Du xuân qua những "miền" văn hóa

08:01, 27/01/2017

Có thể nói, "vùng đất mới" ở Nam Tây Nguyên với hầu hết dân cư từ nhiều nơi đến đây lập nghiệp, khi đi đã mang theo cả phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng mình. Có dịp du xuân những ngày đầu năm mới này sẽ chứng kiến những điều thú vị trong tập tục ăn tết của các cộng đồng người trên đất Lâm Đồng.
 

Có thể nói, “vùng đất mới” ở Nam Tây Nguyên với hầu hết dân cư từ nhiều nơi đến đây lập nghiệp, khi đi đã mang theo cả phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng mình. Có dịp du xuân những ngày đầu năm mới này sẽ chứng kiến những điều thú vị trong tập tục ăn tết của các cộng đồng người trên đất Lâm Đồng.
 
Cúng làng của người Thái dịp đầu năm mới. Ảnh: V.Trọng
Cúng làng của người Thái dịp đầu năm mới. Ảnh: V.Trọng

1. Trịnh trọng trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống, ông Bùi Vang, 86 tuổi, Phó Trưởng làng Kế Môn - Huế ở phường 12 (Thái Phiên) - Đà Lạt đang lên đình làng chuẩn bị đón năm mới cùng mọi người.
 
Đình làng Kế Môn được xây năm 1973, vừa được “đại trùng tu” trong năm 2016 vừa rồi, chính xác là xây mới lại hoàn toàn với tổng số tiền xây dựng trên 1,3 tỷ đồng do người dân trong làng đóng góp. Đây là một trong 4 ngôi đình làng của cộng đồng người Huế ở phường 12 - Đà Lạt, gồm đình làng Phước Yên, Nam Phò, Thanh Lương và Kế Môn, thêm một ngôi đình làng chung cho cả cộng đồng người Huế nơi đây nữa là đình Thái Phiên.
 
Theo ông Vang, cộng đồng người Huế vào Đà Lạt từ những năm 1950 của thế kỷ trước, lúc đầu ở tản mác nhiều nơi trên đất Đà Lạt, đông nhất lúc đó là ở ấp Ánh Sáng và ở phường 12 vùng Thái Phiên này. Vùng Thái Phiên lúc đó đất rộng người thưa, nhiều người Huế sau đó đã quần tụ về đây mua đất rồi xây nhà, làm vườn, hiện nay, Thái Phiên là một phường giàu có của Đà Lạt, hầu hết người dân làm nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao với thu nhập rất cao.
 
Cũng như mọi người Việt, ngày tết quan trọng nhất của người Huế nơi đây là mâm ngũ quả và bình hoa dâng cúng tổ tiên, ông bà. “Ngày trước ở Huế có hoa mai vàng, nghèo giàu gì thì cũng kiếm một cành mai về chưng trong nhà để có không khí tết, vào đây xứ lạnh ít có hoa mai vàng, dù vậy trên bàn thờ phải có hoa màu vàng, trong này có sẵn là hoa cúc” - ông Vang cho biết. Hoa cúc dâng lên bàn thờ ngày tết nơi đây thường là cúc đại đóa hay cúc kim cương giống mới với cánh vươn dài. Gần đây, nhờ đời sống khá giả hơn, đặc biệt nơi đây là “thủ phủ” trồng hoa Lyli (hoa ly) ở Đà Lạt nên người Huế trong phường chuộng hoa ly vàng (thường là ù vàng) hay hoa ly đỏ (ù đỏ), thường thì có vài bình hoa ly dâng lên bàn thờ, chọn một bình đẹp chưng trên bàn khách, ngày tết vào nhà sực nức  hương ly. 
 
Cũng như mọi người Việt, người Huế cũng gói bánh tét, bánh chưng trong dịp tết, những đêm trước tết từ khoảng 23 âm lịch trở đi (ngày ông Táo về trời), cả làng đã bắt đầu nhộn nhịp chuyện gói bánh, trước nhà sau nhà đã bắt đầu đỏ lửa thâu đêm canh nồi bánh tết. Bánh người Huế làm rất đẹp, đều tăm tắp, trông đẹp mắt, vị rất ngon. Cùng với đó là các món bánh thủ công, tùy từng nhà, những năm trước đây còn mua bánh mứt làm sẵn ở chợ nhưng gần đây theo ông Vang, nhiều nhà vì lý do “an toàn thực phẩm” đã tự làm, làm lại những loại bánh mà ngày trước ông bà thường làm, trước cúng, sau ăn và đãi khách. 
 
Tết là dịp để cả nhà đoàn tụ, con cháu ở xa về sum họp cùng gia đình, thăm viếng bà con trong làng cùng chuẩn bị đón tết. Trong giờ giao thừa, ông Vang cùng các bô lão trong làng áo dài khăn đóng lên sửa soạn cúng đình Thái Phiên, sau đó là đình làng. Sáng mồng một tết, cả nhà lên đình làng thắp hương, cùng đi chùa (tại phường có một ngôi chùa rất lớn), đi thăm mộ ông bà, thăm bà con quanh làng, lên phố...   
 
2. Trong bộ đồ người Thái độc đáo, bà Lương Thị Nguyệt Linh, 54 tuổi, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Thái ở thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng đang chuẩn bị “rau trộn”- một món ăn lâu đời của người Thái. 
 
Đó là các thứ rau bình thường như hằng ngày mọi người vẫn ăn, rau muống, rau bó xôi, rau lang… nhưng khác ở đây là nhiều loại rau trộn chung lại (kiểu như rau “tập tàng” miền Trung), luộc lên, trộn lẫn với gia vị gồm ớt, tỏi, hành, sả, gừng… cùng một thứ gia vị có mùi nồng, đó là quả tiêu rừng (tiếng người Thái gọi là “mắc khá”). Tất cả gia vị này được hơ lửa, bỏ vào cối giã nhỏ, trộn chung với rau, khi ăn tạo ra một hương vị là lạ.
 
Còn một món ăn dân tộc Thái khác mà bà Linh muốn mời khách ăn thử tên gọi là “pình tộp”. Đó là cá sông, được chế biến bằng cách mổ lưng, cho nhiều loại gia vị vào, nướng lên, khá thơm.
 
Cộng đồng người Thái từ Tây Bắc vào lập nghiệp trên đất Liên Nghĩa - Đức Trọng  từ năm 1954, đến sau năm 1975 rất nhiều hộ trong cộng đồng này vào Lâm Hà (ngày đó cũng thuộc Đức Trọng) để khẩn hoang, trồng cà phê. Hiện nay, tại thị trấn Liên Nghĩa, cộng đồng Thái chỉ có khoảng 300 hộ, còn ở Đinh Văn và Phi Tô - Lâm Hà cộng đồng người Thái đông hơn nhiều với gần 1.000 hộ.
 
Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân tộc Thái của thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng được thành lập năm 2005 nhằm mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng Thái. Hằng năm, CLB thường xuyên tổ chức các cuộc họp mặt cộng đồng người Thái tại Liên Nghĩa và cả ở Lâm Hà ra. 
 
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số ở Liên Nghĩa như người Nùng, người Hoa, cộng đồng Thái ăn tết giống như người Kinh, lịch tết cũng tính theo âm lịch. Trong ngày đầu năm mới, CLB và các làng cùng họp mặt đầu xuân, tổ chức lễ mừng tuổi những cụ cao niên trong cộng đồng. Dịp này, cộng đồng tiến hành cúng làng (sênh bản) hay cúng chung cả cộng đồng (sênh mường) để cầu an trời đất, cũng là dịp để mọi người trong cộng đồng gặp mặt, cùng nhau thưởng thức các món ăn dân tộc Thái và tham gia các hoạt động văn hóa như múa sạp, múa nắm tay (khắm khoen), ném còn. 
 
Trong dịp đầu năm mới, người Thái theo truyền thống thường mặc trang phục của dân tộc mình, nam mặc áo cổ đứng, nút vải, trên đầu vấn khăn, nữ mặc áo “sửa cổm”, váy đen, thắt lưng xanh, đội khăn piêu nếu là người Thái đen. Còn nếu là nữ Thái trắng (đen hay trắng ở trang phục, không phải ở màu da) mặc áo trắng cổ tim, không đội khăn piêu.  
 
Và không chỉ tết, người Thái hiện nay tại Đức Trọng và Lâm Hà trong những dịp lễ hội khác trong năm như Lễ hội Hoa Ban trong tháng 3 hoặc tháng 4 âm lịch, dịp đám hỏi, đám cưới hầu hết mọi người đều mặc trang phục dân tộc. Nhờ cuộc sống khấm khá lên nên nhiều người trong cộng đồng nay có đến 7-8 bộ trang phục Thái để thay đổi, nhiều bộ được cách điệu rất độc đáo. Các cô gái Thái trong ngày tết duyên dáng trong chiếc áo dân tộc cách điệu đi cùng chiếc váy hiện đại. 
 
Đến thăm nhà người Thái Liên Nghĩa trong dịp đầu năm mới, bên cạnh các loại bánh mứt như người Kinh, khách sẽ còn được mời ăn các món Thái, mời uống rượu nếp cẩm tự tay các gia đình làm để đón tết, nhiều gia đình đến nay còn duy trì tục buộc chỉ tay cho khách để chúc sức khỏe mừng năm mới. 
 
3. Sẽ rất thú vị cho những ai có dịp lang thang trên đất Lâm Đồng những ngày đầu năm mới này, có cảm giác như đang du xuân qua những miền văn hóa trong khắp nước Việt. 
 
Cúng tất niên xóm ở Đà Lạt. Ảnh: V.Trọng
Cúng tất niên xóm ở Đà Lạt. Ảnh: V.Trọng

Ở Đà Lạt, đó là cộng đồng người Hà Đông, Nghệ Tĩnh ở các ấp cùng tên, nhiều gia đình vào Đà Lạt lập nghiệp những năm 1936-1939 đến nay vẫn còn giữ nếp nhà như ở xứ bắc. Đó là cộng đồng người Huế ở Thái Phiên, đến đây để thấy “một chút Huế” trong lòng một Đà Lạt hiện đại. Ở Lâm Hà đó là cộng đồng người Hà Nội và Hà Tây, nay tất cả là Hà Nội với các tên làng, tên xã là các địa danh ở phía Bắc, tết đến thắm màu hoa đào trồng trên đất mới, nhiều nơi mở hội vật làng thi đấu với nhau. Xuống các huyện phía nam Lâm Đồng cũng thế, cũng có các xã với các địa danh của các tỉnh phía Bắc lẫn miền Trung với các cộng đồng người Hà Nội, người Quảng Trị, người Huế, người Quảng Ngãi, người Bình Định… cùng chung tay xây dựng cuộc sống trên đất mới. Xuân về nơi đây hoa mai nở vàng rực trước sân nhà.
 
Và một điểm độc đáo, nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên như người K’Ho, người Mạ những năm gần đây nhiều nhà cũng bắt đầu ăn tết như người Kinh. Cái tết lớn nhất cho cộng đồng K’Ho là vào dịp Noel và Tết Dương lịch bởi rất nhiều người theo đạo Thiên Chúa, tuy nhiên, như một già làng trong vùng sâu Đưng K’Nớ ở Lạc Dương nói vui, “Nhiều người ăn tết mình cũng ăn tết chứ”. Trong Tết Nguyên đán đầu năm mới này nhiều gia đình trong cộng đồng K’Ho không đi làm, ở nhà quét dọn lại nhà cửa, trong 3 ngày tết cũng quây quần tổ chức tiệc, thanh niên trong làng lại rủ nhau ra phố. Tết đang dần trở thành một ngày hội chung cho các tộc người trên đất Lâm Đồng.
 
VIẾT TRỌNG