Theo quan niệm xưa, diễn tấu cồng chiêng là do đàn ông đảm nhiệm, nhưng nhiều năm qua, dưới chân núi Brah Yàng có một đội cồng chiêng nữ vẫn đều đặn tham dự các sự kiện lớn của địa phương.
Từ lâu, biểu diễn hay diễn tấu cồng chiêng là nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các DTTS Tây Nguyên. Theo quan niệm, việc diễn tấu cồng chiêng là do những người đàn ông đảm nhiệm. Nhiều năm qua, tuy không duy trì sinh hoạt, nhưng mỗi khi có dịp tổ chức lễ hội truyền thống hay các sự kiện lớn của địa phương, Đội chiêng nữ dưới chân núi Brah Yàng (xã Bảo Thuận) đều tham gia biểu diễn rất nhiệt tình.
|
Đội chiêng nữ biểu diễn đánh cồng chiêng. Ảnh: Bùi Trưởng |
Hình thành từ nhóm bạn
Trước đây, trên các buôn làng của người K’Ho Sre ở Di Linh thường xuyên tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống, đặc biệt là lễ hội Nhô lềr bong (hay còn gọi Mừng lúa mới, là Tết của người K’Ho) và đây được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của người K’Ho. Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình mà người K’Ho tổ chức lễ hội này theo qui mô lớn hay nhỏ, con vật hiến tế cho thần linh là con lợn hoặc con trâu. Nếu tổ chức lễ ăn trâu (gọi là Nhô dơng…), công tác chuẩn bị kéo dài từ 1 - 3 tháng. Từ khi định ngày chính thức khai lễ, gia chủ thường đến từng nhà trong buôn để tuyển chọn những chàng trai, cô gái về phụ giúp mọi công việc cho gia đình (người K’Ho gọi là “rê jồm”).
Bà Ka Hôn ở thôn Ka La Tô Krềng, xã Bảo Thuận, cho biết: “Hàng năm, ở buôn làng ngày xưa thường xuyên tổ chức lễ hội truyền thống. Các cô trong đội chiêng nữ này tiếp cận, làm quen với cồng chiêng cũng từ hồi đó, từ khi mới lên 17, 18 tuổi. Vì là nhóm bạn cùng trang lứa, thân thiết với nhau và được các gia chủ mời về giúp việc, nên hễ có nhà nào trong buôn có tổ chức lễ hội là các cô đều tham gia tập tành, nhờ người đi trước hướng dẫn, bày cách đánh và dần dần cảm thấy đam mê. Từ đó, tiếng trống, tiếng chiêng như đã ngấm vào máu thịt và là món ăn tinh thần không thể thiếu cho đến hôm nay”.
Đội chiêng gồm có 6 thành viên và có thể biểu diễn được từ chiêng 2, chiêng 3, chiêng 4 và chiêng 6. Trong 21 bài diễn tấu cồng chiêng phổ biến của người K’Ho ở thể loại chiêng 6, như “Tơt dròng dròng”, “Dut dùng dut”, “Têh drơn drơn”… thì các thành viên trong đội đều biết đánh một cách nhuần nhuyễn đến 17 bài. Hiện tại, có nhiều bài chiêng các thành viên trong đội cũng có thể biểu diễn chung với những người đàn ông. Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, giỏi múa xoan mà họ còn là những người đi đầu, chỉ dẫn cho các thiếu nữ ở địa phương các điệu múa xoan truyền thống.
Tuy đã hơn 30 năm nay, các thành viên trong Đội chiêng nữ ở xã Bảo Thuận ít tiếp xúc, giao lưu sinh hoạt đánh cồng chiêng nhưng mỗi khi có dịp biểu diễn họ vẫn đánh các bài chiêng một cách thuần thục. Bên cạnh đó, họ luôn chú trọng đến các loại trang phục biểu diễn bằng cách tự góp kinh phí để đặt mua, trang phục có khi kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, phù hợp với độ tuổi và tạo nên một nét rất riêng… Qua đó, mong muốn bà con ở đây nhất là thế hệ trẻ cần nâng cao nhận thức, biết trân trọng, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.
Có nguy cơ thất truyền
Do quan niệm, việc biểu diễn đánh cồng chiêng là do những người đàn ông đảm nhiệm, nên từ xưa đến nay ở các thôn đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Di Linh rất hiếm có đội chiêng nữ tham gia tập luyện, biểu diễn trong các dịp lễ hội truyền thống.
Cũng theo các thành viên của đội, đội cũng muốn có thêm người gia nhập đội chiêng, truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu để sau này có những lớp kế cận nhưng cái khó khăn lớn nhất hiện nay là đội không có chiêng để tổ chức các buổi sinh hoạt và truyền dạy. Một số người chỉ biết đánh cơ bản, không có điều kiện sinh hoạt, giao lưu, học hỏi, nên họ cũng ngần ngại và không đủ tự tin để gia nhập đội chiêng.
“Khó khăn của Đội chiêng nữ ở Bảo Thuận là không có chiêng để đánh. Mỗi khi có dịp đi biểu diễn, các thành viên trong đội thường hay đến từng nhà bà con để mượn từng chiếc chiêng. Muốn truyền dạy để có thế hệ kế cận nhưng không làm được, mượn chiêng của bà con lỡ các cháu làm chiêng bị hư, bị bể hoặc lạc âm thì lấy đâu mà đền. Giờ chỉ mong chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện bằng cách nào đó để chúng tôi truyền dạy cho thế hệ trẻ biết đánh cồng chiêng, góp một phần lưu giữ nét văn hóa của ông bà tổ tiên” - bà Ka Hép, thôn Ka La Tô Krềng nói.
Tuy đã ngoài tuổi 60 nhưng các thành viên trong đội cồng chiêng dưới chân núi Brah Yàng vẫn luôn ấp ủ, đam mê được biểu diễn cồng chiêng. Qua những lần diễn tấu cồng chiêng, họ luôn thể hiện bằng sự khát vọng, niềm đam mê của mình để truyền lại nguồn cảm hứng cho cộng đồng. Tuy nhiên, khi trở về với cuộc sống thường nhật, họ thường hay ưu tư, luôn trăn trở vì tuổi tác đã cao mà đến nay vẫn chưa đào tạo được đội ngũ kế cận và đến một lúc nào đó Đội chiêng nữ ở Bảo Thuận sẽ bị thất truyền, điều đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
NDONG BRỪM