22 câu lạc bộ (CLB), 76 tiết mục với sự tham gia của gần 400 nghệ nhân tại Liên hoan Dân ca tỉnh Lâm Đồng lần thứ II do Nhà Văn hóa Lao động tỉnh tổ chức vào đầu tháng 11/2019, khẳng định sức sống bền bỉ của di sản văn hóa dân tộc trong dòng chảy tiếp biến thời kỳ hội nhập.
22 câu lạc bộ (CLB), 76 tiết mục với sự tham gia của gần 400 nghệ nhân tại Liên hoan Dân ca tỉnh Lâm Đồng lần thứ II do Nhà Văn hóa Lao động tỉnh tổ chức vào đầu tháng 11/2019, khẳng định sức sống bền bỉ của di sản văn hóa dân tộc trong dòng chảy tiếp biến thời kỳ hội nhập.
|
Các tiết mục trình diễn của CLB Dân ca Tày - Thái xã Phi Tô (Lâm Hà) gây ấn tượng. Ảnh: Q.Uyển |
Mỗi thành viên, mỗi diễn viên, mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên của các CLB đã dốc hết tinh thần, trí lực để làm nên một liên hoan đa sắc màu rực rỡ, một nơi hội tụ bản sắc của các dân tộc anh em. Nét đẹp văn hóa ấy có cùng chung nguồn cội, nhưng dưới “vòm trời” dân ca, dân vũ, nhạc cổ truyền, những giai điệu, nhịp điệu, tiết điệu, nhạc điệu vang lên thì những CLB từ thành phố, huyện, xã, thôn lại có những cung bậc bổng trầm, xao xuyến, khác lạ, khi lắng đọng, chợt vụt bay, rồi vươn lên trên nền sân khấu đa sắc màu, đa âm vực, đa tiếng gọi, bời bời cảm xúc. “22 chương trình của 22 CLB mang đến liên hoan là 22 nhạc phẩm phiêu sương bên hồ Xuân Hương của thành phố hoa xinh đẹp, mộng mị” - NSƯT, nhạc sĩ Đình Nghĩ đã ví von.
Thật ấn tượng với mở đầu liên hoan là tiết mục Cô đôi thượng ngàn của nghệ nhân Bích Đào (CLB dân ca Đơn Dương) có giọng ca trong vắt đậm chất hát văn cùng top múa đẹp, đồng đều, xinh xắn. Tiếp đến CLB Di Linh, một chương trình hội tụ một tập thể tốt, đủ thể loại; nghệ nhân Nguyễn Bân 74 tuổi độc tấu đàn nguyệt với kỹ thuật, mổ, rung, nhấn, tiếng đàn tròn, trong, trầm, tính biểu cảm nghệ thuật cao. CLB Tân Văn (Lâm Hà) gồm 3 thế hệ, hòa quyện vào nhau thành một chương trình xuyên suốt với nghệ thuật hay. CLB Hòa Ninh (Di Linh) với hoạt cảnh chèo “Cúc ơi, Em ở đâu” gợi cho ta nhớ lại một thế hệ thanh niên xung phong hiến trọn tuổi xuân bảo vệ đất nước. CLB Dân ca quan họ 3 thế hệ Nam Ban (Lâm Hà) với màn hát múa trẩy hội tạo nên một không gian cây đa, bến nước, làng quê Bắc Bộ hết sức sinh động. Nghệ nhân Vũ Văn Nhiễu - người trọn tình với dân ca hát múa dân tộc. CLB Lạc Dương, một nét đặc trưng không lẫn vào đâu của các dân tộc Cil, Lạch (K’Ho) dưới chân núi Lang Bian hùng vĩ với giọng hát và nhạc cồng chiêng - tre nứa hòa quyện. CLB Tày - Thái xã Phi Tô (Lâm Hà) mang một nền văn hóa của núi rừng phía Bắc của các dân tộc anh em trong trang phục áo chàm với đàn tính, hát then độc đáo.
CLB Phú Sơn (Lâm Hà), một nét văn hóa miền Tây Nam Bộ vươn lên trên cao nguyên Lâm Đồng qua bài vọng cổ (Tân cổ giao duyên) Tiếng chày trên sóc Bom Bo đậm đà sắc màu cải lương. CLB Hà Đông (Đạ Tẻh) màu sắc rực rỡ với 2 giọng hát trẻ Thu Thủy - Hương Trà qua làn điệu cổ lồng trong lời hát mới “Bừng sáng mùa xuân”. Nghệ nhân Minh Thức ở tuổi 80, răng móm mém hát điệu chèo “Quê hương đổi mới” trên nền nhạc cụ dân tộc đã minh chứng rằng tình yêu văn hóa dân tộc là không có tuổi, gây nhiều xúc động cho người xem. CLB Dân ca Trung tâm Văn hóa Đạ Tẻh với màn song ca đậm chất ví dặm miền Trung trong “Giận mà thương” đáng yêu và duyên dáng. CLB Lán Tranh - xã Hoài Đức (Lâm Hà) đầy đủ sắc màu văn hóa qua các tiết mục “Trầu cau quan họ”, hát chèo “Khúc hát tình yêu”; đặc biệt độc tấu “Xuân về trên bản”, tiếng sáo của nghệ nhân Đình Doanh điệu đà luyến láy, lấy hơi đầy kỹ thuật, tính nghệ thuật cao. CLB Duyên quê Tân Hà, những cô gái mang văn hóa sông Hồng, sông Đáy, dòng Nho Quế lên vùng cao, đảo xa, thắp sáng niềm tin, đi xây dựng hạnh phúc. CLB Tiếng hát quê hương Mê Linh (Lâm Hà) hát múa đều, giọng ca nam đẹp, giọng ca nữ khỏe.
|
Dân ca vẫn sống bền bỉ khi lòng người không nguội lạnh. Ảnh: Q.Uyển |
CLB Dân ca Hội Người khuyết tật Lâm Đồng gây xúc động khi những chiếc xe lăn ra sân khấu với khúc hát Lý mười thương, Lý ngựa ô, Còn duyên (quan họ), mặn mà, sâu lắng; tiết mục Trống cơm, một bài dân ca Bắc Bộ kinh điển qua kỹ thuật Acapella sâu lắng của những nghệ nhân khuyết tật đầy tính nghệ thuật, đậm tình nhân văn. CLB Liên Hà (Lâm Hà) dàn nhạc tốt, đàn nhị và sáo trúc, các tiết mục tròn vành rõ chữ làm nên chương trình hay ngợi ca Đảng, Bác Hồ với “Đài hoa dâng Bác”, “Đêm trăng nhớ Bác”. CLB Trung tâm Văn hóa Tân Hà (Lâm Hà) xuyên suốt màn hát múa với váy xòe, ô tán cọ của dân tộc vùng cao trên những khúc hát sáng trong ngợi ca quê hương đổi mới. CLB Trung tâm Văn hóa huyện Lâm Hà với làn điệu “Mời trầu” dân ca Nghệ An và múa đơn “Hoa xoan đến hội” của nghệ nhân Quỳnh Hoa để lại ấn tượng đẹp. CLB Đinh Lạc (Di Linh) với phần biểu diễn của nghệ nhân Hồng Lơ tiết mục “Đường sang quê Bác” qua màn hát văn đầy nội lực.
CLB Nhà Văn hóa Lao động tỉnh vẽ một bức tranh về “Thành phố ngàn hoa” hoành tráng, rực rỡ qua làn điệu chèo đường trường phối hợp nhuần nhuyễn giữa ca - múa - nhạc; thêm vào đó là điệu xẩm “Tàu điện 15 ngày phép”, “Hò hụi Bình Trị Thiên”, “Lý Cái mơn” làm nên chương trình đa màu sắc. CLB Đạ Đờn (Lâm Hà) với 100% người cao tuổi nhưng giọng ca vẫn đầy nội lực của nghệ nhân Lê Dung và tốp múa các làn điệu chèo, quan họ, đã khắc thêm tình yêu với dân ca. CLB Ninh Loan (Đức Trọng) đậm nét chèo cổ, làm cho người xem yêu dân ca, yêu dân nhạc, yêu tình quê làng mạc qua các lời ca mới: Nhìn sen nhớ Bác, Hát về Tổ quốc hôm nay, Quê hương đổi mới... CLB chèo Tân Hà (Lâm Hà) kết thúc liên hoan tròn trĩnh, vẹn nghĩa với trích đoạn chèo cổ “Lý Trưởng - Mẹ Đốp” (trích đoạn Quan âm Thị Kính), do 2 nghệ nhân Thanh Hòa - Xuân Thanh trình tấu, vui, sinh động, rất người, rất đời.
Các dân tộc anh em đến từ mọi miền đất nước, không chỉ mang theo tên xã, tên làng, mạch nguồn văn hóa cũng chảy theo mỗi bước di cư, để gieo mầm, tiếp tục nảy nở trên đất Lâm Đồng. Các làn điệu dân ca ngợi ca quê hương mới đất lành chim đậu, là hành trang, điểm tựa tinh thần xây dựng cuộc sống ấm no. Không thể diễn tả hết những xúc cảm qua từng tiết mục, từng làn điệu, từng tà áo, từng tiếng nhạc, điệu đàn, nón lá, áo dài, áo mớ ba mớ bảy, ô, quạt... là hồn, là cốt, là hơi thở của dân tộc. Đọng lại trong tâm trí các nghệ nhân tham gia và cả những khán giả là tình yêu quê hương, đất nước, triết lý sống nhân bản, lời hay, ý đẹp, lòng tự hào dân tộc, tình người, tình đời, tình xóm giềng, nghĩa đồng bào, tình yêu son sắt, đạo hiếu, nghĩa thủy chung...; còn đọng lại là tình yêu, là thái độ trân trọng, là trách nhiệm gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa quý báu của các thế hệ.
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 76 CLB dân ca, nhưng đáng buồn là nhiều CLB do khó khăn về mặt kinh phí (luyện tập, đi lại, ăn ở) nên đành lỗi hẹn với liên hoan. Điều đáng mừng là trong 22 CLB tham dự liên hoan thì có đến 12 CLB đến từ huyện Lâm Hà, riêng xã Tân Hà có đến 3 CLB, có thể thấy sức sống mạnh mẽ của các làn điệu dân ca trên vùng đất mới này. NSƯT, nhạc sĩ Đình Nghĩ - Trưởng Ban giám khảo liên hoan đã khẳng định: “Chúng ta về đây là về với ngôi nhà chung, ngôi nhà di sản dân ca, dân vũ, nhạc cổ truyền, các nghệ nhân đều là những người truyền lửa, người chiến thắng vì tình yêu quê hương, vì nghệ thuật dân tộc. Cái hay, cái đẹp của dân ca, nhạc cổ truyền, nhạc cụ dân tộc bao trùm lên liên hoan”.
Đất nước đổi mới hội nhập, trong những luồng gió văn hóa ngoại lai thổi mạnh, có dòng nhạc hoàn toàn mới mẻ thâm nhập vào giới trẻ và được đón nhận nồng nhiệt; nhưng bên cạnh đó, vẫn có một mạch nguồn văn hóa luôn âm thầm tuôn chảy, không bao giờ cạn, đó là dân ca. Với sức sống bền bỉ, dân ca không bao giờ chết khi lòng người không bao giờ nguội lạnh, khi các nghệ nhân ở những thôn làng, buôn, bản xa xôi vẫn ngày đêm say mê, tập luyện, trao truyền, đau đáu với nó.
QUỲNH UYỂN