Ngày Mỹ lấy chồng hàng xóm láng giềng ai cũng bảo: Con bé ấy thế mà may! Con bé ấy thế mà may! Nghe phát ghét. May là may thế nào? Mỹ tức tối tính vặn lại mấy người mà chưa có dịp. Ừ thì nhà chồng Mỹ đàng hoàng gia giáo...
Ngày Mỹ lấy chồng hàng xóm láng giềng ai cũng bảo: Con bé ấy thế mà may! Con bé ấy thế mà may! Nghe phát ghét. May là may thế nào? Mỹ tức tối tính vặn lại mấy người mà chưa có dịp. Ừ thì nhà chồng Mỹ đàng hoàng gia giáo. Ừ thì chồng Mỹ đã hiền lành còn đẹp trai, đã lương cao lại còn chiều vợ. Nhưng chẳng phải Mỹ đẹp sao? Chẳng phải Mỹ rất trẻ trung sao? Trẻ và đẹp nghĩa là Mỹ có cả gia tài rồi. Và đương nhiên được thừa hưởng gia tài đó thì còn phải cố gắng làm gì nữa, chỉ việc ngồi một chỗ mà thụ hưởng thôi. Việc của Mỹ sau khi cưới sẽ là đi ăn, đi chơi và đi sắm đồ cho bõ những ngày bố mẹ bắt Mỹ tu tâm dưỡng tính, làm cho ra vẻ con nhà để lấy chồng ở văn phòng giao dịch bất động sản, chẳng mấy khi bán được căn nhà hay miếng đất nào kia.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Hào có lẽ là dịch vụ ngon lành nhất mà Mỹ vớ được từ khi mở văn phòng. Hào gặp Mỹ thật tình cờ. Anh đi tìm mua đất xây nhà, ra ở riêng. Đang ngó nghiêng đống giấy tờ nhà đất mà Mây giới thiệu thì Mỹ vào. Quần dây, áo ống, kính hồng, điện thoại di động xịn. Trông quá ngon lành. Mây còn kịp giới thiệu Mỹ là chủ dịch vụ nữa. Dĩ nhiên hai người quen nhau. Từ quen tới cưới tính thời gian vừa tròn sáu tháng. Tính những lần gặp gỡ tiếp xúc chắc cũng được mươi lần.
Mỹ là con một. Bố mẹ Mỹ không giàu gì nhưng tuổi gần bốn mươi, nuôi cô cháu gái mấy năm rồi mới sinh Mỹ. Dĩ nhiên Mỹ được chiều. Mỹ thôi học từ năm lớp mười. Không phải bố mẹ không có sức lo cho Mỹ ăn học, nhưng kiểu học mà kiến thức về những điều hữu dụng trong cuộc sống như làm thế nào để nhanh có nhiều tiền? Làm thế nào để phát triển hơn, đẹp hơn, sung sướng hơn?... thì chẳng có, toàn những quy luật nọ, định luật kia. Chán chết! Mỗi tháng vẫn phải đóng tiền học phí. Mỗi đợt lễ tết vẫn phải quà cáp cho thầy cô. Mỗi đợt thi nếu không nhờ được Mây thì vẫn phải tốn tiền thuê người làm bài hộ. Thế thì học mà làm gì. Mỹ tuyên bố thôi học. Bố mắng té tát nhưng mẹ Mỹ bênh. Nó nói đúng, ông có phải lo học như nó, lo tiền như tôi đâu mà biết giáo dục giờ nó hỏng đến thế nào.
Mỹ nghỉ ở nhà, lông bông một thời gian thấy cũng chán. Đăng ký đi học tiếng Anh theo tháng. Học tháng nào đóng tiền tháng ấy. Chẳng phải đầu óc ngu si tứ chi phát triển nhưng thân hình Mỹ nảy nở từ rất sớm. Mười lăm tuổi, Mỹ có số đo ba vòng của mấy cô hai mươi. Mười bảy tuổi, son phấn trang điểm vào là da trắng, môi đỏ đẹp như Bạch Tuyết ngay. Nếu dáng Mỹ mà cao cao tí nữa thì thể nào mẹ cũng cho đi thi hoa hậu. Mà chẳng hiểu sao các công ty người mẫu cứ cần người cao nhỉ? Tốn vải chứ báu gì.
Mười tám tuổi, Mỹ được nhận vào làm ở công ty kinh doanh mỹ phẩm. Lương tháng bằng một chai nước hoa Lancome loại trung hoặc hai hộp kem dưỡng da L’orea loại nhỏ. Kết quả sau hai tháng, khi kiến thức về chăm sóc sắc đẹp của Mỹ lớn dần, thì túi tiền của Mỹ xẹp lép. Tháng sau, quản lý gọi Mỹ lên tra vấn chuyện khách hàng phàn nàn về một số đồ trang điểm đã bị sử dụng trước và những sản phẩm khuyến mãi đính kèm như quảng cáo cũng chẳng thấy đâu. Mỹ ở nhà, shopping mãi cũng chán. Mẹ Mỹ bảo: Con gái con đứa không cần phải làm ra nhiều tiền nhưng cũng cần phải có nơi làm để trưng diện quần áo, để làng xóm láng giềng không rỗi mồm nói ra nói vào. Tốt nhất mày đến chỗ dịch vụ nhà đất phụ với con Mây. Nó học kế toán biết tính toán, mày không phải lo.
Mây là em họ, nhưng lại lớn hơn Mỹ tới bảy tuổi. Nhan sắc kém xa bà chị trẻ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm tính lọ mọ tối ngày cắm cúi vào sách vở, bếp núc nên hai lăm hai sáu tuổi chưa thấy có mảnh tình vắt vai.
Mỹ lấy chồng. Trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình lớn. Ba mẹ chồng tuy khó tính một chút nhưng cũng được gọi là trí thức nên cuộc sống nói chung khá thoải mái. Thời gian đầu, sáng bảy giờ Mỹ dậy, sửa soạn xong xuống dưới nhà khoảng gần tám giờ. Chẳng phải ăn sáng chung với ba mẹ chồng. Sau đó, chín giờ hơn ra khỏi nhà. Thì có gì đâu mà phải vội. Đôi khi Mỹ ghé ra chỗ Mây ngồi khoe khoang về những món quà chồng Mỹ tặng sau mỗi chuyến đi xa. Nhưng nói chuyện với Mây về hàng hiệu cũng chán như Mây nói chuyện về sách vở công việc với Mỹ. Vậy nên Mỹ thường ghé vào các tiệm đồ trang sức, quần áo, siêu thị với ê hề hàng hóa, thỏa sức lựa chọn những thứ đồ mình thích. Trưa, Mỹ gọi điện cho bạn gái đi ăn và cũng là lúc để Mỹ khoe những đồ vừa sắm... Mỹ đi tới chiều về cũng chẳng sao. Lỡ có ai hỏi cứ lấy cớ đi văn phòng giao dịch là OK. Ngặt cái, các dịch vụ môi giới bất động sản mở ra như nấm sau mưa. Văn phòng thuê mỗi tháng cả mấy triệu, chẳng kiếm được đồng môi giới nào. Nếu không tính vụ cô con gái nhờ mang danh giám đốc mà lấy được chồng giàu thì vụ kinh doanh này của mẹ Mỹ coi như lỗ nặng. Vì vậy chỉ sau khi Mỹ lấy chồng vài tháng, Mây xin được việc khác, văn phòng giải thể. Mỹ thất nghiệp.
Bạn Mỹ bảo: Hay là mày lại đi học! Mỹ giẫy nảy: Học với chẳng hành. Tao chẳng dại mang tiền nuôi báo cô mấy ông thầy mắt thì dán vào ngực người ta mà tay thì vẫn cứ chìa ra nhận tiền. Mày ngu lắm! Nói đi học chỉ là cái cớ. Trường lớp bây giờ mở ra tùm lum ai biết mày học lớp nào, có đi hay không, học phí đóng hết bao nhiêu đâu. Đi như thế vừa có cớ đi chơi vừa có cớ tiêu tiền. Mày chồng giàu không biết chứ tao đây lão chồng cứ cuối tháng là bắt làm bảng kê xem tháng này tiêu hết bao nhiêu tiền. Muốn mua riêng cái váy cho bản thân hay tặng mẹ mấy trăm ngày tết cũng phải nói dối là đóng tiền học. Mỹ suy nghĩ một hồi rồi công nhận con bạn nói chí lý.
Vậy là hàng ngày Mỹ báo với gia đình đi học. Học ngoại ngữ, học kế toán, vi tính, đủ mọi thứ. Thói quen ngủ đến hơn tám giờ nên Mỹ học lớp từ tám giờ ba mươi đến mười một giờ. Buổi trưa Mỹ ngủ đến ba giờ chiều. Thời gian còn lại phải xem phim, chăm sóc sắc đẹp, đọc tạp chí “phụ nữ và thời trang” hay “Nữ hoàng Ai Cập” để trau dồi kiến thức nên Mỹ đi học lớp năm giờ đến bảy giờ.
Nói cho công bằng, không phải Mỹ dối về chuyện đi học. Cô cũng đến những lớp tiếng Anh, tiếng Hoa, nhưng của đáng tội, cô chỉ đến được vài buổi rồi chuồn chuồn. Trời xui đất khiến, khi Mỹ bắt đầu chán nói dối, chán đi chơi, khó trả lời về chuyện giờ học sao nhiều người thân gặp Mỹ lựa đồ trong shop thời trang hay ngồi trong tiệm chat thì Mỹ có bầu. May thế!
Thề có ông mặt trời dù chồng luôn đi xa và Mỹ có thể đi café, nhà hàng với vài người khác giới nhưng đứa con ấy là con Hào. Khỏi phải nói hai nhà mừng đến thế nào. Quyền năng của Mỹ bây giờ to nhất. Không có người giúp việc thì người nhà chồng phải thay. Bố mẹ hai bên gia đình, bạn bè anh em mọi người xúm vào chăm sóc. Mỹ tha hồ bắt nạt những người ngày xưa đã từng xoi mói bóng gió về chuyện chơi bời của mình.
Bé Nấm ra đời mũm mĩm xinh đẹp, là cục cưng của cả hai nhà, có lẽ trừ mẹ nó. Khi người ta còn trẻ mà đã có con người ta thường không cảm nhận được niềm hạnh phúc đứa con mang tới. Mỹ cũng vậy. Mới hai mươi đã mập phì ra vì chân giò, gà tần, yến chưng. Đồ đẹp mặc không vừa nữa. Suốt ngày ôm ấp một đứa bé chỉ biết ăn với khóc. Không chán không tức mới lạ... Hào quyết định nghỉ việc tạm thời để có thời gian chăm sóc vợ con. Thời gian đầu Mỹ cũng thấy thích nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Mỹ lại thấy chán. Làm sao mà không chán được khi hai vợ chồng cứ thấy mặt nhau hai tư trên hai tư. Mà anh đã tranh việc bế bé Nấm chẳng lẽ Mỹ cũng nằm giường xem ti vi cùng chồng. Từ ngày Hào về Mây không sang ngủ cùng nữa nên Mỹ phải làm thêm việc nhà phụ chồng. Con bé bước vào thời kỳ ăn dặm, rồi tập bò, tập đứng. Nghịch phá, té ngã nên phòng ốc, nhà cửa cứ loạn cả lên. Đã thế lại thêm chuyện Hào nghe ai xui khiến đi đặt cọc mua đất, đầu tư bất động sản. Hào không biết số tiền anh gửi về Mỹ đã tiêu gần hết vào những bộ váy áo đắt tiền, những chai nước hoa mở ra rồi bỏ, cả những buổi chơi bài bạc đỏ đen. Khi anh hỏi, Mỹ bảo: Tiền ấy em mua vàng gửi ngân hàng hết rồi. Được bao nhiêu cây? Hai chục cây. Sao ít vậy? Lương anh mỗi tháng mấy chục, hai năm qua anh đưa hết cho em, lại còn tiền đám cưới, tiền ba mẹ hai bên cho...
Hào không biết rằng hai chục cây vàng ấy chẳng có trong ngân hàng nên anh giận điên không chỉ vì nguy cơ mất mấy trăm triệu tiền cọc mua đất mà còn vì cái cớ Mỹ đưa ra để không chịu rút vàng về là hết sức vô lý. Thêm hàng loạt những điều không hợp ý, thế là cãi nhau liên tục. Sau ba lần Mỹ bỏ về nhà mẹ đẻ, Hào phải sang năn nỉ đón về khiến bố mẹ anh cáu giận đến độ chửi con là nhu nhược thì ra tòa li dị. Một năm sau án li hôn được chấp thuận. Bé Nấm chưa đầy ba tuổi, đương nhiên là ở với mẹ. Xét tài sản, công sức đóng góp cũng như thu nhập Mỹ chả có gì. Hào chỉ phải chi ba triệu chu cấp cho bé Nấm mỗi tháng.
Bé Nấm về ở với mẹ, chính xác là ở với Mây và ông bà ngoại. Mỹ nghĩ để nó ở nhà phải chăm mệt. Gửi nó ở nhà trẻ vừa nhàn vừa có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc. Nhưng làm nhiệm vụ đưa đón con mỗi ngày được khoảng vài tháng Mỹ nghĩ lại. Ở cổng trường chẳng anh nào chú ý đến vẻ đẹp ngời ngời của Mỹ. Đàn ông chẳng biết là hèn hay hời hợt, cứ thấy phụ nữ có con rồi là có khoái cũng chỉ ngoái theo, cấm có kẻ nào nhào vô. Ngoài ra cứ phải gặp những ông bố, bà mẹ mặt ngời ngời hạnh phúc đứng đợi con rồi hỏi han này nọ. Mỹ biết, chẳng mong gì kiếm được một anh chàng tốt nếu có đứa bé kè kè theo chân. Mỹ đành vác hồ sơ mỏng dính và vẻ đẹp của gái một con đi xin việc. Kiếm được chân tiếp tân ở một khách sạn nhỏ. Lương thấp, nhưng không đòi hỏi cao. Gần như làm cả ngày lẫn đêm, nhưng chỉ là quẩn quanh nhận và giao chìa khóa. Tính ra cũng nhàn. Việc chăm sóc bé Nấm giao cho dì Mây lo. Bé Nấm cả tháng mới đi chơi với mẹ một lần và phải gọi mẹ bằng chị. Dì Mây trở thành mẹ của Nấm.
Nhà nghỉ, khách sạn là môi trường thuận lợi cho việc gặp gỡ. Mỹ ở đó suốt ngày, có khi tối cũng lấy một phòng nghỉ. Các anh, các chú tuy đến đây với bồ nhưng ối người chết đứ đừ cô lễ tân xinh đẹp. Những cuộc hẹn hò bắt đầu. Trước chỉ có khoản tiền bo mà đôi khi chủ còn bắt chia cho cả đám người làm mà nhan sắc so với Mỹ như gà so thiên nga. Bây giờ Mỹ đã có những món quà, phong bì đắt tiền do những cuộc gặp gỡ ngoài nhà nghỉ. Người đẹp bao giờ cũng sướng. Mỹ đóng vai gái ngoan với một anh Việt kiều Mỹ và một cô vợ sành điệu với một tay giám đốc. Hai người chu cấp cho Mỹ chẳng thiếu thứ gì. Các bạn đồng nghiệp ngứa mắt lắm, dù rằng Mỹ rộng rãi vung tiền quà cáp cho tất cả mọi người. Họ ngậm miệng ăn tiền Mỹ mới tung tác được. Dù cả hai chàng đều đã hơn một lần đề nghị Mỹ nghỉ việc để các chàng thuê nhà nuôi Mỹ. Nhưng Mỹ đã tính, chẳng dại mà làm thế. Mỹ còn trẻ, còn đẹp còn có nhiều cơ hội. Cứ là phải chọn cho kỹ. Làm vợ thật mà sướng mới khó chứ làm vợ hờ thì nói làm gì. Mỹ biết thuê nhà ra ở riêng nghĩa là mất tự do.
Một hôm Mỹ về nhà bảo Mây: Lão Hào mới gọi điện nói là đã mua nhà riêng, yêu cầu cho bé Nấm về ở với lão. Lão sẽ xin chuyển việc khác hoặc là mày với con Nấm về ở đó. Tiền chu cấp lão đã trả đầy đủ trước một năm. Sắp tới lão sẽ sang Na Uy học vài năm. Nhà đó lão mua cho con Nấm. Tao đã bàn với bà già rồi. Hai dì cháu về đó mà sống. Thứ nhất ông bà già đỡ kêu ca mà tao cũng thoải mái hơn khi dẫn bạn trai về nhà. Mây ớ người, vừa mừng vừa lo. Thế còn bé Nấm? Mỹ ngập ngừng: Tao sẽ mở một cửa hàng mỹ phẩm ở nhà. Không nên dẫn con bé về nhà nhiều, để chỗ cho tao còn buôn bán với cũng tránh chuyện thiên hạ bàn ra tán vào lắm chuyện! Mà chẳng phải nó vẫn gọi tao bằng chị, mày vẫn nói nó là con à. Mây chua chát: Phải rồi chị Mỹ mẹ Mây!
* * *
Hơn hai năm rồi Hào mới đến trường đón con. Anh vui mừng vì Nấm vẫn nhận ra và chịu theo ba. Bé Nấm ríu rít đòi anh phải về nhà kẻo mẹ Mây đợi. Hai bố con về căn nhà anh mua trước đây. Đằng trước cửa, giàn thiên lý đang mùa sai bông, mùi thơm dìu dịu. Mây đứng đón hai bố con anh ở cửa. Hào ngạc nhiên thấy Mây trẻ đẹp hẳn ra, rất khác với cô Mây “gái già” của mấy năm về trước. Căn nhà nhỏ của anh được bài trí gọn gàng ngăn nắp. Tấm hình anh treo ngay ngắn trên tường. Trong nhà quả là không có vết tích của Mỹ.
Trong khi Mây tắm cho bé Nấm, Hào vào bếp nhặt rau. Bếp núc sạch sẽ gọn gàng, anh để ý tới một bịch gì đó rất to, toàn màu đất đỏ. Mây trút cái bịch ra chậu vừa rửa vừa giải thích: Nấm mối. Nó mọc tự nhiên chứ không nuôi được, cũng chỉ vào mùa mưa ở vùng đất đỏ mới có nên rất hiếm. Nấm mối trông thì xấu, làm hơi lâu nhưng ngon ngọt lắm. Con bé thích ăn nấm. Bé Nấm nghe Mây nói cũng sà vào: Có nấm hả mẹ! Thích quá! Mây âu yếm bảo: Con đi lên nhà chơi đi mẹ sẽ nấu lẩu nấm cho hai bố con! Hào bế con lên nhà rồi lấy cho con con búp bê biết khóc cười. Tranh thủ lúc con chơi anh vào bếp vừa phụ Mây vừa hỏi về tình hình của Mỹ. Mây kín đáo nhìn bé Nấm rồi nói giọng buồn buồn “Sau cái đợt bị vợ ông giám đốc đánh ghen, chị Mỹ chuyển lên Sài Gòn, mở quán café nhưng nghe nói làm ăn thua lỗ. Sau đó chị ấy sang Anh. Bác em mất chị ấy chỉ về có hai ngày. Từ ngày bác trai em lấy vợ mới, chị ấy không về cũng không gọi điện hay có tin tức gì”. Hào nhẹ nhàng: “Tôi ở xa nhưng cũng biết qua tin nhà. Mỹ nói lấy chồng ở bên Anh nhưng nghe mấy người nói vẫn gặp cô ấy ở Sài Gòn. Số tiền đáng lẽ chuyển cho Mây nuôi bé Nấm, theo yêu cầu của Mỹ ngày xưa tôi vẫn chuyển vào tài khoản của Mỹ mỗi quý. Tính Mỹ tôi biết Mỹ sẽ chẳng gửi cho Mây đâu”. Mây thẳng thắn: “Thực ra tôi đã nói chị Mỹ không cần trả khoản tiền đó. Tôi được ở cùng bé Nấm, không phải đi thuê nhà thế là quá đủ rồi. Chỉ có điều…”, Mây thở dài. Hào nhẹ nhàng “Tôi biết Mây lo sắp tới tôi về rồi sẽ ra sao chứ gì. Mây yên tâm. Tôi mang ơn Mây thời gian qua đã lo cho bé Nấm đầy đủ. Nhà vẫn sẽ là nhà của Mây. Bé Nấm vẫn là con Mây. Tôi sẽ chỉ thỉnh thoảng đến thăm bé Nấm thôi”. Mây mừng rỡ: “Thật vậy sao. Nếu được vậy thì mừng quá”. “Tôi đã không còn giận Mỹ nữa, chỉ thấy thương hại cô ấy. Cũng mừng khi bé Nấm không phải chịu sự chỉ dạy của một người mẹ như vậy. Thôi chúng ta đi ăn tối kẻo bé Nấm đói rồi. May quá tối nay trời không mưa”.
Phải rồi, đã lâu lắm mới có một chiều nắng đẹp như thế trong mùa mưa.
Truyện ngắn: BÙI ÐẾ YÊN