(LĐ online) - Di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gồm khu lưu niệm và khu mộ. Từ thành phố Vinh vào gần 60 km, nằm về phía tây, cách Quốc lộ 1A gần 3 km, Di tích Hà Huy Tập là một trong những điểm đến hết sức trân trọng và thiêng liêng trong "hành trình đỏ" giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam mỗi khi hành hương đến vùng "địa linh nhân kiệt" Hà Tĩnh.
(LĐ online) - Di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gồm khu lưu niệm và khu mộ. Từ thành phố Vinh vào gần 60 km, nằm về phía tây, cách Quốc lộ 1A gần 3 km, Di tích Hà Huy Tập là một trong những điểm đến hết sức trân trọng và thiêng liêng trong “hành trình đỏ” giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam mỗi khi hành hương đến vùng “địa linh nhân kiệt” Hà Tĩnh. Đó là Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú ở huyện Đức Thọ - Di tích quốc gia đặc biệt Mười cô gái Đồng Lộc ở huyện Can Lộc - Khu lưu niệm Anh hùng Lý Tự Trọng ở huyện Thạch Hà và Di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở huyện Cẩm Xuyên.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập có diện tích 1.504 m2, tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, quê hương ông. Bao bọc lấy Di tích là những hàng cây xanh mát, không gian yên bình, thoáng đãng…
Ở đây, có một ngôi nhà tranh, vách đất là di tích nguyên gốc của gia đình Cố Tổng Bí thư có từ trước khi Hà Huy Tập chào đời (năm 1906). Ngôi nhà bé nhỏ, giản dị với 3 gian, 2 hồi, đòn tay và rui bằng tre; 2 gian ngoài đặt một cái sập gỗ và 2 tràng kỷ bằng tre, gian trong đặt 1 chiếc giường đôi. Đầu hồi gian trong được chái ra làm nơi nấu ăn. Sân nhà bằng đất, xung quanh dựng gạch đứng, cùng với một số hiện vật của nền văn minh lúa nước như cối, chày, mẹt, mủng…- những kỉ vật thiêng liêng in dấu những tháng năm tuổi thơ Hà Huy Tập bên người mẹ tảo tần và người cha vốn là một nhà nho yêu nước đỗ Cống sinh nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học và bốc thuốc cho dân.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm cùng thiên nhiên và lịch sử nhưng nhờ sự gìn giữ của gia đình và dòng họ nên đến nay ngôi nhà tranh vẫn còn khá nguyên vẹn.
Ở Khu lưu niệm, với Phòng trưng bày hơn 80 bức ảnh cùng hàng trăm hiện vật tái hiện sinh động, du khách sẽ được hiểu rõ hơn những chặng đường về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập. Đó là cặp sách, đĩa men, một số đồ dùng cá nhân; đó còn là các bài báo, các bài lý luận chính trị cách mạng; là bức thư Hà Huy Tập viết cho người em rể Nguyễn Đình Cương trước lúc bị địch xử bắn và các bài báo viết về đồng chí Hà Huy Tập…
Du khách đến với Khu lưu niệm hôm nay còn được chiêm bái tại nhà thờ họ Hà; được rảo bước trên những con đường mềm mại trong khuôn viên để chiêm ngưỡng các cụm tượng… Đây là những hạng mục được xây dựng mới vào năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Rời Khu lưu niệm, du khách đi khoảng 3 km sẽ đến được ngôi mộ của Hà Huy Tập. Sau 60 năm xa cách hài cốt đồng chí Hà Huy Tập đã được tìm thấy và đưa về an táng tại đồi Đồng Lem này, giữa bạt ngàn cây xanh quanh năm vi vu điệu nhạc của gió. Mộ Hà Huy Tập hướng về phía đông, phong thủy hữu tình, thiên nhiên thơ mộng và nằm gần phần mộ 2 cụ thân sinh là Hà Huy Tương và Nguyễn Thị Lộc. Phía sau mộ Hà Huy Tập là dòng chữ “Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động” - câu nói khảng khái, thể hiện khí phách hiên ngang của ông trước khi bị thực dân Pháp kết án tử hình năm 1941.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập được Bộ Văn hoá công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1991.
MINH ĐẠO