứ thanh tịnh này. Thấy loài hoa này dễ sống, phát triển nhanh lại không đòi hỏi kỹ thuật cao như nhiều giống hoa cây cảnh khác, sư cô Tịnh Hạnh mạnh dạn đầu tư 25 triệu đồng nữa mua thêm giống hồng môn Tropical về trồng trên diện tích 1.800m2. Toàn bộ diện tích hồng môn của nhà chùa đều trồng trong nhà lưới, được hạn chế một nửa ánh sáng. Sư cô Tịnh Hạnh lại lắp đặt thêm hệ thống tưới phun sương tự động nhằm đảm bảo độ ẩm cho loài hoa này sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Sư cô cho biết, trồng hồng môn không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng rất cần sự kỳ công. Giá thể trồng hoa làm từ trấu đốt tồn tính, xơ dừa, phân dê ủ hoai trộn đều. Theo ni cô Tịnh Hạnh, giá thể từ trấu đốt tơi, xốp và có chất kiềm, giúp hoa lên màu đỏ đẹp. Đặc biệt, hồng môn rất kỵ phân hóa học, nếu lạm dụng phân này sẽ làm cây vàng lá, chết yểu. Mỗi năm ni cô đều bổ sung trấu, phân dê cho cây để tăng cường chất dinh dưỡng, bởi vậy nên vườn hoa của sư Hạnh quanh năm tươi tốt mơn mởn, đơm bông đỏ rực rỡ.
Nhờ có sự giúp đỡ của một vựa hoa trên địa bàn phường 7, TP. Đà Lạt, mà nhà chùa không phải lo lắng đầu ra của sản phẩm. Vườn hồng môn của sư Hạnh thuần giống Tropical còn gọi là huyết môn, giống cho hoa đỏ tươi, được thị trường ưa chuộng. Sư Hạnh cho biết, từ khi trồng hoa hồng môn, kinh tế nhà chùa đã có sự cải thiện rõ rệt. Với 3.000 chậu hồng môn, vào dịp lễ, tết có giá bán lên tới 15.000 đồng/cành. Ngày thường mỗi cành hồng môn trung bình bán với giá 6.000 đồng/cành. Bên cạnh đó, sư cô còn nhân khóm, bán hồng môn giống. Hiện, mỗi tháng trừ mọi chi phí, nhà chùa thu về không dưới 4 triệu đồng. Số tiền thu được ni cô Tịnh Hạnh dùng để tu bổ, cải tạo chùa và dành một phần giúp đỡ một số hoàn cảnh khó khăn đang cần sự cưu mang. Anh Nguyễn Hữu Vy Khanh ngụ tại 57 Trần Bình Trọng - một người thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà chùa cho biết: “Từ những cân gạo, thùng mì của chùa Viên Quang, các con tôi được ăn no hơn. Tôi cảm ơn tấm lòng từ bi của sư cô”.
Một ni cô khác tại chùa Viên Quang cho biết, vườn môn này như đứa con tinh thần của sư cô Tịnh Hạnh. Xuất phát từ người yêu hoa, sư Hạnh xem hồng môn như một thực thể có linh hồn, sư chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận. Sư có thể ốm đau nhưng nhất quyết vườn hồng môn thì lúc nào cũng phải xanh mướt, khỏe mạnh và đơm bông tươi tắn. Sư Hạnh cho biết, sẽ tích cực giới thiệu mô hình trồng hồng môn đến bà con nông dân, giúp đỡ người trồng về kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo thu nhập cho họ.
Thêm mùa hoa lễ nữa lại về, sắc hồng môn ở chốn thanh tịnh Viên Quang đã nhuộm đỏ, góp phần tạo thêm sự trang trọng trong ngày quốc lễ.
HUYỀN LOAN