Giải thưởng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam vừa trao tặng tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” của tác giả Lê Văn Nghĩa. Tác phẩm này đã đạt Giải cống hiến 2021 của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1/2022. Đây là cuốn văn học thiếu nhi cuối cùng của nhà văn, cũng là một trong những cuốn sách cuối cùng của ông, khi nhà văn Lê Văn Nghĩa đã qua đời nửa năm trước.
|
Bìa cuốn sách "Mùa tiểu học cuối cùng" của tác giả Lê Văn Nghĩa |
Nhà văn Lê Văn Nghĩa được biết đến với danh xưng “anh Hai làng trào phúng”. Ông gắn bó hàng chục năm với Báo Tuổi trẻ cười. Trong những năm gần đây, vẫn giữ sự hóm hỉnh, thông minh trong phong cách, ông đã tạo nên ấn tượng với hàng loạt cuốn sách dành cho thiếu niên, nhi đồng, những cuốn sách viết về Sài Gòn của hàng chục năm về trước. “Mùa tiểu học cuối cùng” do NXB Kim Đồng ấn hành là một trong những tác phẩm đó. Đây là cuốn sách tiếp nối dấu ấn nhà văn Lê Văn Nghĩa sau Mùa hè năm Petrus (truyện dài, 2012); Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014); Tụi lớp nhứt Trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (truyện dài, 2018)...
Như một thước phim tư liệu quay chậm, Mùa tiểu học cuối cùng dẫn dắt độc giả về những câu chuyện tình bạn, tình thầy trò và cuộc sống của người Sài Gòn những năm 60. Có thể hình dung ra nét cười hóm hỉnh đáng yêu của tác giả phía sau những câu chuyện khi chính đó là những trải nghiệm, kỷ niệm mà ông đã đi qua. Câu chuyện về nhóm bạn cùng lớn lên trong xóm lao động nghèo, chuyện lũ trẻ ở Trường Tiểu học Bình Tây - nơi nhà văn từng theo học tiểu học (Giải thưởng này cũng được gia đình nhà văn tặng lại Quỹ học bổng học sinh nhà trường). Những chuyện nghịch ngợm nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà ông lưu giữ từ thời tiểu học cho đến cuối cuộc đời khiến người đọc bị cuốn theo những buồn, vui, xúc động.
“Bạn ngồi xuống đây... nghe tui kể chút nè” - tác giả đã bắt đầu kể câu chuyện của mình bằng lời mời đầy ấm áp, thân tình. “Không biết tại sao lớp nhứt Hai, Trường Tiểu học Bình Tây của tui lại có nhiều thằng cà tưng như thế? Trừ những thằng không có máu cà tưng thì những thằng bạn thân của tui đều có máu cà tưng trong người”. Những trang viết của nhà văn Lê Văn Nghĩa vẫn luôn mang theo sự duyên dáng, dí dỏm của riêng ông mà chỉ cần đọc lên, ta nhận ra phong cách độc đáo của một người viết thông minh, vui tính.
Như nhiều tác phẩm trước của ông, tác giả chỉ kể lại chuyện con nít Sài Gòn xưa nhưng bằng góc nhìn tươi sáng, trong vắt mà cảm động của những đứa trẻ lên mười. Ở đó có đủ cung bậc cảm xúc của tuổi tiểu học: đầy niềm vui, luôn tò mò, háo hức, với cuộc sống, luôn nghĩ ra các trò chơi láu cá,... Những đứa trẻ cùng lớn lên, cùng học và chơi bên nhau với những thương yêu con người, cuộc sống một cách hồn nhiên đã khiến độc giả đồng cảm, rung động với sự sáng trong mà tác giả lưu giữ lại trong từng chương sách. Mùa tiểu học cuối cùng còn là câu chuyện tinh thần hào sảng, nghĩa tình của người phương Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng, dù chỉ là câu chuyện của những đứa trẻ vẫn nổi bật rõ, không lẫn vào đâu được.
Bên cạnh thế mạnh là cây bút trào phúng nổi tiếng, nhà văn Lê Văn Nghĩa còn có thế mạnh là người Sài Gòn chính hiệu khi kể chuyện Sài Gòn xưa. Ông yêu Sài Gòn, con người và vùng đất này bằng một tình yêu trọn vẹn nên hiểu và thuộc lòng văn hóa của mảnh đất này. Những người yêu Sài Gòn ngày nay vẫn luôn dành một phần tình yêu lẫn sự tò mò về vùng đất này khi xưa. Vì thế, những câu từ, cách suy nghĩ, câu thoại, chi tiết trong sách của Lê Văn Nghĩa hấp dẫn còn vì đó chính là hồn cốt Sài Gòn xưa mà độc giả có thể tìm thấy phía sau những câu chuyện nhẹ nhàng, xúc động.
Không phải là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi nhưng chỉ vài năm cuối cùng của cuộc đời, vài tác phẩm nối dài tình yêu dành cho tuổi thơ, tuổi niên thiếu, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã xác lập cho mình một phong cách rất riêng. Phong cách ấy khiến độc giả bất ngờ nhận ra ông, yêu quý những trang viết (sách của ông tái bản hơn 10 lần), và tiếc rằng ông đã ra đi vì bạo bệnh, khi với ông, việc viết cho thiếu nhi vẫn còn nhiều cảm hứng.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước năm 1975, bị bắt giam, tù đày ở Nhà tù Côn Đảo. Từ sau năm 1975, ông hoạt động báo chí, nguyên là Phó Tổng thư ký Tòa soạn Báo Tuổi trẻ. Với các bút danh nổi tiếng: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ... Làm báo và viết văn, ông được nhiều đồng nghiệp đánh giá là cây bút trào phúng hàng đầu của nền báo chí và văn học Việt Nam đương đại. |
KHÔI NGUYÊN THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin