Tiếng thơ nặng tình non nước

06:06, 30/06/2022
Trong chuyến về Bến Tre - địa danh anh hùng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, tôi đã đến thăm Di tích Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), nhà thơ yêu nước tiêu biểu giữa thế kỷ XIX của vùng đất Nam Bộ, vừa được UNESCO công nhận “Danh nhân văn hóa thế giới”. Thắp nén hương tại Đền thờ, mộ chí cụ Đồ Chiểu trong không gian yên tĩnh của vùng quê An Đức, tôi mơ hồ nghe tiếng thơ nặng tình non nước của bậc tiền nhân tài, đức ngàn xưa vọng về...
 
Nhà bia với 2 tầng mái, thể hiện 2 thành tựu xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu
Nhà bia với 2 tầng mái, thể hiện 2 thành tựu xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu
 
•  NGÔI SAO SÁNG TRÊN BẦU TRỜI PHƯƠNG NAM
 
Thời còn cắp sách, tôi đã từng lắng lòng qua những trang thơ, văn tế của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) chứa chan lòng yêu nước, thương dân, căm thù giặc cướp nước và niềm phẫn uất trước sự nhu nhược, yếu hèn của triều đình phong kiến lúc bấy giờ. Có lẽ, bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ mù Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!”. Và, các tác phẩm: Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ... đã đi vào lòng người dân Việt Nam như những áng thơ văn bất hủ, thể hiện rõ nhân cách sống, thiên hướng sáng tác và tài năng văn chương của cụ Đồ Chiểu.
 
Tác phẩm thơ Nôm Lục Vân Tiên (2.082 câu thơ lục bát), có ý kiến cho rằng đây là “tự truyện”; song, nội dung, tư tưởng của Lục Vân Tiên vượt lên là một “bản trường ca, ca ngợi chính nghĩa, những phẩm chất đạo đức đáng quý ở đời”, đã làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu, một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam. Lục Vân Tiên được Nhân dân cả nước, đặc biệt Nhân dân Nam Bộ yêu mến, thuộc lòng (ví như Truyện Kiều của Nguyễn Du).
 
Sinh ngày 1/7/1822 và lớn lên giữa lúc đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, dân tộc bị nô lệ, lầm than; bản thân Nguyễn Đình Chiểu gặp nhiều bất hạnh: Mẹ mất lúc ông 27 tuổi và khi đang chuẩn bị dự khoa thi năm Kỷ Dậu (1849); vì thương mẹ, khóc nhiều và bị bệnh nên mù cả hai mắt, rồi bị hôn thê bội ước... Những tưởng, những “biến cố” lớn lao ấy dễ làm con người ta buông xuôi số phận. Song, Nguyễn Đình Chiểu đã vươn dậy để sống và để lại cho đời một tấm gương sáng ngời về tài năng, đức hạnh, tấm lòng trung nghĩa với nước, với dân. Vừa là nhà thơ, nhà giáo và thầy thuốc, 66 năm sống trên đời; nhất là giai đoạn tiếp xúc với phong trào đấu tranh của các sĩ phu yêu nước Nam Bộ đã tác động lớn đến tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài dạy học trò mở mang kiến thức, hun đúc lòng yêu nước thương nòi, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; bốc thuốc chữa bệnh cứu người, Đồ Chiểu dành cả cuộc đời cho thơ, văn. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và đấu tranh cho chính nghĩa. Nói cách khác, ông làm thơ là để “chở đạo, sửa đời và dạy người”. 
 
Trong văn chương yêu nước và cách mạng thường đề cập đến “chất thép”. Trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu “chất thép” đó chính là dùng “văn tải đạo”, dùng ngòi bút để “đâm mấy thằng gian” - một thứ vũ khí vô cùng sắc bén của người chiến sĩ “mù” đã có sức mạnh lay động vô cùng to lớn đối với phong trào yêu nước chống Pháp lúc bấy giờ. Lấy sự đui mù của mình, cụ Đồ Chiểu phê phán thói giả dối, nhu nhược của bè lũ tay sai, bù nhìn, bán nước: 
 
“Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ...”.
(Thà đui)
 
Hàng chục tác phẩm thơ, hịch, văn tế của cụ thể hiện tấm lòng cảm phục, yêu mến Nhân dân, các sĩ phu, nghĩa sĩ trung hiếu hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh chống Pháp xâm lược ở Lục tỉnh và Nhân dân Nam Bộ. Đó là: Chạy Tây (1859), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861); Mười hai bài thơ và văn tế Tướng quân Trương Định (1864); Thơ điếu Đông các Đại học sĩ Phan Thanh Giản (1867); Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1874); Cáo thị, Thảo thử hịch; truyện thơ Dương Từ, Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp...
 
Cảm phục trước nhân cách, đóng góp to lớn của một nhà thơ yêu nước tiêu biểu của Nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống Pháp, nhân kỷ niệm lần thứ 85 ngày mất của cụ Đồ Chiểu, trên tạp chí Văn học (7/1973), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét rất tinh tế: “Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trên bầu trời đầy sao nhưng là vì sao có ánh sáng khác thường mà con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng. Cái ánh sáng khác thường, sáng hơn hết, rực rỡ hơn hết và bao trùm hơn hết của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu là tính chiến đấu bàng bạc trong các tác phẩm của ông để lại”.
 
TỰ HÀO CỦA NHÂN DÂN BẾN TRE
 
Bước vào Khu Di tích Đền thờ Đồ Chiểu tại ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri (Bến Tre), chúng tôi chựng lại khá lâu trước một không gian thoáng rộng, yên tĩnh và tôn kính. Việc xây dựng, tôn tạo và chăm sóc Khu Di tích Đồ Chiểu thể hiện tình cảm, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bến Tre đối với nhà thơ tài hoa, thầy giáo mẫu mực, thầy thuốc đức hạnh này.
 
Suốt cuộc đời gắn bó với Nhân dân Nam Bộ; nhất là, hơn một phần tư thế kỷ  sống ở Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại một di sản vô cùng quý báu, làm giàu thêm truyền thống kiên cường, bất khuất của vùng đất anh hùng. Ông đã dùng ngòi bút để ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, tố cáo tội ác giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, khẳng khái bất hợp tác với giặc, hết lòng yêu nước, thương dân... Tấm gương nhà thơ mù tỏa sáng trong tâm thức và niềm kính trọng của Nhân dân Bến Tre. Bởi vậy, Đồ Chiểu trở thành niềm tự hào của người dân Bến Tre, mà Ba Tri là nơi ông đã sống và trút hơi thở cuối cùng (ngày 3/7/1888), thọ 66 tuổi.
 
Nhiều con đường, trường học, bệnh viện ở Bến Tre và các thành phố lớn trong nước vinh dự mang tên Nguyễn Đình Chiểu; đặc biệt, giai đoạn, từ năm 1946 đến 1948, tỉnh Bến Tre được đổi tên là tỉnh Đồ Chiểu.
 
Trong Khu Di tích có mộ Nguyễn Đình Chiểu, mộ cụ Lê Thị Điền (vợ) và mộ thi sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái đầu của ông). Ngày 27/4/1990, Khu Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Nhằm tỏ lòng thành kính đối với cụ Đồ Chiểu, vừa phục vụ tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Bến Tre đã xây dựng Đền thờ mới, mở rộng Khu Di tích, tổng diện tích 13.000 m 2. Trước cổng Đền, phía trái có nhà tiếp đón các đoàn khách; từ cổng Đền đến Nhà bia có sân rộng, lát đá viền cỏ xanh rất đẹp. Đền thờ hình tròn gồm 3 tầng mái, tượng trưng cho 3 nghề của cụ Đồ Chiểu (dạy học, thầy thuốc và thơ văn). Tượng cụ Đồ Chiểu đúc bằng đồng nặng 1,2 tấn, rất uy nghi. Nhà bia được thiết kế với 2 tầng mái, tượng trưng cho 2 thành tựu cống hiến nổi bật của Đồ Chiểu, đó là những áng thơ văn yêu nước kiệt xuất, tiêu biểu trong phong trào thơ văn yêu nước chống Pháp thế kỷ XIX và mảng văn học dân gian xuất sắc, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thơ ca Nam Bộ.
 
Lãnh đạo Khu Di tích cho biết, ngày 1/7 hằng năm (ngày sinh Đồ Chiểu) trở thành ngày hội truyền thống văn hóa của Nhân dân tỉnh Bến Tre. Vào ngày này, lễ hội được tổ chức trang trọng nhưng rất sôi nổi với các hoạt động: Biểu diễn võ thuật, múa lân, liên hoan đờn ca tài tử, thi hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên; thi nấu mâm cơm ngày giỗ; triển lãm ảnh nghệ thuật, thi viết thư pháp, ngâm thơ...
 
Đặc biệt, tháng 11/2021, tại Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, tại Paris (Pháp) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023; Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh đúng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, không chỉ là niềm tự hào đối với Nhân dân tỉnh Bến Tre mà của cả Nhân dân Việt Nam.
 
Ghi chép: THANH DƯƠNG HỒNG