Cách đây vài năm, "Lửa Thiện Nhân" - bộ phim về "Chú lính chì Thiện Nhân" đã khiến nhiều người rơi những giọt nước mắt sẻ chia và yêu thương. Trong hơn 10 năm qua, câu chuyện về bé Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ lại trong vườn chuối với nhiều vết thương trên mình - và hành trình cùng mẹ Mai Anh, đã nhiều lần được nhắc đến trên truyền thông. Nhưng đằng sau những bài phản ánh ngắn trên báo chí, hay cả một bộ phim, là cả một quãng đường dài, với rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Cách đây vài năm, “Lửa Thiện Nhân” - bộ phim về “Chú lính chì Thiện Nhân” đã khiến nhiều người rơi những giọt nước mắt sẻ chia và yêu thương. Trong hơn 10 năm qua, câu chuyện về bé Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ lại trong vườn chuối với nhiều vết thương trên mình - và hành trình cùng mẹ Mai Anh, đã nhiều lần được nhắc đến trên truyền thông. Nhưng đằng sau những bài phản ánh ngắn trên báo chí, hay cả một bộ phim, là cả một quãng đường dài, với rất nhiều cung bậc cảm xúc.
“Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân” không hề được viết ra để trở thành một xuất bản phẩm. Nó chỉ là những ghi chép đời thường của mẹ Mai Anh và bà ngoại Kim Anh. Trong số đó, có những chi tiết quan trọng trong cuộc điều trị của Thiện Nhân - đứa bé mang số phận đặc biệt.
Cùng với sự trưởng thành của Thiện Nhân, không thể tách rời cuộc điều trị gian nan mà “Chú lính chì” và mẹ Mai Anh đã cùng trải qua. Trong sách, có thể bắt gặp những khoảnh khắc rất đặc biệt, như khi mẹ Mai Anh trong đau đớn mô tả về đứa trẻ “không cha, không mẹ, không tên, một đứa bé vô danh, một thằng cụt”, cho đến khi Nhân trải qua ca phẫu thuật để có thể tự đi tiểu tiện lần đầu tiên...
Trong nhiều năm qua, sau hành trình chữa trị cho Thiện Nhân, Trần Mai Anh đã khoác lên mình một sứ mệnh với những trẻ em chịu khuyết tật cơ quan sinh dục. Nhận thức của xã hội về dạng khuyết tật này, cho đến nay, chưa đầy đủ. Cũng như vậy, là sự giúp đỡ và thông cảm của đại chúng dành cho các cháu bé không may mắn chịu đựng khiếm khuyết cơ quan sinh dục.
“Cuốn sách này, dù là nhật ký của tôi về Thiện Nhân, nhưng tôi tin nó sẽ gợi ra suy nghĩ về nhiều đứa trẻ khác. Ngoài kia vẫn còn những đứa trẻ kém may mắn hơn cả Nhân” - mẹ Mai Anh chia sẻ.
Hiện nay, nhà báo Trần Mai Anh và các đồng sự đang cùng điều hành chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” - một chương trình được thành lập từ kinh nghiệm chữa trị chính đứa con của chị. Từ 8/2011 tới nay, trong vòng 5 năm đã có 10 đợt bác sĩ Roberto và các bác sĩ từ Ý, Mỹ đã sang Việt Nam phẫu thuật 230 ca, khám tư vấn miễn phí cho hơn 800 trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục đã được khám tư vấn. Bên cạnh các hoạt động về khám chữa bệnh, chương trình Thiện Nhân và những người bạn đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức ba hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết niệu & tái tạo bộ phận sinh dục với hàng trăm bác sĩ chuyên ngành; chương trình cũng gây quỹ để trang bị dụng cụ phòng mổ cho các bệnh viện.
“Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân” được xuất bản với mong muốn cuốn sách sẽ góp phần lan tỏa tình yêu thương và sự sẻ chia trong cộng đồng. Toàn bộ lợi nhuận của cuốn sách sẽ ủng hộ vào quỹ “Thiện Nhân và những người bạn”. Trước đó, NXB Kim Đồng cũng đồng hành với mẹ Mai Anh và các bạn trong chương trình “Vẽ nên cổ tích” - một trong những hoạt động gây quỹ cho các ca phẫu thuật. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Tổng Biên tập NXB Kim Đồng chia sẻ.
Năm 2017, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” sẽ tổ chức 2 đợt phẫu thuật tại TP Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, với tổng số bệnh nhi được điều trị và thăm khám là 250 cháu. “Sự yêu thương và sẻ chia cần được lan tỏa, tôi được hoài niệm lại những chuyến đi qua từng trang sách, từng câu chuyện và tôi rất tự hào về Mai Anh - một người mẹ phi thường. Mai Anh đã vượt qua được những vất vả, toan tính thường nhật để đón nhận và yêu thương Thiện Nhân, tôi tin chị sẽ là tấm gương cho thế hệ trẻ của Việt Nam”, ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á chia sẻ.
KHÔI NGUYÊN THẢO