Quê hương, những điều bình dị

09:10, 12/10/2017

Ai cũng có một nơi để từ đó ra đi. Nơi đó người ta gọi là quê hương. Những hình ảnh đẹp như một bức tranh truyền thống hiện ra ngay trong bộ nhớ nhiều người là cây đa, bến nước, sân đình, là dòng sông ắp đầy kỷ niệm… Nhưng với tôi, ký ức quê có ba thứ nằm lòng: phân bò, rơm và lửa!...

Ai cũng có một nơi để từ đó ra đi. Nơi đó người ta gọi là quê hương. Những hình ảnh đẹp như một bức tranh truyền thống hiện ra ngay trong bộ nhớ nhiều người là cây đa, bến nước, sân đình, là dòng sông ắp đầy kỷ niệm… Nhưng với tôi, ký ức quê có ba thứ nằm lòng: phân bò, rơm và lửa!...
 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Yên Thành, một vùng đất lành, nơi nức tiếng xa gần với hạt gạo thơm dẻo trắng ngần. Ngoài sự chăm chỉ của con người thì bò, phân bò “một thành tố cơ bản” góp phần không nhỏ làm nên một “Nghệ Yên Thành” nổi danh đất Bắc. Ấn tượng nhất về phân bò vẫn là cảnh bác nông dân sau khi bán xong xe củi ở chợ trên đường về, vẫn cần mẫn hót từng bãi phân nằm rải rác với đủ kích cỡ, hình dáng mà một người có kinh nghiệm nhìn vào đó có thể đoán được chú bò có bộ tiêu hóa khỏe hay yếu. Phương tiện hót chỉ là miếng ván mỏng và... đôi bàn chân chai sạn đan xen nhiều kẽ nứt với động tác hết sức nhanh gọn, chuyên nghiệp, đặc biệt là không chút ngại ngùng. Ngoài kết quả là một xe bò kéo đầy cho vụ lúa tới thì hành động cao đẹp này quả xứng đáng biểu dương vì góp phần bảo vệ môi trường…
 
Khi mùa vụ kết thúc, rơm được chất thành từng cây tròn, hình thù như cái nơm khổng lồ. Người quê tôi quan niệm, nhà nào cây rơm càng cao càng to thì bồ thóc càng đầy, cuộc sống càng ấm no, sung túc. Đông đến, rơm là nguồn thức ăn dự trữ chính cho trâu bò trong những ngày buốt giá. Với lũ trẻ chúng tôi trong những ngày ấy - rơm như một bảo bối; những cọng rơm vàng hãy còn thơm mùi nếp được bện chặt con tít, dài độ sải tay, trước khi ra đồng cho vào đầu một hòn than đỏ, vậy là yên tâm cho những mục đồng, nhất là khi tìm được “chiến lợi phẩm” như củ khoai mót, con giam, may mắn có thể con gà xấu số đi lạc ra đồng… Tất cả đều trở thành một bữa tiệc đồng quê thịnh soạn. Rơm, lửa và mùi cháy sém của “chiến lợi phẩm” trộn vào nhau rồi tỏa ra hương vị đặc trưng của vùng trung du Bắc Trung Bộ. Đó là vị dịu ngọt của rơm nếp Tám, hương khói than của đám cây dại, những khuôn mặt tái nhợt vì lạnh hồi hộp ngóng chờ thành quả dưới lớp than hồng để lót vào cái dạ dày rỗng tuếch từ sáng. 
 
Trời mùa này có những ngày không định được thời gian, sáng cũng như trưa, trưa giống chiều, không khí đục như khối sương dày, dày đến mức ánh sáng mặt trời không xuyên qua nổi, còn cái lạnh thì cong cả ruột gan bọn trẻ. Chỉ có ngọn lửa là thân thiện hơn cả, nó xua đi cái buốt đang réo lên từng đợt, kéo chúng tôi lại gần nhau. “Biên giới” làng không tồn tại trong trường hợp này, những bất đồng về “lãnh thổ” được xoa dịu ở đây. Chúng tôi chia nhau củ khoai cháy, càng giam, con nồm nộm còn sót lại sau mùa gặt.
Quê hương, hai tiếng thiêng liêng khởi đi từ những điều bình dị nhất. Nhưng đó lại là một giá trị, một giá trị vượt lên thời gian, vượt lên tất cả và với tôi nó bắt đầu từ phân bò, rơm và lửa!...
 
LÊ TIẾN SỸ