Tháng ba của mẹ là khoảng thời gian chùng lại sau những ngày tưng bừng nghỉ tết. Bao lo toan mẹ dồn hết cho cái tết. Tết qua mẹ thêm một tuổi. Tết qua mẹ thêm bao khấp khởi nỗi mừng với cháu con. Hình như mẹ quên mình đi, nụ cười của người rạng rỡ.
Khấp khởi nỗi mừng với cháu con. Ảnh: H.H.Nết |
Tháng ba của mẹ có ba loài hoa với ba sắc màu đặc trưng: Hoa gạo màu đỏ ối, tím là hoa xoan và trắng tinh khôi là cành hoa bưởi. Hoa gạo đỏ rực rỡ vào ban ngày, hoa bưởi hương vào đêm còn xoan thì lặng lẽ, bịn rịn. Cả ba màu hoa như đan xen vào nhau, thấm vào nhau, tôn vinh nhau và mang những nỗi niềm riêng thảng thốt. Hoa gạo (Còn gọi là hoa mộc miên) mang tên một sản phẩm của nhà nông như là khát khao, mong mỏi. Hoa nở trước khi đâm chồi lộc, lá. Cây gạo thường đứng ở đầu làng ven đê, những cánh hoa như chùm chim lửa xập xòe. Hoa như là một thông điệp, một lời chào mời từ xa. Tháng ba ngày giáp hạt! Hoa xoan còn có tên gọi là “Hoa Sầu đông”. Hoa mang ngấn đốt thời gian, vỏ ngoài thì khô nỏ, ngỡ như xôm xốp nhẹ bâng mà ruột thật tươi ròng ngâm bùn ao ít khi mối mọt. Xoan dựng nhà dựng cửa, xoan chèo chống với cả một đời người. Xoan mảnh mai đoan trang mà bền chặt. Hoa xoan li ti bịn rịn chung thủy tím. Hoa vừa mộc mạc lo toan, vừa ấp iu khiêm nhường, vừa mang cốt cách dịu dàng mà cũng chứa chan kiêu hãnh thầm lặng. Có chút gì buồn đơn độc không rạng ngời như hoa gạo, không trở hương như hoa bưởi, mà thủ thỉ biết mấy ân tình. Bất cứ vườn nhà ai ở nông thôn cũng đều vấn vương hoa bưởi, hương bưởi. Cứ lần theo hương bưởi tháng ba ta sẽ gặp dáng hình thon thả, mái tóc dài thon thả của mẹ ta, chị ta. Rồi một ngày tóc mẹ búi cao hơn, mái tóc thưa hơn ta bỗng giật mình thon thót khi nhận ra có bao sợi bạc. Nắng mưa đã ngấm vào một phần hương sắc của mẹ, vào da thịt mẹ ta. Hoa bưởi thì rụng bời bời mà hương bưởi thì thơm man mác. Một làn hương dịu và trong suốt để một ngày cành trĩu nặng bao lứa quả la đà như đàn con sum vầy.