Lời gọi bên sông: Một tượng đài bằng thơ

09:07, 27/07/2017

Trước khi xuất thần bài thơ nổi tiếng này, Lê Bá Dương là phóng viên nhiếp ảnh của Báo Văn hóa. Và trước nữa, anh là chiến sĩ QĐND Việt Nam. Chàng trai trẻ quê ở Nghệ An ấy đã xung phong đi bộ đội vào năm 15 tuổi. Và ngay trong trận chiến đầu tiên, khi vừa 15 tuổi 49 ngày, nghĩa là chỉ 49 ngày sau khi nhập ngũ, Lê Bá Dương đã trở thành Dũng sĩ cấp 2 bởi thành tích diệt hơn 10 lính Mỹ. Anh còn là Dũng sĩ diệt xe cơ giới và Dũng sĩ diệt máy bay...

Đò lên Thạch Hãn ơi… Chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm 
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
                               (LÊ BÁ DƯƠNG)
 
Trước khi xuất thần bài thơ nổi tiếng này, Lê Bá Dương là phóng viên nhiếp ảnh của Báo Văn hóa. Và trước nữa, anh là chiến sĩ QĐND Việt Nam. Chàng trai trẻ quê ở Nghệ An ấy đã xung phong đi bộ đội vào năm 15 tuổi. Và ngay trong trận chiến đầu tiên, khi vừa 15 tuổi 49 ngày, nghĩa là chỉ 49 ngày sau khi nhập ngũ, Lê Bá Dương đã trở thành Dũng sĩ cấp 2 bởi thành tích diệt hơn 10 lính Mỹ. Anh còn là Dũng sĩ diệt xe cơ giới và Dũng sĩ diệt máy bay...
 
Thả hoa trên sông Thạch Hãn. Nguồn: internet
Thả hoa trên sông Thạch Hãn. Nguồn: internet
Hòa bình lập lại, anh trở thành phóng viên ảnh và là trưởng cơ quan thường trú Báo Văn hóa tại Nha Trang. Chiến tranh đã để lại trên mình anh 14 vết thương và 22 lần phải nằm trên bàn mổ. Và dù không được khỏe, nhưng kể từ năm 1976, năm nào cứ đến dịp 27/7, anh đều từ Nha Trang trở lại Quảng Trị để thăm viếng những đồng đội đã nằm xuống nơi mảnh đất anh hùng này. Năm 1987, kỷ niệm 40 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Lê Bá Dương về lại huyện Triệu Hải (nay là huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng và thị xã Quảng Trị), rạng sáng ngày 27/7, anh đã ra chợ mua hết tất cả hoa bán ở đây, rồi thuê người chở xuống bến sông Thạnh Hãn. Tại đây, anh thuê một con đò nhỏ do một bà mẹ ngư dân làm chủ với giá 8.000 đồng/giờ để đi thả hoa dọc theo sông. Thả hoa xong thì vừa đúng 4 giờ thuê xuống đò, anh lấy tiền ra để thanh toán, thì bất ngờ, người mẹ ngư dân quỳ sụp xuống con đò và khóc: “Mi làm rứa, răng mệ lấy tiền được…” rồi hai mẹ con ôm nhau khóc trước sự ngỡ ngàng của nhiều đồng đội anh vừa ào ra bến sông. Thì ra, ngay sáng hôm đó, sau khi tổ chức xong lễ kỷ niệm 40 Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mọi người thống nhất đi mua hoa để viếng nghĩa trang. Khi ra chợ thì toàn chợ không còn hoa nào cả, hỏi thì những người bán hoa cho biết có một anh bộ đội đã mua tất cả và đưa hết ra bến sông. Mọi người đổ ra bờ sông thì vừa gặp cảnh trên. Từ đây, đồng đội của Lê Bá Dương và người dân Quảng Trị, cứ đến dịp 27/7 hàng năm, họ đều mua hoa thả trên dòng sông Thạch Hãn. Lâu dần, việc làm này đã trở thành một tập quán, một nét văn hóa đẹp để ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên sông nước, biển đảo.
 
Trở lại với bài thơ nổi tiếng đã nói ở trên, chúng ta đều biết rằng, những người lính hy sinh ở Thành cổ, hay trên dòng sông Thạch Hãn hầu hết là những người còn rất trẻ. Họ đều là những thanh niên mới lớn, có rất nhiều người còn là những học sinh, sinh viên và chưa có một chút kinh nghiệm về trận mạc. Ai cũng mong muốn chiến tranh mau kết thúc nhanh chóng để trở lại quê hương và mái trường xưa yêu dấu. Nhưng họ lại vĩnh viễn hòa mình vào dòng sông, mảnh đất nơi này.
 
Tiếng súng chiến tranh đã câm lặng từ hơn 40 năm nay nhưng vẫn còn có rất nhiều người không thể nào quên được những năm tháng chiến tranh gian khổ và vô cùng oanh liệt ấy, nhất là đối với những người lính đã bao lần vào sinh ra tử nơi chiến trường vô cùng khốc liệt ấy. Và những người lính ở Thành cổ Quảng Trị, lại càng không bao giờ quên được nơi ấy, không thể nào quên được dòng sông Thạch Hãn, bởi chính dòng sông đó vẫn luôn ứa máu trong trái tim họ. Một trong những người đó là Lê Bá Dương, anh day dứt về những đồng đội của mình đã nằm lại nơi đầu sông, cuối rừng với thân xác đã không còn nguyên vẹn. Dằng dặc những năm sau cuộc chiến, hiện vẫn còn rất nhiều gia đình có con em hy sinh vẫn chưa tìm được chút di hài của người thân. Đó là sự mất mát vô cùng to lớn, dù mảnh đất và dòng sông nơi đây vẫn ủ nóng những người lính đã hy sinh.
 
Đò lên Thạch Hãn, ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...
 
Thế đấy, cuộc sống hàng ngày của con người ở dải đất miền Trung đơn giản và mộc mạc như con đò mỗi ngày vẫn trôi trên dòng sông Thạch Hãn. Đấy cũng là dòng đời, dòng thời gian. Tác giả ví cuộc sống nơi đây như con đò. Khi đò dọc, đò ngang, nơi sông cạn, khó khăn thì dùng sào để chống đẩy đò đi. Nơi nước sâu, thuận dòng thì dùng mái chèo. Sự vận động này đã khua động đến ký ức của mỗi người, mà Lê Bá Dương đã vận dụng chi tiết này rất đắt và vô cùng tinh tế: “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Vâng, dưới đáy sông kia vẫn và mãi mãi luôn hiện hữu những đồng đội của anh. Bởi vậy, Lê Bá Dương đã nhẹ nhàng nhắn những ai qua lại trên dòng sông Thạch Hãn, dẫu có vô tình “chèo mạnh” thì anh sẽ nhắc: Xin hãy gượng nhẹ mái chèo, bởi dưới đáy dòng sông kia vẫn còn có những đồng đội của anh yên nghỉ.
 
“Lời gọi bên sông” được kết thúc bằng hai câu thơ giàu biểu cảm:
 
“Có tuổi hai mươi thành sóng nước 
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.
 
Tác giả, người chiến sĩ Lê Bá Dương đã thổ lộ với chúng ta rằng, cái bờ ở đây đã lớn hơn, rộng hơn hẳn cái bờ bị khuôn hẹp của một dòng Thạch Hãn hiện hữu. Và ở đây là cỏ cây, hoa lá, là bờ cát trắng, là dòng chảy của con sông Thạch Hãn đã vào dòng chảy tâm linh dạt dào sóng nước tuổi hai mươi của biết bao người lính trẻ đã ngã xuống trên dòng sông này. Sự hy sinh của họ như luôn nhắc nhở với chúng ta là họ vẫn luôn ở trong chúng ta, luôn đồng hành với chúng ta và vẫn luôn tươi trẻ, vẫn luôn luôn “Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” .
 
 Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 4 câu ngắn gọn, nhưng ngay từ khi ra đời, nó đã trở thành một tượng đài bằng thơ, ghi nhận sự hy sinh của những người “sống mãi tuổi hai mươi”, mà chính sự hy sinh của họ đã đem lại sự bình yên cho đất nước ta. Dân tộc ta mãi mãi ghi nhớ, mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh của họ và họ vẫn luôn luôn “Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.
 
HOÀNG KIM