Mưa qua bóng nắng

08:09, 07/09/2017

Căn nhà ấy, 27A Thi Sách, TP Đà Lạt, tôi vẫn hằng lui tới. Có điều, từ ngày cô mất, tôi cố tránh những trường hợp phải đặt chân lên gác thượng, nơi để bài vị và di ảnh cô. Cô là Nguyễn Mai Hương, cái tên gợi nhắc về một ban mai thoảng thơm hương tinh khiết. 

Căn nhà ấy, 27A Thi Sách, TP Đà Lạt, tôi vẫn hằng lui tới. Có điều, từ ngày cô mất, tôi cố tránh những trường hợp phải đặt chân lên gác thượng, nơi để bài vị và di ảnh cô. Cô là Nguyễn Mai Hương, cái tên gợi nhắc về một ban mai thoảng thơm hương tinh khiết. 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhớ lại, một chiều Đông năm 2008, tôi lần đầu tiên gặp cô. Cô thanh nhã bên người đàn ông có dáng thấp đậm, đeo kính râm, trông dữ dằn như một bưởng trưởng. Người đàn ông đi cùng cô chẳng phải ai xa lạ, chính là Vương Tùng Cương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đây, Vương Tùng Cương là tay buôn cám vàng, đô la có số má. Thế rồi, sau một biến cố lớn, người con trai duy nhất qua đời, Vương Tùng Cương trở thành con người khác, đuổi thẳng bạn buôn quen đến nhà: “Ở đây, không có vàng, không có đô la. Giờ, chỉ có rượu và thơ!”. Thơ là những gì còn lại sau tất cả, hay nói đúng hơn, thơ là nơi tì vịn cuối cùng để Vương Tùng Cương đi qua những dằng dặc sạt lở, thức trắng đắng đau: “Gà gáy loang dần chó sủa bóng xa/ Đêm trở trời cá động ao bì bõm/ Nghe hoang vắng tiếng vạc xa tìm bạn/ Người kéo vó khuya ho thúng thắng tuổi già”. 
 
Cô giạt vào đời Vương Tùng Cương, khi cuộc hôn nhân giữa cô và chồng đang ở trong giai đoạn cuối cuộc hành trình xót buốt, bằng cái cách của người đàn bà đa đoan đúng nghĩa. Bởi chỉ có sự đa đoan mới đủ nghiệp căn để dắt dẫn cô bước vào con đường mà phần lớn người đời đều ra sức né tránh, vì khi ấy cô và Vương Tùng Cương cũng không còn trẻ nữa. Cả hai người lúc này đều đã trải qua những hạnh phúc lẫn đắng đau riêng trong cái nơi vẫn được người đời khoác cho mỹ từ tổ ấm. Tuy vậy, tôi không coi đấy là sự vi phạm đạo đức. Ngược lại, tôi thầm ngưỡng mộ sự... vi phạm ấy. 
 
Trước kia, cô yêu rồi đi đến hôn nhân với người đàn ông đã là bố của hai đứa trẻ, đang sống cảnh gà trống nuôi con, theo những gì con tim cô cho là đúng, cần phải làm, không hề toan tính thiệt hơn, không sợ cả những eo sèo dư luận. Quyết định có phần... khó hiểu này, cũng chỉ có thể lý giải được nhờ thuyết... đa đoan luận. Tất nhiên, một cuộc hôn nhân như vậy, chắc chắn khó tránh khỏi hành trình xót buốt, vì ngay từ đầu nó đã không phẳng phiu theo khuôn phép sự chỉnh chu thông thường, mà đầy ứ những ghềnh những thác những trắc trở chông chênh. Ngày tiễn cô về nhà chồng, yêu và hiểu con gái, mẹ cô chỉ cười: “Cái phận đàn bà nó vốn sẵn đa đoan rồi con ạ! Sao con còn rước cái nợ văn chương chi cho khổ nó lận thêm vào thân!”. Cô cũng cười, một nụ cười vừa biết ơn vừa thông tỏ trách nhiệm, theo kiểu “đã mang lấy nghiệp vào thân”. 
 
Thông tỏ nghiệp căn không có nghĩa trong quá trình chung sống với chồng, cô không có những va đập, đắng đau, ê chề. Thậm chí, chính sự thông tỏ về nghiệp căn ấy, khiến cô phải trải qua nhiều gió sóng hơn, chịu nhiều đổ vỡ hơn, ưu ấp nhiều vết thương hơn, nhưng nhờ đó cô cũng sống đầy hơn, dày hơn, sâu hơn, đa diện hơn.
 
Cô quen biết Vương Tùng Cương trong lần đến bệnh viện thăm một người thân bị ung thư. Bấy giờ, Vương Tùng Cương cũng đang chăm vợ bị bệnh ung thư ở đấy. Nhìn người đàn ông tiều tụy vì ngày đêm săn sóc vợ, tự dưng cô cảm thấy xót xa. Chính cái tâm chất đầy nhạy cảm trắc ẩn đó đẩy cô giạt vào đời Vương Tùng Cương. Điều ấy cũng có nghĩa tình thương người trong cô chiến thắng mọi sự, chở che mọi sự, dưỡng nuôi mọi sự. Tôi đồ rằng, nếu gặp Vương Tùng Cương trong trường hợp của cô, không ít người sẽ ba chân bốn cẳng, rồi chạy cho thật xa vì ngại bị liên lụy, vì sợ phải nặng gánh cưu mang. 
 
Tôi quý và ngưỡng mộ cô cũng vì thế! 
 
Từng là học sinh giỏi văn rồi trở thành giáo viên dạy văn, thế nên việc cô biết nhiều về tác giả, biết sâu về tác phẩm văn chương không những cần thiết cho nghề nghiệp, vì nó làm dày thêm kiến văn, giúp quá trình giảng dạy thẩm được sâu hơn cái “mã ADN” nghệ thuật ẩn sau con chữ cũng là điều dễ hiểu và càng dễ hiểu hơn khi nó là những gợi khơi để cô sáng tạo tác phẩm văn học. Trong số những tác phẩm văn học cô tiếp xúc, có thơ của Vương Tùng Cương.
 
Thơ Vương Tùng Cương như tương cà, như dưa muối, như đồng đất cố xứ hoang vỡ lời bà, lời mẹ, lời chị, lời em. Tất cả những tin yêu, ủ ấp từ nắng mưa, rạ rơm, tro trấu, từ sạt lở đắng đau đời bà, đời mẹ đã được Vương Tùng Cương lặn sâu, cày vỡ, thốc thới trong thăm thẳm cội rễ đất đai và rồi như một lẽ tự nhiên nó cất lên tiếng nói đậm chất thô mộc, kiểu lời ăn tiếng nói người nhà quê nguyên khối, đẫm mùi bùn trong từng thớ thịt. Tất nhiên, trong tiếng nói thơ Vương Tùng Cương, không thể thiếu ảnh xạ người mẹ, với nắng sương cháy bạc lưng sờn vai áo. Do vậy, yêu thơ Vương Tùng Cương cũng có thể coi là yêu làng xưa, yêu người xưa. Mà yêu làng xưa, yêu người xưa thì cũng đáng yêu quá đi chứ! Bởi trong thơ Vương Tùng Cương có đủ những số phận, những cuộc đời bện chặt vào đất đai ruộng đồng nên đẹp một cách gian truân đến tận cùng. Thế nên, người không hợp cạ, có thể do khác biệt về khẩu vị và cũng có thể do thiếu vốn tâm thức làng, thì rất dễ nản lòng và thể nào cũng ngoảnh mặt quay đi. Còn người hợp cạ thì say đứ say đừ, không tài nào rứt ra được, như người nghiện thuốc lào nặng. Cô rơi vào trường hợp thứ hai… 
 
Chiều nay, chẳng hiểu sao tôi lại tha thẩn đặt chân lên gác thượng, tay run run lần giở những trang viết cô để lại, rồi chợt nhận ra có một cái tôi vẹn nguyên được cô giấu đằng sau câu chữ. Ở đấy, sướng - khổ, được - mất, khôn - dại, đúng - sai (theo cách nghĩ của người đời) đối với cô chả còn nhiều ý nghĩa. Ở đấy, cô có một cuộc đời đáng sống, văn chương giúp cô thực thi những mơ ước, khỏa lấp những nỗi niềm riêng, chữa lành trái tim người đàn bà đa đoan, luôn lấy sự che chắn làm nghiệp dĩ đời mình. Tôi còn nhận ra trong những trang văn đọng lắng, tự ngân từ trái tim người đàn bà đa đoan ấy, có sự an nhiên rơi thoảng trong tiếng kinh siêu độ, trắng tinh khôi màu miên hương.
 
Tạp bút: TRỊNH CHU