Nhiều khi thèm nghe những bài hát thật hay về Đà Lạt ngày nay để tự hào về nơi mình đang sống và hát đãi bạn bè tỉnh, thành khác khi đi đây đó, rằng nó tương xứng với bề dày văn hóa của thành phố vang danh và thanh lịch, từng một thời xuất hiện những bài hát tuyệt hay vượt thoát khỏi xứ thông ngàn - tức không chỉ cho người Đà Lạt hát/ nghe.
|
Lai “phiêu” khi chơi đờn. Ảnh: N.H.T |
“Một chiều nhạc ngựa về buông vó mềm”
Nhiều khi thèm nghe những bài hát thật hay về Đà Lạt ngày nay để tự hào về nơi mình đang sống và hát đãi bạn bè tỉnh, thành khác khi đi đây đó, rằng nó tương xứng với bề dày văn hóa của thành phố vang danh và thanh lịch, từng một thời xuất hiện những bài hát tuyệt hay vượt thoát khỏi xứ thông ngàn - tức không chỉ cho người Đà Lạt hát/ nghe. Mà sao nó hiếm quá, nếu không nói là… chưa có… đủ đô. Rồi lần nọ, ngồi trong một nhạc quán đêm, có một người đàn ông lùi xùi, tướng như nông dân, sớm giờ lặng im, bỗng dưng xin góp vui cho mọi người bài hát ông viết. Giọng ông ngân lên: “Chiều một mình đi qua thành phố xưa/ Thương bàn chân Dốc đá rêu mờ…/ Chiều một mình đi qua đồi núi xưa…/ Thấy mình quen như chiếc bóng quê nhà…”. Mọi người lặng im nghe giai điệu thong dong, tài tử và lịch lãm ở bài hát. Khi ông dứt và bảo tên nó là “Về qua phố xưa”, phổ từ bài thơ “Mùa đông thứ mười bảy” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng xa xưa thì ai nấy ngơ ngác: Nhạc lạ quá - “Rất Đà Lạt”. Có người bảo hôm nay chắc gặp “đặc sản” Đà Lạt đây. Khách lạ trong quán muốn được nghe nữa nhạc ông viết. Ông chơi luôn một bài, lần này là tiết điệu Tango: “Trời chiều Đà Lạt về trên phố sương/… Một chiều nhạc ngựa về buông vó mềm/… Trời nhẹ làn mây lướt qua/ Lặng nhìn lữ khách vắng xa/… Như từng yêu trong kiếp nào…”. Nó là bài “Chiều Đà Lạt”, ông nói, rồi trao cây guitar gỗ lại cho những nhân vật trung tâm của quán đêm.
Từ hai bài hát đó, những tháng sau đấy tôi đã đi tìm ông. Thì giang hồ tài tử ở Đà Lạt bảo ông ở tận Di Linh. Tôi lang thang Di Linh, và đã giáp mặt ông. Từ đó tôi nghe no đầy những gì ông viết ra.
*
Thôi nhỉ, gọi “Ông” làm chi cho không khí tết nhứt nặng nề, trịnh trọng quá xá mà lại mất đi tính phong lưu, “văn nghệ” khi kể tiếp về người nhạc sĩ “gốc Ngo” (thông) này. Thì, bài hát đầu tiên Lai viết là khi Lai vớ được bài thơ của một nữ sinh in trong tập nội san của trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt). Cái mơ mộng của cậu trai trường Nam trung học Trần Hưng Đạo (Đà Lạt) đã đẩy đời Lai dính sâu vào âm nhạc từ đấy. Càng ngày Lai càng mê nhạc “trầm trọng” hơn, dù Lai là viên chức của ngành lâm nghiệp - Lâm trường Đà Lạt, với việc giữ rừng, canh không cho người ta cưa ngo. Rồi Lai cũng bỏ ngành Lâm nghiệp để đi làm đủ thứ nghề khác kiếm sống ở phố quê, từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Từ đó Lai viết thong dong: Điệp khúc mùa thu, Giai điệu mùa xuân, Đêm Lâm Hà, Trong chiếc nôi đời, Từ đó đôi khi, Phố tôi… Năm 2000, Lai bỏ Đà Lạt về Sài Gòn mưu sinh, nuôi con, với nghề chở bỏ nước đá cho quán cà phê, xà bông cho chợ búa, rồi nhân viên photocopy cho người ta ở trước trung tâm Anh ngữ… Đây là lúc Lai tranh thủ đăng ký vào học dự thính không chính thức ở Nhạc viện thành phố những lúc rảnh, với “món” Guitar Classic. Lai không nề hà tuổi tác, mà học chung đám sinh viên, học viên trẻ. Ở Sài Gòn, quá nhớ phố núi quê mình nơi cao nguyên Langbian, Lai đã viết một bài hát bằng sự chân thành và da diết: “Ngàn thông reo khi gió về nhè nhẹ/ Nhớ những con đường quanh co/Nhớ khóm hoa vàng đung đưa trong gió/ Nhớ bài tình ca…”. Và vì nhớ quá, mà trong nhạc phẩm “Đà Lạt khi xa” này, Lai nông nổi dặn rất hư vô ngược về phố núi: “Nhắn những cánh rừng thông xanh/ Giữ cho mặt hồ long lanh…”.
*
Lai rất lý tưởng âm nhạc. Sự lý tưởng kia nhiều lúc đến khắc kỷ. Ai hát nhạc sai nốt, hay bỡn cợt với âm nhạc là Lai quạu. Lai làm bạn bè thăng hoa cũng từ âm nhạc. Và Lai làm đau lòng bạn bè cũng từ âm nhạc. Lai mà đệm đờn, đánh Tango thì gái chảnh chẹ nhất ngang qua môi mặt cũng giãn ra, mềm lòng.
Nhưng nhờ vậy mà Lai làm được điều mà không ai làm được. Ấy là Lai mang đờn rảo khắp Di Linh, len lỏi vào những xóm, buôn, khu, tổ, thị trấn. Từ ngày Lai về Di Linh, đời sống âm nhạc tử tế (chuẩn, đòi hỏi cao) ở thị trấn miền núi này rộn ràng, xôm tụ lên tí.
Trong một quán cà phê ở Di Linh, Lai bỗng dưng làm nhạc công. Cái quán cà phê Hương Xưa trong hẻm hóc này tự dưng trở thành một điểm âm nhạc sang cả về âm nhạc, tụ điểm văn hóa vào mỗi cuối tuần. Những đêm như thế tôi ngồi dưới nghe người ta hát và nhìn Lai chỉ tập trung vào cây đờn, cần mẫn, chẳng thấy dõi xuống khán giả ở dưới. Phận nhạc công là thế, dù đờn hay đến mấy, thì nếu có tiếng vỗ tay là cho người hát chứ không cho người đệm đờn. Ánh sáng nến chăm chút, tinh tế và tiếng guitar mộc từ một tay đờn “xịn” cũng làm quán cà phê vui đều, ấm áp hết thảy mọi người. Có kỳ, lại thấy Lai chơi với một “ban nhạc” hai người mà thành viên đệm Organ keyboard kia là một người mù. Họ chơi với nhau ăn ý đến lạ kỳ. Lai bảo mình thấy cảm xúc khi chơi với những người tàn tật. Anh nhạc công mù kia không học nhạc từ Lai mà vẫn gọi Lai là thầy. Chủ quán là một người hình như có tâm hồn văn nghệ, chịu chơi nên cũng trả ít tiền công cho Lai, và tất nhiên cả anh bạn mù nắm Organ keyboard, và cô nàng MC cũng rất mộc kia. Về đêm, Lai không đi xe máy được, nên bao giờ đi làm “nhạc công cà phê” như thế, bởi bị cận quá nặng, Lai cũng nhờ người hàng xóm chở từ ấp Tân Phú, xã Đinh Lạc xuống thị trấn.
Nhưng ý nghĩa đời nhạc của Lai không phải ở chơi nhạc, nhạc sĩ, mà là ở chỗ khác.
|
Lai làm nhạc công ở một quán cà phê vào ban đêm ở thị trấn Di Linh bên cạnh một “đồng nghiệp” Organ keyboard mù. Ảnh: N.H.T |
Từ khi bỏ quê xứ Đà Lạt để về Di Linh, Lai lao vào dạy nhạc cho những người xa lạ. Vùng nông thôn miền núi vốn thiếu, khát nhạc mà. Ở thị trấn Di Linh giờ người ta hay thấy cái ông hơi già già phong thái rất phong trần mang chiếc đờn guitar trên lưng. Hình ảnh cứ như các cậu học trò đang thì đi học nhạc. Lai đang đi dạy nhạc đó mà. Mỗi ngày Lai chạy tới chạy lui nhiều điểm, nhiều chỗ, nhiều gia đình như thế. Có trưa ghé thị trấn Di Linh, tôi thấy Lai ăn cơm bụi, để đi dạy lại, vì nhà Lai cách thị trấn bảy cây số và cặp kính trên mắt Lai thì quá dày. Học trò của Lai thì từ con dân cày, thương nhân, giáo viên, đến công chức xứ huyện. Tôi cũng theo Lai trong nhiều cuộc đi dạy quái lạ như thế. Kiểu dạy của Lai là trực chỉ, duy nhất một học trò cho mỗi lúc lên lớp. “Lên lớp” kiểu của Lai là thầy mang đờn đến nhà trò. Thời buổi này mà còn kiểu dạy dốc lòng, nhiều cảm xúc như thế này kể cũng thú vị. Lai bảo dạy thế này học trò nắm chắc nhạc lý, nốt nào chắc nốt đó, và nhanh ôm đờn chơi được. Nhìn Lai cần mẫn như con tằm, và coi học trò như con tôi chợt nghĩ về những ông giáo làng ngày xưa. Cũng có những chàng, nàng ba bốn chục tuổi vẫn còn tìm Lai “thọ giáo” nhạc. Ngoạn mục hơn, Lai vác đờn đến tiệm Massage khiếm thị để dạy luôn nhạc cho các bạn nhân viên bị mù ở một góc phố nọ. Tôi cũng lấy làm lạ, khi ai ở thị trấn này cũng gọi Lai là “Thầy”, dù anh mới xuống ở đây 5 năm. Nhưng lòng Lai vui nhất là khi “phát hiện” ra thêm một trẻ thơ, thanh niên người bản địa K’Ho có năng khiếu âm nhạc. Gia đình người K’Ho coi rẫy ruộng quan trọng hơn âm nhạc, nên học trò K’Ho của anh bất chợt đi học rồi bất chợt không. Những lúc đó Lai ngồi nghĩ ngợi: “Tụi nó lại lên rẫy rồi!?”. “Tụi nó” đầy yêu thương đó là những K’… Y, Ka… X ở các buôn đó mà. Lai không có mặt bằng “mở trường” ở thị trấn quê người, nên lại có lúc trưa nắng bưng, thấy Lai mượn một tiệm bán đờn để làm “điểm hẹn” học trò - dạy. Lai da diết nhất là làm sao cho thanh thiếu niên người dân tộc yêu nhạc và biết đánh đờn. “Đánh được đờn nó sẽ yêu quê xứ nó, và rẫy vườn hơn”. Lai tin chắc thế. Và cũng tin… “Nó sẽ không đi uống rượu, và đi… đánh nhau”.
Cái “gốc Ngo” chẳng rõ có biết hát không mà sinh ra một Lai như vậy. Mà hay hơn cả nghệ thuật âm nhạc là Lai rải “những nốt tình người” mình có ấy xuống tha nhân bình thường. Chắc chắn một điều là lãng mạn không đủ cao rộng, và không có phẩm chất giang hồ thì không đến với nghệ thuật được như thế.
NGUYỄN HÀNG TÌNH