Dưới ngọn núi Langbian hùng vĩ, những ngôi nhà dài - nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người K'Ho, huyện Lạc Dương tưởng chừng như mai một, nay lại "hồi sinh" như sức sống mãnh liệt của cây rừng Núi Bà.
Dưới ngọn núi Langbian hùng vĩ, những ngôi nhà dài - nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người K’Ho, huyện Lạc Dương tưởng chừng như mai một, nay lại “hồi sinh” như sức sống mãnh liệt của cây rừng Núi Bà.
|
Sinh hoạt trong nhà dài. Ảnh: ST |
Đến giáo xứ Langbiang trong những ngày cuối đông, tôi như được hòa vào không khí nhộn nhịp chào đón Giáng sinh và năm mới của bà con nơi đây. Mặc dù đang tất tả hướng dẫn giáo dân trang hoàng khuôn viên giáo xứ nhưng Linh mục Nguyễn Quý Trung vẫn dành cả buổi dẫn tôi đi tham quan nhà dài được dựng lên phía sau nhà thờ. Đây là tâm huyết cả đời của vị Chánh xứ giáo xứ nơi đây nhằm lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc bản địa. Có lẽ vì vậy mà ông gọi đó là nhà truyền thống.
Chỉ tay về phía bức ảnh khu vực thị trấn Lạc Dương những năm 50 của thế kỷ trước được một nhiếp ảnh gia người Pháp tặng, Linh mục Nguyễn Quý Trung trầm ngâm thả mình về quá khứ… Còn đó núi đồi hoang sơ, còn đó những mái nhà dài sừng sững giữa đại ngàn với khói bếp lan tỏa… “Cuộc sống ngày càng hiện đại, ai cũng muốn đầy đủ tiện nghi, mấy ai muốn giữ lại nhà sàn, bếp củi”, Linh mục Trung thở dài. Ở quanh cái buôn này giờ đây không có ai còn sinh sống trong nhà dài. Và cũng chỉ còn ít đứa trẻ như Cil Linh, Cil Nhi sau mỗi buổi tan trường vẫn háo hức đến nhà dài của Bặp (Cha - tiếng K’Ho) Trung để tìm hiểu nếp sinh hoạt của cha ông ngày trước, để rồi chiếc gùi hoa tuy xinh xắn nhưng cũng chỉ treo cho bám bụi theo thời gian…
Là người Cần Thơ, Linh mục Nguyễn Quý Trung đến giáo xứ Langbiang từ năm 1975, khi mà nét sinh hoạt của dân tộc bản địa vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng mỗi năm mỗi khác, bà con dần thay thế nhà dài bằng nhà xây; những chum, chóe, niêu đất… lăn lóc sau nhà; ngay cả chiếc ùi hoa văn sặc sỡ cũng chẳng mấy ai chịu khó ngồi dệt, vì có dệt cũng không ai còn thích mặc.
Sống cùng bà con, tình yêu thương giáo dân sâu hơn và đầy hơn theo năm tháng, Linh mục Nguyễn Quý Trung lại càng trân trọng bản sắc văn hóa của họ. Ông buồn khi thấy nhà dài và các vật dụng sinh hoạt của bà con dần “biến mất”. Cũng từ đó, ông đi đến tận vùng sâu, vùng xa để nhặt, xin, cũng có khi tự bỏ tiền túi để mua lại những đồ “vứt đi” của người dân.
Có thể hàng trăm năm nữa, khi đến Lạc Dương, những ngôi nhà dài mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc sẽ không chỉ là trong lời kể bởi khát vọng giữ gìn bản sắc văn hóa vẫn được tuôn chảy, nuôi dưỡng… |
Âm thầm góp nhặt hơn 40 năm, đến giờ ông đã lưu giữ được hơn 2.000 hiện vật, từ những thứ nhỏ nhất như chiếc cung được dùng để săn bắn, đến chiếc trống hơn 400 năm được làm từ khúc cây cổ thụ khoét rỗng ruột rồi bọc bằng bộ da con trâu đực và trâu cái mà ngày xưa thường dùng vào các dịp cúng Giàng hay lễ hội. “Gia tài” này của ông gần như mô phỏng đầy đủ về tập quán sinh hoạt của dân tộc bản địa. Sau mấy chục năm, chúng cũng đã được “trở về” nơi trước kia là không gian của mình, khi Linh mục Nguyễn Quý Trung phục dựng được nhà dài để lưu giữ những hiện vật này. Ông dành riêng một khoảng để bọn trẻ vừa đến học giáo lý, vừa được tìm hiểu văn hóa của tổ tiên. Năm 2013, nhà dài mà ông xây dựng được Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Trung tâm Khoa học Nhân văn và cộng đồng trao bằng chứng nhận đạt danh hiệu “Địa chỉ nhân văn”.
|
Linh mục Nguyễn Quý Trung và “già làng” Kra Jãn Tham hào hứng khi nói về bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: T.Hương |
Tuy đã “mãn nhãn” với bộ sưu tập của Linh mục Nguyễn Quý Trung nhưng tôi vẫn háo hức được “mục sở thị” nhà anh Kra Jãn Tham dù đã quá trưa. Không phải nhiều tuổi nhất làng nhưng anh được gọi là “già làng” về văn hóa cồng chiêng. Anh Tham là người thứ hai sau Linh mục Trung có bộ sưu tập về các hiện vật văn hóa Tây Nguyên. Trong ngôi nhà dài của mình, anh Tham giữ nguyên vị trí từng đồ vật như cuộc sống sinh hoạt của cha ông ngày trước. Đồng điệu với tâm hồn Linh mục Trung, anh Tham cũng tiếc nuối khi bản sắc văn hóa dân tộc mình ngày càng mai một. Anh tự bỏ tiền túi để mua lại hàng trăm chiếc chum, chóe cũng như các vật dụng sinh hoạt được chính tay ông bà xưa làm thủ công. Nơi đây hiện hữu hơn 500 hiện vật, có nhiều thứ ngày trước phải đổi bằng vài chục con trâu. Ngôi nhà dài của anh vừa là nơi đón du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa bản địa; vừa là nơi để anh lưu giữ bản sắc dân tộc và hoài niệm về những điều giờ chỉ còn trong kí ức. Không cam tâm về sự mai một này, anh Tham “cả gan” bỏ ra 20 tỷ đồng để dựng thêm 5 nhà dài nhằm tái hiện lại buôn làng ngày xưa với đời sống sinh hoạt của dân tộc bản địa.
Vẫn với mái tranh, nhà dài được dựng từ những cột gỗ tròn và bước lên sàn theo cầu thang làm bằng các thân cây nhỏ. Trong văn hóa người K’Ho nơi đây, quan trọng nhất trong ngôi nhà dài là bếp. Bởi từ xa xưa, ngọn lửa như thứ vũ khí xua đuổi thú dữ, lửa đem lại hơi ấm trong những đêm rừng giá rét, lửa còn là sức mạnh kết nối cộng đồng khi bùng cháy giữa những vòng tay và tiếng chiêng ngân vang… Bước vào nhà dài của người K’Ho, bếp lửa được đặt ngay giữa nhà, đối diện với cửa ra vào. Phía trên là giàn bếp được treo từ những sợi mây rừng dẻo dai, các nong đan bằng tre nứa là nơi đựng bắp, thịt, theo thời gian được khói bếp hun khô thành thực phẩm dự trữ lâu dài.
Hàng trăm năm trước, nhà dài như là “linh hồn” của đời sống bà con dân tộc nơi đây. Có lẽ vì vậy mà khi nhà dài dần đi vào quên lãng, cùng với việc dựng mới ngôi nhà dài đã được chứng nhận “địa chỉ nhân văn”, Linh mục Nguyễn Quý Trung cùng bà con giáo xứ Langbiang còn “níu kéo” lại văn hóa bản địa bằng việc giữ nguyên kiến trúc nhà dài khi phục dựng nhà thờ Langbiang. Đây vốn là nhà dài lớn nhất vùng ngày ấy, là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân tộc bản địa. Đến khi cư dân đông đúc, nhà dài trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của bà con. Và đó cũng là ngôi nhà dài tồn tại lâu đời nhất, lớn nhất hiện nay dưới chân núi Langbiang. Tuy không còn giữ nguyên mái tranh vách gỗ vì trải qua bao tháng năm và biết bao lần tu sửa, nhưng kiến trúc Nhà thờ Langbiang vẫn mang hình dáng ngôi nhà dài của cộng đồng dân tộc nơi đây từ xa xưa.
Tôi đùa: “Linh mục Trung và anh Tham là những người giàu có!”. “Chúng tôi không giàu về của cải vật chất, nhưng chúng tôi rất giàu về giá trị tinh thần, bởi đã gìn giữ được phần nào bản sắc dân tộc”, cả hai người mang nặng lòng với văn hóa nhà dài cùng cười. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, Linh mục Nguyễn Quý Trung mong rằng ngày nào còn sức khỏe sẽ còn đi góp nhặt thêm nhiều hiện vật nữa để “trả đúng” giá trị cho những đồ vật tưởng chừng bỏ đi. Còn “già làng” Kra Jãn Tham, anh ấp ủ dự định sẽ sưu tập đủ hiện vật của 54 dân tộc Việt Nam.
TUẤN HƯƠNG