Lặng lẽ đọc và viết, tiểu luận phê bình văn học của Nguyễn Văn Hòa đều đặn xuất hiện trên mặt báo cả nước. Anh hiện được đánh giá là một cây bút phê bình trẻ, uy tín trên văn đàn.
Lặng lẽ đọc và viết, tiểu luận phê bình văn học của Nguyễn Văn Hòa đều đặn xuất hiện trên mặt báo cả nước. Anh hiện được đánh giá là một cây bút phê bình trẻ, uy tín trên văn đàn.
Nhà văn Hồ Xuân Đà nhận xét “Đọc những gì Nguyễn Văn Hòa viết, người đọc nhận ra ngòi bút phê bình của anh vừa có tâm vừa có lực, với kiến văn chuyên sâu, bởi anh được học tập, trau dồi bài bản. Mỗi một nhà văn, anh đều đưa ra những nhận xét khá xác đáng và bao quát về nội dung cũng như phong cách, đặc điểm riêng của từng người”.
Phê bình không thể hời hợt, chủ quan
* PV:
Từ một thầy giáo trường huyện, anh bén duyên với phê bình văn chương như thế nào?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa: Tôi lớn lên từ một vùng quê nghèo ở Phú Yên, may mắn được cha mẹ cho đọc sách từ nhỏ. Cha tôi có cả một kho sách. Nhờ vậy mà tôi được tiếp cận những cuốn sách hay, trong đó có nhiều sách văn chương, ngay từ hồi còn đi học. Sau này trở thành thầy giáo dạy văn ở trường huyện nhưng tôi có may mắn tiếp tục niềm đam mê với sách và được tham gia các lớp chuyên sâu về văn chương. Điều đó giúp tôi tiếp thu nhiều kiến thức, lại được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu với những chuyên gia đầu ngành và các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Đọc tác phẩm của họ và viết cảm nhận, tôi nhận ra công việc này rất thú vị. Và tôi bắt đầu bén duyên với phê bình từ đó.
* PV:
Công việc dạy văn ở trường phổ thông có khác gì so với viết phê bình văn chương?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa: Giữa công việc dạy học văn ở trường phổ thông và viết phê bình có nhiều điểm khác. Bởi dạy học thuộc một phạm trù khác, mang tính chuẩn mực. Còn phê bình văn chương nó rộng hơn, bao quát nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh của đời sống hơn. Tuy nhiên, cũng có một số điểm gặp gỡ và bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Tôi cho rằng đó cũng là cách để mình biết tiết chế, điều chỉnh tạo nên sự hài hòa trong giảng dạy cũng như trong viết lách.
* PV:
Anh tự nhận thấy mình viết phê bình theo trường phái nào? Quan niệm của anh về việc viết phê bình giữa văn đàn hôm nay, thời internet?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa: Tôi không theo trường phái nào cả. Viết phê bình với mình đó là sở thích, là sự đam mê, là niềm vui, là cách để mình bày tỏ và thể hiện quan điểm đánh giá của mình về tác phẩm, tác giả. Viết là để tạo nên sự cân bằng, hiểu đời, hiểu người và hiểu bản thân mình hơn. Viết bằng cái tâm của một người cầm bút chân chính. Viết dựa trên những luận điểm, cơ sở khoa học, dựa trên những kiến thức nền tảng mà tôi được học, được đọc, được tích lũy...
Viết phê bình văn học trong thời buổi công nghệ 4.0 bên cạnh những thuận lợi thì cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Người phê bình bên cạnh đọc nhiều, tiếp cận nhiều còn phải biết sàng lọc thông tin, đọc và viết thế nào cho hiệu quả. Người phê bình cần phải bình tâm, suy xét, nhận định, thẩm thấu sao cho có lý, có tình. Nếu không làm tốt điều này, phê bình dễ bị chệch hướng và tạo nên những hệ quả xấu không đáng có, tạo nên những hiệu ứng không tốt từ phía nhà văn và cả độc giả.
Mỗi tác giả, một ấn tượng
* PV:
Chẳng những tiếp cận tác phẩm, anh còn tìm hiểu khá kỹ cuộc đời từng tác giả. Vậy là anh phải đi khắp nơi?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa: Để nhận định về một tác giả với những sáng tác của họ thì người viết phê bình có tâm không thể hời hợt, phán xét chủ quan, cảm tính mà đòi hỏi phải làm việc thật sự nghiêm túc và khoa học. Bên cạnh nghiên cứu tác phẩm, còn phải tìm hiểu về cuộc đời tác giả. Vì ở đó chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến tác phẩm của họ. Tuy nhiên, không phải tác giả nào khi viết về họ mình cũng phải tìm để gặp trực tiếp mà có thể tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Từ đó, mình chắt lọc, nhận ra những điểm chính, cốt lõi về tác giả để làm cơ sở nền tảng đánh giá, nhìn nhận về tác phẩm của họ trong những mối tương quan.
* PV:
Một vài ấn tượng về tính cách, sáng tác của một số nhà thơ mà anh đã gặp?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa: Mỗi người tôi gặp đều có những ấn tượng riêng về tích cách cũng như sở trường và phong cách sáng tác. Nhưng tất cả ở họ, có rất nhiều điều để một người trẻ như tôi phải học hỏi, phải trân quý. Chẳng hạn, một Đinh Thị Thu Vân rất nổi tiếng được mệnh danh là “nữ sĩ phương Nam viết thơ tình yêu buồn nhất thời hiện đại”. Đọc thơ chị, người đọc không khỏi nao lòng, bởi chị đã nói những điều mà người khác không thể nói hay như chị. Gặp ngoài đời, cứ tưởng người nổi tiếng như Đinh Thị Thu Vân sẽ rất khó gần. Nhưng không, chị là một con người rất mực dịu dàng, vẻ nhân từ phúc hậu được thể hiện rõ trên khuôn mặt và trong từng lời nói. Giữa con người đời thường và con người Thơ, tôi đều thực sự trân quý.
Hay vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên, cặp vợ chồng thi sĩ đặc biệt trong nền văn chương Việt. Gặp vợ chồng ông, điều vợ chồng ông nói nhiều nhất và hăng say nhất vẫn là thơ. Được diện kiến, tiếp xúc với cặp vợ chồng người thi sĩ này tôi càng vỡ lẽ ra nhiều điều về lối sống, nhân cách, đạo đức và sự thành tâm, một lòng một dạ sống chết với văn chương. Dù đã nổi tiếng một thời nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông nhận mình là nhà thơ.
Còn nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Lãm Thắng rất mực tài hoa, thơ và đời luôn hòa quyện, đau đáu nỗi đời, nỗi người, nỗi nhân tình thế thái...
* PV:
Anh gởi gắm điều gì qua hai tập sách phê bình vừa được xuất bản cùng lúc?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa: Tôi viết phê bình đó là niềm đam mê, cùng với việc dạy học, tôi xem phê bình tác phẩm văn chương là niềm vui sau mỗi giờ lên lớp. Trong năm 2020 này, dự định tôi sẽ in 4 tập phê bình, mỗi tập dày 300 trang. Hiện đã in xong 2 tập: Tình Thơ Bạn Thơ và Con tằm rút ruột nhả tơ. Hai cuốn vừa in tập hợp 68 bài viết về 68 tác giả của nền văn học đương đại. 68 tác giả thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ, có nhiều những tác giả đã thành danh và nổi tiếng. Bên cạnh đó, cũng có những cây bút trẻ mới định hình phong cách nhưng với lối viết ấn tượng, dự báo sẽ có nhiều triển vọng trong tương lai. 68 gương mặt được điểm tên trong 2 tập sách là những tác giả cần được tôn vinh, trân trọng. Sự đóng góp của họ tạo nên sự đa sắc hương trong nền văn chương đương đại.
* PV:
Anh đến với Dự án sách “Thơ Bạn Thơ/Văn Bạn Văn” như thế nào?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa: Sau hơn 40 năm vắng bóng trên thi đàn, năm 2011, Lý Phương Liên xuất hiện trở lại bằng sự kiện bà cho ra đời tập thơ Ca bình minh (NXB Văn học). Tập thơ ra đời và được công bố rộng rãi đã tạo nên những hiệu ứng đặc biệt. Và một sự thật là có một nhà thơ Lý Phương Liên bằng da, bằng thịt đang hiện hữu trên cuộc đời này. Điều may mắn là tôi đã được gặp, được trò chuyện với thi sĩ Lý Phương Liên - một nhà thơ mà tôi đã tốn nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu về lai lịch và đời thơ của bà (vì sự yêu mến và kính trọng).
Càng vinh dự và đáng quý hơn là tôi đã được đồng hành cùng bà và chồng bà, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy đọc chọn cho Bộ sách Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn do vợ chồng bà làm chủ biên, khởi xướng từ năm 2012.
Vì bạn hữu, vì tâm huyết với thơ mà hai vợ chồng phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để thực hiện tâm nguyện tha thiết đau đáu cả một đời. Với gia đình ông, thơ có lẽ là duyên nợ, là người bạn tâm giao, là những gì máu thịt, là hơi thở, là những điều thiêng liêng nhất đối với cuộc đời mình. Vì lẽ đó mà bà đã khởi xướng và thực hiện ý tưởng chọn thơ của bạn đọc để tập hợp in Tuyển thơ Thơ Bạn Thơ cho bạn đọc khắp mọi miền đất nước, kể cả kiều bào ta đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Thơ Bạn Thơ ra đời có nhiệm vụ tập hợp những bài thơ bị bỏ quên, bỏ sót hay vì lý do nào đó chưa công bố; những bài thơ gắn liền với những tên tuổi khá nổi tiếng, nó đã sống được trong lòng bạn đọc theo cùng thời gian và năm tháng, đến những bài thơ của những tác giả mới xuất hiện (dù họ chưa thành danh, bạn đọc có thể chưa từng đọc thơ họ) nhưng miễn là thơ hay thì được chọn. Tôi cho đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang giá trị thời đại của vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy. Tính đến tháng 6/2020, Dự án Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn đã in 20 tập, quy tụ hàng nghìn tác giả cả trong và ngoài nước.
* PV:
Xin cảm ơn nhà văn!
ĐÀO ĐỨC TUẤN (thực hiện)