Tây Nguyên trong "Nơi ngày đông gió thổi"

08:05, 12/05/2016

Nơi ngày đông gió thổi là bài thơ dài tôi viết về Tây Nguyên, nơi tôi sống và gắn bó đã hơn 20 năm nay. Một vùng đất kỳ lạ. Nắng bụi. Mưa bùn. Cây cỏ. Gió. Côn trùng. Tất cả đều có gì đó hoang dã, khắc nghiệt nhưng lại rất đẹp đẽ và lôi cuốn. 

Nơi ngày đông gió thổi là bài thơ dài tôi viết về Tây Nguyên, nơi tôi sống và gắn bó đã hơn 20 năm nay. Một vùng đất kỳ lạ. Nắng bụi. Mưa bùn. Cây cỏ. Gió. Côn trùng. Tất cả đều có gì đó hoang dã, khắc nghiệt nhưng lại rất đẹp đẽ và lôi cuốn. Tôi đã viết về những điều đó bằng những ám ảnh và những rung cảm thật sự của bản thân mình... Một Tây Nguyên không chỉ có cồng chiêng, thổ cẩm, rượu cần mà còn có những thay đổi sống động của thiên nhiên, đất trời qua từng thời điểm và tình yêu, những buồn vui, được mất của những con người nhỏ bé, lương thiện nơi này”.(Đinh Thị Như Thúy)
 
“Nơi ngày đông gió thổi” - tác phẩm đoạt giải nhất Thơ Làng Chùa lần hai, năm 2012, với chủ đề “Thơ ca và nguồn cội” (cuộc thi tổ chức 3 năm một lần trên phạm vi toàn quốc) của Đinh Thị Như Thúy là một bức tranh sống động về Tây Nguyên, nơi đó con người giao hòa với thiên nhiên bằng sự rung cảm mãnh liệt của cảm xúc và cảm giác. Dù vùng đất Tây Nguyên không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng nó lại là nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ Đinh Thị Như Thúy hiện công tác tại Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng. Như chị tự nhận: “Tôi thường nghĩ nếu không gắn bó với mảnh đất này, có lẽ tôi đã không viết. Tây Nguyên cho tôi năng lượng, cho tôi tâm trạng, cho tôi sự cô đơn cần thiết để tôi có thể sáng tạo”. 
 
Tây Nguyên hiện lên trong thơ Đinh Thị Như Thúy như một không gian thẩm mỹ riêng, ở đó các thi ảnh mang tính biểu tượng được diễn đạt với mạch cảm xúc chân thật đến lạ thường. 
 
Trong mê đắm nàng lắng nghe những ngọn gió. Những ngọn gió đang rượt đuổi nhau. Mê mải. Không khởi đầu không kết thúc. Những ngọn gió như ngựa hoang. Ngùn ngụt suốt ngày suốt đêm. Cứ phía trước mà phi mà lồng lộn sải vó.
 
Mỗi ngọn gió ào ạt kể một câu chuyện. Những câu chuyện về những con người phiêu lưu mê dại tìm thấy nhau ở khát vọng tự do.
 
Thi ảnh Gió trở thành khởi điểm cho cảm xúc thăng hoa, mạch thơ dâng trào. Gió như một biểu tượng lặp đi lặp lại xuyên suốt trong tác phẩm:
 
Ứa nước mắt cho ngày xa. Những ngọn gió đang đi qua. Không ngọn gió nào dừng lại. Không ngọn gió nào. Không con người nào. Không ai cả.
 
Đó là ngày gió nhiều nhất trong mùa gió năm nay. Từ nửa đêm gió đã nao nức réo gọi, tiếng gió nghe rền vang như tiếng sấm xa. Lúc mờ sáng những cây lá khắp chốn đã rung lên theo đường đi của gió. Và suốt buổi ban mai trên các vòm cây những cơn gió lướt qua miên man không ngưng nghỉ.
 
Đến trưa đã không còn những cơn gió nhẹ nhàng mơn man. Chỉ tràn ngập những cơn gió bất ổn nổi loạn.
 
Gió uốn cong bẻ gãy vứt ném tất cả những thực thể cản đường để chứng minh sự hiện hữu của nó. Các mái nhà rung lên kêu răng rắc dưới sức nặng của gió. Cây cối oằn người chống đỡ. Gió gầm gào rú rít kêu thét ghê rợn. Gió tước đoạt từng chút một hơi ấm trên mỗi thân thể con người. Những thân người trần trụi lạnh lẽo tím tái khô héo bấn loạn vì gió. Gió lướt qua để lại bao nhiêu tan hoang kinh hãi sau lối đi của mình.
 
Lời thơ ăm ắp, hòa điệu, tiếp nối. Những hình ảnh Tây Nguyên lần lượt phô diễn không chút sắp đặt:
 
Một góc đồi núi Dak Song. Hoang dã lạnh lẽo và rực cháy những dã quỳ nồng nàn dâng hiến.
 
Nàng thở.
 
Những đồi dã quỳ đẹp đến mức có thể lẩn vào đó mà chết. Những đồi dã quỳ mạnh mẽ đến mức có thể tan rã vào đó mà không để lại chút dấu vết nào.
 
Và:
 
Cà phê đang chín. Trái bầm đỏ như máu ứa trên những nhánh cành xanh xanh.
 
Đất trong vườn đã khô đi và tơi ra thành bụi dưới những gót chân sần nẻ.
 
Bụi đất chờ đợi.
 
Cỏ cây chờ đợi.
 
Lòng người chờ đợi.
 
Những hạt bắp giống ủ đâu đó chờ đợi.
 
Những bào tử của các loài nấm từ mùa trước lửng lơ đâu đó chờ đợi.
 
Những ấu trùng căng thẳng nghe ngóng chờ đợi trong bóng tối thăm thẳm của ngóc ngách đất đai.
 
Những ngọn gió muộn đang rập rình sửa soạn. Bụi đất chờ đợi để nương theo gió mà đi. Những cái cây không đi được vì chùm rễ quấn chặt thì chuẩn bị gửi theo gió những chiếc lá nhẹ tênh. Những chiếc lá đã mất hết màu diệp lục.
 
Người đàn bà thở.
 
Ra đi là khát khao rồ dại nhất. Cũng là khát khao mãnh liệt nhất. Của tất cả giống loài ở xứ sở này.
 
Một đóng góp đáng ghi nhận của Đinh Thị Như Thúy là bài thơ văn xuôi mang tính chất của tùy bút thơ. Nằm trong vòng ảnh hưởng của dòng chảy đổi mới thơ hiện đại, nhưng thơ văn xuôi của Đinh Thị Như Thúy có giọng điệu riêng, ít lẫn vào thơ người khác. Đọc bài thơ này, có cảm giác như trực diện nghe giọng Huế dịu ngọt của chị, dịu ngọt mời gọi và khơi gợi trong lòng người nghe những tưởng tượng mông lung dịu vợi.
 
Thiên nhiên được chị vẽ nên với những đường nét tinh tế của một tư duy thơ nhạy bén, sắc sảo. Tác giả rất giỏi quan sát và cảm nhận, từ đó nảy sinh những tứ thơ rất gợi và biểu cảm. Chị lắng nghe những chuyển động, nhìn bằng sự trải nghiệm của một người thiết tha với cuộc sống. Từ những chuyển động của vạn vật, chúng ta có thể thấy được nguồn mạch cảm xúc đa dạng trong tâm hồn chị. 
 
Tây Nguyên hiện lên, không chỉ bằng màu sắc, mà tràn ngập đường nét sinh động với những mái nhà:
 
Và nàng thấy mủi lòng trước những ngôi nhà dúm dó trong cái xóm nhỏ này. Những ngôi nhà nhỏ xíu trống hoác, với những áo quần rách rưới cũ mèm vắt dọc dây phơi căng dài trước sân. Nhìn vào áo quần và sự xập xệ mủn nát của những ngôi nhà, có thể hình dung cuộc sống của những con người sống ở đây.
 
Rõ ràng cuộc sống ở rất nhiều nơi cứ hiện hữu như một tồn tại khốn khổ.
 
Nhưng họ vẫn sống.
 
Với con người và mùa vụ, mùa chị gọi tên là “mùa ly hương”- mùa của những phận người làm thuê được chị khắc họa giàu nỗi niềm trắc ẩn:
 
Và vì thế mới có mùa ly hương.
 
Và vì thế vào mỗi buổi sáng khi trời còn mờ tối trên những chiếc xe máy cày chạy ầm ĩ theo các con đường vào rẫy đầy ắp những người đàn ông và những người đàn bà.
 
Họ đứng bên nhau cùng những găng tay bảo vệ, những giày ba ta lao động, những mũ nón, những khăn bịt mặt, những vải bạt, rổ rá, bao tải.
 
Họ đứng bên nhau tỏa hơi nóng ngùn ngụt sưởi ấm nhau.
 
Họ trò chuyện với nhau bằng lời lẽ đôi khi thô bạo đôi khi tục tĩu.
 
Họ táo tợn cấu véo nhau.
 
Họ hồ hởi thách thức nhau.
 
Họ quàu quạu trách móc nhau.
 
Những khuôn mặt lạ.
 
Những giọng nói lạ.
 
Những đôi mắt lạ.
 
Họ đến từ đâu?
 
Họ tìm kiếm điều gì?
 
Họ lạ lẫm ngơ ngác ban đầu rồi nhanh chóng hòa vào đám đông lầm lụi.
 
Tây Nguyên không chỉ còn âm vang “sử thi” hùng tráng, không chỉ là vùng đất hùng vĩ thơ mộng với những giá trị văn hóa đã đem lại cho nó vẻ đẹp riêng khác biệt, Tây Nguyên trong thơ Đinh Thị Như Thúy giản dị được soi chiếu bằng chất liệu đời sống: “Nhắm mắt. Nàng nhìn thấy bên cạnh nàng những người đàn ông lái xe máy cày, những đứa trẻ con đi mót cà phê, những người đàn bà có đôi gót chân sần nẻ và đôi bàn tay xây xát mùa màng, những người ly hương làm thuê, những người trẻ chán chường, những ngọn gió hoang, những cánh chim theo mùa di trú, những dã quỳ bất ổn, những cỏ lau, những chiếc lá, những bụi đất, những côn trùng”.
 
Sự liệt kê tiếp nối những liên tưởng bất tận, cái nhìn đa chiều về hiện thực cuộc sống đã ghi một dấu ấn đậm nét, làm nên sự thành công của bài thơ.
 
Tác giả sử dụng những câu thơ co duỗi linh hoạt, nhịp thơ buông lỏng, hướng về sự lắng đọng, âm vang của ngữ nghĩa giữa các từ ngữ. Nhịp thơ cuộn chảy theo diễn biến của tâm trạng và sự suy ngẫm của chủ thể trữ tình.
 
Sức gợi và sức ám ảnh thơ chị nằm ở chiều sâu ngữ nghĩa ngôn từ với sự chuyển động, va đập của hình tượng thơ.
 
Giọng thơ Đinh Thị Như Thúy tự nhiên tuôn chảy như tiếng vọng của tâm hồn chị, mà ở đó tình yêu Tây Nguyên không thể tách rời.
 
HỒNG THỦY TIÊN