Lắng theo dòng chảy

05:11, 21/11/2019

Đầu năm, Uông Thái Biểu có tản văn trên Nhân Dân hằng tháng "Gió thổi từ miền ký ức", cuối năm, tiêu đề này anh chọn làm tên cuốn sách dày hơn 300 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành...

(Đọc sách “Gió thổi từ miền ký ức” của Uông Thái Biểu)
 
Đầu năm, Uông Thái Biểu có tản văn trên Nhân Dân hằng tháng “Gió thổi từ miền ký ức”, cuối năm, tiêu đề này anh chọn làm tên cuốn sách dày hơn 300 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Sách tập hợp 62 tùy bút và tản văn, được chia 3 phần, dựa theo chủ đề: “Mạch nguồn bất tận”, “Hơi thở đại ngàn” và “Những tản mạn rời”. 
 
Bìa cuốn sách “Gió thổi từ miền ký ức”.
Bìa cuốn sách “Gió thổi từ miền ký ức”.
 
Uông Thái Biểu là nhà báo, có gần 30 năm làm ở tờ Lâm Đồng rồi tờ Nhân Dân. Có máu “xê dịch”, thích du khảo, trải nghiệm và yêu hoài niệm. Yếu tố khách quan và chủ quan này là cơ sở để anh neo vào, để ngụp lặn, để ngắm nghía theo những dòng chảy văn hóa, và để quy chiếu, liên hệ,... Mỗi lần như vậy, trước hết, là chiêm nghiệm trong đối thoại và độc thoại. Nó trở thành nhu cầu tự thân, hình thành chủ thể thẩm mĩ riêng biệt, tự nhiên như chính anh tự bạch: “Không biết tự lúc nào tôi đã trộn lẫn đôi dòng kỷ niệm của cá nhân mình vào dòng chảy ký ức thành phố. Cũng phải thôi, vì bản thân đã tự nguyện làm kẻ vô danh dự phần vào lịch sử của đô thị này. Là một thực thể nhỏ nhoi nhưng tôi được cùng vui buồn, sướng khổ, cùng chia gió, sẻ mưa với mọi nhịp điệu đời sống của Đà Lạt thân thương” (Gió thổi từ miền ký ức).
 
Kể từ tập sách đầu tiên ra đời (“Gió đồng”- thơ, năm 2001) đến “Mùa lữ hành” (bút ký và đối thoại, 2010) và “Nhớ núi” (thơ, 2017), dù thể loại nào vẫn là một Uông Thái Biểu bị và thích “giăng mắc một nỗi hoài nhớ”. Đó không chỉ là động lực, mà khao khát kiếm tìm đồng vọng, không đầu không cuối, trong cái sự đi như chính tác giả chia sẻ: “Người làm báo đi rồi sẽ đến. Đến rồi cảm nhận và hứng thú bởi những điều trải nghiệm và khám phá. Những điều quen và những điều lạ. Lạ từ những điều tưởng chừng đã rất quen...” (Những thanh âm đồng vọng). 
 
Mở đầu tập sách, cũng là dụng ý trân quý của tác giả, một phần tự giới thiệu: tôi sinh ra và lớn từ làng, trưởng thành cũng nhờ làng. Với anh, nó là “Mạch nguồn bất tận”, phần thứ nhất của tập sách. Làng của Uông Thái Biểu là làng Kiều, vùng đất ven biển huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nơi đó, một thời lam lũ bởi làng nghèo, anh muốn san sớt. Nơi đó, đổi thay tươi mới và trù phú, anh muốn trở về hoan hỉ tự hào. Thế nên dễ hiểu, tác giả đằm mình với làng Kiều khá nhiều, chí ít cũng có 5 bài viết: Thăm thẳm hồn quê; Khúc đồng dao thơ ấu; Dòng sông hát; Mùa hoa bần năm cũ; Chợ quê, một đốm lửa thiêng. Làng trong Uông Thái Biểu là nghèo mà thủy chung, thân thiết, yêu thương. Làm nên hồn cốt của làng là câu hát bổng trầm, là dòng sông nặng nợ, là mùa hoa đồng nội, là phiên chợ quê...Và đặc biệt là những con người của làng. Những họ hàng thân yêu, những bạn bè thời trẻ trâu... Họ bình dị, kẻ mất người còn, họ lung linh và khắc khoải đối với người viết...
 
Từ làng Kiều, nhà báo Uông Thái Biểu rong ruổi đến nhiều vùng đất khác để cảm thức về văn hóa, về những nhân vật làm rạng danh quê làng ở đó. Nào Nghi Xuân, Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh; thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An...; rồi Đền Hùng (Phú Thọ); sông Bến Hải (Quảng Trị); Đèo Hải Vân (Thừa Thiên-Huế)... Uông Thái Biểu mê được đầm trong những dòng chảy văn hóa, nhất là dân ca dân vũ. Anh đến với làng Khuốc Thái Bình để phiêu bồng với điệu chèo, vào phố cổ Hà Nội để tâm giao với nghệ nhân hát xẩm, ngược lên xứ Kinh Bắc lúng liếng với làn quan họ... Dọc dài theo đất nước, Uông Thái Biểu về Lý Nhân (Hà Nam) để “hóng chuyện” với nhân vật của nhà văn Nam Cao; tự tại với phố cổ Hội An (Quảng Nam) để thả hồn với sông Hoài; theo đầu sóng ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để sẻ chia sự hi sinh nơi cương giới thiêng liêng Tổ quốc. Anh còn chu du xứ sở bạch dương xa xôi để hơn một lần hiểu thêm “tính cách Nga”...
 
Tôi thích nhất phần thứ 2 của tập sách: “Hơi thở đại ngàn”. Hai mươi hai bài viết, tác giả phiêu bồng rất nhiều vùng sâu, vùng xa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Văn hóa rừng qua đời sống tinh thần của cư dân. Văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số được tác giả đặc biệt quan tâm, tìm hiểu và sẻ chia. Những cảm xúc vừa tươi mới nhờ chất liệu điền dã, vừa chỉn chu, chững chạc nhờ tựa vào khối tri thức các học giả đi trước. Chất folklore (văn hóa dân gian) được tác giả Uông Thái Biểu chú trọng. Nhờ thế độc giả đón nhận khá nhiều hàm lượng tin về các dân tộc Raglai, Chăm, Churu, K’Ho, M’Nông, Jarai, Bana, Mạ... Mặt khác, trong quá trình chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa ấy, tác giả cũng cảnh báo thực trạng không ít giá trị văn hóa bản địa đã và đang mai một. Do nhiều nguyên nhân: thời gian, không gian, tác động tiêu cực của giao thoa, của tiếp biến; nhu cầu và năng lực thẩm mĩ..v.v… 
 
Nếu văn hóa bản địa các dân tộc dãy Trường Sơn Nam luôn là điểm nhìn của Uông Thái Biểu thì với thành phố Đà Lạt, anh “không muốn đặt lên đó những dấu mốc để suy nghiệm; không muốn đắp những cái đập chắn ngang lưu thủy để so bì nông, sâu”; “không muốn khảo luận để phân kỳ lịch sử và đối chiếu những tiến trình”, để được “cảm nhận một dòng chảy xuyên suốt, róc rách với thời gian”. Tác giả tự bạch: “Không chỉ là lữ khách, tôi đến đây, đã ở lại nơi này. Năm tháng mới xảy ra gần thôi nhưng qua rồi vẫn giăng mắc trong lòng một nỗi hoài nhớ. Nỗi nhớ, trên xứ sở này, đôi khi hiện hữu rõ ràng, đôi khi mơ hồ như ảo giác”. Cảm thức như thế, những bài viết không chỉ là dấu ấn văn hóa cư dân bản địa, mà còn là văn hóa của canh nông, của kiến trúc và cảnh quan, của sương và thông, của cà phê và dốc phố, của muôn loài hoa: Anh đào, Phượng tím, Dã quỳ... - những hồn cốt Đà Lạt. 
 
Phần cuối tập sách là những bài viết ngắn, như tác giả gọi tên: “Những tản mạn rời”. Nhưng vẫn mạch cảm xúc nhất quán của trải nghiệm, trân quý từng sát-na. Anh “ký ức” (với gió), “hồi niệm” (với cà phê), trải lòng với dốc phố - đời người... Đọc hết cuốn sách “Gió thổi từ miền ký ức”, bạn đọc thêm một lần được âm vang về những giá trị trường tồn của tiếng “quê hương”. Cảm ơn nhà báo, nhà văn Uông Thái Biểu, và trân trọng giới thiệu.
 
MINH ĐẠO