Đốm lửa hồng

08:01, 27/01/2017

Quán cà phê Tùng trên dốc Hòa Bình, nơi giới văn nghệ, trí thức và du khách thường đến lặng lẽ bên phin café tí tách nhỏ giọt, lặng lẽ ngắm phố xá, dòng người qua lại hay nhỏ nhẹ đàm đạo, trao đổi những câu chuyện thế sự. 

Quán cà phê Tùng trên dốc Hòa Bình, nơi giới văn nghệ, trí thức và du khách thường đến lặng lẽ bên phin café tí tách nhỏ giọt, lặng lẽ ngắm phố xá, dòng người qua lại hay nhỏ nhẹ đàm đạo, trao đổi những câu chuyện thế sự. Thi thoảng có người hướng ánh mắt chú mục suy tư đôi bức tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường đã nhuốm màu thời gian. Nét độc đáo của quán là chỉ du dương, dìu dặt thanh âm độc tấu những tình khúc của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Chả là những năm sáu mươi thế kỷ trước, để trốn quân dịch, Trịnh Công Sơn rời Huế vào học Sư phạm Quy Nhơn rồi lên cao nguyên dạy một trường tiểu học ở thị xã B’Lao (nay là thành phố Bảo Lộc). Thời đó, ngày nghỉ cuối tuần hay có khi trọn mấy tháng hè, ông bắt xe đò lên Đà Lạt ngao du với anh em văn nghệ. Ông từng kể về duyên nợ của mình với ca sĩ Khánh Ly nổi danh: Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó cô chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly… Không hay, xưa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường ngồi góc bàn nào trong quán này. Không gian vang lên chầm chậm, tha thiết ca khúc “Ru đời đi nhé” với thanh âm ngọt lịm ca từ “Ngoài phố mùa Đông/ Đôi môi em là đốm lửa hồng/ Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than/ Chân đi nằng nặng hoang mang/ Ta nghe tịch lặng rơi nhanh dưới khe im lìm/ Ru đời đi nhé/ Ôi môi ngon này giữa trần gian…”. Chia tay tạm biệt nhóm bạn thân, Nguyễn khoác lên vai chiếc xắc vải dày cộp: - Về sau nhé, mình phải vào hồ Tuyền Lâm có công việc!
 
- Thứ Bảy mà! Tưởng hẹn hò… Tham công tiếc việc vừa thôi, ông hâm quá! Cứ đà này, chắc suốt đời sô-lô đấy!
 
Khu du lịch hồ Tuyền Lâm được Bộ VH-TT xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh năm 1998. Hiện có 37 dự án du lịch trong và ngoài nước được triển khai, trong đó có 8 dự án đi vào hoạt động. Đến nay, Khu du lịch đã xây dựng xong hạ tầng giao thông chính. Để thuận lợi trong kinh doanh, giao dịch, quảng bá và tiếp thị các nhà đầu tư, hệ thống giao thông mới xây dựng trong Khu du lịch cần thiết phải có tên đường chứ không thể mang những cái tên trong hồ sơ như lô mấy, tiểu khu bao nhiêu, thuộc phường 4 hay phường 3, thành phố Đà Lạt được. Vì vậy hơn tháng nay, Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm giao cho Nguyễn làm đề án đặt tên cho 6 đoạn đường dài gần 22 km trong khu vực hồ để trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt trong kỳ họp tới. Mặt khác, Khu đang làm hồ sơ để trình công nhận là Khu Du lịch quốc gia. Công việc quá gấp nên thôi cũng chẳng tiện giải thích. Nở nụ cười hiền hậu, Nguyễn bước nhanh ra khỏi quán café Tùng.
 
Minh họa: P.Nhân
Minh họa: P.Nhân

Chiếc xe máy chầm chậm đưa Nguyễn dạo các ngả đường nội bộ chưa được đặt tên, lại thêm vòng khép kín quanh hồ, rồi dừng lại trên đập tràn Tuyền Lâm. Anh xuống xe, tới lan can đập lôi bản vẽ quy hoạch Khu du lịch đăm chiêu: Đặt tên đường theo danh nhân, lịch sử hay đặc trưng từng khu vực? Nếu danh nhân thì đã có đường Trần Thánh Tông nối từ cầu An Bình tới Thiền viện Trúc Lâm, văn hóa - lịch sử có Trúc Lâm Yên tử từ đường đèo Prenn vào trung tâm hồ dẫn tới Thiền viện Trúc Lâm. Trong nhóm tư vấn có người nêu ý tưởng đặt tên theo lịch sử cách mạng như là Đường Núi Voi. Nghĩ vậy, anh hướng nhìn về dãy núi nằm phía Nam. Núi Voi là dãy núi hùng vĩ chạy theo hướng bắc nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Đứng từ Cầu Đất, núi Langbian nhìn về dãy núi này trông giống một đàn voi xoay đầu ra các hướng và núi cao nhất trông giống hình Voi đang in bóng mặt hồ. Nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ từng là căn cứ kháng chiến của Thị ủy Tuyên Đức - Đà Lạt… Cúi xuống tấm bản đồ, anh gạch một nét đỏ con đường bên tay phải. Đoạn này dự kiến là Đường Suối Tía (trại từ âm tiết người K’Ho bản địa, Đạ Tia là dòng suối). Đạ Tia bắt nguồn từ những con suối nhỏ phía Nam thành phố Đà Lạt chảy qua thác Bảo Đại, thác Đatanla, chảy xuống suối Đạ Tam và đổ về sông Đa Nhim, khi đắp đập giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tạo nên hồ Tuyền Lâm. Ý tưởng cũng không tồi, lại có đoạn đường mang tên Thông đỏ. Đây là một loài cây đặc hữu của Đà Lạt - Lâm Đồng và của Việt Nam. Thông đỏ có tên khoa học là Taxus wallichiana thuộc họ Thanh tùng - Taxaceae, là loài cây bụi hay cây thân gỗ nhỏ nhiều cành, phân bố tại hẻm núi các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và TP Đà Lạt. Thông đỏ là loại dược liệu quý. Cây rất hiếm và khó trồng, ở Đà Lạt hiện chỉ có chưa tới ngàn cây… Những loại thuốc chữa ung thư được chiết xuất từ cây Thông đỏ do Pháp và Mỹ sản xuất đã có mặt trên thị trường từ năm 1994 với giá vô cùng đắt. Trong nước vẫn chưa sản xuất được trong khi Thông đỏ Lâm Đồng là loại đặc biệt quý hiếm, có hàm lượng hoạt chất cao bậc nhất thế giới.
 
Lan man với Thông đỏ, chợt Nguyễn buông tiếng thở dài, anh ngồi xuống bên vệ đường, ánh mắt thẫn thờ ngước nhìn những vầng mây trắng đang lơ lửng bay trên vòm trời xanh ngắt. Đã hơn năm nay, mình và Loan không liên hệ với nhau. Cô ấy thế nào nhỉ? Chắc Loan tự ái, giận mình lắm! 
 
                                        *
 
Sân bay Liên Khương hai năm trước, Nguyễn bồn chồn, liên tục ra vào cửa phòng chờ để tìm chỗ hút thuốc lá. Lòng anh nóng như lửa đốt. Có nên ra Hà Nội không? Vì thấy Nguyễn chần chừ, e ngại nên Loan muốn đặt anh vào tình thế không thể trì hoãn bằng cách đã đặt vé cả chuyến ra chuyến vào. Cô liên tục háo hức rằng đã liên hệ nhờ Vụ Tổ chức bố trí ngày giờ cho anh gặp lãnh đạo. Phải ra, phải nói rõ ngọn ngành với Ban Giám đốc Viện. Công lao mình mấy năm nghiên cứu, bây giờ bị người ta giành mất, bị gạt ra khỏi cuộc chơi mà cam chịu, không lên tiếng... Nam nhi Đà Lạt đúng là “quân tử Tàu”! Nguyễn và Loan công tác chung một Viện, Loan ở Hà Hội, Nguyễn thuộc phân viện Đà Lạt. Hai người biết và thân nhau qua những lần anh ra Hà Nội hay Loan vào công tác. Tình cảm trên mức đồng nghiệp đang chớm nở, với riêng Nguyễn, anh có cảm giác như người mất hồn, tâm trí xao động mỗi khi nhớ tới thiếu nữ phố cổ Hà Nội. Bạn bè bảo “Cậu trúng mũi tên của thần Tình yêu do nàng Loan buông cung rồi”! Phân viện gần đây được giao nhiệm vụ nghiên cứu về cây Thông đỏ, tìm cách chiết xuất taxos - một chất có thể trị ung thư. Việc thành công sẽ mở ra nhiều triển vọng cho y tế Việt Nam trong việc điều trị ung thư vú và ung thư phổi, vốn đang sử dụng thuốc ngoại nhập rất đắt tiền. Trong nhóm nghiên cứu có anh, công việc gần hoàn thành thì do không đứng về phe sếp để bao biện cho những sai phạm của ông ta trong quản lý kinh tế, Nguyễn bị phân công sang một lĩnh vực chẳng liên quan đến chuyên môn là thạc sĩ công nghệ sinh học. Sống nội tâm, bản tính đa cảm, anh chán nản và tâm trạng tựa con thuyền chòng chành, mất phương hướng. Tâm sự với Loan, cô sốt sắng giục anh phải lên tiếng, phải bảo vệ mình... Ra Viện làm đơn tố giác mình bị trù dập ư? Nguyễn không muốn điều đó, ngại bị hiểu sai mà ông sếp thì “ba đầu sáu tay”, đối đầu với ông dễ trở thành giai thoại “con kiến kiện củ khoai”, coi chừng bẻ nạng chống trời. Thế nhưng Loan đã thể hiện sự lo lắng, quan tâm tới mình, lẽ nào không nghe theo Loan...  Không được, cần thiết thì mình cùng đồng nghiệp làm sáng tỏ vụ việc ngay tại phân viện… Nhân viên Vietjet Air thông báo chuyến bay phải chậm nửa tiếng nữa. Lòng Nguyễn lại càng rực như than hồng... Chờ đợi và gần sát giờ bay theo dự báo, Nguyễn quyết định không ra Hà Nội, xách va ly tính tới báo với nhà ga thì nghe thông báo chuyến bay không thực hiện được bởi lý do thời tiết. Quý khách nào muốn tiếp tục bay thì đăng ký cho ngày hôm sau, khách nào không đi mời đến quầy phục vụ của hãng nhận hoàn lại tiền... Lên tắc xi về Đà Lạt, Nguyễn thở phào, lòng nhẹ nhõm như trút được hòn đá tảng. Anh nghĩ quyết định không ra Hà Nội là sáng suốt... Nguyễn điện thoại thông báo với Loan việc chuyến bay bị hoãn.
 
- Vậy ngày mai, anh bay chuyến mấy giờ để em đón!
 
- Thôi không đi đâu. Ra để phân bua, tố cáo, thấy mình hèn lắm! 
 
- Anh nói thật không?
 
- Em không hiểu anh sao?
 
Im lặng, đầu dây bên kia nghe gấp gáp tiếng thở dài, Loan nghẹn ngào: - Có lẽ em không hiểu anh! Anh đã quyết thì hãy theo ý mình... Thật vô duyên, sao em lại cứ can thiệp vào chuyện của anh nhỉ?
 
Thổn thức rồi Loan tắt máy. Nguyễn gọi lại, chỉ nghe tiếng ò e...
 
Triền miên với dĩ vãng, chợt Nguyễn nghe điện thoại reo.
 
- A lô, tôi, Nguyễn nghe đây!
 
- Nguyễn không nhớ à! Khánh đây, Khánh Lavander!
 
- Ở Hà Nội hay Đà Lạt? Lâu ngày không gặp. Dự án đầu tư mở điểm du lịch trồng và cho du khách ngắm hoa Lavander, chế biến dược phẩm, nước hoa trong Khu Tuyền Lâm có hanh thông không? 
 
- Được cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi! Bọn mình vào gặp ông để tính chuyện triển khai dự án!
 
- Khánh đang ở đâu?
 
- Làng Bình An. Nhâm nhi café, ngắm mặt hồ! 
 
- OK! Tôi cũng ở gần đó. Dăm phút là mình có mặt! 
 
Gấp vội cuốn sổ tay, Nguyễn loáng thoáng nhìn thấy hàng chữ ghi dự kiến đặt tên đường mà các ngành giao thông, văn hóa, tài nguyên - môi trường gợi ý: Pensé, Cẩm tú cầu, Forgetminot, Mimosa, Trạng Nguyên,… Anh chợt vò mái tóc xoăn dài bồng bềnh, vỗ đầu bồm bộp bởi ý nghĩ vừa ập đến: Lavander! Mình gần 2 năm tham vấn Ban quản lý Khu tổ chức trồng được khoảng 25 ha hoa Mai anh đào ven hồ để chuẩn bị tỉnh tổ chức Lễ hội hoa Anh đào đầu Xuân 2017. Tại sao không phải những con đường mang danh các loài hoa độc đáo, nổi tiếng của Đà Lạt như Tường vi, Đỗ quyên, hoa Hồng…! 
 
                               *
 
Nguyễn và Khánh ôm nhau thắm thiết như đôi bạn tri kỷ. Khánh là dân khoa học từng đi nghiên cứu sinh chuyên ngành hóa dược ở Pháp. Dân Hà thành thanh lịch song cũng rất sôi nổi, giàu đam mê sáng tạo, về nước được đôi năm, Khánh ngược lên Sa Pa dày công sưu tầm các loài cây thuốc quý. Thấy Tây Bắc là vùng nguyên liệu phong phú, đa dạng và có nhiều dược liệu quý, bài thuốc cổ truyền độc đáo, anh cộng tác với Hãng Dược Traphaco mở cơ sở nghiên cứu, sản xuất dược phẩm. Để nhà máy sản xuất dược phát triển tốt, Khánh và các cộng sự bám làng, bám bản tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng cao trồng dược liệu cung ứng cho cơ sở, nhất là mở rộng diện tích cây Artichaut du nhập từ thời Tây, xưa nay chỉ mọc quanh quất bên hàng rào thì gần đây đã trở thành sản phẩm hàng hóa giá trị cao. Nhiều người dân Sa Pa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… nhờ Tiến sĩ Khánh mà thoát nghèo từ trồng cây dược liệu. Năm trước, anh vào Đà Lạt lập dự án thuê đất trồng hoa Lavander. Gặp Nguyễn, quý mến ông bạn đồng niên say mê khoa học, trung thực và nghe nói thất thời lỡ vận nên đầu quân về làm trưởng phòng nghiệp vụ của Ban quản lý Khu Du lịch Tuyền Lâm, Khánh thấy giữa hai người có sự tri âm tri kỷ. Lần gặp đầu, Khánh hào hứng chia sẻ: Ở Pháp, tôi thấy hoa Lavander là loài hoa quý, nổi tiếng với màu tím thơ mộng. Hoa không chỉ đẹp, mà còn có đến hàng trăm lợi ích khác nhau. Từ xưa, Lavander được ví như thứ thảo dược của tình yêu. Hoa dùng làm thuốc an thần, chất kháng khuẩn, dùng làm gia vị trong nấu nướng, kem dưỡng da, nước hoa… Tôi sẽ trồng hàng chục ha hoa Lavander, loài hoa quý phái của châu Âu. Đến mùa hoa, ông sẽ thấy du khách nườm nượp đổ về chiêm ngưỡng, đua nhau đưa hình ảnh lên facebook. Không “phiêu” đâu ông ạ, rất thực tế đấy! Từ hoa sẽ chế biến ra các dược phẩm, mỹ phẩm đang được ưa chuộng trên thị trường. Sẽ có một nhà máy hiện đại sản xuất dược phẩm không chỉ từ Lavander mà tham vọng sẽ phát huy công dụng nhiều loài hoa quý của thành phố ngàn hoa Đà Lạt.  
 
- Lâu nay, công việc có gì mới không?
 
- Gặp ông, mừng quá! Nghe mình “bật mí” nhé! - Nguyễn vội lôi tập tài liệu trong túi ra, trải lên bàn tấm bản đồ Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, cây bút khoanh khoanh, vạch vạch và hào hứng nói:
 
-  Tôi nghĩ ra rồi, lần này đề nghị đặt 6 con đường nội bộ trong khu theo tên chuyên đề hoa. Đà Lạt là thành phố Festival Hoa, Đà Lạt bốn mùa hoa… mà cũng chưa hết, có người cho rằng có 5 mùa hoa ấy chứ. Đó là hoa Trạng nguyên nở báo hiệu mùa Noel. Nhưng thôi, cứ phải chọn những loài hoa đặc hữu nhất gắn bó với lịch sử hơn 120 năm bác sĩ Yersin phát hiện ra Đà Lạt, quá trình canh tác rau hoa ôn đới cao cấp của cư dân. Tôi nghĩ, tên các con đường phải ưu tiên trước hết cho các loài hoa: Hoàng thảo, Cẩm tú cầu, Tường vi, Phượng tím, Đỗ quyên và nhất là hoa Hồng. Hồng hay Hường đa phần nguồn gốc bản địa châu Á, số ít có nguồn gốc châu Âu, Bắc Mỹ, Tây Bắc Ohi. Hoa Hồng là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng cây bụi hoặc cây leo lâu năm thuộc chi Rosa, họ Rosaceae. Hoa có hơn 100 loài với màu hoa đa dạng, phân bố từ miền ôn đới sang miền nhiệt đới. Các loài này nổi tiếng vì hoa đẹp và hoa Hồng đã trở thành thương hiệu của thành phố hoa Đà Lạt… Dĩ nhiên con đường mang tên Hoa Hồng phải là con đường chính và dài nhất. Ông tưởng tượng khi định danh rồi, các doanh nghiệp hoặc xã hội hóa vận động nhân dân trên từng con đường chỉ trồng loại hoa hai bên theo như tên gọi. Như vậy, Khu du lịch quanh năm sẽ rực rỡ muôn sắc hoa, đặc biệt lại có những mảng màu hoa riêng biệt làm điểm nhấn cho từng vùng… Về điểm này, chắc ít khu du lịch nào có được lợi thế như vậy. 
 
Chăm chú nghe Nguyễn thuyết trình, khẽ gật đầu, Khánh tươi cười hỏi: - Ý tưởng hay lắm! Thế con đường Lavander (Oải hương) của tôi thì bao giờ mới có?
 
- Nhất định sẽ có và mình tin rằng không chỉ Lavander mà theo sự phát triển mạnh mẽ, nơi đây sẽ sớm có cả pense, forgetminot, mimosa… Những loài hoa đã đưa thành phố Đà Lạt xinh đẹp, thơ mộng đi xa tới muôn phương.  
 
Hai người bắt tay nhau, vang tiếng cười sảng khoái. Ngắm gương mặt Nguyễn tràn trề hưng phấn, Khánh trầm giọng lên tiếng: - Này, tôi mang cho ông một tin bất ngờ nhé, Loan là em họ tôi đấy! Tôi biết hết chuyện của cô cậu rồi! 
 
Nguyễn luống cuống đánh rơi cây bút, đôi mắt giương tròn sau cặp kính cận dày cộp, thảng thốt: - Anh nói sao… Loan là…!
 
Khánh ôn tồn giải thích: - Thời gian vào Đà Lạt làm dự án, Loan trao cho tôi nhiệm vụ kín đáo điều tra tư tưởng Nguyễn sau vụ không ăn ý với sếp và chuyển công tác đấy… Không như Loan nó quá lo lắng, cậu vẫn vững vàng. Ừ, vậy thôi nhé! Ngày mai Loan bay vào, cô ấy cùng vài người bạn tâm giao của tớ quyết tâm chung tay thực hiện thành công dự án Lavander Đà Lạt… Trong cuộc chơi này, chắc chắn không thể thiếu Nguyễn rồi! 
 
Trong tâm trạng mừng vui, Nguyễn sực nhớ một lần Loan vào Đà Lạt, hai người che ô thả dốc xuôi phố xuống quán cà phê Thanh Thủy. Đắm đuối soi mình trong mắt nhau, Nguyễn thảng thốt: Đôi môi em tựa nụ Hồng hé nở, tràn nhựa sống, nhen lửa ấm lòng anh ngày mưa lạnh. Loan nũng nịu: Xạo… Đúng ra anh phải ví là đốm lửa hồng! Áp đầu vào vai Nguyễn, Loan thì thầm “Ru đời đi nhé/ Ôi môi ngon này giữa trần gian”…
 
Mặt đỏ bừng, Nguyễn chợt trở nên bẽn lẽn, ấp úng: - Thế mà, Khánh… trước đây anh chẳng nói!  
 
Mùa Noel 2016
 
Truyện ngắn: ÐAN THANH