Trang bị cồng chiêng, mời nghệ nhân mở lớp truyền dạy cách sử dụng chúng, rồi hỗ trợ trang phục biểu diễn, loa kéo di động, đàn tính, đạo cụ… là những cách làm mà huyện Bảo Lâm đang thực hiện để góp phần gìn giữ, nâng cao đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương.
Trang bị cồng chiêng, mời nghệ nhân mở lớp truyền dạy cách sử dụng chúng, rồi hỗ trợ trang phục biểu diễn, loa kéo di động, đàn tính, đạo cụ… là những cách làm mà huyện Bảo Lâm đang thực hiện để góp phần gìn giữ, nâng cao đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương.
|
Bảo Lâm luôn chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Ảnh: T.Đồng |
Bà Vũ Thị Thanh Lý, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, cho rằng, Bảo Lâm là địa phương còn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa dân gian, mang đậm sắc thái vùng miền, nhất là văn hóa của các DTTS Tây Nguyên và Tây Bắc. “Trên thực tế, những năm qua, công tác bảo tồn văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện Bảo Lâm không chỉ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc này, mà còn góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS”, bà Vũ Thị Thanh Lý chia sẻ.
Theo bà Vũ Thị Thanh Lý, xác định xây dựng đời sống văn hóa trong vùng đồng bào DTTS phải bắt nguồn từ việc nâng cao chất lượng hoạt động, các phong trào ở cơ sở, vì vậy Bảo Lâm luôn chú trọng hoạt động văn hóa tại các thôn, bon, tổ dân phố đông người DTTS sinh sống, coi đó là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS. “Năm 2019, huyện Bảo Lâm trang bị 2 bộ cồng chiêng và 84 bộ trang phục truyền thống của người DTTS bản địa Tây Nguyên để người dân nơi đây có thêm điều kiện tập luyện, tham gia biểu diễn tại các hội thi, hội diễn văn hóa. Ngoài ra, huyện Bảo Lâm còn trang bị 27 bộ loa kéo di động cho các nhà văn hóa thôn vùng DTTS và phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng mở 4 lớp truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng cho 96 người tại các xã Lộc Thành, Lộc Nam, Lộc Bắc, Lộc Bảo và xã Lộc An. Bên cạnh đó, huyện Bảo Lâm cũng mở 2 lớp đàn Tính hát Then cho 50 người Tày, người Nùng ở xã B’Lá và xã Lộc Ngãi”, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm Vũ Thị Thanh Lý cho biết.
Thông qua việc hỗ trợ này, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở huyện Bảo Lâm ngày càng phát triển. Nhờ vậy, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Bảo Lâm được duy trì, trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân. Đồng bào các DTTS cũng đã ý thức hơn về việc gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc mình. “Trong năm 2019, CLB đàn Tính hát Then xã B’Lá và CLB đàn Tính hát Then xã Lộc Ngãi đã tự bỏ tiền túi ra mua 30 chiếc đàn Tính, trang bị cho các thành viên của CLB. Mỗi chiếc đàn Tính hiện có giá 1,5 triệu đồng. Chưa kể, 2 CLB này còn tự trang bị trang phục truyền thống cho các thành viên trong CLB”, bà Vũ Thị Thanh Lý cho biết thêm.
Mặt khác, huyện Bảo Lâm cũng thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ từ huyện đến cơ sở vào các dịp mừng Đảng mừng Xuân, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9… đã thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân; trong đó, có sự tham gia nhiệt tình của đồng bào các DTTS, bên cạnh quan tâm phục dựng các lễ hội truyền thống như Lễ mừng lúa mới của người Mạ, Lễ báo hiếu của người Tày, Lễ hội đầu Xuân của người Mông...
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, huyện Bảo Lâm đã tạo nên tính bền vững của các giá trị văn hóa. Không chỉ có vậy, việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống còn nhân lên các giá trị tốt đẹp trong đời sống, tăng cường tình đoàn kết, gắn kết cộng đồng.
THÀNH ĐỒNG