Yên thức dậy lúc bốn giờ rưỡi. Như mọi ngày, kim đồng hồ sinh học nơi cô vẫn đều đặn gõ nhịp, bất kể nắng hay mưa, nóng hay lạnh...
Yên thức dậy lúc bốn giờ rưỡi. Như mọi ngày, kim đồng hồ sinh học nơi cô vẫn đều đặn gõ nhịp, bất kể nắng hay mưa, nóng hay lạnh. Khi mở mắt, động tác đầu tiên của Yên là đưa tay cầm lấy cái remote máy lạnh, bấm nút tắt. Nhưng, hôm nay, khác với mọi ngày. Sài Gòn đột ngột trở lạnh. Không phải cái lạnh se se của những ngọn gió đầu đông mà người phương Nam vốn quen với nắng nóng và mưa rào, vẫn chờ đợi. Không máy lạnh, không quạt máy, gió lạnh bằng cách nào đó, lẻn vào nhà, chui vào phòng ngủ, len lén chạm vào thịt da. Trước khi mở cửa phòng, cô lấy chiếc áo khoác mỏng vẫn mắc bên hông tủ áo, khoác vào người.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Vẫn như mọi ngày, khi chờ cà phê nhỏ giọt vào đáy tách, Yên bước ra nhà trước, vặn chốt cửa. Cửa vừa hé mở, cơn gió lạnh xộc vào. Yên lật đật khép cửa.
Cơn gió mạnh bạo kịp kéo theo hương nguyệt quế.
Trước sân nhà, khoảnh gạch mười hai mét vuông Yên dành trồng hoa. Những chậu hoa đặt san sát nhau và những giò lan treo kín hai bên tường. Cô dành nhiều thời gian chăm sóc những chậu hồng, những giò lan. Yên quen chiêm ngưỡng vẻ đài các quyến rũ. Rồi Yên nhận ra nét đẹp khiêm nhường của nguyệt quế, dù ít được cưng chiều. Những tối, những khuya, nguyệt quế âm thầm nở, âm thầm tỏa hương. Yên thường mở rộng cửa, đón nhận thứ ngôn ngữ dịu dàng lặng lẽ trước khi bật đèn, bật nhạc và ngồi vào bàn.
Ngồi vào bàn, không phải lúc nào Yên cũng tập trung vào trang viết. Ý tưởng nhiều lúc dẫn dắt cô tới những miền xa xăm nhưng đôi chân vẫn chưa bước ra khỏi cửa, đôi khi, cửa vẫn khép chặt, bỏ lan, hồng, nguyệt quế bên ngoài cho những cơn gió riết róng giày vò, như lúc này.
Yên nhâm nhi tách cà phê hòa nửa gói đường ít calorie. Vị đắng ngọt quen thuộc làm cô tỉnh táo. Đối với trái tim thỉnh thoảng có những nhịp đập bất thường, Yên biết hai cữ cà phê sáng chiều, là nhiều. Cô cũng đã thay tách cà phê chiều bằng nước trái cây nhưng chỉ được vài hôm. Mùi vị cà phê như ngấm vào máu. Máu muốn lọc được, phải can trường. Nhiều khi phải chênh vênh giữa lằn ranh sinh tử. Yên không đủ mạnh mẽ. Cô nuông chiều cảm xúc. Tầng nấc cảm xúc lặp đi lặp lại, thành thói quen. Và thói quen, luôn là một kẻ điêu ngoa, giỏi dẫn dắt và thừa ma lực chế ngự.
Hết nửa tách cà phê, Yên nghe tiếng lục đục từ nhà sau. Cô biết chồng đã dậy. Và cũng theo thói quen, sau khi vệ sinh xong, Vinh rời khỏi nhà bằng xe đạp, đến hồ bơi cách nhà 5 phút đạp xe. Yên lật đật đứng dậy, bước ra nhà sau.
Khi vấp phải ngạch cửa, nơi ngăn cách giữa nhà trước và nhà sau, nơi có một cánh cửa và tiếp theo một cánh cửa nữa, dù ít khi khép, Yên sực nhớ mình quên bật đèn. Va vấp đôi khi do thói quen. Vấp đau lại thường do không tuân theo thói quen. Đầu mấy ngón chân giật tê tê, cô khựng lại, bật đèn. Bóng neon bừng sáng khoảng không tiếp nối hai gian nhà. Ánh sáng soi rõ cái túi đựng đồ bơi đeo sau lưng Vinh.
Vinh đưa tay nắm cánh cửa trước của nhà sau, chưa kịp mở đã nghe tiếng vợ:
- Trời lạnh lắm, anh không bơi được đâu!
- Lạnh thì lạnh. Cứ bơi!
Vừa nói Vinh vừa kéo cánh cửa. Luồng gió tuồn vào nhà kéo theo cơn gió lạnh buốt. Vinh không ập cửa lại mà dạng chân nhìn ra ngoài trời, đối mặt với gió lạnh. Đôi chân anh di chuyển về phía chiếc xe đạp đang dựa vào bức tường của sân sau. Biết tính ngang bướng của chồng, Yên chỉ nói:
- Em không muốn thấy một cái xác trong nước lạnh.
Hình ảnh cái xác tã tượi tái xanh tác động tới Vinh. Anh khựng lại trước khi leo lên yên xe. Yên nói luôn:
- Đợi nắng lên anh bơi cũng được, mà?
- Nắng… đông người lắm!
Từ lúc sống sót sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, Vinh tách mình ra khỏi đám đông, kể cả bạn bè từng chén thù chén tạc. Cũng từ lần chết đi sống lại đó, Vinh cay đắng nhận ra, mình đã hoang phí, không chỉ thời gian, sức khỏe mà còn tâm lực cho những mối quan hệ cứ tưởng bền chặt và coi đó là nguồn vui.
Và, sau khi trở về từ cõi chết, Vinh càng rõ hơn, những người ngỡ là bè bạn, hiếm hoi lắm mới có một vài người có thể gọi là bạn. Hầu hết là đám đông thực dụng, ồn ào. Đám đông ấy thường chực chờ, vồ vập nâng Vinh lên tới mây xanh khi trong túi anh có tiền và không tiếc tiền. Hội tụ. Tâng bốc. Tràn trề bia rượu. Sau tăng một, tiếp đến tăng hai, tăng ba. Những cuộc vui triền miên thường kéo Vinh về một phía, đẩy xô Yên về phía khác.
Khi nằm rịt trên giường bệnh, lác đác một vài gương mặt trong cái đám đông nhộn nhạo đó thoáng qua, rồi mất hút. Chỉ có Yên luôn bên anh. Cô khóc khô nước mắt trước những cơn đau quật ngã anh, tất tả xuôi ngược vì anh.
Sức khỏe Vinh phục hồi cùng lúc với một con người khác trong anh, được khai sinh. Con người ấy, khắc nghiệt hơn, mạnh mẽ hơn, cực đoan và lỳ lợm trong sự cô độc của mình.
- Vậy anh đạp xe, chiều hãy bơi!
Vinh quăng túi bơi lại, lên xe, đạp đi trong cái lạnh bất thường.
* * *
Một tiếng mười phút sau, Vinh về. Anh đặt bịch bắp luộc lên bàn, sau lưng Yên:
- Bắp nóng, ăn đi!
Nói rồi Vinh đi một mạch ra cửa nhà trước, bước luôn ra khoảng sân trồng hoa. Hoa hồng, hoa lan vẫn tươi sắc dù nắng không xuyên qua được lớp mây mù. Nguyệt quế rụng trắng sân. Những cánh hoa mong manh bị gió hất lên, chấp chới.
Vinh không nhìn hoa mà nhìn về phía những đám mây trôi vùn vụt dười bầu trời tối sẫm.
- Trong này lạnh như vầy, ngoài Bắc chắc rét lắm!
Nghe chồng nói, Yên ngừng tay lột bắp:
- Năm nay về quê ăn Tết đi, anh!
Thấy Vinh làm thinh, Yên nói tiếp:
- Năm nay mình đón cái rét ngoài đó…
Vinh chặn lời vợ:
- Không về!
Quen với cách nói cụt lủn của chồng, Yên tiếp:
- Ba năm rồi, anh chưa về. Giờ đặt vé máy bay là vừa.
- Đã bảo là không về!
Vinh gắt gỏng. Hai tiếng “không về” như không phát ra từ thanh quản mà được rứt ra từ lồng ngực. Nói xong, Vinh bỏ ra nhà sau.
Yên không muốn ăn bắp nóng nữa, dù là món khoái khẩu. Cô bưng tách cà phê ra phòng khách, vừa nhìn nguyệt quế giãy giụa tả tơi, vừa nhấm nháp vị đắng, vừa xâu chuỗi những tình tiết mà Vinh kể, lúc này lúc khác sau chuyến về quê vào dịp tết, ba năm trước.
Ba năm trước, khi phục hồi sức khỏe, Vinh hăm hở cho chuyến về quê, nơi còn người anh ruột, chị dâu cùng các cháu sống trên mảnh đất có nấm mồ cha mẹ. Anh trai không vào thăm lúc em lâm trọng bệnh nhưng thường gọi thăm hỏi. Đôi lần nước mắt người anh cơ hồ ướt cả điện thoại. Trước lúc về quê, Vinh chuẩn bị quà cho từng người. Anh còn hỏi cỡ giày chị dâu mang. Vinh cùng vợ chọn mua giày da và mấy đôi tất cho chị ấy. Lần đó, Yên không đi cùng chồng. Cô còn mẹ già trông ngóng từng đứa con về tết.
Sau chuyến về Tết, Vinh buồn buồn. Vốn ít nói anh lại càng ít nói. Khi vợ hỏi, Vinh chỉ gọn lỏn, một từ: “Nhạt!”. Yên muốn được biết thêm nên cô hỏi: “Nhạt là sao?”. Vinh cười: “Nhạt là thiếu muối!”. Tò mò vốn tính đàn bà. Đàn bà viết lách còn tò mò hơn. Khi được vợ gặng hỏi thêm, Vinh nổi nóng: “Tình nhạt. Tiền mặn. Làng quê giờ không còn là làng quê ngày xưa nữa!”.
Lúc nghe Vinh nói điều đó, Yên cũng lặng thinh.
Làng quê giờ đã khác xưa, không chỉ có Vinh mới cảm thấy. Cô cũng cảm nhận và cảm nhận rõ hơn vào những lần về quê, nhất là dịp tết hay ngày lễ lạt, giỗ chạp. Và đâu chỉ có làng quê.
Vòng xoáy bạc tiền nơi thị thành còn nghiệt ngã hơn.
Nơi cô đang sống cũng như cái thành phố tỉnh lỵ nơi mẹ Yên cùng những người trong dòng tộc đang sống, cái vòng xoáy bạo liệt ấy, như một lưỡi dao đa năng sử dụng hết công năng. Lưỡi dao ấy miệt mài cứa, cắt, bào, gọt vương quốc tinh thần. Thế giới tinh thần dần thu hẹp, nhường chỗ cho sự bành trướng của vật chất. Giá trị vật chất ngày một phình to, len lỏi vào mọi ngóc ngách, nghênh ngang ngự trị, không chỉ không gian đi lại, việc làm, ăn uống, hít thở, mà ngay cả khi con người đã nhắm mắt xuôi tay. Bạc tiền suồng sã xộc vào tất cả các mối quan hệ, từ gia đình đến dòng tộc, từ nếp nhà ra cộng đồng.
Mỗi năm, Yên vẫn giữ thói quen là dành hết tháng lương mười ba, đổi tiền mới, chia ra làm nhiều phong bao. Bao nhiều mừng tuổi ông bà chú bác dì cậu, bao ít lì xì cháu con. Những cái tết gần đây, Yên không còn cảm nhận được ánh mắt hân hoan ấm áp, vốn là niềm vui sau một năm gặp lại.
Những năm gần đây, trong dòng tộc nẩy nòi năm ba đứa lắm tiền nhiều của, được gọi là đại gia. Những đại gia mà mới ngày nào còn tranh nhau những phong bì lì xì mỏng dính của Yên. Giờ, những phong bì lì xì dày cộm của đại gia khiến cả tháng lương mười ba của cô trở thành cái móng tay trầy xước, thảm hại.
Trước những con cháu nhanh chóng sở hữu khối tài sản mà những người cao tuổi trong dòng tộc có mơ cũng không dám tơ tưởng, Yên và những đứa con đứa cháu sống tằn tiện bằng đồng lương cùng những sản phẩm tinh thần vắt óc vắt tim mà có được, trước mắt nhiều người, trở thành kẻ vô dụng, đáng thương.
Sự giàu nhanh của những đại gia như cơn gió lạ xộc thẳng vào nơi cư ngụ của mỗi người. Người hân hoan, vồ vập. Kẻ bần thần, lùi lại. Người vênh vang, hãnh tiến. Kẻ thu mình, mặc cảm. Và không ít người, vừa trề môi khinh, vừa rỏ dãi thèm.
Số người không ít ấy lượn lờ ra vô ngôi nhà của mẹ Yên. Họ không còn để ý đến giá trị được gọi là nhân cách hay phẩm hạnh, thứ giá trị từng làm chất keo kết dính dòng tộc họ hàng và nối liền tình làng nghĩa xóm; thứ giá trị tạo dựng nền móng của mọi giá trị. Họ chăm chăm vào giá trị vật chất. Họ dòm ngó và so sánh. Họ săm soi và cạnh khóe.
Đôi lần Yên nghe lỏm được những câu đối thoại giữa họ và người mẹ còm cõi quen sống hết lòng vì người khác, dù thực lòng, cô không muốn nghe. Có lần, cô còn chới với trước câu hỏi chỉa thẳng vào mình: “Con gái chị, nghe nói cũng học hành tới nơi tới chốn, vậy sao nó không sắm nổi cái ô tô để đi?”.
Mẹ Yên ậm ự lúng túng khi người hỏi câu hỏi lia cái nhìn từ cái sân đậu kín ô tô của ngôi biệt thự nhà đứa em gái có con đại gia sang cái sân trống trơn loang lổ rêu xanh nhà mình.
Những câu hỏi đại loại như thế, dần dần khiến mẹ Yên, người đàn bà từng chèo chống chiếc xuồng khẳm đừ mà trên đó là những tử thi không nguyên vẹn do bom đạn, ra thẳng đồn bót, kiên gan trực diện, đấu tranh; người nhiều lần bỏ mấy đứa con nhỏ trong ngôi nhà bên bìa rừng giữa đêm khuya khoắt, một mình băng rừng vượt sông đến giúp cho những ca đẻ khó; bà chọn lối đi mà ba Yên và những người đồng chí của ông lựa chọn, là đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia lên trên hết; đôi lúc cũng nao núng và hoang mang.
Cái sự giàu có không rõ căn nguyên, mù mờ nguồn gốc đã biến thành cái barie chia rẽ lòng người, kể cả người cùng ruột rà hay cùng dòng tộc.
Tài sản chìm nổi của những đại gia vốn không phải là những tài năng đặc biệt, càng không có chút của nả thừa kế; cách này, cách khác, đang biến thành khối vật chất vừa hữu hình lại vừa vô hình. Khối nặng lừng lững ấy, lúc thấp, lúc cao, không ngừng giãn nở, bung xòe. Tài sản không rõ xuất xứ hay chưa rõ nguồn gốc còn biến thành những cây dù khổng lồ chụp xuống biển người đang xê dịch. Ngột ngạt, bức bí khiến đám đông ra sức chen lấn, đẩy xô.
Sự giàu có bất thường còn đẻ ra vô số những câu hỏi. Những câu hỏi không được giải đáp, hoặc giải đáp nửa vời, lấp liếm. Những câu hỏi treo lơ lửng đang làm xô lệch những giá trị tưởng chừng bất biến và kéo giãn đến mức khó lường cái sợi dây máu mủ ruột rà.
Yên nhận ra sự đổi thay đó, đang diễn ra, riết róng. Đổi thay theo một chiều kích, một tâm thế khác. Khác đến mức Yên thấy họ trở nên xa lạ. Và cô cũng thành kẻ xa lạ trước mắt họ.
Những cái tết gần đây, về quê, Yên thường quanh quẩn trong nhà với mẹ, thắp nhang trên bàn thờ cho cha và ra nghĩa trang thăm mộ ông.
Yên thường ngồi nhiều giờ bên ngôi mộ cha.
Ký ức về cha có lúc dịu êm như mặt hồ gợn sóng lăn tăn trước mặt, có lúc lại như những con sóng lừng của ngã ba sông mà tuổi thơ luôn khiến cô hãi hùng mỗi khi mẹ chèo xuồng đưa mấy chị em cô vượt qua. Nhiều lúc Yên thấy như được thủ thỉ trò chuyện với cha, điều khi cha con cách trở âm dương, cô càng thấy khát khao. Yên kể cho cha nghe những điều cô chưa một lần hé môi, sợ ông buồn. Cô còn kể cho cha về những cánh diều mắc kẹt trên cành cây của mấy chị em cô mà khi khều chúng xuống được, chỉ còn là những thanh tre chắp nối vụng về. Cô cũng không giấu cha về những vấp ngã đau đến điếng hồn trên những dặm đường đã qua và những chông gai còn ở phía trước. Nhiều lúc cha lắng nghe. Nhiều lúc cha chỉ cười buồn. Và không ít lần, cha bỏ cô ngồi một mình giữa những ngôi mộ im lìm. Ông lẫn vào thinh không, vào làn khói, nhẹ bổng, bồng bềnh đâu đó trên cao. Rồi, cũng đôi lần, ký ức kéo cô trở về, bắt gặp ánh mắt thảng thốt, sững sờ khi ông đọc thấy báo, đài nói về những việc làm tăm tối của những người mà cha đẻ chúng là những người từng vào sinh ra tử cùng ông. Và dù đã cố, Yên vẫn không cách nào xua đi được cái cái cảm giác nhói đau nơi lồng ngực khi nhớ đôi mắt cha vẫn không khép lại khi tay chân ông đã giá lạnh.
Ngôi mộ bằng đá đen tuyền của cha, cũng lạnh, dù những cây nhang đang cháy đỏ và mặt hồ vẫn mênh mang trước mặt. Một mặt hồ chỉ có sen và súng. Sen thường rũ tàn trước những ngày cuối đông, lác đác những búp lá non yếu ớt lơ quơ trước gió. Những bông súng trắng mạnh mẽ hơn, vươn khỏi mặt nước.
Hình ảnh những bông súng trắng vươn khỏi mặt nước trong nắng gió làm Yên nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê đến se lòng.
Yên bước một mạch ra nhà sau, rủ chồng về thăm mẹ, thăm mộ cha, tìm lại dấu tích ngày hôm qua và ngắm những bông súng trắng tinh khiết trên mặt hồ gợn sóng. Vinh ngồi thừ một lát, rồi nói:
- Em với các con cứ về đi!
Biết tính chồng, Yên không nài. Không phải Vinh không muốn về thăm mẹ vợ, thăm nấm mồ cha vợ, người từng dành cho anh tình cảm của một người cha, điều mà anh thiếu từ tấm bé.
Yên cũng biết, Vinh không muốn về một nơi, mà ở đó, cũng như làng quê của anh, giá trị vật chất đang bung nở lấn át không gian trong trẻo của đất trời. Sự nhộn nhạo bon chen làm giàu bằng mọi cách và đánh đổi bằng mọi giá đang tước mất dần sự linh thiêng vốn có của thời khắc giao thừa, khoảnh khắc bịn rịn hân hoan của năm cũ chuyển sang năm mới.
Sự ganh đua chen lấn xu thời xu thế chẳng khác luồng gió lạnh, rất lạnh đang quét qua, không chỉ là không gian ấm áp của ngày tết, mùa tết.
Sự nhộn nhạo đó còn khiến Vinh bốc đồng, cáu gắt và khiến Yên trở nên lặng lẽ cô độc như chồng, dù họ vẫn bên nhau và tiếng gọi từ ký ức, từ mồ mả, từ lòng đất vẫn là tiếng gọi da diết, dai dẳng mà cả hai vẫn nghe được.
Truyện ngắn: BÍCH NGÂN