Mậu Thân ở vùng bàn đạp

09:10, 19/10/2017

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Mậu Thân (1968), mà mai đã nở, tuy cây cối tàn hoang, lác đác chỉ còn vài bóng cây kiên cường, xém lá trụ lại. Những cội mai già cụt cành, mất ngọn, không còn chiếc lá, nhưng nụ mai vẫn nhú lên, bung lụa những bông vàng run rẩy. Đất đai trộn mảnh bom, mảnh pháo, đầu đạn lổn nhổn, dưới nắng vàng chói, gắt. Mảnh áo quần, ni lông poncho, quân trang, quân dụng vương vãi…

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Mậu Thân (1968), mà mai đã nở, tuy cây cối tàn hoang, lác đác chỉ còn vài bóng cây kiên cường, xém lá trụ lại. Những cội mai già cụt cành, mất ngọn, không còn chiếc lá, nhưng nụ mai vẫn nhú lên, bung lụa những bông vàng run rẩy. Đất đai trộn mảnh bom, mảnh pháo, đầu đạn lổn nhổn, dưới nắng vàng chói, gắt. Mảnh áo quần, ni lông poncho, quân trang, quân dụng vương vãi…
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Bộ đội về lác đác rồi đông dần, giọng nói các miền nho nhỏ, thầm thì bí mật. Có những đơn vị họ chỉ đi qua, có khi ém lại bên ngoài vườn tràm, bờ mương, nghỉ lại ít phút rồi lại mải miết hành quân.
 
Nhận thấy có chuyện lớn, nhất là khi có cán bộ mặt trận xuống “chúc Tết sớm” nhân dân và du kích, má Tám sang bà Hai Liềm. Hai bà chia nhau gói trầu:
 
- Chị Tám nè. Bộ đội mình về đông dữ vậy, chắc sẽ có đánh lớn, ha?
 
- Tui chưa nghe phổ biến gì, nhưng thấy mấy ông Mặt trận về nói: “Các mẹ năm nay ăn Tết lớn đi. Gói thiệt nhiều bánh tét, bánh ú vô”, là tui đoán ra rồi. Gói nhiều ai ăn? Thì cho tụi nó chớ ai?
 
Bà Hai Liềm chỉ còn mấy cái răng, cười phà phà:
 
- Thì chị làm chức Chánh trị viên mà! Phải phán đoán tình hình chớ. Bên chị tính nấu nhiêu ký?
 
- Mỗi nhà 50 ký? Đủ không! Thôi thì mình cứ trữ sẵn nếp, đậu. Kêu tới đâu là có ngay tới đó.
 
Hai “bà già trầu” thảo luận một hồi, bà Hai Liềm đi tiếp qua đầu ấp, “truyền đạt” ý kiến.
 
Trở về nhà má Tám đã thấy mấy anh bộ đội trong sân. Đứa đứng, đứa nằm, ngả người ra sau lưng dựa ba lô. Thấy anh em bộ đội, má không lạ. Đứa nào cũng khỏe cũng mạnh, cũng hiền hiền, nhộn nhộn, quen quen. Nhiều lần má giấu tụi nó dưới hầm, trong nhà, thằng gì, má đâu có nhớ nổi tên đứa nào đâu. Thằng nào cũng giống thằng nào à!
 
Nhưng hôm nay thấy tụi nó tự nhiên vầy, má cũng vui vui, lật bật đi thẳng vô sân. Bộ đội giải phóng đứng vây quanh hỏi thăm má bằng đủ các thứ giọng: giọng Nam, giọng Huế… Má lần tay, lần vai từng đứa, không nói được tiếng nào. Thằng Lượm phải kể liền:
 
- Bà Tám biết không? Mấy anh được lịnh nghỉ chân, anh Bảy xã đội giao cho con đưa mấy anh vô ấp. Đang nghĩ không biết vô nhà ai, thì một anh kêu: “Có nhà bà Tám Rành ăn trầu không?”. Con nói có, rồi đưa mấy ảnh vô đây…
 
- Đứa nào đâu? Đứa nào hỏi nhà bà Tám Rành?
 
Một anh đến trước mặt má, nói giọng Bắc:
 
- Con đây má! Con là Khuê. Hồi năm ngoái con ở chung tiểu đội với anh Hè, anh ấy làm A trưởng, con xạ thủ B40. Sau anh ấy được điều về An ninh huyện. Trước lúc chia tay, anh Hè có nói cho con biết, anh ấy là con trai của má. Anh ấy còn dặn con, nếu về Phước Hiệp thì hỏi, ai cũng biết bà Tám Rành!
 
Má Tám lắng nghe từng tiếng thằng Khuê nói. Mà giọng “Huế” của nó nói nhanh, cũng khó nghe thiệt.
 
- Mầy… Mầy cũng biết thằng Hè hả con?
 
- Thì hai anh em con nằm chung hầm mà má. Đêm chia tay, anh ấy tâm sự nhiều, mà con… Khuê cười ngượng nghịu. Con buồn ngủ quá, ngủ mất tiêu, để anh ấy nói một mình. Nhưng mà tên má với tên ấp thì con nhớ liền… Nó theo con vào giấc ngủ luôn, nên hôm nay con qua đây vẫn nhớ, tìm vô thăm má.
 
Bỗng má Tám bật khóc. Khuê ôm má, sụt sịt gọi bạn:
 
- Hè ơi Hè! Cái thằng này tệ quá. Mày hẹn tao cùng về thăm má. Thế mà mày không giữ lời hứa, đã bỏ ra đi. Hôm nay tao về với má đây…
 
Mọi người im lặng, má Tám vuốt tóc Khuê:
 
- Tụi bây đi đánh trận nầy cho ngon, trả thù cho thằng Hè, báo thù cho những đứa đã hy sinh…
 
*
 
Tết năm nay vắng lặng hơn mọi năm. Sự yên ắng đó khiến người ta nghĩ đến sự tĩnh lặng trước một cơn giông. Chiều mùng 1, má Tám sửa soạn bàn thờ cúng ông bà, phía dưới là 5 cái lư cắm nhang nhỏ. Má sửa soạn đầu tóc, đứng vịn bàn thờ:
 
- Năm thằng con của má: thằng Dúng, thằng Sóc, thằng Vé, thằng Hè, thằng Nâng, tụi bây về ăn Tết với ba, với má, với các em, với anh em bộ đội du kích. Các con về phù hộ cho gia đình, cho anh em mạnh giỏi đánh giặc trả thù. Bây sống làm người chiến sĩ, chết làm ma anh hùng, vì dân vì nước. Anh em tụi bây ở đâu, xa gần nhắn nhủ rủ nhau về cho ấm nhà ấm cửa…
 
Má Tám còn đứng đó hồi lâu, thỉnh thoảng lại lấy chéo khăn rằn chấm nước mắt. Trời đất cũng se se lạnh, thấm thía sẻ chia với nỗi lòng người Mẹ Việt Nam. Mười lần sanh đẻ, 10 đứa con, mà giờ đây trong căn nhà dựng tạm trên nền đất mảnh bom, đạn pháo cày xéo chỉ còn có một bà già.
 
Lúc sau má đi xem lại rổ rá nhà mình cùng với nếp đậu, lá chuối, sợi bàng để gói bánh tét cho anh em bộ đội du kích, theo kế hoạch đã bàn.
 
*
 
Má Tám thắp thêm một lượt nhang cho từng đứa con rồi đi nằm. Nửa đêm, bất ngờ má choàng tỉnh. Tiếng súng, tiếng pháo bốn phía nổ ran trời. Má ra sân, nhìn về phía Củ Chi, điện tắt, trời tối đen, nhưng in rõ đường đạn đan chéo bầu trời. Thỉnh thoảng pháo sáng, hỏa châu bắn lên đủ màu vàng đỏ.
 
- Rồi! - Má nói to một mình - Tụi nó ăn đủ rồi.
 
Má bồn chồn, đi ra đi vào, thỉnh thoảng nghe có tiếng người lẫn trong tiếng súng nổ, nhưng không biết ai để hỏi. Bỗng từ phía cổng có ánh đèn pin loang loáng, rồi tiếng chân người. Gần hơn, thấy có người dìu nhau, gọi cổng:
 
- Bà Tám ơi, bà Tám! Có thương binh…
 
Má ra tận nơi soi đèn hoa kỳ vào khuôn mặt người đang gục xuống vai đồng đội:
 
- Đứa nào đó?
 
- Bộ đội. Ảnh bị thương vào bụng.
 
- Đưa nó vô nhà…
 
Má chạy gằn vô trước, kéo cái chõng tre, đặt người bị thương nằm xuống. Lát sau có con Thương y tá du kích xã đem đồ nghề bông băng đến, xé áo băng bó. Hai anh du kích, đứng một lúc giúp cô Thương, đặt thương binh nằm lại rồi quay ra:
 
- Con chào bà Tám. Chị Thương lo cho ảnh nha.
 
Tụi em ra tiếp mấy anh ở ngoải đây.
 
- Bây đi đi. Có tao ở đây rồi! - Má Tám xua hai anh du kích.
 
Băng bó cho thương binh xong, Thương ngồi ngủ gật một lúc choàng tỉnh:
 
- Bà Tám ở nhà coi ảnh nha bà Tám. Con phải ra ngoài ngoải…
 
- Ừ. Con đi đi. Để nó nằm đây tao lo cho.
 
Má Tám vô góc nhà, rờ rờ cái nan trúc rồi bật nắp hầm. Má thầm tính, nếu có động, có lính thì đưa thương binh xuống hầm, chuyển vào ngách địa đạo.
 
Nhìn vầng trán lấm tấm mồ hôi, nghe hơi thở nhè nhẹ của anh thương binh, má đoán nó chỉ bằng tuổi thằng Luông. Má cũng không hề biết tên tuổi, quê quán, cha mẹ nó ở đâu. Có lẽ là xa lắm mãi tận ngoài miền Bắc. Ở nơi đó cũng có những người mẹ gửi đứa con của mình vô đây chiến đấu trên quê hương má. Má quạt nhè nhẹ cho thằng nhỏ, đang nằm đây, mà má tưởng như những đứa con mình.
 
Má đặt nồi cháo, đút cho anh thương binh ăn thì có thêm một thương binh nữa. Anh này bị gãy đùi, mất máu nhiều, may mà được băng bó kịp thời. Lúc đưa vào nó ngất xỉu, mặt xanh lét.
 
Mấy anh em du kích, bộ đội cũng về ngồi ngoài sân nhà má. Chuyện trò râm ran rồi mỗi đứa bóc một cái bánh tét cắn ngang đòn. Con Nhàn, con Đẹt vô hỏi:
 
- Bà Tám cho tụi con xin ít bánh tét cho mấy ảnh giữ chốt.
 
- Bây vô lấy đi. Để cho hai thằng này hai đòn nó ăn. Tao đi vo nếp gói thêm bây giờ…
 
Có lẽ trong đời má, gần 70 tuổi, đây là cái tết vui nhất. Con cháu, trai gái, Bắc Trung Nam chật nhà… Chiều tối mùng 2, Bảy Trung xã đội trưởng thay thằng Nâng đã hy sinh, đảo qua nói cho má hay:
 
- Mình đánh trận nầy đã lắm má Tám. Tụi nó bị bất ngờ, nên thua đau. Các mục tiêu đầu não quân ngụy dưới Sài Gòn cũng bị ta tấn công, chiếm giữ như Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu, Tòa Đại sứ Mỹ… Ở Củ Chi mình, toàn bộ đồn Cây Trôm, An Hòa, Suối Sâu… tụi lính chạy như vịt. Căn cứ Mỹ ở Đồng Dù cũng bị ta tiến công tiêu diệt. Má với Hội Mẹ chiến sĩ có gì khao quân đi…
 
- Ừa! Tụi bây cứ đánh cho ngon, về đây muốn gì tao cũng lo được hết.
 
*
 
Những ngày vui qua đi. Tiếp theo những đợt tiến công đợt hai, đợt ba, rồi lực lượng ta rút ra căn cứ. Địch bắt đầu quay ra phản kích. Vì bị đòn đau, tiêu hao lực lượng lớn nên chúng trả thù hung hãn. Du kích các xã rút vào địa đạo. Các chị em phụ nữ, không chỉ làm công tác cứu thương, tải đạn mà các đội nữ du kích cũng được thành lập. Đội Du kích của Bảy Nê làm cho quân ngụy và quân Mỹ hoảng sợ mỗi lần đụng độ.
 
Đó là những ngày căng thẳng. Bom pháo dội không chừa một tấc. Trên mặt đất không còn bóng người.
 
Đợt 2, đợt 3 bộ đội xuống đường rầm rập, thương binh chuyển ra cũng không ít. Má Tám và các bà mẹ bận rộn suốt đêm ngày. Má không hỏi, nhưng lúc nào má cũng cảm thấy như thằng Huội, thằng Sướng về quanh đâu đây. Nó đi trong tốp những thằng Khuê, thằng Thắng… đông lắm. Rồi bất ngờ, nó từ đâu hiện ra đứng trước mặt má, kêu: “Má… Má! Con nè…”; “Tổ cha bây! Đi đâu mà không nhắn tin dzìa?!”.
 
Thế rồi, thằng Tám Sướng của má đã về! Nhưng, Sướng không về bằng khuôn mặt vuông chữ điền và giọng nói ngỏn ngoẻn quen thuộc với má, mà… bằng một tờ giấy úa vàng. Má nhìn tờ giấy, thẫn thờ nhìn anh cán bộ huyện đội:
 
- Tao biết chuyện gì rồi. Nhưng tao không biết đọc, bây đọc cho tao nghe.
 
Anh cán bộ huyện đội ngập ngừng rồi đọc:
 
“Đồng chí Nguyễn Văn Sướng, sinh năm 1939 tại Phước Hiệp, Củ Chi; đã anh dũng hy sinh ngày… tháng 5/1968 tại mặt trận Long An”.
 
Những người có mặt đứng vòng quanh lặng lẽ nhìn má. Họ chờ đợi để chứng kiến một sự sụp đổ, tan nát trong lòng người mẹ đã hiến dâng đứa con thứ sáu của mình cho Tổ quốc. Không khí đặc quánh một màu tang tóc.
 
Nhưng, má bình tĩnh đón nhận hung tin, lặng lẽ tìm một ống lon, xúc gạo đổ đầy, đặt lên bàn thờ. Rồi má đốt nhang, cắm vào lon gạo, giọng nói bình thản:
 
- Sướng về rồi hả con! Mấy bữa rày, má trông con dữ lắm. Ừa… Tết má cũng để phần con bánh tét nhiều lắm. Tụi nó về ăn hết rồi! Để khuya nay má nấu cho con nha, Sướng!
 
Rồi má quay ra:
 
- Tụi bây còn đứng đó làm gì? Đi! Đi mà đánh giặc chớ ngồi đó nhìn tao à?
 
Mọi người đưa mắt cho nhau, lặng lẽ lui ra. Bây giờ má Tám mới ngồi lên phản, quay mặt ra cửa, khăn rằn thấm nước mắt:
 
- Thằng Sướng nó sướng, tao mới đặt tên cho nó vậy. Nó sanh ra đã có vòng hoa quấn cổ. Bà Chín Mụ phải mất nửa ngày mới đem được nó ra cho tao coi. Mấy bữa rày anh em về đây đánh giặc như đi đám hội, mà nó lại bận công chuyện mãi bên Long An. Cha nó! Nó đi mà không thèm chào tao một tiếng…
 
Cô Thương với bà Tư đỡ hai bên:
 
- Bà Tám! Bà nằm nghỉ chút đi. Rồi con lấy cho bà tô cháo…
 
Má ngoảnh lại nhìn cô y tá:
 
- Bà Tám nằm nghỉ sao được hả con? Bà còn phải đứng lên cùng tụi bây đánh giặc chớ!
 
Truyện ngắn: HOÀNG ĐÌNH QUANG