(LĐ online) - Thấm thoát đã 15 năm người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn rời cõi tạm. Anh thôi không còn rong chơi trên con đường trần thế ngắn ngủi để đi về phía vạn dăm. Có lẽ nơi ấy vẫn là thong dong để anh du ca với tình yêu, với nỗi buồn trong cõi vĩnh hằng...
Kỉ niệm 15 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
(LĐ online) - Thấm thoát đã 15 năm người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn rời cõi tạm. Anh thôi không còn rong chơi trên con đường trần thế ngắn ngủi để đi về phía vạn dăm. Có lẽ nơi ấy vẫn là thong dong để anh du ca với tình yêu, với nỗi buồn trong cõi vĩnh hằng. Nhưng với hơn sáu mươi năm cuộc đời ngắn ngủi của mình, anh đã để lại những tác phẩm, lời ca như câu kinh cứu rỗi linh hồn người ta trong cuộc sống vốn xô bồ này. Nhạc Trịnh Công Sơn như lời thơ chất chứa những nỗi niềm, những chiêm nghiệm về mọi mặt của đời sống. Trong những lời ca ấy, người ta còn nhìn thấy những bức tranh lãng mạn và hiện thực đan xen, là sự kết nối những vui buồn nhân thế. Và trong muôn vàn những nét vẽ của người nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ này để lại cho đời, người ta luôn thấy thấp thoáng đâu đó những con đường ông đã đi qua, đã trải nghiệm và để lại những âm hưởng đẹp có sức lan tỏa rộng khắp.
Đó là đường của nhân thế mang bóng dáng quê hương
Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng nói: “ Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ bởi ở Sơn, nhạc và thơ quện vào nhau đến độ khó phân định cái nào chính, cái nào phụ và Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của tổ quốc mẹ hiền”.
Là con đường mang hơi thở của cuộc sống có lúc buồn bã với thời cuộc, quê hương đau thương bởi bom đạn chiến tranh, nét vẽ của nhạc sĩ là con đường dài hắt hiu đầy đau đớn:
“Đường phố dài một đường phố dài
Đường phố này một chiều tôi tới
Đi lang thang tôi chào vẫy mọi người
Đường phố cười
Đường phố nào một đường phố nào
Đường phố nào còn nằm che dấu
Cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau
Đường hắt hiu…
Đường phố buồn một đường phố buồn
Đường phố buồn mọi người đi vắng
Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng
Đường im lìm
(Có những con đường)
Nhưng có lúc lại đầy hứng khởi vui tươi mừng quê hương thôi tiếng bom đạn, mừng tự do đã về trên đất mẹ hiền “Đường ta đi mênh mông phố xá bao người quen, bàn chân ta thênh thang những nắm tay reo mừng…” (Đồng dao hòa bình). “Đường phố em về tết cùng hoa quyến luyến. Chồi lá khoe mầm cho đời biết tên” (Thanh phố mùa xuân).
Là con đường mang âm sắc triết lý nhà Phật. Con người , ngay từ khi sinh ra đến khi rời cõi đời, ở hai đầu của con đường trăm năm năm ấy người ta nhìn thấy ngay dưới vành nôi của mình là nấm mộ, cũng của chính mình để là dấu mốc đi về phía vạn dặm. Sống chết là một, chết là một mặt bên kia của sự sống và ngược lại, nó ám ảnh tâm linh trong cõi vô thường. Trong kiếp luân hồi ấy là cuộc đời hiện hữu trên một con đường mà mỗi người đều đã và đang đi : “Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua. Đường về tình tôi có nắng rất la đà. Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ…” (Bên đời hiu quạnh).
Như thế, con đường của nhân loại này đang đi nó không vạn dặm mà lại xa ngái trong cái vòng tròn tái sinh rồi biến mất. Trên con đường ấy, Trịnh Công Sơn đã là người bắt nhịp cho mọi thân phận gần nhau hơn và người ta thấy yêu quê hương mình hơn.
Đường của thân phận và tình yêu
Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời” Thân phận và tình yêu luôn hòa quyện và song hành với nhau, là những bộ phận trong cơ thể mang tên Cuộc đời mà cuộc đời vốn là những con đường buồn. Bởi thấm đẫm và chịu ảnh hưởng nhiều của triết lý Phật giáo, đời là bể khổ, Trịnh Công Sơn cho rằng con người sống đời sống của mình là hoàn thành một kiếp buồn “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Đời sống và tình yêu trong nhạc Trinh Công Sơn là một con đường buồn, hiu quạnh, đơn côi nhưng đầy sâu lắng và nhiều giá trị: “Dưới ngọn đèn một bóng chim qua / Giữa đường đi một người đứng gọi / Có biết gì về ngày chưa tới…”(Cỏ xót xa đưa) hay: “Ôi đường phố dài / Lời ru miệt mài / Ngàn năm ngàn năm / Ru em muộn phiền / Ru em bạc lòng…” (Tuổi đá buồn) hoặc “Những sông trôi âm thầm / Đám rong rêu xếp hàng / Những mặt đường nằm câm / Những mặt người buồn tênh / Sóng đong đưa linh hồn / Có mưa quanh chỗ nằm / Mãi một đời về không / Trong chập chùng thác nguồn" - (Một ngày như mọi ngày)
Cảm nhận về hình ảnh những con đường trong nhạc-họa- thơ của Trịnh Công Sơn người ta như thấy mình đang được đi trên ấy, con đường ấy dành cho mình bước dẫu những bước chân có cô đơn, có buồn bã nhưng là để người ta chiêm nghiệm, đối diện với mọi thứ để hiểu và hóa giải mọi điều. Cũng chính vì thế, dẫu đã đi về trên con đường vạn dăm nhưng người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn mãi mãi là người “Không xa trời và cũng không xa phận người”. (Đời cho ta thế). Ông ở lại mãi trong lòng mọi người trên trần thế.
Đà Lạt ngày 1 tháng 4 năm 2016
Kim Ngân