Sắc bén, tâm huyết và giàu tinh thần xây dựng

08:10, 12/10/2017

Thời đô thị hóa, mọi thứ vỡ ra, ánh sáng bốn phương rọi vào, hay-đẹp, sáng-tối, tốt-kém,… ai cũng cảm nhận được ít nhiều, trước hết ở ngay thực thể ta gọi là "Phố phường". 

Thời đô thị hóa, mọi thứ vỡ ra, ánh sáng bốn phương rọi vào, hay-đẹp, sáng-tối, tốt-kém,… ai cũng cảm nhận được ít nhiều, trước hết ở ngay thực thể ta gọi là “Phố phường”. 
 
KTS Hoàng Đạo Kính và nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga ở công trình kiến trúc có tên “Lâu đài mạng nhện” tại Đà Lạt
KTS Hoàng Đạo Kính và nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga ở công trình kiến trúc
có tên “Lâu đài mạng nhện” tại Đà Lạt

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Moscow, Nga, là chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về kiến trúc, quy hoạch, và bảo tồn di sản, với nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc thuộc Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cũng như từng là Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam. Ông chủ trì, tham gia nghiên cứu, phản biện, thiết kế và trùng tu nhiều di tích ở trong nước, đặc biệt ở Hội An, Huế, Hà Nội, rồi Mông Cổ và Ba Lan; thường thỉnh giảng tại các trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, ĐH Xây dựng Hà Nội…
Một đất nước mấy ngàn năm kiến tạo và tổ chức không gian sống (với kinh thành, đô thị, làng mạc, chợ búa...) với những xây, đập, còn, mất... trước bao ba đào lịch sử quét qua cơ thể đất mẹ nên nó lại rất cần sự nhận ra nghiêm chỉnh. Tài sản kiến trúc không chỉ ở bề dày của hơn một ngàn năm trên xứ Thăng Long (Hà Nội), quá ba trăm năm trên Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), trên trăm năm ở Đà Lạt... mà nó là những gì trước đó, đã qua, và đương thời. Câu chuyện khó khăn đó đã vận vào GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính.
 
Hoàng Đạo Kính như ai quan tâm đến lĩnh vực Quy hoạch, Kiến trúc, Đô thị và Di sản đều biết ông luôn là tâm điểm của mọi cuộc hội thảo về những lĩnh vực trên trong nước lâu nay.
 
Bằng sự điều nghiên xuyên thấu, từng trải, Hoàng Đạo Kính chỉ rõ ra đặc tính “nông dân” khi cư xử với đô thị vẫn đang là trạng thái phổ biến của phố phường nước nhà. Ông chỉ ra đặc tính “tiểu nông” khi qui hoạch đô thị. Ông chỉ ra “tầm nhìn” nông nghiệp khi lèo lái đô thị mà như đang be bờ, tát nước, thu hoạch nông sản trên cánh đồng. Hoàng Đạo Kính chỉ ra những ứ tồn dai dẳng của đô thị: nhà cửa xây nhiều mà không có “kiến trúc”/văn hóa; những đô thị tuổi thì nhiều mà không “tinh”, không trưởng thành, huống chi “tiến hóa”. Những đô thị không giống ai, với đặc trưng lan tràn thứ kiến trúc lai căng khắp nơi trên thế giới, nhại cổ, học đòi, sao chép của thiên hạ, “trưởng giả học làm sang” từ nhà dân đến trụ sở công quyền. 
 
Tất nhiên, để chỉ ra những “con đường lạc”, hay vòng luẩn quẩn ở cả hệ thống đô thị cả nước, đầy tắc trách và bế tắc đó, Hoàng Đạo Kính đã liệt kê rõ về tiềm năng đất đai, văn hóa, và cơ hội tiền bạc của thời bình để phát triển và gìn giữ đô thị ở mọi tỉnh thành, từ một thành phố trên Tây Bắc, Tây Nguyên, đến những thành phố ven biển, đồng bằng châu thổ, cố đô (Huế, Sài Gòn - Gia Định), hay đương kim Thủ đô (Hà Nội). Để vẽ một căn nhà, lắm khi bạn chỉ cần kỹ năng và thẩm mỹ, nhưng để viết về những công trình, những đô thị, và “bắt mạch, kê toa” cho nó, bạn phải hiểu biết tất cả những cái gì tạo ra nó. Vì vậy, từ đầu những năm 1990 Hoàng Đạo Kính miệt mài viết ra những tham luận, phản biện có giá trị.
 
Bìa những cuốn sách của Hoàng Đạo Kính
Bìa những cuốn sách của Hoàng Đạo Kính

Trong “Mấy dòng gửi các nhà qui hoạch quốc lộ 1”, lúc người ta chuẩn bị mở rộng quốc lộ này vào năm 1995, bỗng uốn con đường cái quan dịch đến cụm di tích tháp Chăm trên 1.200 tuổi Hòa Lai ở tỉnh Ninh Thuận, ông phản biện điều đó. Khi cứu không được di tích ấy, ông đành nuối tiếc: “Cả một nền văn minh rực rỡ (Văn minh Chăm), ra đời cách đây ngót 2.000 năm,… một dân tộc dồn hết thảy cho tín ngưỡng và bởi vậy hóa thân thành những ngôi đền tháp… Cái gì phải đổ đã đổ rồi. Cái gì phải bị tháo gỡ, đã tháo gỡ rồi. Nhưng những tháp cổ còn lại như những cốt lõi của sự bất tử, hiên ngang mang trong mình linh hồn của một dân tộc đã một thời vang bóng”. Mà không chỉ bao di tích Chăm, tiếng lòng của Hoàng Đạo Kính còn vang lên cho những Kinh thành Huế, Gia Định, và cả Thăng Long xưa với những bảo bối cụ thể còn lại như di tích Lam Kinh của thời Lê sơ, hay cầu Long Biên ở thời thuộc Pháp. Quá nhiều bi kịch đã diễn ra trên hành trình phát triển mới của một VN năng động, u mê và bề bộn hôm nay. Giữa lúc người ta đang muốn làm “trẻ” di tích Lam Kinh, lúc ấy là vào năm 2.000, ông viết rằng: “Hễ làm mất mát thêm, hễ làm sai lệch đi những dấu vết vật chất quí giá ấy, chúng ta sẽ làm tiêu tan những chiếc cầu nối cuối cùng dĩ vãng văn hóa vốn đã đứt đoạn... Mọi chủ trương trùng tu không những vô nghĩa mà còn đi ngược lại bản chất của vấn để ”... Với cơn bạo liệt trong chuyện làm đô thị như hiện thời, ông can khuyên: “Chớ để tư duy bà hàng xén phố cũ dẫn dắt tư duy người đương đại. Chớ để tư duy phân lô, chia mảnh chiếm cứ tư duy nhà quản lý. Chớ để tư duy ngõ ngách chi phối tư duy nhà chiến lược. Hễ tư duy theo lối cũ, có thể đường phố Hôm nay sẽ trở thành ngõ ngách của Ngày mai”
 
Tất cả những nhận chân sắc bén, tâm huyết, và giàu tinh thần xây dựng như trên có ngay trong những cuốn sách của Hoàng Đạo Kính: “Văn hóa Kiến trúc” (NXB Tri thức), “Ngõ phố người đời” (NXB Văn học), “Di sản Văn hóa - Bảo tồn và trùng tu” (NXB Văn hóa - Thông tin). Khám phá nó, ta thấy tất cả cái gì đã và đang diễn ra ở đô thị VN đều ánh xạ trong đó, và rất thân gần. Giữa hiện trạng lý luận về kiến trúc và đô thị của nước nhà đang có những vùng trũng, bỏ trắng hoàn toàn, thì những trước tác của ông là vốn quí thật sự.
 
NGUYỄN HÀNG TÌNH