Ban ngày, họ cần mẫn, miệt mài với vườn rẫy, còn đêm về, cũng chính những con người chất phác đó lại hóa thân thành "nghệ sĩ" với tiếng đàn, tiếng sáo hòa theo những làn điệu dân ca nơi xóm thôn xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà).
Ban ngày, họ cần mẫn, miệt mài với vườn rẫy, còn đêm về, cũng chính những con người chất phác đó lại hóa thân thành “nghệ sĩ” với tiếng đàn, tiếng sáo hòa theo những làn điệu dân ca nơi xóm thôn xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà).
|
Thành viên của CLB Lán Tranh đều là những người nông dân có chung niềm đam mê với các làn điệu dân ca. Ảnh: V.Quỳnh |
Câu lạc bộ của những nông dân
Trở về từ Liên hoan Dân ca tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 vừa diễn ra vào cuối tháng 10, niềm vui và tự hào vẫn còn âm ỉ trong lòng các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) dân ca Lán Tranh, xã Hoài Đức. Bởi mặc dù vừa được chính thức thành lập cách đây 2 tháng, nhưng ít ai ngờ rằng một CLB non trẻ như vậy lại đạt được những thành tích đáng nể khi đoạt giải nhì tập thể và một giải nhất cá nhân. Được đánh giá là đa dạng sắc màu văn hóa, các tiết mục mà CLB Lán Tranh mang đến liên hoan như “Trầu cau quan họ”, hát chèo “Khúc hát tình yêu”, hay độc tấu sáo trúc “Xuân về trên bản”,... đều do những người nông dân tự biên đạo, tập luyện và thể hiện.
CLB Lán Tranh tham gia Liên hoan Dân ca huyện Lâm Hà và sau đó là Liên hoan Dân ca toàn tỉnh khi còn chưa kịp có một buổi ra mắt chính thức. Thế nhưng, những con người cùng chung niềm đam mê với các làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống đã tìm đến nhau cùng sinh hoạt, giao lưu từ thời gian rất lâu trước đó. Riêng anh Nguyễn Đình Doanh - Chủ nhiệm CLB đã có nhiều lần tham gia biểu diễn văn nghệ trong các dịp lễ, tết tại địa phương. Đau đáu vì những buổi chiều ngồi giữa đất trời Tây Nguyên mà da diết nhớ về quê hương Hà Tây ruột thịt, anh Doanh đã thành lập nên CLB, với mong muốn tạo ra một không gian để những câu dân ca, tiếng đàn nhị, đàn bầu được cất lên.
Hiện, CLB Lán Tranh có 16 thành viên, phần lớn là người thôn Đức Hải, thành viên lớn tuổi nhất cũng đã gần 65 tuổi. Đây là CLB dân ca đầu tiên được thành lập trong xã, nên những ngày đầu gặp khó trăm bề đó là những thiếu thốn về trang thiết bị, về trang phục và cả nơi tập luyện. “Ngoài ra, toàn bộ thành viên CLB đều là nông dân, những người chơi nhạc cụ chủ yếu đều là trụ cột, lao động chính trong mỗi gia đình, sớm tối gánh vác việc nhà nông nặng nhọc nên quỹ thời gian còn lại rất ít ỏi. Các thành viên nữ thì ngoài việc nông còn phải lo cho gia đình, con cái nên nhiều khi được người này thiếu người kia” - anh Nguyễn Như Huấn - Phó Chủ nhiệm CLB cho biết. Thế nhưng, niềm đam mê được hát, được đàn, tình yêu với những câu dân ca khiến họ vượt qua những khó khăn đó để trở thành nghệ sỹ vào mỗi tối chủ nhật hàng tuần. Ở đó, họ hát, họ đàn cho mọi người cùng nghe, và còn để cho chính mình có được niềm vui, sự an ủi được vơi bớt nỗi niềm của những người con xa quê, để mạch nguồn dân ca chảy mãi.
Gác lại nhọc nhằn sau những giọt mồ hôi lao động và khi tiếng hát cất lên, tiếng đàn, tiếng sáo... hòa âm, mọi lo toan thường ngày đã nhường lại cho niềm say mê ca hát.
Chị Lê Thị Sợi - giọng ca chính của CLB hồ hởi chia sẻ: “Hàng ngày mình lao động chân tay vất vả, tối đến lại tham gia đàn, hát để có thêm niềm vui tinh thần. Các thành viên không phải ai cũng có năng khiếu, thế nhưng niềm đam mê thì to lớn vô cùng. Gạt qua những nỗi ngại ngùng ban đầu, bây giờ mỗi người đều hào hứng với những tiết mục biểu diễn”.
Cứ vậy, không có gì lớn hơn niềm đam mê, những thành viên của CLB Lán Tranh đang từng ngày giúp những giai điệu tha thiết của quê hương không bị mất đi. Nói như ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, cũng là một người con của Hà Tây: “Nó chỉ nung nấu trong tấm lòng của những người con xa quê, để có dịp là vút lên giữa đất trời cà phê bát ngát ở vùng đất Tây Nguyên này”.
|
Anh Nguyễn Đình Doanh (bên phải) có niềm đam mê đặc biệt với các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Ảnh: V.Quỳnh |
Bộ sưu tập của người đàn ông mê nhạc cụ dân tộc
Lợi thế lớn nhất của CLB Lán Tranh là anh Nguyễn Đình Doanh - Chủ nhiệm CLB, khi anh có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống để hướng dẫn cho những thành viên khác. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ giữa vườn cà phê đang vào mùa hái của anh là những nhạc cụ dân tộc được treo trang trọng, là đàn bầu, đàn nhị, là bộ sáo trúc cầu kỳ nhiều loại,... Nhìn người nông dân chân chất, mộc mạc, nhìn bàn tay thô ráp, chai sần của anh, ít ai nghĩ được rằng cũng chính từ bàn tay đó mà những “giọt” đàn bầu, đàn nhị, những bài thổi sáo lại thánh thót vang lên.
Với anh Doanh, niềm yêu thích nhạc cụ dân tộc đã lớn hơn cả một sở thích thông thường, mà đã trở thành niềm đam mê từ nhỏ và ngấm vào máu từ lúc nào chẳng hay. Vào vùng kinh tế mới Lâm Hà từ những năm 1988, chàng trai 17 tuổi lúc đó mang theo cả tình yêu với cây đàn nhị đã gắn với những ngày thơ ấu anh lớn lên bên ông, bên cha. Để rồi, trong những ngày xa quê và tha thiết nhớ những âm thanh nơi quê nhà, anh mày mò tập thêm đàn bầu, đàn nguyệt, sáo Mèo, sáo Mông,... Bộ sưu tập ngày một nhiều thêm cùng với những chuyến anh về thăm quê. Người đàn ông chưa được học tròn đường chữ nghĩa, thế nhưng trong chiếc tủ nhỏ là rất nhiều sách về nhạc cụ. Anh chia sẻ rằng, bây giờ có quá nhiều kênh để anh có thể tự học, là tivi, sách vở, là Internet và Youtube,... Thế nên, trong bộ sưu tập của anh còn có thêm cây đàn Violon, như là một sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Hiện tại, trong CLB Lán Tranh có 4 người chơi nhạc cụ chính. Họ đều xuất phát từ “số 0” và được anh Doanh luyện tập cho đến nhuần nhuyễn như hôm nay. “Chúng tôi luyện từng bài, tập để đúng từng câu từng chữ, từng nhịp phách nên có những bài phải mất đến mấy tháng. Có vất vả, có nhiều lúc thấy nản nhưng rồi phải tự động viên mình cố gắng, vì mình là người đi đầu, mình nản thì làm sao các anh chị em có động lực để cố gắng” - anh Doanh chia sẻ.
Xã Hoài Đức mùa này, cà phê đang chín rộ. Thời gian tập luyện của CLB ít lại, nhưng đâu đó trong vườn hay trên những sân phơi, vẫn thỉnh thoảng vang lên những câu dân ca tha thiết, như mang cả “hồn miền Bắc” vào giữa miền Tây Nguyên.
VIỆT QUỲNH