''Lặng lẽ' đau đáu với ''phố sương''

05:09, 10/09/2020

Nhà thơ Vương Tùng Cương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 1982 đến nay, anh đã in 8 tập thơ, nhưng "Lặng lẽ phố sương" là tập đầu tiên dành gần trọn hồn thơ với Lâm Đồng - Đà Lạt, chốn an yên của một tâm hồn nghiêng chiều sau nhiều chục năm phiêu bạt nơi đất Bắc. 

Nhà thơ Vương Tùng Cương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 1982 đến nay, anh đã in 8 tập thơ, nhưng “Lặng lẽ phố sương” là tập đầu tiên dành gần trọn hồn thơ với Lâm Đồng - Đà Lạt, chốn an yên của một tâm hồn nghiêng chiều sau nhiều chục năm phiêu bạt nơi đất Bắc. 
 
Bìa tập thơ “Lặng lẽ phố sương”
Bìa tập thơ “Lặng lẽ phố sương”
“Lặng lẽ phố sương” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tập thơ gồm 44 bài, bìa 3 và 4 là những bức tranh về thiên nhiên cảnh sắc miền núi do chính tác giả sáng tác. “Lặng lẽ phố sương” vẫn là sự đa cảm của một tâm hồn, đằm thắm yêu thương, trước những số phận và thân phận. Vẫn là “trái tim non”, dễ bị tổn thương khi bơi giữa dòng luân hồi của vô thường. Làm thơ, dĩ nhiên Vương Tùng Cương là “phu chữ”, cũng “Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ/Mới thu về một chữ mà thôi” (Mai-a-cốp-xki). “Những chữ ấy làm cho rung động/Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài” thì chưa dám cam kết, nhưng với tôi, tìm được những cộng hưởng, những đồng điệu trân quý từ hồn thơ của anh trong các tập nói chung cũng như tập thơ mới nhất này. Chú trọng gọt dũa con chữ, nhưng anh không làm màu bằng ngôn từ. Sự thành công của thơ Vương Tùng Cương chính là chất hồn hậu của một tấm lòng, sự giản đơn của ứng xử. Sức hấp dẫn của thơ không ở trau chuốt mà chính ở những điệu khúc tâm hồn tinh tế. Cách nhập thế thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên. Sống chậm để cảm nhận cuộc sống ở chiều sâu của nhân văn và nhân bản. Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp chảy của chính con tim mình; để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua…
 
Những điều gì đang đi qua “Lặng lẽ phố sương”? Những địa danh cụ thể trên mảnh đất Lâm Đồng: Đà Lạt, Đơn Dương, Đạm B’ri, Đạ Huoai, Păng Tiêng, Đam Rông, Đá Tiên, Đatanla, Định An, Tuyền Lâm, Thung lũng Tình Yêu… Những văn nghệ sĩ cụ thể ở Đà Lạt: nhà văn Chu Bá Nam, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩ, họa sĩ Đặng Ngọc Trân, nhà thơ Hoàng Trọng Hà, nhà thơ Phạm Quốc Ca (?)… Và nhiều địa danh không cụ thể mà rất cụ thể, một phố núi chiều “đẫm sương sa” hay một dốc buôn làng “vó ngựa đá xô tiếng vọng rừng”… Đối tượng trữ tình “em” thường trực trong “trái tim dễ vỡ” Vương Tùng Cương. Em là cái cớ của nỗi nhớ yêu thương, có thể là bông hoa, là ngọn lửa, là ánh trăng, là làn gió…; có thể là riêng tư, cũng có thể đã hòa nhập làm một. 
 
Đặc biệt, tôi thực sự cảm quý nhân vật người mẹ của anh xuất hiện khá nhiều trong tập thơ này: “Tháng Tư hoa loa kèn”, “Một mình”, “Ký ức về ngôi nhà tuổi thơ”, “Về phía gió sương”, “Ngày giỗ mẹ”... Mẹ gắn liền với quê hương Quan họ - Bắc Giang. (Nhà văn Chu Bá Nam, cùng quê với anh từng kể với tôi, xưa, mẹ anh là một Liền chị nổi tiếng, đẹp và hát hay kia mà). Với Vương Tùng Cương, ám ảnh nhất là “bóng mẹ chiều đồng sương”, “đêm đêm mẹ thức giần sàng”… Trong thơ Việt Nam hiện đại, Vương Tùng Cương là một trong những nhà thơ thành công nhất khi viết về nông dân - nông thôn. Những câu thơ trên tôi không trích từ các tập thơ khác, mà chính từ “Lặng lẽ phố sương”. Để muốn nói, vẫn là một Vương Tùng Cương của mẹ yêu đã đi xa: “Chỉ xin thơ ở lại/tiễn ngày ta ra đi/thơ như mẹ xưa ấy/ru giấc ta thầm thì” (Một mình). Vẫn là một Vương Tùng Cương đi xa để nhớ, là “hồi cảm” như anh nói. Ngụ trên cao nguyên sương mù quanh năm, anh càng thao thiết, càng thổn thức trong sự tỉnh thức của cảnh giới: “Đà Lạt sớm nay khăn sương trắng xóa/Trắng như màu ly biệt buổi mẹ xa” (Ngày giỗ mẹ)…
 
Và dĩ nhiên ở “phố sương”, nhiều hình ảnh thiên nhiên và mạch sống. Sương mù, gió buốt, trăng, núi, suối, hồ, đất bazan và nắng, mưa, cây cỏ… Trở thành công dân mới của Đà Lạt, nhà thơ Vương Tùng Cương có góc nhìn tuy chưa thể đằm sâu như những kẻ ngụ cư ba bốn mươi năm, ăn nhiều sương uống lắm gió xứ người. Nhưng ở anh lại là người nhiều trải nghiệm, bôn ba khắp chốn trời Bắc, vào tuổi chiều nghiêng, cảm nhận vùng đất mới ở tinh khôi và quy chiếu. Ưu thế “sống chậm” càng có dịp bộc lộ. Anh đằm vào thiên nhiên, vào dòng đời để được ám ảnh: “Thông chất ngất thâm u như thể/độc quyền xanh tự quyết đại ngàn/nghe nước xối biết mình gặp suối/náo động sông khuất lấp màn rừng/đường về bản chập chùng mây khói/lối sao mờ buốt sáng trăng sương...” (Ám ảnh cao nguyên). Anh cùng “Nghe nhức nhối tiếng chim lồng lảnh lót/chiều nhớ rừng chim khóc phải không/và em nữa như bài thơ dang dở/câu nào chìm khuất phía cơn dông” (Không). Cái “mềm lòng” tinh tế của Vương Tùng Cương cho chúng ta những dòng thơ thật bâng khuâng: “Một hoàng hôn không tìm không đợi/không nắng không mưa không rõ vui buồn/đêm cả gió tơi bời lá đổ/xa cuối trời buốt sáng giọt sao hôm” (Không). 
 
Trong “Lặng lẽ phố sương” quả thực lắm lúc anh lặng lẽ rong ruổi giữa dòng luân hồi, tự mình chiêm nghiệm một cách thật chậm. Như đồi thông “độc quyền xanh tự quyết đại ngàn” và “nhận gió sương tự xanh như lá”. Mẹ Thiên nhiên, đặc biệt là rừng, với Vương Tùng Cương dành nhiều cung bậc cảm xúc, mãnh liệt: yêu, thương, đắm đuối, nương náu, cưng chiều, bảo vệ,… Tần suất xuất hiện nhiều trong thơ, ở nhiều trạng huống khác nhau: “tình rừng”, “hồn rừng thức động”, “chiều nhớ rừng”, “nẻo thông rừng phiêu diêu”,… Vương Tùng Cương có hẳn bài thơ ba khổ cho riêng cây thông (Với thông rừng Tuyền Lâm). Quan sát bằng lăng kính từ bi, anh nhận ra “đại ngàn đầy bất trắc mong manh” và “vết thương rừng là nỗi đau anh”. Cây thông và hoa cúc qùy là hai đối tượng đặc thù của xứ miền núi Lâm Đồng, đã mê hoặc Vương Tùng Cương. Nó xuất hiện nhiều trong cả thơ và họa của anh. “Chỉ thông thôi đủ mộng xanh rồi” (Xanh cùng núi), “và thông nữa/hồn xanh Đà Lạt/đại ngàn thông dựng cột sóng reo/khi lẻ loi một mình triền vắng/dáng trầm tư đạo sĩ phong trần” (Em vẽ),… Với anh hoa cúc quỳ “vàng đến mê man” và là “tiên rừng”. “Hồn hoa em tỏa ấm chốn sương mù/mặt trời hóa thân chói vàng sắc nắng” (Cúc quỳ em), “Ngập tràn khung tranh sắc vàng chói lóa/cả bức toan dở dang cũng vàng dát đầm đìa” (Lửa Cúc qùy)…
 
Và lửa. Theo kinh Phật, là một trong “tứ đại” (đất, nước, gió, lửa) làm nên mọi vật chất, trong đó có con người. Lửa là yếu tố không thể thiếu đối với đời sống con người. Giữa đại ngàn, lửa không chỉ làm chín thức ăn thức uống, lửa còn sưởi ấm và lửa đuổi thú dữ, lửa để tâm giao của con người. Lửa cũng là vật thiêng giúp con người giao cảm với trời, đất trong không gian văn hóa cồng chiêng. Vì thế lửa là vị Thần quan trọng trong tín ngưỡng đa thần của sắc dân thiểu số. Nhà thơ Vương Tùng Cường đã thấu cảm điều đó: “Đêm phây phả quây quần đốt lửa/lửa hồng hoang nương náu tình rừng/trai gái bản đan tay hát múa/hát như cùng rũ hết buồn thương” (Ám ảnh cao nguyên); “Gió hú bập bùng lửa trại Chu Ru” (Bạn Chu Ru); “Đêm sàn khuya ta cùng lửa thức/nghe suối reo nhịp điệu đại ngàn…” (Cõi mơ xanh); “Lửa điềm nhiên chúng mình tự cháy/lửa mơ màng rạo rực trăng khuya/Lửa xưa cũ, lửa luôn luôn mới/hoa lạ thông ru xanh giấc lửa dài…” (Lửa phố núi). “Thông ngàn hồ sóng trăng sương/lấp lay vài giọt sao vương lửa chài/hình như lửa thức đợi ai…” (Khuya); “Lửa đêm cao nguyên/gọi thuở hồng hoang/cháy từ thời nguyên thủy cháy về” (Lửa em); “Đêm âm thầm đếm giọt sương khuya/tượng Phật Quan Âm chập chờn ánh lửa…” (Xa)…
 
“Lặng lẽ phố sương” là lặng lẽ chiêm nghiệm, để luôn thao thức, luôn dậy sóng ở trong lòng. Ấy là Vương Tùng Cương. Giữa cõi này, có có không không, nhà thơ trầm mình vào để suy tưởng, để nhung nhớ, khắc khoải, có thảng thốt có cả đơn chiếc. Càng yêu Đà Lạt anh càng nhớ cố hương. Một Vương Tùng Cương dùng dằng đến thế: “Cho anh xin không là lữ khách/Đà Lạt đêm vòng tay ấm nhau rồi/đắm đuối thế làm sao anh xa cách/nhớ sông Cầu đành hát Gọi Đò thôi” (Đà Lạt đêm). Tôi nghĩ, ở nghệ sĩ tài hoa Vương Tùng Cương (nhà thơ, mê vẽ mê đàn hát) luôn tự là ngọn lửa, để cháy niềm khát khao yêu thương; tự làm ấm mình, làm ấm những người đến với anh.  
 
MINH ĐẠO