Tôi là người chứng kiến hoàn cảnh của gia đình chị từ năm 1975, đến nay gần 50 năm, gia đình tôi vẫn ở cùng ngõ xóm với gia đình chị (cùng vào Lâm Đồng định cư vào cuối năm 1990). Được chị đồng ý, tôi ghi lại trung thực câu chuyện này. Và nhân vật “Tôi” trong truyện ký này là chị chứ không phải là tôi - người viết.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Nếu còn sống, mẹ chồng tôi năm nay tròn 109 tuổi (bà sinh năm1913). Nhưng bà ra đi vào cuối tháng 6/1985, cái năm cả nước đói dài dài. Sắn khoai không có mà ăn, người ta tìm những cây chuối đã thu hoạch trái, đào lấy gốc để ăn. Rồi gốc củ chuối cũng hết.
Mẹ chồng tôi ra đi trong nghèo đói. Bà nằm liệt gần sáu tháng rồi đi. Sáu tháng ấy, nhiều lúc bà thèm ly nước chanh có đường mà tôi không tìm đâu ra, bởi một mình tôi nuôi dạy bốn con, chồng tôi công tác xa, ở tận Thái Nguyên, cách quê tôi 150 km mà mỗi năm chỉ về vào dịp tết Nguyên đán. Tiêu chuẩn một tháng có 13 kg gạo, ăn không đủ, có đâu mà gửi về cho vợ con ở nhà quê…
Cho đến bây giờ, và cho đến lúc về già sắp phải ra đi, tôi cũng không quên được mẹ chồng tôi. Bà coi tôi như con ruột, tôi cũng thương bà như mẹ đẻ ra tôi.
Bà giúp tôi trông nom 4 đứa con để tôi yên tâm ra ruộng ra vườn. Đi làm về sẵn có cơm canh dù chỉ là rau lang luộc chấm muối và cơm độn khoai, sắn. Bà lo tắm giặt cho các con tôi, nhắc tôi việc luôn kiểm tra từng đứa khi đến tuổi thay răng sữa là phải nhổ ngay đừng để răng khấp khểnh như bố chúng nó. Bà dặn như vậy nhưng tự tay bà luôn luôn kiểm tra từng đứa. Ngay việc đi ngủ cũng vậy, bà thường nhắc tôi nếu tỉnh ngủ lúc nào phải nhìn xem cái thế nằm của con trẻ, không để chúng đặt tay vào ngực trái, hoặc nằm ngoẹo cổ, ngoẹo đầu, lớn lên trông... không giống ai.
Bữa cơm, bà ngồi đầu nồi, bà gạt những hạt cơm vướng ở miếng sắn miếng khoai vào bát các cháu. Còn khoai, sắn bà ăn. Bạn của bà hoặc cháu đằng họ nhà bà cho quả, bà cất đi chia các cháu. Tôi có nói, mẹ già rồi, ăn được miếng nào là tốt, các cháu lớn lên nó sẽ làm việc thì muốn gì chả được. Bà nói, bây giờ cháu chưa làm được thì cho cháu, ngày xưa bà bé cũng được ông bà nội ngoại ưu tiên đấy. Lớn lên là phải làm mà ăn là đúng rồi. Những năm 1980 - 1988, có được hộp sữa bò chỉ là trong mơ. Bạn tôi thấy bà đau nằm một chỗ, đã tặng bà một hộp sữa bò nhãn hiệu Ba Vì, bà cũng cho các cháu. Bà nói lúc trẻ, bà đã dùng sữa bò nhiều rồi.
Mẹ chồng tôi rất khéo tay, tự tay bà xin quần áo cũ của người lớn là bạn của bà, rồi bà giặt sạch, phơi khô và cắt may áo quần cho các con tôi, kể cả những túi đựng phân đạm bằng vải, qua tay bà cũng thành áo quần.
Một chuyện nữa tôi không thể không kể ra đây là mẹ chồng tôi thuộc Truyện Kiều làu làu và cả những ca dao, dân ca. Bà ru các cháu bằng Kiều, bằng ca dao cho cháu ngủ. Lúc chúng thức, bà kể chuyện cổ tích. Cả bốn đứa xung quanh bà. Lúc ngủ cũng đòi ngủ với bà. Một điều đáng trọng nữa khi cả bốn đứa cháu đều là gái, nhưng bà không hề buồn nản, bà nâng chúng như nâng trứng, hứng hoa. Bà còn bảo tôi: "Con gái mà giỏi mà ngoan cũng tốt con ạ".
Bà sống rất sạch sẽ, nhà cửa, bếp núc không bao giờ có mùi lạ, bà dặn tôi những việc tưởng là nhỏ như khi ăn thừa nước mắm ở chén, bát phải đậy bằng đĩa to, không để nó bay mùi khắp nhà. Đồ ăn thừa cũng phải đậy, không để kiến, gián, mối bò vào.
Nhà ở sạch sẽ, giường phản không hề có bụi, đặc biệt là cơ thể bà luôn tự chăm chút, ngay cả sáu tháng trời nằm một chỗ, bà vẫn bảo tôi đun nước lá sả tắm cho bà, mùa hè cứ một ngày một lần tắm, mùa rét ba ngày bà tắm một lần. Quần áo ngày nào cũng thay...
Mẹ chồng tôi tỉnh táo cho đến lúc ra đi. Bà vẫn nói chuyện bình thường với tôi, và hôm bà chuẩn bị ra đi, chồng tôi cũng về nghỉ phép năm, bốn đứa ngồi quanh bà. Bà nói một câu rõ ràng:
- Các cháu học giỏi nhé, học để thoát nghèo... Vợ chồng các con nhớ coi hàm răng cho con út, đừng để răng nó xấu... Thôi, mẹ đi nhé...
Và bà ra đi ngay sau câu nói đó, miệng nở nụ cười, mắt vẫn mở nhưng không động đậy. Chồng tôi vuốt mắt cho bà... Tôi òa khóc như trẻ con khá lâu.
Đám tang bà rất đông người đến đưa bà về Tây Trúc. Đêm trước đội kèn hiếu của xã đến phục vụ cả đêm.
Có một chi tiết mà tôi không thể không kể ra đây, đó là tôi bàn với chồng vay mượn tiền, gạo để làm cỗ khoảng 50 mâm (300 khách), “khó khăn, em sẽ gắng lo”.
Chồng tôi nói đại ý:
- Không phải làm vậy, anh làm ở cơ quan văn hóa, không thể khoa trương người ta cười cho. Để đó anh lo.
Chồng tôi bàn với mấy anh em con cô, con chú ruột và ông trưởng họ nhà chồng tôi là tổ chức tiết kiệm. Mọi người gật đầu tán thành. Vậy là, chỉ có những người thợ kèn, đội đào huyệt mộ cho bà là ở lại ăn uống, tổng cộng có 23 người. Còn anh em nội, ngoại về nhà mình.
Làm dâu 14 năm, chưa bao giờ bà nói nặng với tôi một câu, mặc dù có nhiều lần tôi làm trái ý bà. Mẹ chồng tôi thuộc lớp người “cũ”, không biết chữ. Trong xóm tôi, nhiều người bằng tuổi bà, là mẹ chồng, thường bị con dâu chê trách. Họ thấy tôi được mẹ chồng yêu quý, họ cứ suy bì so sánh. Có một chuyện sâu sắc đó là cụ tổ bảy đời của chồng tôi để lại một chiếc bình hoa bằng sứ có từ đời Lê thịnh. Nhiều người trả giá mười cây vàng nhưng bố, mẹ chồng tôi đều không bán. Vậy mà tôi đã làm vỡ tan tành khi mới làm dâu được một năm. Mẹ chồng tôi nói “Của đi thay người con ạ…”.
… Năm 1990, vợ chồng tôi vào Lâm Đồng lập nghiệp sau khi đã xây lại mộ phần cho bố mẹ chồng. Hàng năm về thăm quê, vợ chồng con cái tôi vẫn ra thắp hương trên mộ ông bà. Bây giờ, hàng ngày nhìn lên bàn thờ, thấy bà như đang nói với tôi lời của tiền nhân từ ngàn năm nay “Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”. Rồi lại cũng chạnh buồn khi ngồi xuống mâm cơm, cuộc sống bây giờ sung túc, có nhiều món ăn ngon... mà không có cha có mẹ cùng ăn, cha mẹ đã một thời đói khổ trong rơm rạ, suốt đời vì con vì cháu... đến khi con cháu sung sướng thì ông bà cha mẹ đã đi quá xa.
Gần đây, tôi biết Ngày Gia đình Việt Nam là ngày 28/6 hàng năm. Mẹ chồng tôi ra đi vào lúc 14 giờ ngày 28/6/1985, không biết có trùng hợp hay không. Dù thế nào chăng nữa, bài viết này xin làm nén tâm nhang kính dâng lên mẹ chồng tôi, thay cho lời của tôi nói với mẹ:
- Mẹ ơi! Suốt đời con biết ơn mẹ và làm theo lời mẹ dạy.
NGUYỄN THANH HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin