Mẹ và chợ quê

05:02, 13/02/2020

Cùng thuộc huyện Nam Đàn nhưng quê tôi và quê anh cách nhau con sông Lam. Gặp nhau và nên duyên ở Đà Lạt, tết này tôi vẫn về quê, nhưng về bên kia sông, bỡ ngỡ làm dâu nhà anh rồi theo mẹ anh ra chợ quê ngày tết.

Cùng thuộc huyện Nam Đàn nhưng quê tôi và quê anh cách nhau con sông Lam. Gặp nhau và nên duyên ở Đà Lạt, tết này tôi vẫn về quê, nhưng về bên kia sông, bỡ ngỡ làm dâu nhà anh rồi theo mẹ anh ra chợ quê ngày tết.
 
Các mặt hàng được bán ở chợ quê chủ yếu là của nhà trồng được, hay làm ra.
Các mặt hàng được bán ở chợ quê chủ yếu là của nhà trồng được, hay làm ra.
 
Mẹ! 
 
Quê anh và quê tôi đều có chợ. Nhưng lớn lên trong gia đình quanh năm trồng lúa nên chợ quê trong ký ức của tôi chỉ có vỏn vẹn ở những ngày bé xíu theo chân mẹ đi chợ tết. Và chợ quê cũng lấp lánh theo sắc màu của bong bóng, tò he. Còn ở nhà anh, cha mẹ ngược xuôi chạy chợ bán chè xanh, cam, chanh - những loại cây, thức quả mua từ tít tận trong những xã vùng núi của huyện. Từ những ngày chống đò ngược sông Lam lên tận Thanh Chương, Đô Lương bán chè, ống giang, chổi rành, chổi đót rồi xuôi về những chợ quanh thành phố Vinh, cha anh đã mấy chục năm theo nghiệp bán buôn. Còn mẹ, cũng đã chừng ấy thời gian bán chợ gần để vừa kiếm đôi đồng bạc vừa lo chuyện cơm nước, học hành của con cái, rồi chuyện ngô ngoài bãi, lúa trên đồng. 
 
4h sáng, trời rét run, cha, mẹ lục đục dậy chuẩn bị đi chợ. Chợ xa cha đi trước. Mẹ chuẩn bị chất chè xanh, cam, chanh lên xe. Mẹ làm len lén vì sợ con và các cháu về ăn tết ngủ không tròn giấc. Phần vì lạ nhà, phần vì những xốn xang của con dâu mới, tôi thức dậy. Lật đật chạy lại đỡ những bó chè cao gần bằng người mà một vòng tay ôm chẳng hết tôi giúp mẹ chất lên xe. Không chỉ chất lên sau xe những bó chè xanh cao vút rồi néo dây buộc chặt, mẹ còn chất cả bao tải cam, chanh to đùng vừa hái chiều qua trong núi về lên trước xe. Xong xuôi đâu đó mẹ leo lên xe mà chẳng nổ máy. Hai chân như hai mái chèo mẹ đẩy xe ra khỏi cổng, bật đèn xe, nổ máy chạy ra hướng chợ. Mẹ chạy chợ đến gần trưa, còn cha thì đến tận đầu giờ chiều. Tan chợ về nhà cha mẹ còn mang theo bao thức ăn và cả bánh trái cho các con. Bởi đó là thói quen từ ngày còn nhỏ. 
 
Cha mẹ sáng chạy chợ rồi buổi chiều họ lại đi mua hàng mới. Mấy chục năm trong nghề nên họ có mối quen. Cha vào tận vườn hái lựa rồi thuê người chở bớt hàng ra chợ vào sáng mai. Còn mẹ cũng có những mối quen để lấy hàng quanh năm. Chiếc điện thoại Nokia chỉ hai chức năng nghe gọi cứ kêu liên hồi. Người có ít chanh, người có ít cam, ít ổi, ít đu đủ, ít chổi rành... cứ gọi điện để bán. Mẹ mua hết, thế là hàng mẹ bán quanh năm chẳng ngày nào giống ngày nào. 
 
Khái niệm tết đối với những người chạy chợ như cha mẹ anh không nằm ở việc trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa. Mà Tết hiện diện rõ nhất đối với họ khi lấy thêm nhiều hàng, khi thức dậy sớm hơn để “tranh thủ bán mấy ngày tết”. 
 
27 Tết, hàng hóa ngập nhà, tôi theo mẹ ra chợ. 
 
Chợ quê 
 
Chợ quê vốn đã thức dậy sớm. Chợ quê ngày tết càng thức dậy sớm hơn nhộn nhịp, đông vui nhưng không quá ồn ào. Chợ quê anh vẫn còn các bà, các chị quẩy trên vai đôi quang gánh, chất đầy hàng sau xe đạp để đến chợ. Thật đúng khi người ta nói rằng muốn biết một vùng quê nào đó ra sao hãy ra ngắm chợ. Chợ là hồn của quê. Quê anh trước giáp sông, sau giáp núi nên cũng bởi thế mà hàng hóa phong phú vô cùng. Các mặt hàng được bán phần lớn là của nhà trồng được hay làm ra là mớ rau trồng trên bãi ven sông, con cá nuôi ở ao trong đồng trũng, nải chuối, củ khoai của bà con có vườn gần núi, rồi gà, vịt, lợn, trứng cho đến bánh đa, bánh đúc, bánh mướt, hương trầm, lá dong... Cái gì cũng mơn mởn, tươi xanh. Mẹ bảo chợ quê mình trông thế thôi chứ cái gì cũng ngon vì cái gì cũng sạch. Quan điểm bán hàng của mẹ cũng đơn giản chỉ là ở quê toàn người biết mặt nhau nên bán hàng phải tử tế. Đâu phải bán rồi là thôi, bán để rồi gặp nhau giữa đường vẫn chào nhau, bán hàng tốt để lần sau người ta còn quay lại. Chứ bán hàng không ngon, không sạch làm sao mẹ buôn bán hàng chục năm giữa chợ quê mình. 
 
Tờ mờ sáng, tôi và mẹ ra tới chợ, những người bán hàng cũng đều đã đến, bày biện hàng hóa. Có một vài phụ nữ lớn tuổi chẳng có hàng cũng đi chợ sớm. Họ mua sỉ lại một ít hàng của người buôn ở chợ như mẹ tôi để tí sáng trời đem đi bán lẻ kiếm ít tiền. Mẹ bảo họ vất vả, lại chẳng mua được chỗ bán ở chợ nên mới phải thế. Vậy nên những người bán hàng như mẹ biết rằng nếu để cho họ lấy sỉ bớt một ít nghĩa là hôm ấy chẳng đủ hàng để bán, vậy nhưng vẫn làm.
 
Trời còn tối, chẳng nhìn thấy rõ mặt người nên ai cũng đeo cái đèn pin lên đầu tay thoăn thoắt soạn hàng, miệng chuyện trò rôm rả. Tết, không chỉ những người bán hàng mà bảo vệ, quản lý chợ cũng ra chợ thật sớm để không chỉ thu tiền chợ mỗi hàng 10 ngàn, 20 ngàn tùy diện tích mà còn sắp xếp để người bán bóng bay, bán tò he hay bán đôi ba hoa trái trong vườn mà họ chăm bẵm quanh năm chờ đến tết có chỗ ngồi để bán. Và tết nên những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon. Chợ ngày thường chỉ bán buổi sáng và hai ngày họp một lần. Chợ tết ngày nào cũng họp. Nếu càng vào những ngày giáp tết, chợ sẽ họp cả ngày. Người ta đi chợ để mua những vật dụng cần thiết, để sắm tết. Nhưng cũng có những người chỉ đi dạo chợ để tìm lại ký ức của tuổi thơ. Sau bao năm học hành, buôn ba xa xứ, tết họ trở về để hít căng lồng ngực mùi những món ăn quê và lấp đầy những hoài niệm tuổi thơ chỉ tết mới được theo chân mẹ ra chợ. Chỉ tết mới nấu thịt đông để đàn con ăn cho đỡ thèm mà mẹ chỉ có ít tiền trong tay. Thèm lắm bóng bay, đồ chơi lấp ánh đủ màu nhưng mẹ chẳng đủ tiền mua, đành dỗ dành bằng gói kẹo cau, đùm bánh vo, bánh đa... Ngày ấy giận mẹ mà vừa đi vừa giậm chân thình thịch nay nhớ lại mà tim quặn thắt. Đứng giữa chợ quê anh mà nhớ chợ quê tôi, nhớ mẹ. Đúng như ai đó từng nói “đi giữa quê hương mà nhớ quê hương”. Có lẽ cũng bởi vì thế mà chợ quê ngày tết không chỉ là nơi buôn bán, đó còn là nơi gặp gỡ trong tình quê mộc mạc, ấm áp, chân tình. Họ gặp nhau, hỏi thăm nhau giờ ở đâu, về được lâu không, con cái lớn thế nào rồi. Nhiều người xa quê về gặp lại người quê ở chợ họ gửi lời cảm ơn vì người quê là bầu bạn bên cha mẹ già khi họ mải miết ở phương xa. Bạn bè gặp lại nhau vội vàng ở chợ, hẹn nhau ngày tết ghé chơi nhà.
 
Chợ quê lạ lắm, dường như ai cũng quen nhau. Những người bán hàng như mẹ thấy ai đi qua cũng chào, cũng mời cũng nói chuyện. Rồi cũng vì quen nhiều nên người đi chợ chia ra mua của mỗi hàng một ít. Vậy rồi ai cũng vui. Đến trưa vãn chợ, những người bán hàng lại đi mua của nhau bởi “tết mà”. Đến trưa ba mươi tết, phiên chợ cuối cùng trong năm, trước khi chào nhau về ăn tết, những người buôn ở chợ còn giúp nhau mua những hàng tươi chưa bán hết để “khỏi ế hàng về ăn tết cho ngon”.
 
Chiều ba mươi Tết, cha mẹ mới chính thức nghỉ chợ, cả nhà tranh thủ dọn dẹp, nấu nướng nghỉ ngơi đúng ba ngày tết, mồng 4 Tết, cha mẹ lại ra chợ mở hàng. Bởi khi ấy người ta đi chợ mua đồ tươi mới về làm cơm cúng tiễn ông bà ông vải, còn cha mẹ tôi bao năm qua vẫn chọn đó làm ngày mở hàng bắt đầu cho một năm chạy chợ, buôn bán ngược xuôi.
 
HOÀNG MY