Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Mẹ - Lang Biang, tuổi thơ nhạc sĩ Krajan Dick được đắm mình trong dòng suối Dà P'Lah mát trong, được tắm gội khúc en-ray nồng nàn, được hưởng sinh khí của núi rừng và hòa mình vào hơi thở của đại ngàn...
Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Mẹ - Lang Biang, tuổi thơ nhạc sĩ Krajan Dick được đắm mình trong dòng suối Dà P’Lah mát trong, được tắm gội khúc en-ray nồng nàn, được hưởng sinh khí của núi rừng và hòa mình vào hơi thở của đại ngàn. Anh mang cả hồn đất - tình người vào từng tác phẩm âm nhạc, rồi lặng lẽ sưu tầm, gom góp, gìn giữ di sản văn hóa của người K’Ho, mong muốn ngăn cho vốn quý của dân tộc mình không bị mai một trước sự khắc nghiệt của thời gian.
Nhạc sĩ Krajan Dick qua nét cọ của họa sĩ Nguyễn Văn Lại |
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, công chúng Lâm Đồng ngỡ ngàng trước một chàng trai trẻ, tuổi vừa đôi mươi, mái tóc xoăn đen, nước da nâu sậm với giọng hát phiêu lãng, lúc như dòng suối róc rách, khi gầm gào như thác đổ, khi khoáng đạt như ngọn gió thổi vào ngàn thông vi vút. Tiếng hát của Krajan Dick nhanh chóng vượt ra khỏi buôn làng Đăng Ya vút cao, bay xa. Anh có mặt trong nhiều liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh, nổi bật, làm rung cảm người nghe. Trở thành ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng vừa hình thành, anh miệt mài phô diễn giọng hát bay trên nhiều sân khấu hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, mang về nhiều huy chương vàng, bạc.
Mỗi người con dưới chân núi LangBian hùng vĩ sinh ra vốn đã là một nghệ sĩ. Không dùng mỹ từ cũng chẳng ngoa ngôn khi ví Krajan Dick như cánh chim đầu đàn trong những cánh rừng thông bạt ngàn ở cao nguyên Lâm Viên. Nếu người Ê Đê - Đắc Lắc tự hào có NSƯT Y Moan, thì người K’Ho tự hào có Krajan Dick. Nhưng hơn thế, Krajan Dick không chỉ hát hay, mà anh còn sáng tác. Mong muốn đưa hồn cốt, hơi thở của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên vào tác phẩm âm nhạc, anh đã tự tìm tòi, học tập bài bản và sáng tác nên nhiều ca khúc dựa trên chất liệu âm nhạc bản địa phát triển phong cách mới, được công chúng đón nhận rộng rãi, đạt nhiều giải thưởng lớn. Hơn 300 ca khúc và gần 700 bài thánh nhạc đã được anh viết nên thấm đẫm hồn núi tình đời, hồn đất tình người Tây Nguyên. Nhạc sĩ Krajan Dick tâm sự: “Trong thời gian làm ca sĩ biểu diễn, tôi có dịp về với các buôn làng xa xôi, quan sát nhịp thở cuộc sống và tình cảm của những con người sống với núi rừng. Qua các chương trình biểu diễn được thể hiện bằng ngôn ngữ địa phương, qua các tác phẩm được sưu tầm từ dân ca bản địa và nhận được tình cảm thân thương của đồng bào dành cho, tôi chợt nhận ra mình có trách nhiệm đi theo con đường nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác âm nhạc. Âm nhạc đó phải thật sự gần gũi, thân quen với đồng bào, với những người quanh tôi và với chính tôi”.
Nhạc sĩ Krajan Dick (thứ 2 từ phải qua) làm giám khảo trong một liên hoan nghệ thuật quần chúng |
Các ca khúc anh sáng tác luôn nằm trong mạch nguồn cảm xúc không gian khoáng đạt của núi rừng, dựa trên âm hưởng dân ca truyền thống của người K’Ho và các dân tộc Tây Nguyên anh em. Âm nhạc của Krajan Dick là nỗi niềm trăn trở, nồng nàn hơi thở đại ngàn, tình đất, tình người thấm đẫm trong từng giai điệu, ca từ với lối viết ca khúc chuẩn có tính khúc thức mang tính nghệ thuật cao. Có thể kể: Men tình xuân, Nồng nàn cao nguyên, Cánh sóng và chuyện tình, Lời suối gọi, Sim Kring, Chào Mimosa, Hồn thiêng Chư Yang Sing, Tìm, Gọi gió... Chỉ nhìn Krajan Dick ôm đàn cất lời ca rạo rực mới thấy hết cái tình của anh chất chứa: “Trời cao nguyên đêm sao lấp lánh, soi mặt em thơ rạng ngời/ Và thấp thoáng kia dáng nhà sàn rực sáng lung linh/ Ngàn thông xanh vi vu reo vui đón những người con về đây/ Rộng vòng tay, cùng hòa lời ca, tình anh em/ Tình yêu cao nguyên dâng cao trong ta, dần xóa tan bao muộn phiền/ Cho dòng suối mát, hòa khúc en-ray nồng nàn”... Mang hồn dân tộc mình vào từng tác phẩm âm nhạc, anh không ngừng đánh thức những giai điệu của núi rừng, tìm về hồn cốt của nghệ thuật bản địa, thể hiện khát khao tìm lại cái hồn của buôn làng, tìm lại những nét đẹp văn hóa giữa phồn sinh đại ngàn để níu giữ, không muốn nó phai nhạt, mất đi.
Mong muốn được cống hiến, được làm một điều gì đó cho đồng bào mình, đang là Phó đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng, nhạc sĩ Krajan Dick đã sớm nghỉ hưu về với buôn làng. Anh lặng lẽ sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, ký âm, định âm các bài bản chiêng cổ, ca dao, tục ngữ, tiếng nói, chữ viết, trang phục, họa tiết, hoa văn, lễ hội... do cha ông để lại. Anh tìm hiểu, sưu tầm những giá trị văn hóa đã mai một để nó được hồi sinh trong chính cộng đồng. Đồng thời, góp sức cùng các nghệ nhân làm nên một miền nghệ thuật dân dã để hàng đêm du khách hòa mình vào không gian của bập bùng bếp lửa, nhà sàn, rượu cần và những vũ điệu cồng chiêng. Krajan Dick có công “đánh thức” cả cộng đồng cùng vào cuộc gìn giữ, bảo tồn và quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống khiến du khách đắm say, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo rất hiếm có dân tộc trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên - chủ nhân của Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng làm được. Với Krajan Dick, “Nghiên cứu di sản văn hóa nghệ thuật bản địa là tìm lại vết tích với những dấu chân và dư âm nghệ thuật truyền khẩu còn rõ mồn một của chính tổ tiên ông bà để lại, là quý báu và chân thật hơn cả”.
Sưu tầm những thước phim về miền đất buôn làng mình sống do những người phương Tây buổi đầu đặt chân đến Lang Biang ghi lại, để con cháu mai sau nhìn lại nhận diện đầy đủ về nguồn cội, gốc rễ, nhìn lại hình hài của cộng đồng dân tộc mình từ buổi sơ khai. Trong các hội thảo, Krajan Dick say sưa nói về văn hóa dân tộc mình bằng tình yêu và trách nhiệm. Krajan Dick cho biết “Càng tìm hiểu các di sản văn hóa nghệ thuật bản địa, tôi càng nhận ra: Thế giới vạn vật trong tâm thức của cộng đồng tộc người Tây Nguyên đều có hồn và hình thành rõ nét tư duy quyện sinh giữa con người, thiên nhiên, vạn vật và cả góc vũ trụ nơi đây. Tĩnh lặng tìm về với quá khứ, nghiền ngẫm về “hồn phách” của vạn vật trong thiên nhiên, vũ trụ và bao kiếp người, ta nhận ra mình thật nhỏ bé, kiếp người thật ngắn ngủi, từ đó biết yêu, biết quý “hồn đất trời” mình đang đứng và biết trân trọng tình người với thiên nhiên, vạn vật. Tất cả đã như là nguồn mạch cảm hứng, là ý thức trách nhiệm, cũng là tình cảm và nỗi trăn trở thầm lặng của tôi. Mỗi tộc người, dù nhỏ, đều có những mảnh trời, mảnh đời riêng mà ở đó, bản sắc riêng không hề ít ỏi, giá trị nghệ thuật và nhân văn không hề nhỏ bé. Tôi đã dành nhiều thời gian để góp phần nhỏ bé của mình gìn giữ âm nhạc dân gian cho cộng đồng nơi tôi sinh ra và lớn lên”. Nhạc sĩ Krajan Dick như mạch nguồn lớn nối giữa quá khứ và hiện đại, anh không ngừng cống hiến, làm hết sức mình để giữ lại, trao truyền cho thế hệ mai sau những di sản văn hóa quý giá mà tổ tiên cha ông nhiều đời hình thành, sáng tạo.
QUỲNH UYỂN