Hướng về nguồn cội

02:04, 14/04/2016

Hàng ngàn năm nay, truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương tưởng nhớ cha Rồng, mẹ Tiên và 18 đời Vua Hùng đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là nơi mà mọi người dân đất Việt đều hướng về để tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước...

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba…”
 
Câu ca dao như lời nhắc nhớ về nguồn cội, tổ tông đối với bất cứ ai là người Việt Nam (dù sống ở bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì…) và được truyền từ đời này qua đời khác. Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân đất Việt từ miền ngược đến miền xuôi, từ khắp Bắc - Trung - Nam; từ những người đang sống ở đất nước hay những người con sống xa xứ… dù có bận rộn đến mấy đều vẫn nhớ Ngày Giỗ Tổ “mùng Mười tháng Ba”;  hướng về vùng đất cội nguồn - núi Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bằng niềm tôn kính thiêng liêng. 
 
Hàng ngàn năm nay, truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương tưởng nhớ cha Rồng, mẹ Tiên và 18 đời Vua Hùng đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là nơi mà mọi người dân đất Việt đều hướng về để tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong tâm thức người Việt, ngày giỗ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ luôn được coi trọng. Nếu mỗi gia đình, dòng họ có ngày giỗ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình thì trong cộng đồng nước (quốc gia, dân tộc) có ngày giỗ chung - Quốc Tổ Hùng Vương vào ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hằng năm. Đạo đức truyền thống và là nét văn hóa của người Việt Nam là biết ơn sâu sắc và có cách ứng xử đặc biệt đối với các bậc tiền nhân, các thế hệ đi trước có công với dân với nước bằng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây…”.
 
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để mọi người Việt Nam đề cao niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc; từ đó có ý thức làm những việc ích nước, lợi nhà, làm những gì ích lợi cho cộng đồng. Ngày giỗ Tổ cũng là dịp các gia đình quây quần bên nhau, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Gia đình là “chiếc nôi” của tình thương yêu, giáo dục nhân cách cho con người; qua đó giáo dục truyền thống đạo lý nhân ái, biết kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Từ xưa tới nay, Người Việt cho rằng: Cây có gốc, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông, nhà có tổ nhà, họ có tổ họ, làng có tổ làng và vì thế nước có Tổ nước.
 
Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ là cơ sở ý thức tâm linh trực tiếp của sự hình thành lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo đó mỗi người dân Việt Nam đều cùng chung một bọc (đồng bào) do mẹ Âu Cơ sinh ra. 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển mở mang bờ cõi. Vua Hùng là con trưởng tiếp nối 18 đời sự nghiệp của Tổ tiên. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ - Hùng Vương, tuy đượm màu sắc huyền thoại nhưng có cốt lõi hiện thực của văn hóa Đông Sơn. Những chuyện thần thoại, cổ tích thời Hùng Vương cho ta hiểu thêm về phong tục giỗ, tết thời nay. Từ ý niệm về trời, đất, người Việt coi trời là cha, đất là mẹ; từ cha trời, mẹ đất mà có con người. Chàng Lang Liêu - hoàng tử nghèo hiếu thảo, đến ngày tết làm bánh giầy tượng trưng cho trời tròn, bánh chưng cho đất vuông để dâng lên vua Hùng…
 
Trong quá trình phát triển của lịch sử, ý thức về cộng đồng quốc gia, dân tộc ngày càng được bồi đắp, phát triển thông qua lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Thờ cúng Quốc Tổ của người Việt Nam là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tùy gia cảnh, tùy thời mà lễ giỗ Tổ nước được tổ chức đơn gian hay long trọng. Song dù đơn giản hay long trọng cũng đều lấy cái tâm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” làm đầu. Cả cộng đồng dân tộc Việt Nam được củng cố bởi niềm tin chung một cội nguồn “đồng bào”, đều là “con Lạc, cháu Hồng”. Và đó cũng chính là sức mạnh cho dân tộc ta vững vàng trước mọi sự đe dọa của giặc ngoại xâm. Suốt từ thế kỷ XV, XVI đến nay, khi Hùng Vương được coi là Quốc Tổ, ý thức này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam.
 
Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ra quyết nghị công nhận lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là Quốc lễ. Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn nhất và phổ biến trong cả nước. Hiện xung quanh Đền Hùng có hàng trăm làng có đình, đền thờ Vua Hùng và ở nước ta đã có nhiều tỉnh, thành phố lập đền thờ vọng Vua Hùng. Đạo lý hướng về cội nguồn, biết ơn những người có công sinh thành, tạo dựng cuộc sống đối với con người là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Tình yêu quê hương, đất nước được hun đúc, lưu truyền từ đây. Kính hiếu với tổ tiên là kính hiếu với mẹ Âu Cơ, với Vua Hùng “đã có công dựng nước”. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc là giá trị đạo đức quý báu, xuyên suốt và có ý nghĩa định hướng cho cuộc sống của con người Việt Nam trong lịch sử, hiện tại và trong tương lai.
 
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương có từ xa xưa và đã trở thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Thờ cúng Hùng Vương đã và đang có sức lan tỏa mãnh liệt, trở thành chất keo bền chặt gắn nghĩa tình “đồng bào”. Năm 2013 căn cứ vào giá trị văn hóa, UNESCO đã ra nghị quyết công nhận thờ cúng Hùng Vương là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Thờ cúng Quốc Tổ của người Việt Nam là sự thể hiện tập trung nhất, ở cấp quốc gia; đây là nét độc đáo có ý nghĩa nhân sinh ít thấy ở các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Trong tiến trình lịch sử, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là yếu tố nội lực của văn hóa dân tộc, góp phần bồi đắp lòng tự hào, tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
 
Mỗi năm, khi tháng Ba về, câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba…” lại ngân lên trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương còn  nhắc nhở thế hệ hôm nay lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”…
 
Kiều Ninh