Tháng 7 về thăm bến đò Mẹ Suốt

03:07, 26/07/2020

(LĐ online) - Bảo Ninh - Quê Mẹ Suốt là một làng biển, cửa biển nằm bên sông Nhật Lệ (Đồng Hới). Cái tên làng biển này gợi cho tôi nhớ về một tác phẩm văn học nổi tiếng viết về chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh...

(LĐ online) - Bảo Ninh - Quê Mẹ Suốt là một làng biển, cửa biển nằm bên sông Nhật Lệ (Đồng Hới). Cái tên làng biển này gợi cho tôi nhớ về một tác phẩm văn học nổi tiếng viết về chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Thật ra tên ông là Hoàng Ấu Phương nhưng quê ông ở đây nên lấy bút danh là Bảo Ninh. Tôi thật bất ngờ khi biết cái làng biển bé nhỏ này lại sinh ra hai nữ anh hùng đó là: Mẹ Suốt và bà Nguyễn Thị Khíu - đội trưởng đội đánh cá Minh Khai đã lãnh đạo chị em ra khơi bám biển sản xuất dưới làn bom đạn ác liệt của máy bay và tàu chiến Mỹ. Nếu tính theo dọc sông Nhật Lệ cách không xa Bảo Ninh còn có một nữ anh hùng dân quân đó là Trần Thị Lý gan dạ, xông xáo trực chiến bắn rơi máy bay Mỹ. Cả ba người đều được nhà nước phong tặng anh hùng cùng vào một ngày 01/01/1967. 
 
Bến đò Mẹ Suốt
Bến đò Mẹ Suốt
 
Tháng 7 này tôi về Bảo Ninh thăm lại bến đò Mẹ Suốt năm xưa. Một anh bạn thơ quê Quảng Bình đã kể cho tôi nghe xuất xứ bài thơ “Mẹ Suốt” nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu là người có cả một chùm thơ viết về các bà mẹ Việt Nam anh hùng ở khắp mọi miền đất nước. Nếu kể từ trong Nam ra thì có: Bà má Hậu Giang; Mẹ Suốt (Quảng Bình); Mẹ Tơm (Thanh Hóa); Bầm Ơi và Bà Bủ ngoài miền trung du Bắc Bộ. Trong đó, bài thơ “Mẹ Suốt” sau khi được in trang trọng trên trang nhất báo Nhân Dân, qua giọng ngâm truyền cảm của nghệ sĩ Châu Loan trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam và đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa đã được nhiều người biết đến. Anh bạn thơ kể: Năm 1965, giặc Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt thị xã Đồng Hới. Nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vào làm việc với tỉnh Quảng Bình trong tâm trạng khao khát thôi thúc: “Đường vào khu 4, vào Thanh – Không đi thì nhớ, không đành, phải đi” (Đường vào). Sau khi nghe hết các báo cáo của địa phương, các tấm gương điển hình, ông chú ý và mong muốn được gặp Mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông Nhật Lệ. Trưa 04/11/1965, tổ chức bố trí cho nhà thơ gặp Mẹ Suốt tại nhà khách Tỉnh ủy Quảng Bình. Trong lần gặp này, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những câu hỏi của mình và những câu trả lời của Mẹ Suốt. Sau giờ làm việc, nghỉ ngơi xong, nhà thơ lên phòng khách ghi chép, sắp xếp câu chữ cho có vần điệu thế là bài thơ “Mẹ Suốt” ra đời. Bài thơ như một thiên phóng sự mở đầu bằng câu thơ: “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa ...”. Người thính giả đầu tiên được nhà thơ Tố Hữu đọc cho nghe bài thơ “Mẹ Suốt” là cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan. Tôi còn được nghe kể: Cuộc đời Mẹ Suốt rất vất vả, lớn lên làm vợ lẻ ông Trần Bạo. Dịp đó, các đội sản xuất đánh cá mà ông Bạo là xã viên, thường được gọi tên “xuất quân” đi bám biển, còn mẹ Suốt thì luôn sẵn sàng xung phong nhận nhiệm vụ chèo đò. Vì thế mà qua nghe chuyện, nhà thơ Tố Hữu mới có câu: “Ông nhà theo bạn xuất quân - Tui nay cũng được vô chân sẵn sàng”. Còn câu thơ: “Mùng xanh đây mụ đắp cho kín mình” mà ông Trần Bạo dặn mẹ lại chính là tấm dù ngụy trang nhuộm xanh cắt ra từ vải mùng để mẹ khoác lên người khi chèo đò. 
 
Con đò của Mẹ Suốt thường chở được 20 đến 30 người. Ông Vũ Văn Hoa - Con rể Mẹ Suốt kể lại: Khi bài thơ xuất hiện, mẹ tôi có được nghe nghệ sĩ Châu Loan ngâm trên đài bà đã xúc động và bật khóc biết ơn nhà thơ Tố Hữu. Cũng chính từ thông điệp cảm động nhân văn của thi ca này đã giúp chúng ta biết đến người mẹ anh hùng quả cảm. Và sau đó, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương qua đề xuất của nhà thơ Tố Hữu đã đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho mẹ. Mặc dù lúc đó tuổi mẹ đã cao nhưng mẹ xung phong đảm nhiệm công việc khó khăn nguy hiểm nhất là chở bộ đội qua sông và chuyển vũ khí lương thực ra cho các tàu hải quân chi viện cho chiến trường miền Nam. Có những lần con đò mới ra đến giữa dòng thì bị máy bay địch bắn phá dữ dội. Con thuyền nghiêng ngã ngỡ như lật úp nhưng mẹ vẫn bình tĩnh, khôn khéo cầm chắc tay lái điều khiển vượt qua mưa bom cập bến an toàn. Một con số thống kê cho biết mỗi năm mẹ chở chừng khoảng 1.400 chuyến đò qua sông...
 
Đối diện với bến đò Mẹ Suốt bên kia sông Nhật Lệ là khu tượng đài Mẹ Suốt. Tôi đã đến Hội Văn nghệ Quảng Bình gặp Chủ tịch Hội là nhà điêu khắc Phan Đình Tiến - Tác giả tượng đài Mẹ Suốt. Anh Tiến hồ hởi dẫn tôi ra thăm khu tượng. Tiến kể: Anh vốn xuất thân là chàng sinh viên khoa hội họa của Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Tuy nhiên, sau một thời gian vẻ đẹp của mảng khối điêu khắc đã hấp dẫn cuốn hút anh, mà theo anh chỉ có ở đó mới có thể diễn tả hết được ý tưởng sáng tạo của mình. Từ đó anh quyết định học ngành điêu khắc. Vào năm cuối đại học, tác phẩm “Tượng đài Mẹ Suốt” đã được hội đồng nghệ thuật Trường Đại học Nghệ thuật Huế chấm giải xuất sắc. “Đó là một niềm vui và vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp điêu khắc của tôi” - anh Tiến chia sẻ. Anh là người con Quảng Bình quê hương với Mẹ Suốt và năm 1966 lúc anh sinh ra cũng là thời điểm bài thơ “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu mới ra đời và được lan truyền rộng rãi luôn ám ảnh anh. Nhiều lần Phan Đình Tiến sang làng Bảo Ninh ra bến đò Mẹ Suốt. Trước mắt anh là lấp loáng ánh nắng trên những ngọn sóng của sông Nhật Lệ như gợi nhớ lại tư thế hiên ngang dũng cảm của Mẹ Suốt chèo đò, cho anh cảm hứng về dáng điệu của bức tượng. Và nhất là đôi mắt của mẹ - một đôi mắt hiền từ lam lũ từ nhỏ tần tảo nuôi con nay ánh lên sáng rực ngọn lửa quả cảm trước bom đạn kẻ thù. Và, nếp áo nâu bạc màu sương gió có gì lay thức thao thiết trong lòng anh để hoàn thanh ý tưởng thiết kế. 
 
Tượng đài Mẹ Suốt
Tượng đài Mẹ Suốt
 
Năm 2001, khi đang thi công mẫu tượng đài Mẹ Suốt, Tiến bị một cơn đau lạ trong đầu. Ra điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), người ta phát hiện anh bị u màng não. Tiến cứ nghĩ cuộc đời đã đến lúc chấm hết. Ngoài nỗi lo mẹ già, vợ trẻ và đứa con đầu lòng chuẩn bị ra đời, anh còn lo lắng tượng đài Mẹ Suốt chưa xong, như món nợ tinh thần day dứt. Tiến kể lại: “Ngày đó, khi đêm xuống, đầu đau nhức như búa bổ, trong cơn mơ chập chờn, hình ảnh Mẹ Suốt hiện về và cơn đau đầu giảm hẳn”. Trong một lần người nhà Mẹ Suốt làm lễ tạ mộ mẹ đã thắp hương khấn mẹ phù hộ cho Tiến khỏe mạnh và quả nhiên Tiến khỏi bệnh hẳn. Anh nói: “Mình nghĩ là mình được Mẹ Suốt phù hộ thật nên khỏi bệnh”. Đứa con trai sinh ra Tiến đặt tên là Cu Đá vì đời nhà điêu khắc chỉ gắn với đất đá. Những ngày ấy, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến sau khi khỏi bệnh đã vội về dù sức khỏe chưa ổn định vẫn cặm cụi giữa ngày hè rát bỏng cùng nhóm nghệ nhân Ninh Bình hoàn thành tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ ở một vị trí rộng rãi rất đẹp. Tượng Mẹ Suốt cao 7 m (cả bệ) được Tiến làm từ chất liệu đá xanh Thanh Hóa dựng xong năm 2003. Nơi đây bây giờ trở thành công viên có rất nhiều đoàn khách du lịch đến đặt vòng hoa thăm viếng. 
 
Anh Tiến dẫn tôi vào khu chợ kề bên tượng đài. Anh đố tôi: Anh xem trong những người bán hàng dãy quán này ai là con Mẹ Suốt? Tôi nhìn lướt qua khi đi dọc dãy quán tạp hóa với muôn mắm muối, dưa cà nhanh chóng nhận ra chị Trần Thị Huế, bởi chị có khuôn mặt rất giống Mẹ Suốt mà nói như anh Tiến là “giống mẹ như tạc”. Chị là con gái thứ ba của mẹ, chị nói: “Tui may mắn có cơ duyên là ngày ngày bán hàng ở đây gần tượng đài mẹ mình. Sáng đến sớm, chiều về muộn ít nhất là ngày hai lần được gặp mẹ, nghĩ về mẹ và tưởng như được trò chuyện hàng ngày với mẹ”. Chị kể cho chúng tôi nghe về nghững giây phút cuối cùng của đời mẹ: Hôm đó là ngày 21/08/1968, sau khi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua từ Hà Nội về đến Quảng Bình, tỉnh đội cho xe đưa mẹ tui về bến đò Nhật Lệ. Xuống đò, mẹ dành lấy chèo từ tay chị gái tui nói: “Bữa ni, mi chống nhiều, để mạ!” rồi mẹ vừa chèo vừa kể chuyện được gặp Bác Hồ. Đến Bảo Ninh, mẹ nói với chị gái tui: “Mạ về làng để biếu mấy ông, mấy bà trong xóm khăn mùi xoa, cho mấy cháu nhỏ vỡ, bút mực rồi ra chống đò thay mi”. Đó là những món quà mẹ mua sau đại hội. Mẹ tui bước nhanh trên triền cát chợt có tiếng máy bay, bất ngờ hai chiếc phản lực từ biển lao đến thả hai trái bom bi. Trái bom lớn nổ vô số những trái bom con bắn xuống tới tấp, tiếng nổ lục bục dội lên. Khi mọi người chạy đến, mạ tui đã hy sinh thân thể đẫm máu loang nhanh thấm xuống đất phù sa lẫn cát. Đôi mắt mẹ vẫn mở to nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt như chưa biết điều gì xảy ra. Xung quanh người tung tóe bút, vỡ và những tấm khăn mùa xoa cũng đẫm máu”. Phan Đình Tiến và tôi lặng người cùng ngước nhìn về phía tượng đại Mẹ Suốt trong nắng và gió và hình như có cảm giác mẹ đang rướn người lên băng mình về phía trước. 
 
Tác giả bên bức phù điêu khu tưởng niệm bến đò Mẹ Suốt
Tác giả bên bức phù điêu khu tưởng niệm bến đò Mẹ Suốt
 
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là trụ sở UBND xã Bảo Ninh xây ngay cạnh bên đò Mẹ Suốt năm xưa. Bên cạnh cổng chính trụ sở là khu lưu niệm bến đò Mẹ Suốt khá khang trang với những bức phủ điêu tạc trên bức tường dài kể lại câu chuyện về Mẹ Suốt chèo đò. Tấm bia tưởng niệm mẹ nghi ngút khói hương trầm. Tôi nhìn lên bức tường in phù điêu mẹ chèo đò thật sinh động cùng với mấy cấu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung - Gió lay như sóng biển tung trắng bờ”. Và tôi vẫn như còn như nghe lời tâm sự của nhà thơ Tố Hữu với mẹ: “Gan chi gan rứa, mẹ nờ - Mẹ rằng: cứu nước còn chờ chi ai”. Tháng 7 bến đò mẹ Suốt như sâu thẳm mà mênh mang hơn trong: “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”...
 
Hà Tĩnh, ngày 15 tháng 7 năm 2020
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ