Dìu dịu nỗi buồn và cây lúc lắc

06:09, 26/09/2019

Mùa nào thứ ấy! Mọi sự cứ là phải có vụ, có mùa. Sự ấy thì phải vào mùa ấy mới dấy lên được, mới thành! Đến như những trò chơi xưa của con trẻ cũng chả thoát được.

Mùa nào thứ ấy! Mọi sự cứ là phải có vụ, có mùa. Sự ấy thì phải vào mùa ấy mới dấy lên được, mới thành! Đến như những trò chơi xưa của con trẻ cũng chả thoát được.
 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
 
Cù và bi thì chơi vào mùa đông. Cù sẽ tít lịm, ấn tượng trong sắc đông xám, tiếng cãi nhau khi có thằng ăn gian mới đọng hơn, vang hơn trong những chiều giá lạnh. Bi thì bừng lên, thoáng ra trong những ngày nắng hanh gió nhẹ. Bi gối vào cù, nhưng bi phải đợi hanh lên nên đến sau cù. Chồng nụ chồng hoa, nu na nu nống thì phải vào những chiều hè hảy gió. Gió ấy, chiều ấy thì những bàn chân, gót chân cô bé, cậu bé mới hồng hào khoe sắc. Pháo nổ pháo nang thì bết bê đất sét, những mẩu đất phải dàn ra thật mỏng, càng mỏng càng tốt, phải mỏng như tờ pơ-luya để dán đền cái đít nồi thằng kia. Dày thì phí đất! Tiếng nổ nữa, tiếng nổ và những vụn đất tóe ra từ đít nồi phải thanh thoát, bung lên... chỉ có sự cao xanh của bầu trời cuối hạ đầu thu mới đủ sức làm đẹp sự kia, vung vít niềm vui ấy. Đây cũng là mùa tựu trường, mùa của rải ranh, đáo đầm, chuyền, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, chi chi chành chành... xu vê thì phải vào buổi tối, cột điện và cái sắc vàng loãng của đèn đường mới đủ sức tạo cảm xúc cho những cuộc rượt đuổi. Còn bao nhiêu trò chơi dân gian đầy quyến rũ, ấn tượng nữa nhỉ..? Con cháu chúng mình nó bỏ những trò chơi đầy sắc màu, gần giời đất cỏ cây từ bao giờ ấy nhỉ..? Sao chúng lại bỏ? Chúng ta có cách nào khiến chúng yêu lại những trò chơi đầy màu sắc dân giã, rất tình của chúng ta không?
 
Thị xã vùng đồng bằng Bắc bộ nhỏ xíu, giăng mắc ám ảnh. Những trò chơi của lũ tôi thuở ấy đọng ở sân đền cụ Trưởng Nga từ cái thuở trước năm 1964, cái thuở trước chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Nói là đọng vì thuở ấy còn bé quá. Tôi và thằng Chính có được chơi đâu, xem các anh chị chơi là chính. Thằng kia thì nó hay chơi cái trò cô dâu chú rể với em Hiền, rồi hai đứa nó lại mê mẩn với những con ốc sên bằng cái bài đồng dao quen thuộc:
 
Sên sển sên sên
 
Mày lên công chúa 
 
Mày múa tao xem
 
Sớm mai tao may áo đỏ quần đen cho mày
 
Quần đen mày để đi cày
 
Áo đỏ mày để ban ngày đi xem...
 
Những con ốc màu trắng sữa, xinh xinh như đầu ngón tay em Hiền. Có lẽ những câu từ da diết, và cái giọng rất mềm của hai đứa đã khiến ốc sên nhô đầu, ngơ ngác, rồi mềm mại múa hai sợi râu trong tiếng cười nắc nẻ của em Hiền? Mà thằng này nó gắn với tôi khiếp quá cơ. Bé tí tẹo nó đã oai vệ trong cái quần thủng đít màu “Sĩ Lâm” có dải chạy theo tôi. Nó ở số nhà 1. Tôi thì cũng số nhà 1 nhưng ngõ 1 phố Lý, nghĩa là, qua nhà nó, rẽ vào cái ngõ có một nhà là nhà tôi. Bà Phúc giò, cái cô ả Đào nức tiếng một thuở chả biết sao lại bán cái nhà ngay đầu ngã tư phố Lý đi, mua cái nhà số 1, ngõ 1 của nhà tôi và cứ một hai xin ba mẹ tôi cho tôi làm con bà. Tôi phải nói điều này vì nó liên quan tới cái địa điểm vô cùng ấn tượng là sân đền cụ Trưởng Nga. Khu ấy, toàn bộ cái quảng trường của thành phố Thái Bình bây giờ thuở ấy là khu dân cư cực vui. Dinh Tỉnh trưởng của ông Vi Văn Định thời thuộc Pháp cũng nằm trong khu này. Khoan nói đến cái dinh ấy, chỉ kể một đoạn phố nhỏ đối diện với nhà máy xay. Nhà có hiên, nhìn ra cái máy nước công cộng, và thường treo một tấm mành ngay đầu ngã tư phố Lý là nhà bà Phúc Giò. Cuối cái đoạn dọc theo đường Nhà máy xay là nhà ông Cấn có anh Đồng đen trùi trũi, rất khỏe. Đền cụ Trưởng Nga ở giữa đoạn này. Hình như cụ làm nghề bốc thuốc Bắc. Cụ búi tóc củ hành, quần lá tọa và tôi rất sợ khi thấy cụ. Hai trụ bê tông tròn, hai bức phù điêu voi phục là cổng dẫn vào một sân gạch thênh thang, mát rượi. Sân đền của cụ đấy, đây là sân chơi đến mê hoặc của lũ trẻ phố ngày ấy...
 
“Nguyễn Khương Trung lướt qua như cơn gió bấc, để lại anh một nỗi buồn dìu dịu...” là dòng viết trên f của anh Đặng Gia Mẫn những ngày cuối năm 2018 khiến tôi cũng dìu dịu buồn. Anh, hay chính cái cây mà anh nâng niu trên sân thượng trong căn nhà ở góc Đê La Thành này là nguyên nhân khiến tôi phải trang trải cái bài này?
 - Em biết cây gì không?
 
 - Dạ, không ạ!
 
 - Rồng rắn lên mây!
 
 - “Có cây Lúc lắc...” - Như một cái máy, tôi tức khắc tiếp vào và tròn mắt nhìn cây! Lúc lắc hay dân gian tùy từng vùng gọi Núc nắc, Núc nác... là một cây thuốc quý, cây nhỡ, cao 5-13 m. Thân nhẵn, ít phân cành, vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng. Lá xẻ 2-3 lần lông chim, dài tới 1,5 m. Hoa màu nâu đỏ sẫm mọc thành chùm dài ở ngọn thân. Hay nhỉ, một loài cây mà từ thuở còn mặc quần thủng đít, bíu áo nhau gào tên nó mà bây giờ mới được thấy nó! Cái ông lão đã ngoài sáu mươi mà không quên được, đế ngay tiếp được câu đồng dao để nhận ra loài cây thân thương đã lặn vào mình từ thuở ấu thơ. Đoàn rồng rắn và cái ông thầy thuốc với những câu giả nhời “dở người” bật ra. Khúc Đê La Thành chìm trong màn mưa của kinh thành xưa bật ra...
 
- Hạnh ơi, lên chụp cho anh em tôi kiểu ảnh. Trung nó mê cây Lúc lắc...
 
Rồng rắn lên mây
 
(Đồng dao)
 
Rồng rắn lên mây (hoặc lên cây)/ Có cây Lúc lắc (hoặc Núc nắc)/ Có nhà hiển vinh/ (Hỏi) Thầy thuốc có nhà không?/ (Trả lời) Thầy thuốc có nhà (hoặc: Thầy thuốc đi vắng)/ Xin thuốc cho ai?/ Xin thuốc cho con/ Con lên mấy?/ Con lên một (hai ba bốn năm…)/ Thuốc chẳng hay / Con lên mười/ Thuốc hay vậy/ Xin khúc đầu/ Cùng xương cùng xẩu/ Xin khúc giữa/ Cùng máu cùng me/ Xin khúc đuôi/ Tha hồ thầy đuổi.
 
NGUYỄN KHƯƠNG TRUNG