Hơn cả giấc mơ...
Minh họa: Phan Nhân |
Bóng nó đổ nghiêng, liêu xiêu trên hè phố khi ráng chiều dần buông. Tiếng lẹp xẹp phát ra từ đôi dép lê mòn vẹt đế nghe mệt mỏi rã rời. Khuôn mặt u uất, đen nhẻm hốc hác còn đọng lại những giọt nước mắt. Trên đường phố, dòng người vẫn tấp nập ngược xuôi. Cái dáng nhỏ bé của nó chìm nghỉm trong sự ồn ào hối hả. Ở cái thành phố rộng lớn, người như nêm cối, không ai để ý tới nó nên chẳng ai biết nó đi đâu, về đâu. Nó đột ngột rẽ vào một con hẻm nhỏ sâu hun hút, đôi chân khẳng khiu bé nhỏ nhẫn nại mải miết lê bước trong im lặng. Bóng nó khuất dần sau những dãy nhà cao tầng. Nó vẫn mải miết bước, phía trước nó là con kênh nhỏ, nước đen lờ lờ bốc mùi tanh lợm. Dọc bờ kênh, lúp xúp những căn nhà tạm, mái lợp bằng đủ thứ vật liệu mà gia chủ có như tôn kẽm, tôn pờ-rô và cả những tấm bạt. Người thành phố gọi đó là khu ổ chuột. Nó bỗng bước nhanh hơn rồi chạy ào vào một quán cà phê. Gọi là quán nhưng chỉ là một mái bạt căng trên đầu bốn cây cọc để che nắng được dựng trước căn nhà tạm, mấy bộ bàn ghế nhựa cũ, một tủ kính chứa những chai nước ngọt và bộ dụng cụ pha cà phê. Một bà lão ngồi trong quán, thấy nó về liền đứng dậy. Nó chạy tới, ào vào lòng bà, bật khóc nức nở. Bà vỗ vỗ vào lưng nó, vừa dỗ vừa an ủi: “Thôi nào, nín đi, ngoại thương! Nói ngoại nghe coi, đã xảy ra chuyện gì?”. Nó càng khóc to hơn. Từng chịu nhiều cay đắng, bà hiểu, khóc được sẽ giúp nó nhẹ lòng nên bà để mặc cho nó khóc. Khóc một hồi lâu, như trút được ấm ức, nó thổn thức: “Ngoại ơi, con mất hết rồi, ngoại đừng la con nghe! Mấy anh giựt hết vé và tiền của con!”. Bà lão lấy khăn lau mặt cho nó, giọng vỗ về: “Ngoại không la! Mấy đứa bụi đời cướp của con vì chúng cũng khó khăn nên mới làm vậy. Bữa sau đi bán, thấy tụi nó con tránh xa là được”.
Đang an ủi cháu, thấy có khách vào, buông con bé, bà quay ra đon đả:
- Cô uống cà phê hả?
- Dạ, bà cho con xin một ly…
Đón ly cà phê trên tay bà, cô gái trẻ ngập ngừng:
- Bà ơi… từ hồi giờ, con nghe hết câu chuyện giữa hai bà cháu, cho con hỏi, nó tên gì, còn đi học không hay...?
Nghe cô gái hỏi, bà ngậm ngùi:
- Nó tên Minh Tâm. Cảnh nhà cực quá, bỏ học đi bán vé số lâu rồi! Mà cô hỏi làm gì?
- Bà kể về nó cho con nghe được không? Con muốn làm một điều gì đó cho em.
- Cô có thể giúp được bà cháu tôi! Phúc đức quá. Cảm ơn cô nhưng… tôi hỏi thật, cô là ai? Ở cái thời buổi xô bồ, khốn khó này có mấy ai quan tâm tới những hoàn cảnh như gia đình tôi, vậy mà cô…
- Thưa, con là nhà báo, bằng những mối quan hệ của mình cùng một bài viết, biết đâu con có thể giúp được một điều gì đó cho bé Tâm.
- Cô là nhà báo! Lạy phật phù hộ để bà cháu tôi được gặp cô. Mong cô giúp đỡ…
Bỏ lửng câu nói, bà cụ kéo ghế ngồi xích lại gần cô nhà báo, với giọng buồn buồn, bà bắt đầu câu chuyện:
- Tôi chỉ được một người con, là mẹ nó. Tôi đặt tên Phúc, hy vọng con gái sẽ được hưởng hạnh phúc nhưng phúc đâu chẳng thấy chỉ toàn bất hạnh. Tôi sinh con Phúc khi mới mang bầu hơn tám tháng. Sinh non lại thiếu thốn về kinh tế nên không thể chăm sóc con được đầy đủ, con Phúc cứ èo uột như dải khoai héo khiến vợ chồng tôi rất buồn. Ba năm con Phúc mới biết đi, biết nói. Niềm vui ngắn chẳng tày gang! Con vừa mới khá lên thì chồng ra đi. Chồng tôi bị ung thư do nhiễm chất độc gì đó mà bọn Mỹ rải xuống trong chiến tranh. Các bác sĩ nói vậy. Từ đó, tôi một mình nuôi con nên rất khó khăn. Phúc chỉ học hết lớp năm là nghỉ học theo tôi kiếm sống. Năm mười tám tuổi, Phúc đưa một cậu thanh niên tên Tám về giới thiệu là người yêu và xin làm đám cưới. Thằng Tám, cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi thương nên đồng ý. Cưới nhau sáu năm, chúng lần lượt có ba mặt con là thằng Đức, con Nhân, con Tâm. Tâm là út, năm nay mười một tuổi. Họa vô đơn chí, cách đây bốn năm, thằng Tám - bố nó đi xây, bị sập giàn giáo nên thiệt mạng. Hai năm sau, mẹ cũng theo bố nó mà đi. Nỗi đau chồng nỗi đau cô ạ! Trước khi mất, mẹ nó trăng trối với tôi: “Con vô phước không nuôi được các cháu, không phụng dưỡng mẹ khi về già mong mẹ tha lỗi! Mẹ ráng nuôi các cháu giùm con cho nên người. Chúng còn quá nhỏ, không người thân, chúng sẽ sống vất vưởng, con chết không nhắm được mắt”. Tôi hứa với con gái, sống ngày nào sẽ cố lo cho các cháu tới trưởng thành.
Kể chuyện tới đó, đôi vai bà cụ bỗng rung lên, hai dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ. Chờ bà cụ bớt xúc động, cô nhà báo mới lên tiếng:
- Bà ơi, sao chị Phúc mất đột ngột vậy ạ?
- Nó bị ung thư phổi đó cô!
- Vậy, trước đó chị ấy không biết mình bị ung thư sao?
- Không! Nó đi làm thợ hồ, công việc phụ hồ rất vất vả, nhất là khi làm ở những công trình xây nhà cao tầng. Những cơn tức ngực rồi ho kéo dài nó cứ nghĩ là do lao động nặng, chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ bệnh sẽ hết. Nhưng khốn nỗi, hoàn cảnh nhà quá khó khăn, nó lại tham công tiếc việc nên cứ cố đi làm, đến khi ho ra máu mới đến bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã chuyển tới giai đoạn cuối. Nhập viện được hơn một tháng thì nó ra đi! Vậy là tôi phải nuôi các cháu từ đó.
- Bà ơi, thế bên nhà nội chúng không giúp được gì cho chúng sao?
- Bên nội chúng chỉ còn một người chú, cũng hoàn cảnh lắm nên không thể cưu mang, vậy mới cực cô ơi!
- Vậy bé Đức và bé Nhân hiện làm gì, chúng sống ra sao? Bà bán hàng có đủ nuôi các cháu không ạ?
- Bữa đắt hàng thì cũng tạm ổn, gặp những ngày tôi đau bệnh hoặc vắng khách thì bà cháu có gì ăn nấy. Thằng Đức thương tôi, bỏ học xin làm phụ hồ nhưng còn nhỏ không ai nhận, ở nhà ai thuê gì làm nấy, con Nhân được nhà chùa nhận nuôi rồi. Còn bé Tâm, tuy nhỏ nhưng suy nghĩ già trước tuổi, nó lo tôi già cả, hay đau bệnh nên xin nghỉ học đi bán vé số khi đang học lớp bốn. Cả bốn năm học nó đều là học sinh giỏi đó cô. Tính tình nó sôi nổi nhưng dễ xúc động. Cười đấy, nói đấy nhưng cũng khóc được ngay nếu thấy cảnh thương tâm. Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng nó sẵn sàng chia sẻ cho các bạn cùng hoàn cảnh từ sách vở, cây viết đến món quà ăn sáng! Những năm mẹ nó bệnh, nó cứ ước lớn thật nhanh để làm thay phần việc của mẹ. Mẹ nó thường động viên nó rằng, mẹ không sao, chỉ cần con học thật giỏi, sau này có nghề nuôi bản thân mẹ mới vui. Nó hứa, sẽ cố học không để mẹ thất vọng, vậy mà…!
- Hiện tại bé Tâm vẫn rất muốn được đi học phải không bà?
- Đúng vậy cô. Không thể đi học khiến nó buồn lắm. Nhiều đêm ôm cháu vào lòng, tôi khuyên nó tiếp tục đi học, nó nói rằng, ngoại tha tội không nghe lời cho con, con rất muốn đi học nhưng sợ ngoại cực rồi đổ bệnh, ngoại có sao, ai nuôi anh em con. Câu nói của nó làm tôi nghèn nghẹn. Tôi cố thuyết phục nhưng vô ích, đành chiều ý nó. Cô biết không, những ngày đầu đi bán vé số, cứ về tới nhà, lập tức nó chạy lại bàn học, lôi sách ra, lật lật, giở giở một hồi rồi ngồi thẫn thờ, đôi mắt u buồn nhìn xa xăm thấy tội lắm! Ngắm một hồi, vuốt phẳng những cuốn sách, xếp gọn lại, nó lên giường nằm trùm chăn kín. Tôi biết nó đang khóc nhưng không muốn tôi thấy. Vậy đó cô, Thương lắm! Nó đi bán đã hơn hai năm rồi, đã nhiều lần bị lừa mất vé và tiền. Nó thường đi bán từ sớm, tối mịt mới về, có bữa bán cả ban đêm, ăn uống thì tằn tiện, lời được nhiêu về đưa tôi hết. Có bữa, người nóng sốt, tôi bắt nghỉ, nó trốn đi. Một lần bị mấy đứa bụi đời cướp hết tiền, không dám về, cứ lang thang trên phố, khát tìm vòi nước công cộng ghé miệng uống no cho cái bụng bớt kêu, tối muộn mới dám về, tới nhà người nó lả đi. Biết nó đói, tôi pha vội gói mỳ tôm, nhìn cháu ăn ngấu nghiến mà lòng quặn thắt...
Trong suốt cuộc trò chuyện cùng bà cụ, cô nhà báo liên tục lấy khăn lau nước mắt. Khi chia tay, ôm Tâm vào lòng, cô nói: “Nhất định cô sẽ quay lại thăm con…”.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, không thấy cô nhà báo tới, bé Tâm cũng quên luôn lời hứa tới thăm nó của cô.
Một buổi tối, khi thành phố vừa lên đèn, bé Tâm vừa đi bán vé số về thì cô nhà báo tới. Gặp cô, nó mừng lắm, khoe rối rít:
- Bữa nay con bán được hơn hai trăm tờ cô ạ, còn được cả một chị cho thêm mấy chục nữa. Con chỉ mong có thể bán được thật nhiều vé, dành được tiền để mua sách tự học cô ạ.
Ôm nó vào lòng, hôn lên má nó, giọng cô nhà báo như nghẹn lại:
- Con sẽ không phải đi bán vé số nữa, khai giảng năm học tới, con sẽ đến trường, sẽ tiếp tục đi học.
Ngước đôi mắt buồn thăm thẳm nhìn cô nhà báo một hồi, nó gục đầu:
- Không được đâu cô ơi, con không thể! Con đi học, ngoại con sẽ rất cực!
Không cho nó nói hết, cô nhà báo xen ngang:
- Từ nay cô cùng mọi người sẽ lo cho con mọi chi phí học tập tới khi con học hết trung học phổ thông, và con phải gắng học thật giỏi, đúng như ước nguyện của mẹ con được không?
Nhìn cô nhà báo với đôi mắt ướt nhòe, Tâm ngập ngừng:
- Con cảm ơn cô, được đi học là ước mơ của con nhưng… ngoại và anh hai cực… Không được đâu… con không đi học đâu!
- Con yên tâm, trong xã hội của chúng ta có rất nhiều người tốt, rất nhiều người muốn giúp ngoại và các con. Một cơ sở cắt may đã nhận anh con vào học miễn phí, khi tay nghề thành thạo họ sẽ trả lương! Cô được biết, chính quyền thành phố đã quyết định xây tặng ngoại và các con một căn nhà tình nghĩa, tháng sau họ sẽ tiến hành khởi công, vậy con yên tâm tới trường rồi chứ?
Ôm cô nhà báo, Tâm gục đầu vào lòng cô khóc thổn thức:
- Cô ơi, những điều cô vừa nói là thật hả cô! Ôi, hạnh phúc với con hơn cả giấc mơ!
- Ừ, những gì cô nói hoàn toàn là sự thật, hãy tin cô…
Khi chính quyền thành phố đưa người xuống khảo sát để xây tặng bà cháu Tâm căn nhà tình nghĩa, cũng từ đó, hai người luôn nhận được quà tặng của những nhà hảo tâm. Một doanh nghiệp đã tặng học bổng đủ giúp nó học hết phổ thông khiến nó vui lắm. Nó mơ ước, khi học hết phổ thông sẽ được theo học ngành y để có thể chữa bệnh cứu người.
Mùa khai giảng năm học mới, người dân cùng phố thấy Minh Tâm xúng xính trong bộ quần xanh áo trắng, chiếc cặp sách sau lưng, khuôn mặt rạng rỡ, nó tung tăng nhảy chân sáo tới trường. Chiếc khăn quàng đỏ phấp phới tung bay trong nắng sớm. Tương lai tươi sáng đã mở ra trước mắt em!
DUY LƯU