Từ vùng dịch, người bạn đồng nghiệp chuyển cho tôi đoạn clip ghi lại một hình ảnh tuyệt đẹp...
Từ vùng dịch, người bạn đồng nghiệp chuyển cho tôi đoạn clip ghi lại một hình ảnh tuyệt đẹp: Người công nhân vệ sinh đang cần mẫn, khoan thai đưa từng nhát chổi làm đẹp đường phố Đà Nẵng giữa những ngày bão giông đang nổi, khi cả đô thị bên bờ sóng biển Đông đang oằn mình chịu đựng và chiến đấu với con virus SARS-CoV-2 ác nghiệt. Biểu cảm từ hình ảnh ấy đã nói lên tất cả. Tôi nghĩ, với truyền thống văn hóa đã được đắp bồi qua hàng trăm năm lịch sử, người dân của thành phố bên bờ con sông Hàn chứa bao trầm tích không dễ gì bị quật ngã trước bất kỳ khó khăn, thử thách dù thực tế khắc nghiệt đến mức nào...
Người công nhân vệ sinh vẫn cần mẫn khoan thai quét rác làm sạch đường phố Đà Nẵng trong những ngày giãn cách xã hội |
Từ trong quá khứ, lịch sử dân tộc từng trao gửi cho Đà Nẵng những trọng trách vinh quang và bi tráng. Miền đất dưới chân đèo Hải Vân ấy đánh dấu cho cuộc mở cõi thành công về phía phương nam của các bậc tiền nhân từ hơn bảy trăm năm trước. Đà Nẵng cũng là nơi mở đầu gánh chịu những nỗi đau lớn trong dòng chảy ký ức Tổ quốc. Hai cuộc xâm lăng đất nước ta vào thời gần nhất, kẻ thù đều chọn thành phố cửa biển quan trọng của miền Trung này để in những dấu giày cướp nước. Trang sử còn tươi, liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ những phát đại bác đầu tiên vào cửa Hàn và thành Điện Hải từ ngày 31/12/1858. Tháng 3/1965, biển Đà Nẵng lại chứng kiến những đợt sóng hận khi quân xâm lược Mỹ lại chọn làm địa điểm đổ quân lên đất Việt. Thời đương đại, thành phố bên bờ sóng biển Đông lại một lần nữa trở thành người lính tiên phong giữ bờ cõi quốc gia, khi Hoàng Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc lại là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc thành phố Đà Nẵng thân thương...
Có quá không khi nói, Đà Nẵng đã trở thành nhân chứng cho những biến cố trọng đại của lịch sử đất nước, đã đứng mũi chịu sào trước những biến động ở tầm cuồng phong thời cuộc. Chính bởi trải qua những thử thách lớn, những nghịch cảnh vô cùng khắc nghiệt, người Đà Nẵng đã được tôi rèn một bản lĩnh văn hóa, đã hình thành những nét tính cách, những lối sống và cách ứng xử đặc biệt. Đó là phẩm chất kiên cường, dũng cảm; đức tính chịu khó, cần cù; tấm lòng hào hiệp, nghĩa tình. Người Đà Nẵng luôn biết cách nở nụ cười lạc quan và họ sẵn sàng sẻ chia, cưu mang, hỗ trợ lẫn nhau trong sự đồng cảnh ngặt nghèo, gian khó.
* * *
Tôi muốn nói tiếp về câu chuyện hôm nay, chuyện Đà Nẵng đang gồng mình chiến đấu giữa vùng tâm dịch. Trong những ngày phải gánh chịu vô vàn khó khăn này, truyền thống văn hóa, bản lĩnh kiên cường và lối ứng xử nghĩa tình như càng bừng lên và tỏa sáng giữa miền đất ấy. Cái đẹp của tình người đang thoa dịu những nỗi âu lo, khó khăn và buồn đau có thật.
Thành phố vốn rất đỗi bình yên với những cây cầu đẹp như Thuận Phước, Tuyên Sơn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu quay bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng. Thành phố biển năng động như một điểm hẹn đầy hấp dẫn giữa khúc ruột miền Trung ngập tràn nắng gió. Thành phố đang bừng lên sức sống, sôi động trong những ngày cao điểm đón khách du lịch mùa hè. Bỗng tai ương ập đến. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát lên cao trong một thời gian ngắn đã làm đảo lộn tất cả những nhịp điệu thường nhật của một đô thị biển hiện đại. Người Đà Nẵng và người yêu Đà Nẵng không thể không xót xa khi chứng kiến cảnh thành phố năng động nhất giữa trung tâm đất nước bỗng vắng tanh vắng ngắt theo “mệnh lệnh” chống dịch. Nhà cách ly nhà, phố giãn cách phố, người với người gặp nhau mà không thể ôm vai, bắt tay. Đường phố suốt ngày đêm vọng tiếng còi xe cấp cứu. Vào thời khắc phải đối diện với những khó khăn đầu tiên, như một diễn biến tâm lý thông thường, người dân Đà Nẵng cũng không ít hoang mang. Thế nhưng, bởi bản tính bình tĩnh vốn có, mọi việc lại đi vào quỹ đạo với những việc cần phải nghĩ, phải làm. Họ đã biến những lo âu thành hành động, không chỉ ngồi thở than mà cầm tay nhau vượt qua thời khắc gian khó.
Chưa bao giờ mà bản nhạc “Đà Nẵng tình người” của NSƯT Đình Thậm (phổ thơ Ngân Vịnh) lại được cộng đồng chia sẻ và cùng nhau hát với tần suất cao như vậy. Đó chỉ là những ca từ mộc mạc và giai điệu tự nhiên như giọng tâm tình, nhưng trong thực cảnh hiện tại, cảm xúc từ ca khúc lan tỏa và cộng cảm lạ lùng: “Đà Nẵng ơi! Tình đời. Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu. Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình...”. Và, người Đà Nẵng trong những ngày qua đã thực sự “thấu hết nghĩa tình”. Giữa cơn hoạn nạn, mặc dù trong hoàn cảnh cách ly, mọi người vẫn hướng về nhau bằng sự chia sẻ chân thành và yêu thương. Tất cả người dân, người Đà Nẵng cả trong và ngoài thành phố, đều chung tay tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch; cho các bệnh viện đang bị phong tỏa, cho đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm đối diện với hiểm nguy, tận tụy với bệnh nhân; cho những du khách từ nhiều miền Tổ quốc đang bị mắc kẹt lại thành phố, cho những bệnh nhân nghèo và bệnh nhân vắng người thân chăm sóc, cho những sinh viên đang gặp khó khăn. Niềm tin và sự chia sẻ đã lan tỏa tinh thần vững vàng, suy nghĩ và hành động tích cực. Sự cố kết cộng đồng càng sâu sắc thêm trong những ngày thành phố phập phồng những âu lo.
Đồng nghiệp của tôi từ tâm dịch thông tin rằng, kể từ ngày 25/7, khi ca mắc SARS-CoV-2 trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng, cả thành phố đã gồng mình lên chống dịch. Nhiều khu cách ly, cách ly đặc biệt, bệnh viện dã chiến đã được lập thêm. Chính quyền và ngành y tế đã và đang nỗ lực hết mình. Chính phủ thường xuyên chỉ đạo và Bộ Y tế đã “tiếp lửa” cho Đà Nẵng lực lượng điều trị tinh nhuệ, nhất là các chuyên gia về tim mạch, hô hấp, thận nhân tạo, chống nhiễm khuẩn. Và, “hơn lúc nào hết, tình người lại đong đầy, tất cả, cùng mong Đà Nẵng bình tĩnh, vượt khó và chiến thắng”, đồng nghiệp của tôi đã ghi nhận như một lời khẳng định.
Vâng, tình người đong đầy nơi ấy. Tôi đã được nghe kể một cách đầy xúc động những câu chuyện về sự cộng cảm, sẻ chia của người Đà Nẵng trong những ngày này. Ông Phạm Thanh, một doanh nhân, đã chi ra vài tỉ đồng để mua khẩu trang, đồ bảo hộ gửi tặng đội ngũ y, bác sĩ từ đầu mùa dịch đến nay. Ông Thanh còn nhiệt tình lên mạng kêu gọi bạn bè, người thân cùng đóng góp, chia sẻ. Hằng ngày nghe tin trong các bệnh viện thiếu gì là ông lại cùng mọi người đi mua cái đó và mang đến, từ những túi trái cây, những lọ thuốc bổ cho đến cây lau sàn hay tấm nệm ngả lưng. Chủ của chuỗi nhà hàng 4U Phạm Lê Vân Long đã chi hơn một tỷ đồng để cung cấp cho Bệnh viện Đà Nẵng hàng ngàn suất ăn, và lo hàng trăm suất ăn cho những đoàn du khách bị mắc kẹt tại Đà Nẵng cho đến khi hết thời hạn “phong tỏa”. Các cô giáo Trường Mầm non Hải Châu mỗi ngày lại nấu những thùng nước sả, chanh, gừng để mang đến cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ. Chị Hồ Thị An Vy, một chủ khách sạn, hằng ngày tổ chức nấu hàng trăm suất cơm chia sẻ với những người lao động nghèo trong hoàn cảnh cách ly. Các cô giáo Trường Mầm non Bồ Công Anh thì tình nguyện nấu cơm gửi vào phục vụ các y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng. Nhiều người dân Đà Nẵng còn chu đáo đến mức mua băng vệ sinh, dầu gội, máy sấy tóc, dây cột tóc và gửi vào cho các nữ thầy thuốc và nữ bệnh nhân. Trong những ngày đại dịch, nhiều nghệ sĩ Đà Nẵng và đồng hương Đà Nẵng đã kêu gọi, đóng góp và chia sẻ hết sức nhiệt tâm. Nghệ sĩ trẻ Quang Hào - Giám đốc Nhà hát Trưng Vương là một trong những người đầu tiên phát đi lời kêu gọi. Chỉ sau bốn ngày, nhóm bạn bè của anh đã hưởng ứng tích cực và trao 800 bộ bảo hộ y tế đến với y, bác sĩ và các nhà báo tác nghiệp nơi tâm dịch. Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân và Denis Đặng đã gửi tặng 20.000 khẩu trang y tế, 100 bộ quần áo chống độc cao cấp, 4.000 đôi găng tay y tế, 500 chai nước xịt rửa tay kháng khuẩn. Nhà thiết kế Chung Thanh Phong, Á hậu Lệ Hằng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Mỹ Tâm cũng đang làm nhiều cách chia sẻ với quê hương. Có những việc tưởng chừng rất nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó thì có sức lan tỏa vô cùng, ví như có những người chở miễn phí sản phụ đi sinh khi thành phố tạm cấm các phương tiện giao thông công cộng, ví như có những bạn trẻ nhận đi chợ mua sắm thực phẩm thay cho những người già, ốm yếu, neo đơn. “Không đâu như Đà Nẵng trong những ngày dịch dã, Mạnh Thường Quân còn đông hơn bệnh nhân. Có những khách du lịch, dù đã được rời khỏi thành phố trong những ngày đầu dịch, nhưng đã xin ở lại để làm tình nguyện viên...”, bạn tôi từ vùng dịch nhắn tin xúc động kể...
Bác sĩ Nguyễn Đắc Truyền - Phó Giám đốc Bệnh viện C đã nghẹn ngào nói: “Chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng, thấy tình người thật dạt dào. Tấm lòng của mọi người đã tiếp thêm cho y, bác sĩ sức mạnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này...”.
* * *
Chia sẻ với nhau niềm tin và cảm xúc là gam màu chủ đạo trong những ngày tưởng chừng u ám. Những giá trị ấy đã thắp sáng lên trong lòng người dân Đà Nẵng ngọn lửa của tinh thần lạc quan chiến thắng. Tôi đã không kìm nén được cảm xúc khi xem những bức ảnh do chính các bác sĩ ở Bệnh viện C Đà Nẵng ghi lại khoảnh khắc các đồng nghiệp nữ trẻ tuổi của mình cắt vội mái tóc dài để không vướng khi công việc bận rộn đang chờ họ những ngày phía trước. Tôi có liên tưởng những nữ thầy thuốc ấy như những nữ thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa đang cắt đi mái tóc thanh xuân để chuẩn bị vào trận chiến đấu ác liệt mới. Bác sĩ Đương ở Bệnh viện Đà Nẵng dùng lời hát của chính mình để động viên các bệnh nhân cao tuổi khi bệnh viện đã bị phong tỏa, họ chỉ còn thầy thuốc là người thân. Giai điệu khỏe khoắn, hùng tráng của bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhạc sĩ Doãn Nho (lời thơ Hữu Thỉnh) qua giọng hát truyền cảm và bước nhịp đầy tự tin của người thầy thuốc bên những bệnh nhân của mình, đã làm lay động cảm xúc của biết bao người. Hình ảnh bác sĩ Nguyễn Quý Thiện ở Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện C Đà Nẵng cầm đàn ghi-ta và hát ca khúc “Đà Nẵng ngày bão giông” do nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu phổ nhạc từ bài thơ của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển ở Trường THPT Phan Chu Trinh (vợ của bác sĩ Trịnh Minh Thế, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện C Đà Nẵng), cũng làm cho bao trái tim thổn thức. Tình người thật quý, và niềm lạc quan của người Đà Nẵng như gửi trọn trong giai điệu của bài hát ấy: “Có một chiều anh nói phải xa em. Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại. Cuộc chiến của đồng đội anh còn xa ngái. Em mỉm cười... nước mắt cất vào tim...”. Cũng chung dòng cảm xúc đó, những dòng “nhật ký phong tỏa bệnh viện” của bác sĩ Đặng Văn Trí, công tác ở Bệnh viện C Đà Nẵng không nói nhiều đến áp lực, khó khăn mà chỉ mong cho gia đình, người thân, bạn bè ở tuyến sau bình an và hãy an tâm về những người đang “chiến đấu” nơi tuyến đầu với đại dịch quái ác. Họ, những người dân Đà Nẵng, cũng biết mình không hề đơn độc. Chỉ cần ngắm những bước chân vội vã bước vào tâm dịch hiểm nguy, lưng quay về phía bình yên của các thầy thuốc từ Bệnh viện Bạch Mai vào và Chợ Rẫy ra, do một bác sĩ nào đó chụp vội ghi lại là đã trọn vẹn cảm nhận về quyết tâm và tấm lòng của cả nước cùng hướng về Đà Nẵng thân yêu! Chỉ cần ngắm những gương mặt thân thương của các y, bác sĩ, điều dưỡng từ Bình Định, Hải Phòng khoác màu áo bluse trắng rời quê nhà, chia tay người thân về “tiếp lửa” với đồng nghiệp giữa vùng tâm dịch để thấy rằng cả nước đang hướng về Đà Nẵng. Và, thật xúc động khi được nghe lời “xin Thủ tướng được ở lại Đà Nẵng chỉ đạo đến khi nào hết dịch mới trở về” của PGS.TS - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn...
* * *
Tôi viết những dòng này ở một nơi rất xa Đà Nẵng và nơi tôi đang ở cũng chưa hẳn là sẽ mãi mãi an toàn. Chỉ biết rằng, cảm xúc giờ đây đang hướng về với vùng tâm dịch, nơi ấy tôi đã có những tháng năm gắn bó, những chia sẻ nghĩa tình. Nơi ấy, những người anh, người chị, người em, bạn bè và những đồng nghiệp thân thiết của tôi đang phải sống, làm việc, tác nghiệp trong những ngày vô cùng khó khăn. Với những dòng chữ này, tôi muốn thay cho một cái bắt tay thật chặt, một vòng ôm ấm áp đến từ phương xa, dù tôi biết, ở nơi đó những người mà tôi yêu quý vẫn luôn kiên cường và lạc quan - cái tâm tính thường nhật của người Đà Nẵng. Cầu mong cho giông bão đi qua, thành phố bên bờ sóng biển Đông lại trở về với nhịp điệu bình yên, như nhịp khoan thai mà sâu nghĩa, nặng tình trong ca khúc của nhạc sĩ Đình Thậm: “Biển sóng xanh dập dềnh, nắng chiều vàng ngõ phố... Cho lòng bao nỗi nhớ. Đà Nẵng ơi duyên nợ. Đà Nẵng ơi, tình người!...”.
UÔNG THÁI BIỂU