Nhận ở nơi ấy chữ TÌNH

09:08, 18/08/2017

Khi còn là chàng sinh viên nghèo, tôi kiếm tiền ăn học bằng cách làm thêm nghề chụp hình dạo từ chiếc máy ảnh hiệu Zennit cũ kỹ. Những tấm ảnh đầu tiên tôi gửi cộng tác và được Báo Lâm Đồng đăng trên ấn phẩm Đà Lạt nguyệt san cũng từ chiếc máy cổ lỗ ấy.

Khi còn là chàng sinh viên nghèo, tôi kiếm tiền ăn học bằng cách làm thêm nghề chụp hình dạo từ chiếc máy ảnh hiệu Zennit cũ kỹ. Những tấm ảnh đầu tiên tôi gửi cộng tác và được Báo Lâm Đồng đăng trên ấn phẩm Đà Lạt nguyệt san cũng từ chiếc máy cổ lỗ ấy. Lần đầu biết thế nào là nhuận bút, được một vài anh khích lệ, động viên, thỉnh thoảng tôi “lấn sân” viết tin, bài cộng tác với báo. Tên tôi được lưu giữ cùng tác phẩm của mình trên mặt báo, đồng môn gọi đùa tôi là “nhà báo sinh viên”. Có điều tôi không ngờ ngay từ đó nghiệp báo đã vận vào tôi, từ những bài báo ngô nghê thuở ban đầu lại là một phần của “tấm giấy thông hành”, cái duyên may để sau này tôi mạnh dạn nộp đơn xin vào Báo Lâm Đồng thử việc rồi gắn bó với nghề. 
 
Nhớ lại ngày nhận giấy giới thiệu của báo gửi các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, giới thiệu phóng viên Hồ Xuân Trung đến lấy tư liệu viết tin bài đăng trên Báo Lâm Đồng mà anh Uông Thái Biểu - Thư ký Tòa soạn khi ấy trao cho, xen lẫn niềm vui là nỗi âu lo khôn tả - tôi đang rơi vào cảnh ngộ “vô sản” sau khi ra trường. Chiếc máy ảnh là tài sản lớn nhất cũng bị đứa bạn cùng phòng trọ mang đi mất biệt, không phương tiện đi lại dù chỉ là chiếc xe đạp cũ, không tiền lận lưng làm lộ phí đi về cơ sở trong khi địa bàn Lâm Đồng trải rộng còn quá đỗi xa lạ với tôi mà thời gian thử việc chỉ có 3 tháng. Tôi vào đời, lập thân như vậy đấy. Anh Minh Tự sửa lại cái giường cũ và gói ghém chiếc mền đưa tôi, Nhà báo Nguyễn Hàng Tình giao chiếc máy hình điện tử và dặn mỗi khi ráp phim vào hộp phải lấy băng keo đen dán xung quanh để tránh lọt sáng, cùng với ít tiền rồi bảo rằng: “Đi về cơ sở, sống với cơ sở và đừng để tôi hay thấy mặt ông”. Còn anh Uông Thái Biểu kêu tôi lại căn vặn, nghề báo “đi, đọc, học, viết”. Cái công thức tưởng chừng như tối giản nhất ấy, vậy mà nó chẳng lỗi thời với bất cứ nhà báo nào, nhất là những bạn trẻ khi mới bước vào nghề báo.
 
Tôi lên những xe đò, hướng về phía Nam Lâm Đồng hết Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh cho đến ngược lên Lâm Hà… Kể cả lúc mọi người lũ lượt về quê ăn tết, thành phố Đà Lạt vào hội vui xuân, còn tôi thì đơn độc trong hành trình ngược về vùng núi non rừng thẳm để “Ăn tết giữa rừng Đạ Mi” thực hiện bài viết về những công nhân không về quê mà ở lại giữa đại ngàn miệt mài đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy điện. Đấy là cái tết đầu tôi xa nhà và không ngờ đó cũng là cái tết ba tôi đón xuân lần cuối cùng trên cõi trần. 
 
Sau những ngày tháng về cơ sở ấy, một hôm tôi đến cơ quan, đang ngồi tán phét với anh chị đồng nghiệp, Tổng Biên tập báo - chú Phạm Vĩnh từ trên lầu đi xuống nhỏ nhẹ hỏi “Xuân Trung đó hả. Rồi bảo “Xíu lên gặp anh Thanh Đạm ký hợp đồng nhé”. Tôi chính thức trở thành phóng viên của báo từ hôm đó và nghiệp báo vận vào đời mình như câu ca mượn ý trại từ bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà đồng nghiệp hay hát cho nhau nghe “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/khi đi Di Linh khi về Đạ Tẻh/ trên hai tay ta đôi chồng tài liệu/để sớm mai đây nộp xấp tin bài…” cho mãi đến nay. 
 
So với anh chị đi trước, có tới ba, bốn mươi năm gắn bó với Báo Lâm Đồng trong 40 năm qua kể từ ngày thành lập, tôi góp phần nhỏ bé của mình ngót nghét nửa chặng đường mà bản báo đã bước đi tới ngày hôm nay. Các anh chị vào báo trước tôi hay ví von tôi là “thế hệ thứ 3” về báo công tác. Nghĩa là tôi thuộc lớp “hậu sinh” khi quá trình thành lập, xây dựng “gương mặt” thông tin trên tờ báo đã nên vóc dáng. Và nếu có điểm nào đó cần định vị trên dòng chảy thời gian thì đấy là thế hệ tôi bước vào “ngôi nhà” báo chí tương ứng với thời kỳ đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, kéo theo những chuyển biến sâu rộng về mặt xã hội trong những năm 90 của thế kỷ trước. 
 
Dẫu thời gian trôi qua, tháng ngày mới lại đến, trên hành trình cuộc đời của mình, của nghiệp phận, tôi mãi ghi nhớ và xin nhận ở nơi ấy - tờ Báo Lâm Đồng - vẹn nguyên một chữ TÌNH. Đấy là tình người mà tôi may mắn đón nhận từ anh chị đồng nghiệp.
 
Tùy bút: HỒ XUÂN TRUNG