Hồi ký "Đi theo con đường đã chọn"

09:09, 05/09/2017

Ðúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 72 năm Ngày thành lập Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam (19-8-1945/19-8-2017), Nhà Xuất bản Công an Nhân dân vừa cho ra mắt cuốn Hồi ký  "Ði theo con đường đã chọn" của ông Bùi Ðức Tân - sĩ quan công an, cán bộ lão thành cách mạng do nhà báo Nguyễn Mậu Siệc thực hiện.

Ðúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 72 năm Ngày thành lập Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam (19-8-1945/19-8-2017), Nhà Xuất bản Công an Nhân dân vừa cho ra mắt cuốn Hồi ký  “Ði theo con đường đã chọn” của ông Bùi Ðức Tân - sĩ quan công an, cán bộ lão thành cách mạng do nhà báo Nguyễn Mậu Siệc thực hiện.
 
Ông Bùi Đức Tân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê Quảng Ngãi, giàu truyền thống cách mạng. Vào những năm đầu thập niên    bốn mươi của thế kỷ trước, vừa bước sang tuổi thanh niên, bạn bè cùng lớp với ông đều rất mơ hồ trước thời cuộc mù mờ, rối ren lúc bấy giờ. Trong khi đang hoang mang giữa ngã ba đường, Bùi Đức Tân tìm gặp cha để hỏi ý kiến. Cụ thân sinh đã chân tình khuyên con trai: “Nếu con muốn thoát ly để hoạt động chính trị thì nên theo con đường Cụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn. Bởi vì, Cụ Nguyễn Ái Quốc là người yêu nước nhất và cũng là người đầu tiên quyết chí ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Khi đã có đủ điều kiện ông trở về lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, đánh đuổi bọn thực dân đế quốc, quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình đấy, con ạ!”. Với lời khuyên chân thành, đầy thuyết phục của cha mình, Bùi Đức Tân càng nung nấu thêm tinh thần, ý chí và quyết tâm đi làm cách mạng để cứu nước, cứu nhà. Giữa năm 1942, ông Tân được cấp trên phân công phụ trách Tổ phó Tổ công tác, trực tiếp tuyên truyền, phát triển hội viên và vận động nhân dân quyên góp tiền của ủng hộ cách mạng. Đồng thời, gia nhập Đội du kích Ba Tơ, trực tiếp tham gia xây dựng các lực lượng vũ trang, tạo cơ sở để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, cuối năm 1945, tổ chức đồng ý cho ông được thoát ly để gia nhập vào đơn vị cảnh sát thuộc Ty Công an tỉnh Quảng Ngãi. Đầu năm 1947, Bùi Đức Tân được điều động sang  công tác biệt phái ở Đội cảnh sát bảo vệ Cơ quan ấn loát tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.  
 
Kể từ lúc ấy, Bùi Đức Tân đã chính thức “Đi theo con đường đã chọn”cho đến hôm nay, khi đã hơn 96 tuổi đời ông vẫn rất tự hào về quãng đời hơn 70 năm đi theo Cách mạng và xem đó là những năm tháng có ý nghĩa nhất và đáng sống nhất trên cõi đời này. Vì thế, trong nội dung Lời cám ơn mở đầu cuốn hồi ký ông đã bộc bạch tâm sự: “Mặc dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành cuốn Hồi ký “Đi theo con đường đã chọn” nhằm tri ân những đồng chí, đồng đội đã từng nằm gai nếm mật, cùng chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Tôi cảm thấy mình còn mang nợ rất nhiều với biết bao đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng xin chân thành gửi lời cảm ơn đến tất cả đồng bào, đồng chí đã từng cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng giao cho. Thông qua cuốn hồi ký này, tôi mong  muốn tất cả con cháu trong nhà, cũng như  các thế hệ trẻ mai sau đừng bao giờ lãng quên sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ để giành lại độc lập, hòa bình cho dân tộc và nhân dân ta”.
 
Có thể nói rằng, cuốn Hồi ký “Đi theo con đường đã chọn” của Bùi Đức Tân là bức chân dung tự họa của một sĩ quan công an đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ cái nôi văn hóa gia đình như Lời nói đầu của Nhà Xuất bản Công an Nhân dân đã khẳng định: “Trong gần bốn mươi năm công tác trong ngành Công an Nhân dân, khi được phân công bất cứ công việc gì, tham gia chiến đấu ở bất kỳ chiến trường nào, dù gian khổ, ác liệt đến đâu đồng chí Bùi Đức Tân vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào thành tích của lực lượng Công an Lâm Đồng nói riêng và  trang sử vẻ vang của Công an Nhân dân nói chung”.   
 
Hơn 200 trang sách, với lối kể chuyện giản dị, chân thành, nhà báo Nguyễn Mậu Siệc đã biết chọn lọc chi tiết, sự kiện để ghi lại một cách trung thực, sinh động nên đã làm cho những chi tiết ấy có dịp sống lại trong Hồi ký “Đi theo con đường đã chọn”. Đồng thời, khôn khéo dẫn dắt người đọc đi dần từ những trang đời đến những trang viết. Toàn bộ cuốn sách có IX chương, mỗi chương đề cập đến mỗi chặng đường, mỗi nhiệm vụ hay công việc khác nhau, nhưng đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau nên khi đọc đến trang cuối cùng, người đọc đều nhận ra được những phẩm chất đáng quý của người sĩ quan công an, một  cán bộ lão thành cách mạng rất trung thành với cách mạng với nhân dân; có lối sống trong sạch, giản dị, liêm khiết đến cuối đời; luôn vững vàng một niềm tin vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp đổi mới với mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh nhất định sẽ thành công. Chính từ những niềm tin sắt son ấy, ngày càng trở thành động lực giúp đồng chí Bùi Đức Tân luôn rèn luyện, tu dưỡng giữ gìn phẩm chất cách mạng, lối sống trong sạch lành mạnh, luôn được đồng chí, đồng đội và nhân dân ở khu dân cư quý mến và tin cậy.
 
Đọc hết IX chương cuốn Hồi ký “Đi theo con đường đã chọn”, dù tác giả miêu tả về quê hương, gia đình hay đồng đội của ông Bùi Đức Tân… đều là những trang viết chan chứa nghĩa tình quê hương, đồng đội sống chết có nhau trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng tràn đầy tình nghĩa và tính nhân văn sâu sắc. 
 
Bỏ qua những tiểu tiết còn hạn chế, cuốn Hồi ký “Đi theo con đường đã chọn”  là một trong những tác phẩm hồi ký đáng trân trọng. Ngoài những chi tiết, sự kiện và con người được miêu tả đều thể hiện rõ tính trung thực, đúng mức độ về ông Bùi Đức Tân, luôn đề cao vai trò và tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ của mình như các đồng chí Nguyễn Văn Trúc, Đoàn Đức Ngọc, Trần Văn Quy và các đồng chí Vỹ, Sơn, Mẫn, Chiến, K Chai… Đặc biệt, có hai đồng chí trong đơn vị của ông là Nguyễn Văn Trúc (Mười Trúc), Trung đội trưởng an ninh vũ trang và Đoàn Đức Ngọc, Đội trưởng đội trinh sát đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân. Điều đáng ghi nhận ở tập hồi ký này, tác giả đã ghi lại một cách khách quan, vô tư, chừng mực, không có biểu hiện đề cao người này, hạ thấp người kia nên người đọc càng có cảm tình hơn với ông Bùi Đức Tân - nhân vật chính của cuốn sách.
 
PHẠM THÚY AN