"Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa, ngắm trăng say đắm, một mình bâng khuâng". Đó là ca từ nhạc phẩm "Sơn nữ ca" của cố nhạc sĩ Trần Hoàn mấy chục năm trước chợt trở về trong tôi hòa vào không gian nao nức đêm giao lưu văn hóa Việt Nam và các quốc gia tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà...
“Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa, ngắm trăng say đắm, một mình bâng khuâng”. Đó là ca từ nhạc phẩm “Sơn nữ ca” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn mấy chục năm trước chợt trở về trong tôi hòa vào không gian nao nức đêm giao lưu văn hóa Việt Nam và các quốc gia tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà...
|
Không gian văn hóa cồng chiêng luôn đặc sắc với người thưởng thức |
Khí trời ở đai độ cao hơn 1.500 mét xuống rất thấp, 13 độ. Đại ngàn chất chứa muôn vàn truyền thuyết ngàn đời của Mẹ Thiên Nhiên. Ngọn lửa thiêng được người bản địa dân tộc K’Ho đốt lên, rực cháy, reo lộp bộp giữa trảng đất rộng. Hơi ấm hân hoan lan tỏa, xóa đi ranh giới về quốc gia, sắc tộc hay vị thế trong xã hội. Họ quây quần quanh ánh lửa mê hoặc, để sẻ chia những đặc sắc văn hóa của dân tộc mình. Đó là những giáo sư hàng đầu của thế giới, những nhà khoa học đến từ 13 quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Singapore, Trung Quốc, Mexico, Cu Ba, Việt Nam, Úc, Thụy Điển... và những con dân dân tộc K’Ho Cill, tỉnh Lâm Đồng.
Khởi xướng giao lưu văn hóa là Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, một hoạt động để đồng bào dân tộc K’Ho xã Đa Nhim trình diễn hàng tháng. Vì vậy, trước hết và cốt lõi của đêm giao lưu văn hóa giữa rừng là chương trình nghệ thuật của cư dân K’Ho Cill. Gần 20 nam thanh nữ tú với sắc phục thổ cẩm, cùng những điệu múa, khúc ca và các nhạc cụ làm nên bữa tiệc nghệ thuật dân ca dân vũ đặc sắc. Chương trình mở đầu là hồi trống (sơgơr) vang vọng đại ngàn, sau đó là sơn nữ xinh đẹp bước ra trung tâm giới thiệu tiết mục “Chào đón khách”. Tiếng reo hò từ khách cộng hưởng và đồng vọng. Các nhạc cụ truyền thống như bộ cồng (mồng), chiêng (cing) gồm chiêng bằng và chiêng núm, kèn ống bầu (kơmbuat), cả dàn nhạc ống tre (kơrla) của đồng bào Bắc Tây Nguyên và đàn guitar của nền văn minh châu Âu..., cùng hòa âm, rộn ràng và cuốn hút. Nhiều tiết mục như “Buôn làng mở hội”, “Đi hái rau”, “Mừng lúa mới”... thể hiện bằng lối hát Yal yau, cùng những vòng xoang uyển chuyển. Du khách được đắm đuối trong không gian văn hóa - nghệ thuật - tín ngưỡng của cộng đồng người bản địa, của vũ trụ ba tầng (trời, người sống và người đã khuất). Ở đó, các thần linh cùng chứng kiến, cùng hòa ca, như vị thần quyền năng tối thượng Yàng N’Du, các thần Lúa (Yàng Koi), thần Đất (Yàng Tía), thần Mặt Trời (Yàng Măt Tơ Ngai), thần Nước (Yàng Đạ), thần Núi (Yang Pnâm),... Du khách còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào K’Ho như thịt nướng, khoai, ngô nướng và rượu cần (tơrnơm).
|
Chủ và khách lưu kỷ niệm sau chương trình giao lưu văn hóa |
Đội trưởng nghệ thuật, anh Ha Trái cho biết: Đội thành lập từ 2013, gồm 18 người, 7 nam và 11 nữ, tuổi cao nhất là Ha Ni sinh năm 1979 và ít nhất là Hà Bang sinh năm 1996. Ha Trái nói: “Tuy có những nét khác biệt với các nhóm K’Ho như Lạch, Nộp, Srê..., nhưng cụ thể thì già làng Ha Sang mới là người biết nhiều nhất”. Anh và Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà Lê Văn Hương đã thống nhất sau Tết Nguyên đán sẽ mời già làng Ha Sang truyền dạy thêm về các bài cồng chiêng, già làng Ha Doan tập về những câu chuyện nguyên bản, để nâng cao chất lượng và đặc biệt phát huy những đặc sắc khu biệt của văn hóa K’Ho Cill. “Phải là độc đáo và duy nhất của văn hóa cồng chiêng diễn ra ở Vườn Bidoup - Núi Bà thì mới là thương hiệu và thu hút du khách được”, ông Hương nhấn mạnh và khích lệ.
Trong và sau đêm giao lưu, chúng tôi đã gặp rất nhiều khán-thính giả là các nhà khoa học quốc tế. Với chuyên môn lịch sử học, cô Lin Sakamoto, một nghiên cứu sinh Nhật Bản, nhận xét: “Không chỉ khí hậu mà cả cách sống của con người ở vùng này đã đem lại không khí cuộc sống rất thoải mái. Thật tuyệt vời. Tôi rất tò mò về những hoa văn trên áo quần của họ mặc, và điều gì đang ẩn chứa sau các điệu múa của họ. Những nhạc cụ cũng đơn giản nhưng lại tạo nên những âm thanh đặc biệt cuốn hút và sôi động, tôi không hiểu được họ đã chế tác thế nào mà có được... Đó là những nguyên cớ của lịch sử, tôi sẽ quay lại nơi đây để tìm hiểu kỹ về văn hóa của cư dân bản địa. Họ đã cho tôi hiểu văn hóa Việt Nam rất nhiều bản sắc riêng, và thật phong phú”.
Giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành Cổ khí hậu, Brendan M. Buckley, làm việc tại Trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ đánh giá: “Tôi đã nghiên cứu nhiều vùng quốc gia khác nhau ở châu Á, vì vậy tôi rất tôn trọng văn hóa bản địa, bởi, giá trị trường tồn của nó. Chính họ đã cho chúng ta hiểu và cần học hỏi họ cách tồn tại giữa thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng, họ tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật hiện đại của thế giới còn khó khăn, do đó, cần phải nghĩ cách tạo điều kiện cho họ, và sẽ là thách thức để họ cùng tham gia bảo vệ bền vững môi trường. Một vài ý kiến cho rằng họ không quan tâm đến môi trường, nhưng thực ra họ sống lâu đời và hiểu giá trị của môi trường rất cần được bảo vệ. Vì vậy trong hơn 20 năm nghiên cứu, tôi luôn tôn trọng văn hóa bản địa”.
Nhiều nhà khoa học cũng chung một cảm nhận từ đêm giao lưu văn hóa dân tộc bản địa Tây Nguyên rằng, họ phần nào đã hiểu cách tiếp cận với đồng bào bản địa của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà để vừa bảo tồn văn hóa, vừa đồng hành bảo vệ rừng. Các bạn quốc tế cùng bước vào sân nối vòng xoang quanh lửa và rượu cần, trong dập dìu âm sắc Tây Nguyên. Chính không gian này đã khích lệ họ mạnh dạn tham gia những tiết mục âm nhạc của đất nước mình. Đêm giữa rừng, được thả hồn bằng các tiết mục đơn ca, tam ca, tốp ca... Đêm của chan hòa ân tình hữu nghị... Vâng, “Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh, thấp thoáng bóng cô sơn nữ, miệng cười xinh xinh... Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa, biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm” (Trần Hoàn)...
MINH ĐẠO