Đó là thành ngữ Thằng chết cãi thằng khiêng. Nó ra đời trên đất Hà Thành xưa và đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc.
Đó là thành ngữ Thằng chết cãi thằng khiêng. Nó ra đời trên đất Hà Thành xưa và đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc.
Sự độc đáo của thành ngữ Thằng chết cãi thằng khiêng là ở chỗ nghe rất vô lý. Người chết rồi thì thở cũng tắt ngấm nói chi đến phát âm. Chết mà nói được đã là kỳ dị, ở đây sự thể lại phát triển đến mức nói có tư duy sâu, có lý có lẽ. Đó là cãi. Cãi nhau với cả những người đang khiêng xác của mình...
Theo tiền nhân truyền lại, thành ngữ Thằng chết cãi thằng khiêng bắt nguồn từ sự việc xảy ra vào thời kỳ thủ đô Hà Nội ngày nay, mang tên gọi “Kinh thành Thăng Long”, tức là ở các triều đại Lý, Trần.
Hồi ấy, cứ vào những ngày gần tết, nhất là đêm ba mươi, bọn lưu manh lại giở mánh khóe kiếm tiền. Chúng cho một thằng nằm lên cáng, giả vờ là kẻ chết đường chết chợ rồi cùng nhau khiêng đến những phố buôn bán sầm uất như Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Ngang, Cầu Gỗ... Chúng đặt cáng trước các cửa hàng và xin tiền. Chủ cửa hàng, nhất là các bà các cô, phần vì mê tín, phần vì muốn chúng mau mau khiêng nhau đi để khách còn vào mua hàng, nên đành phải nhanh chóng cho chúng tiền.
Được tiền, bọn lưu manh chia nhau. Cái tâm đã không sáng thì sự ăn chia đâu có công bằng! Thế là cãi nhau. Những đứa khiêng thì cho rằng mình vất vả nên phải được phần nhiều. Đứa nằm giả vờ chết trên cáng, không vất vả gì thì lại cho là mình có công hơn cả, vì không có thằng “chết” thì làm sao thằng sống có cớ để xin tiền! Thằng “chết” còn nghi ngờ rằng, trong lúc nó nằm trên cáng, bọn khiêng cáng đã câu kết với nhau bày trò gian lận, bớt xén, tư túi... Cứ thế, chúng cãi nhau cho đến lúc năm mới khởi điểm thì tự giải tán, vì sợ “dông”.
Câu Đêm ba mươi Tết, thằng chết cãi thằng khiêng ra đời từ đó. Theo thời gian, nó đã đi vào kho tàng “lời ăn tiếng nói” của người Việt với thành ngữ Thằng chết cãi thằng khiêng. Đây cũng là sự đặc sắc của câu thành ngữ này, ở chỗ cái vô lý về mặt miêu tả sự kiện lại trở nên khả dụng về mặt phản ánh đời sống xã hội. Đã qua biết bao năm tháng, trong cuộc sống của con người vẫn cứ tồn tại một hiện tượng ngược đời: Có những người không biết nhưng không chịu “dựa cột mà nghe”, ngược lại, cứ hay cãi lại người biết hơn. Có những người kém hiểu biết lại cố tỏ ra am hiểu hơn người uyên bác, nhiều kinh nghiệm. Vì lẽ đó, thành ngữ Thằng chết cãi thằng khiêng vẫn được sử dụng nhuần nhị trong những trường hợp tương ứng, mặc dù thời gian có thể làm cho người ta quên đi hoặc không biết đến câu chuyện về mánh khóe làm tiền của bọn lưu manh ngày xưa.
PHẠM XƯỞNG