"Xốc" lại tinh thần sáng tạo văn chương

07:10, 16/10/2017

(LĐ online) - Ngày 15/10/2017, Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học – Nghệ thuật Lâm Đồng đã tổ chức đại hội lần thứ 8 (2017 – 2022) với sự tham dự của 46/60 hội viên nhà văn, nhà thơ.

(LĐ online) - Ngày 15/10/2017, Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học – Nghệ thuật Lâm Đồng đã tổ chức đại hội lần thứ 8 (2017 – 2022) với sự tham dự của 46/60 hội viên nhà văn, nhà thơ.
 
Ra mắt Ban chấp hành chi hội khoá mới và Hội đồng nghệ thuật
Ra mắt Ban chấp hành chi hội khoá mới và Hội đồng nghệ thuật
5 năm qua, hội viên tiếp tục duy trì hoạt động sáng tác, nhiều hội viên tích cực viết và không ngừng công bố tác phẩm của mình trên các tạp chí TW, địa phương; đã có khoảng 20 hội viên được tham dự 12 trại sáng tác do Hội tổ chức; hơn 2.500 tác phẩm được đăng báo, tạp chí, phát sóng,  gần 40 đầu sách được in riêng và 80 tác phẩm in chung đã đưa tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong chi hội đến công chúng; hơn nửa hội viên của chi hội đã đoạt 41 giải thưởng văn học của TW và địa phương... Có thể nói nhiệm kỳ qua, nhiều tác phẩm văn chương của các văn sĩ Lâm Đồng ra đời, được in ấn, xuất bản, nhưng ít tác phẩm để lại tiếng vang.
 
Bên cạnh việc xuất hiện một vài cây bút mới có sức viết sung sức, tinh thần sáng tạo của không ít hội viên đi xuống, chất lượng tác phẩm chững lại. Với lực lượng sáng tạo 60 hội viên, chiếm tới 1/3 tổng số hội viên của Hội, Chi hội văn học được coi là “linh hồn” của Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng và là lực lượng chính viết bài đăng trên Tạp chí Lang Bian. Có thể thấy, hội viên đông, nhưng thành tích đạt được trong sáng tạo văn chương “chìm” hơn cả về tổ chức lẫn chất lượng sáng tác so với nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật điêu khắc...
 
  Đại hội đã thẳng thắn nhìn nhận: nhiều văn sĩ thiếu tinh thần, thiếu sự hứng thú sinh hoạt chi hội khiến các buổi sinh hoạt định kỳ chỉ có trên dưới 1/3 hội viên tham gia, ảnh hưởng đáng kể đến sự gắn kết nội bộ, “đốt lửa” sáng tạo của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Các tác phẩm của hội viên chưa theo kịp với đà phát triển của xã hội, chưa đáp ứng với yêu cầu mỹ học, với nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của công chúng; dấu ấn sáng tạo cá nhân, chiều sâu tư tưởng , sự cách tân đổi mới ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm chưa cao... Sáng tạo văn chương là hoạt động tự thân của hội viên, tuy nhiên, việc củng cố tổ chức, nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban chấp hành và hội viên, cần một BCH trẻ hoá, năng động hơn, sáng tạo hơn trong tổ chức mọi hoạt động của chi hội là những vấn đề đại hội đã đặt ra.
 
Đại hội đã bầu BCH gồm 5 nhà thơ, nhà văn, trong đó 4 gương mặt mới: Thanh Dương Hồng, Trần Thị Kim Chung, Nguyễn Mậu Pháp, Lê Đình Trọng đều là những cây bút thuộc thế hệ cuối 6X – 7X đang ở vào độ chín, sung sức, có tiềm năng sáng tạo cùng với Chi hội trưởng là nhà thơ Phạm Vĩnh làm “điểm tựa” sẽ hứa hẹn tập hợp tinh thần sáng tạo mới trong nhiệm kỳ mới. Những văn sĩ “gạo cội” về cả tuổi đời, tuổi nghề, uy tín, tài năng sáng tạo như: Vũ Thuộc, Nguyễn Mộng Sinh, Chu Bá Nam, Đặng Thanh Liễu... đã lui về phía sau làm hội đồng nghệ thuật giữ vị trí cố vấn để dành vai trò tập hợp lực lượng cho thế hệ tiếp nối.
 
THÁI AN