Thức cảm tri ân của một nhạc sĩ về người lính hy sinh cho Tổ quốc

07:07, 25/07/2019

Sự hy sinh của người lính, xét trên góc độ biện chứng, đó là một phần không thể tránh khỏi trong các cuộc chiến tranh. Thế nên, dù ở bất cứ thời khắc lịch sử nào, sự hy sinh của người lính cũng đậm tính oai hùng.

Sự hy sinh của người lính, xét trên góc độ biện chứng, đó là một phần không thể tránh khỏi trong các cuộc chiến tranh. Thế nên, dù ở bất cứ thời khắc lịch sử nào, sự hy sinh của người lính cũng đậm tính oai hùng. Oai hùng không chỉ bởi mục đích cao cả bảo vệ non sông Tổ quốc mà còn trở thành những tượng đài nơi đất Mẹ. Tri ân các anh hùng liệt sĩ, nhạc sĩ Trần Khánh Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Ðồng, đã viết Hoa Ðất trắng, Hoa Mai trắng với những giai điệu thật thổn thức.
 
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam trong một lần đến thăm Nghĩa trang Trường Sơn
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam trong một lần đến thăm Nghĩa trang Trường Sơn
 
1. Hoa Ðất trắng
 
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam tâm sự rằng, trong quá trình tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ, ông cảm nhận thấy có một loài hoa không cần đến ánh sáng mặt trời vẫn nở, nở bằng linh giác tri ân của người nhìn, vì thế nó khác với tất thảy mọi loài hoa trên đời. Ấy là Hoa Đất trắng, hài cốt chưa tìm thấy của các anh hùng liệt sĩ hóa thân. “Ai sâu nặng với sự hy sinh của người lính vì Tổ quốc sẽ thấy Hoa Đất trắng nở. Hoa nở trong lòng đất. Hoa nở trong lòng mình. Hoa nở cho vinh quang đại thắng mùa xuân năm 1975”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam chia sẻ. 
 
Theo nhạc sĩ Trần Khánh Nam, người lính nào ngã xuống cũng đau thương như nhau, cái giá máu xương cũng bằng nhau, có khác chăng ở sự chịu đựng của những người ruột rà. Bởi trong số những người hy sinh này, có người vẫn chưa tìm thấy hài cốt, dù rằng chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Nỗi đau ấy đâu dễ nói ra thành lời. Nó câm nín, khắc khoải, ray rứt trong đáy mắt những người mẹ, những người vợ, người thân. Do đó, tìm kiếm và quy tập hài cốt các anh về yên nghỉ trong các nghĩa trang trở thành nỗi tâm tư thiêng liêng không riêng của những người ruột rà, còn là trách nhiệm của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hòa bình. Thậm chí, cả những người lính đã mồ yên mả đẹp nơi các nghĩa trang trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng mong ngóng các anh trở về: “Anh giờ này anh ở nơi đâu? Anh có còn nhớ ngày về/ Về đi anh về đi mẹ ngóng chờ, về đi anh về đi về với đồng đội. Đất nước đã qua rồi chiến tranh”, câu nhạc vang lên như một lời kinh cầu thầm thì, thầm thì, thầm thì. Nó là tiếng thầm thì rất sẽ của những đồng đội đã mồ yên mả đẹp gọi những đồng đội đang còn nằm đâu đó nơi đại ngàn xa thẳm, hoặc trên đất nước bạn vì nghĩa vụ quốc tế hãy về nằm cạnh chúng tôi, hãy về đoàn tụ cùng chúng tôi, những người đã khuất, trong cuộc đoàn tụ tâm linh bất diệt nơi cõi vĩnh hằng: “Về đi anh, về đi anh”, cứ lặp đi lặp lại, như xoáy vào tim gan của mỗi người. 
 
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam tiếp tục sử dụng ngôn ngữ âm thanh tiếng chuông ngân trong câu nhạc hai, ngân nga, ngân nga, ngân nga đồng cảm với tình đồng đội của những người lính, cho dù các anh đều đã hy sinh, đồng thời khẳng định dẫu có thế nào đi nữa, tìm được hay chưa tìm được, các anh vẫn là Hoa Đất trắng, sẵn sàng hy sinh thêm một lần nữa, âm thầm nằm trong lòng đất mẹ để phía trên các anh nằm triệu triệu công trình mọc lên, làm nền móng cho đất nước phát triển: “Anh giờ này anh ở nơi đâu? Anh là Hoa Đất trắng âm thầm nở trong lòng người Việt Nam”. Ca từ giản dị, dễ hiểu, kết hợp với giai điệu trữ tình xen lẫn bi tráng, câu nhạc vì thế tạo cho người nghe một cảm xúc vừa bi hùng vừa đầy thổn thức tri ân: “Người lính trước giờ chiến thắng, anh không chung bước đồng đội/ Anh ở lại, anh ở lại úp mặt vào đất mẹ đau thương, chỉ kịp nhìn lần cuối đất trời quê hương”. Sự hy sinh của các anh góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc cho người khác, cho cộng đồng, cho dân tộc và quan trọng hơn, sự hy sinh đó còn là để hàn gắn lại đất mẹ Việt Nam. “Vầng trăng chia đôi, đất mẹ Việt Nam chia đôi, anh đi hàn gắn lại”. Nói về cái chết, nói về mất mát vì chiến tranh nhưng nhạc sĩ Trần Khánh Nam không lên gân thù hận hay bài trừ, lên án một cách thô thiển, mà tự lắng lòng về phía sâu thẳm giá trị nhân văn. Đấy là cái nhìn nhân văn của tác giả, cũng là giá trị cao đẹp của người lính trong chiến tranh. Sự hy sinh của các anh trở thành một tượng đài của giá trị nhân văn, mãi mãi nở sáng trong lòng người dân Việt Nam, trong lòng đất mẹ Việt Nam: “Hoa Đất trắng nở cùng đất nước yêu thương/ Hoa Đất trắng nở cùng đất nước ngàn năm”.
 
Sứ mệnh của người lính là phụng sự Tổ quốc, kể cả lúc không còn nữa thì anh linh các anh vẫn biết cách hóa thân vào cội rễ đất đai, nguyện dõi theo sự phát triển đi lên của đất nước. Bởi vậy, trong bước chân của người hôm nay luôn có sự đồng hành của người lính đã vì nước, vì dân mà xả thân để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
 
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. Ông hiện sống, dạy học và sáng tác tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Nhạc sĩ Trần Khánh Nam là cựu sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, Khoa Sáng tác - Lý luận - chỉ huy. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, ông đặc biệt đau đáu về đề tài thương binh - liệt sĩ, những người mà theo chia sẻ của nhạc sĩ Trần Khánh Nam, không có ngôn ngữ nào có thể nói hết sự hy sinh của các anh.

2. Hoa Mai trắng

Mùa xuân ở miền Bắc thì có sắc Đào thắm phơi màu nắng non hồng phơn phớt, còn miền Nam lại có nụ Mai vàng bung nở khoe nắng mật rực rỡ. Vậy, loài hoa nào biểu trưng cho mùa xuân đại thắng năm 1975? Câu hỏi đó cứ âm ỉ mãi, trở thành nỗi ray rứt nơi tâm khảm nhạc sĩ Trần Khánh Nam. Trong một lần đến viếng Nghĩa trang Trường Sơn dịp đầu xuân, mắt nhạc sĩ Trần Khánh Nam nhòa đi trước màu trắng của ngàn ngàn lớp lớp những ngôi mộ liệt sĩ, cũng là lúc câu hỏi về loài hoa biểu trưng cho mùa xuân đại thắng năm 1975 có câu trả lời. “Cái hình ảnh ngàn ngàn ngôi mộ liệt sĩ được quét bằng vôi trắng, trắng nôn nao trên những vạt đồi tĩnh lặng, khiến tôi liên tưởng đến ngàn ngàn đóa Hoa Mai trắng đang mọc lên từ lòng đất mẹ, nở đón nắng xuân”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam chia sẻ. Tuy vậy, màu trắng xóa mênh mang ấy nếu không có sự cộng hưởng, lắng đọng bởi vành tang trắng, đi kèm cảnh tượng một người mẹ kìm nén nỗi đau tột cùng đón nhận hài cốt đứa con trở về trong lễ truy điệu Tổ quốc ghi công tại Nghĩa trang Di Linh mà nhạc sĩ Trần Khánh Nam may mắn bắt gặp thì cũng chỉ dừng lại ở việc tạo nên ý tưởng ban đầu, ca khúc Hoa Mai trắng vẫn chưa thể ra đời. “Tận mắt chứng kiến cảnh người mẹ ôm hài cốt đứa con mình vào lòng chẳng khác gì mẹ ôm con thuở con mới chào đời, cũng bé bỏng, cũng cần sự chở che, yêu thương, bao bọc từ đôi bàn tay mẹ, tôi như chết lặng trước nỗi đau quá lớn của mẹ. Bao năm mẹ vất vả, tảo tần nuôi con khôn lớn. Ngày con trưởng thành, đất nước lại gặp phải cơn binh lửa, con mẹ săng sái lên đường đi đánh giặc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, rồi con mẹ ngã xuống, chưa kịp nhìn thấy bình minh chiến thắng. Mẹ đón con trở về, câm lặng ru hời đau thương, vờ như con mình chưa đi vào cuộc chiến, như con mình vừa mới lọt lòng, đang ngủ trên tay. Tất cả những hình ảnh ấy khắc đậm trong tôi, thôi thúc tôi phải viết ca khúc này”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam tâm sự. 
 
Ca khúc Hoa Mai trắng nhạc sĩ Trần Khánh Nam viết ở giọng Si thứ, gồm hai đoạn đơn. Ở đoạn nhạc một, nhạc sĩ Trần Khánh Nam sử dụng tiết tấu chậm rãi, giai điệu sâu lắng, thủ thỉ như một lời tâm sự xen lẫn suy tư: “Xuân đã về, phải không anh?/ Bên bếp hồng lặng gió/ Vì sao sáng thức suốt đêm xuân như mong đợi/ Mà sao anh vẫn chưa về?”. Thường thì khi mùa xuân về, lòng người ai cũng có những giây phút lắng sâu nghĩ ngợi, nhất là các gia đình có người thân đi chiến trường, chẳng hiểu vì lý do gì vẫn chưa thể đoàn tụ. Sự mong ngóng của người thân cứ lớn dần, lớn dần theo chiều dài thời gian, rồi trào dâng khắc khoải trong chờ đợi: “Cánh Mai vàng nở trên tay, đếm từng ngày, đợi tháng/ Lá xanh thắm đã bao lần nảy lộc/ Anh về đây trong nỗi nhớ thao thức đợi chờ”. Ở đoạn nhạc hai, nhạc sĩ Trần Khánh Nam đưa một ít âm nhạc ngũ cung vào khúc thức thang âm phương Tây với mục đích làm cho câu nhạc dễ cảm nhận, nhằm diễn tả nỗi mong ngóng của người thân người lính thắc thỏm hy vọng anh sẽ trở về trong vinh quang người chiến thắng. Bấy giờ, mẹ sẽ chạy đến ôm chầm đứa con mình vào lòng cho thỏa những tháng năm đằng đẵng xa cách. Nhưng niềm mong đợi nhỏ nhoi ấy của mẹ không thể thành hiện thực, vì con mẹ đã mãi mãi nằm xuống trước bình minh chiến thắng: “Anh đã về lặng lẽ giữa lời ru/ Mẹ đã thấy con mình ngày trở lại/ Anh hiên ngang trong nụ cười rạng rỡ/ Anh đã về, anh đã về trong tiếng à ơi”. Câu nhạc vang lên đầy tâm trạng, khi thì thủ thỉ tâm tình, lúc lại sôi sục tự hào, khi nghe co thắt cõi lòng. 
 
“Anh đã về, anh đã về trong tiếng à ơi”, những tưởng lời ru đau của mẹ, cộng với hình ảnh ngàn ngàn ngôi mộ trắng ôm trọn hình hài các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn và những nghĩa trang khác cùng ngàn ngàn vành tang trắng mà những người thân các anh hùng liệt sĩ chít trên đầu sẽ đẩy ca khúc đi đến chỗ bùi ngùi nhưng tác giả Hoa Mai trắng đã xử lý rất khéo khi biến sự chia lìa, mất mát bởi chiến tranh thành niềm xúc động tự hào, đưa anh linh người lính tụ vào đóa Mai trắng bất tử: “Gió xuân về nhẹ ru những nụ hoa/ Ngàn Mai trắng âm thầm đang yên nghỉ/ Nghe quanh đây lời thiêng liêng sông núi/ Những đồng đội, anh đã thành Hoa Mai trắng đón nắng xuân”. 
 
“Đất mẹ Việt Nam giờ đã thanh bình, không còn những cảnh chia ly, không còn những giọt nước mắt đau thương, nhưng đây đó trên mọi miền Tổ quốc vẫn còn những người mẹ đang ngày ngày dõi mắt về phía rừng xa, tưởng vọng đứa con không thể trở về với gia đình, với quê hương, với đồng đội. Ở phía rừng xa ấy, Hoa Đất trắng, Hoa Mai trắng vẫn ngời lên, vẫn hiện hữu giữa đất trời và cả trong lòng người để gợi nhắc về một quá khứ đầy bi tráng của dân tộc”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam xúc động.
 
TRỊNH CHU