Khi người đàn ông Ê Đê ấy ôm đàn và cất lên tiếng hát, tôi nghe như có tiếng róc rách của bến nước đầu nguồn làng Dlei Yang, có xào xạc tiếng lá rơi của miền rừng cội huyện Ea Hleo và tượng hình những cánh chim Phí “bay ngang qua bầu trời…”. Âm nhạc của Y Phôn Ksor thật đẹp, đẹp lạ lùng, khác hoàn toàn với bất cứ ai sáng tác về Tây Nguyên. Người nhạc sĩ của miền núi cao rừng thẳm đã mượn thanh âm vạn vật, mượn tiếng gió thổi, mưa rơi, mượn giai điệu lời ru của bà, của mẹ, của dòng mẫu hệ mà cất lên tiếng hát.
CẢM THỨC CÙNG “LỜI RU NỮ THẦN MẶT TRỜI”
Âm nhạc của Y Phôn Ksor có đời sống và lan tỏa cảm xúc trong lòng mọi người vì nó không nhuốm chút phấn son mà mang hơi thở của núi đồi, nương rẫy. Với những ca khúc của anh mà tôi từng hát, từng nghe, cảm nhận về âm nhạc của người đàn ông Ê Đê tài hoa thật mênh mang, khắc khoải, hoang dã mà sâu thẳm như vùng đất đại ngàn nơi tôi đang sống. Có cảm giác, những bài hát của Y Phôn như được anh viết trong những giấc mơ xa xôi.
Y Phôn Ksor nói với tôi, khi anh cất lên lời hát đầy ám ảnh “Hát giữa mọi người không ngại ngần”, là lúc anh khóc từ trong lồng ngực sâu. Câu hát thổn thức tự đáy lòng trong ca khúc “Đi tìm lời ru Mặt Trời” là một lời sự khẳng định nhưng hàm chứa trong đó biết bao ẩn ức, mặc cảm qua từng thế hệ hoang hoải tìm kiếm lẽ sống, đời sống giữa đại ngàn giữa bao mùa biến động. Một câu hát, đã nói thay bao điều muốn nói, giãi bày hết thảy tâm tính tộc người của Y Phôn và anh em trên núi đỏ, rừng xanh. Âm nhạc về Tây Nguyên là vậy. Tây Nguyên không hú hét, gầm gào, không bốc lửa hừng hực như nhiều người nhầm tưởng. Lửa trong âm nhạc Tây Nguyên là ngọn lửa cháy tự tâm can, cháy tự dòng chảy văn hóa âm thầm mà mãnh liệt. Âm nhạc Tây Nguyên đương đại nối cảm hứng từ những lối hát dân ca Ayray, Kưứt, Lảhlông, Yallyau… Ở trong đó là cả một thế giới của đắm đuối, thẳm sâu, hoang dã; của nỗi buồn trong lành như suối, như thác; là “dòng sông khao khát lời”, “giọt mưa không có lời” như Y Phôn đã thao thiết gọi tên cảm xúc…
- PHÓNG VIÊN: Y Phôn này! Từ những ca khúc của anh, tôi cảm nhận, nếu anh không chú tâm viết thì âm nhạc cũng tự chảy tràn trong trái tim anh, như anh bảo với tôi “nói cũng ra nhạc”. Đại ngàn, với thanh âm tự nhiên của nó vốn đã là âm nhạc rồi phải không Y Phôn?…
- Y PHÔN KSOR: Tôi viết nhạc bằng quá trình sống, bằng sự ám ảnh, bằng những bước chân trải nghiệm trong cuộc đời. Giai điệu trong âm nhạc của tôi không có gì xa lạ, đó là những thanh âm quen thuộc mà tôi từng nghe, từng thấm suốt cả phần đời đi qua của mình. Từ ấu thơ, tôi đã được sống trong không gian thiên nhiên với tiếng rừng, tiếng suối, tiếng mưa rơi, gió thổi và bước chân những đàn thú đi hoang. Tôi cũng đã xao xuyến cùng lời ru của mẹ, giọng hát kể của cha. Có thể nói, là tôi đã ngấm âm nhạc từ nhỏ, âm nhạc là một thứ không thể thiếu trong gia đình tôi, dù nhiều lúc đói cơm, nhạt muối. Thuở nhỏ, nhà tôi có cả thảy đến bốn dàn chiêng, trong đó bộ chiêng quý nhất có thể đổi ngang một con voi. Mẹ tôi là nghệ nhân thổi đàn đing puốt (sáo lúa), còn bố tôi là tay tông k’nah (chơi chiêng) có tiếng. Bởi vậy mà lên bảy, tôi đã biết chơi đàn goong (tre) sáu giây thuần thục, tuổi lên tám bắt đầu tập chiêng và 11 tuổi thì đã theo cha đi tấu chiêng khắp vùng…
Âm nhạc là cuộc sống, là máu thịt của tôi. Từ nhỏ, tôi đã làm quen với các lối hát dân ca Ayray, Kưứt, K’Nak, Mnê, Cok của dân tộc tôi. Những ca khúc và tác phẩm khí nhạc, đã được viết ra từ tâm hồn khao khát và yêu thương của tôi với con người, xứ sở của mình trên nền âm hưởng đồng vọng từ dân ca Ê Đê. Tôi muốn cất lên những thông điệp cháy bỏng tình yêu của một người con đại ngàn bằng âm nhạc của mình!
- Trong mỗi câu chuyện cùng anh, tôi thấy anh quá đậm chất “zen” Ê Đê, một dân tộc có lịch sử lâu đời trên cao nguyên miền thượng, một dân tộc có máu phiêu lãng bậc nhất miền đại ngàn?
- Người Ê Đê tôi sống rất lạc quan, dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào. Người Ê Đê làm ăn cũng giỏi. Nhưng trong quan niệm của đồng bào tôi, con người là một phần của thiên nhiên, chính vì vậy, không bao giờ ăn hết, mà dành một phần cho thú rừng, chim chóc. Có một điều hơi khác là người Ê Đê nói riêng và người bản địa Tây Nguyên nói chung, yêu văn hóa vô cùng. Bạn thấy đấy, yêu thế nào mới bán trâu, bán lúa để lấy tiền mua ché, mua chiêng, mua các loại nhạc cụ để chơi chứ đâu phải là mua ô-tô hay xây biệt thự. Trong một gia đình Ê Đê, những tài sản được định là quý nhất là tài sản văn hóa…
Cái chất phiêu lãng của người Ê Đê thì có thể kể ra nhiều thứ, nhưng dân tộc tôi từ xưa có câu hát: “Uống rượu cần đến khi cạn/ Đánh chiêng đến khi già làng bắt ngừng chân tay”. Tôi là người Ê Đê, chắc chắn là tôi cũng vậy, nên mới dám cất lên lời “Hát giữa mọi người không ngại ngần”…
NHƯ “CHIM PHÍ BAY VỀ CỘI NGUỒN”
Đường đời của Y Phôn cũng nhiều bước chông chênh, chông chênh nhưng phiêu du như âm nhạc của anh. Anh yêu chim Phí, loài chim mảnh mai, gầy nhỏ, không bay theo đàn rợp trời mà thường lẻ loi. Một nét thuộc tính của loài chim này là ở nơi nào nó sống là ở đó có không gian thuần khiết, an lành. Y Phôn kể, năm 1983, anh được gọi vào học Khoa Thanh nhạc - Trường Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Tốt nghiệp, anh về lại Dlei Yơng, Ea Hleo. Đã có những tháng ngày Y Phôn sống trong tuyệt vọng, chán nản khi phải bỏ đại học, về nhà nuôi mẹ già, cha yếu, lo cho em gái và hai cháu nhỏ khi chồng em bỏ đi. Anh trở thành chàng trai nương rẫy từ năm 1988 đến năm 1990, với đôi tay chai sần nhưng tình yêu âm nhạc vẫn cháy bỏng bên trong tâm hồn chàng nông phu Ê Đê. Năm 1990, anh nhận công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện nhà. Năm 1992, tỉnh Đắk Lắk mở trại sáng tác âm nhạc, anh được mời tham gia khi đã có ca khúc đầu tiên “Ru mùa lúa chín”, viết bằng tiếng Ê Đê. Tại trại này, lần đầu tiên “Chim Phí bay về cội nguồn” của chàng trai Y Phôn chưa ai biết tới được NSND Y Moan hát lên với giai điệu và ca từ đẹp đến ngỡ ngàng: “Mẹ trồng cây che gió đưa/ Mẹ trồng cây che gió mưa/…Chim Phí bay ngang qua bầu trời/ Chim Phí vẫn bay về cội nguồn/ Bay về vầng trăng soi/ Ô ồ ô hố…”. Mọi người sửng sốt. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng phải thốt lên: “Y Phôn ơi, tôi nghĩ là cậu chỉ được bài này thôi, đỉnh rồi…”.
- Hoàn cảnh bức bách cũng đã góp phần thôi thúc cho quá trình sáng tạo, đúng không Y Phôn? Bởi sau đó, những ca khúc “Đi tìm lời ru Mặt Trời”, “Đôi chân trần”, “Chiếc gùi”, “Người đà bà trở về một mình”, hay “Hoang sơ lời kể khan”, “Tak tà đêm trăng” đã tiếp tục ra đời và tạo nên một tên tuổi Y Phôn không lẫn vào ai trong làng “tân nhạc” Tây Nguyên?
- Bạn nói đúng, hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống đời thường đã khiến cho con người mình không ngừng chông chênh, bất an và liên tục suy tư. Chính những nghiệm suy sâu sắc, hòa cùng dòng chảy miên man của văn hóa tộc người và những tác động của ngoại cảnh đã khiến con tim mình luôn luôn thổn thức. Những năm tháng ấy, tôi đã khát khao muốn tỏ bày, bộc lộ và chuyển tải những thông điệp mà với bản thân mình chỉ có một phương thức duy nhất là âm nhạc. Qua những bài hát, tôi muốn thể hiện những tư tưởng, cảm xúc của mình từ số phận cá nhân, gia đình đến số phận tộc người, xứ sở. Có lẽ vậy mà trong âm nhạc của tôi có sự hòa quyện cảm xúc riêng, chung.
Ví như, bài hát “Đôi chân trần”. Trong một buổi cuối chiều, tôi cùng cố NSND Y Moan, ca sĩ Y Zắk và mọi người về vùng sâu lưu diễn, trên đường đi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông cao tuổi đầu trần, chân đất, lưng mang gùi, tay cầm xà gạt lững thững về buôn. Cảm xúc trong tôi trỗi dậy, những giai điệu cất lên tự nhiên khi liên tưởng về người cha thân yêu của mình, người đã vượt bao gian khó để nuôi anh em tôi lớn lên bằng những yêu thương đơn sơ: “Cha đi lượm quả ngọt rừng cho con đỡ đói qua đêm/…Cha đi lượm từng hạt thóc cho con một bữa cơm chiều…”.
Hay bài hát “Cô gái trở về một mình”. Hình ảnh trực cảm chính là em gái tôi, người phụ nữ bị chồng bỏ, sống thui thủi với một nách hai con thơ dại. Nghĩ về em và biết bao người em gái tôi biết, tôi thương, tôi đã cất lên lời hát nghẹn ngào: “Cô gái trở về một mình, về với ngọn núi xa xăm/ Cô gái trở về một mình, về với ngọn thác xô bờ/ Cô gái cúi đầu bằng giọt nước mắt, đôi tay trần đếm từng sợi tóc, ánh mắt nhìn cánh chim bay…”. Lời bài hát “Đi tìm nữ thần Mặt Trời” cũng xuất phát từ hình ảnh mẹ tôi, một amí hiền lành nhưng ẩn chứa tất cả những gì tôi có hôm nay về cảm thức theo dòng mẫu hệ…
Đó là lời mà Y Phôn nói, nhưng tôi lại “nhìn” người nhạc sĩ nổi tiếng nhưng khiêm nhường này theo một chiều kích khác. Y Phôn - “phù thủy ca từ” đã biến cảm quan riêng tư khái quát lên những thông điệp cao hơn, sâu sắc hơn nhiều, đó là tiếng nói thiết tha, khắc khoải của những tộc người giữa rừng xanh, núi đỏ. Từ âm nhạc Y Phôn, tôi cảm nhận, con người ta sống có ý nghĩa hơn khi đối diện với niềm cô đơn hướng thượng. Trong dòng chảy miên viễn của thời gian, cảm thức về một cội nguồn hoang sơ sẽ cất lên tiếng nói. Khi “Cô gái trở về một mình”, cô sẽ gặp chính nguyên bản thuần phác của mình. Nghe Y Phôn hát “Đi tìm lời ru Mặt Trời”, tôi ngờ ngợ như anh đang là kẻ lãng du độc hành về miền ký ức để được hòa cảm trong tiếng thở của đất đai, rừng núi tổ tiên, được đồng vọng cùng ý niệm phục sinh và mơ tưởng. Tôi biết, người nghệ sĩ như loài chím Phí ấy không tìm gì ngoài dấu chân cha ông, tìm lại cảm xúc nguyên sơ trong câu hát ngày xưa. “Tôi như giọt mưa không có lời”, giọt mưa ấy chỉ tí tách những giai điệu hồn nhiên của nó, nhưng đó là tố chất nguyên sơ của âm nhạc, cũng là sự thuần phác của cội nguồn tâm tưởng…
- Âm nhạc, tận cùng của nó là sự vô ngôn, đúng không Y Phôn Ksor?
- Vâng, đúng, tận cùng của nghệ thuật, của âm nhạc là sự vô ngôn. Có những buổi chiều, tôi bỏ phố về buôn, một mình vào rừng sâu Dlei Yơng và thấy âm nhạc của tự nhiên cất lên, những bản nhạc không lời của cây cối, của ếch nhái, côn trùng, tiếng gió vi vu, tiếng những con thú đi hoang và đâu đó giọng chim hót trên bầu trời cô quạnh. Với tôi, đó là thứ âm nhạc có sức lay động nhất, trong đó đã hàm chứa mọi cung bậc cảm xúc. Tôi từng muốn ngủ quên trong những giai điệu hoang liêu thăm thẳm ấy!...
* * *
Y Phôn nói với tôi, “sống” Tây Nguyên thì mới viết ra thật Tây Nguyên, còn chỉ “diễn” Tây Nguyên thì sẽ không thành. Ý anh là nói đến những cuộc rong chơi âm nhạc của nhiều người khi qua miền đất lạ. Y Phôn cũng nói, khi anh đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia, trở thành người “có học” trong âm nhạc rồi thì lại thấy, con đường đi đến thành công trong âm nhạc lại chính là đường về nhà mình. Khao khát của anh, cho đến giờ này vẫn là được trở về với buôn làng, được ăn ngủ cùng khe suối, núi rừng Ea Hleo để rồi ký thác tình yêu ấy vào từng khuông nhạc. Tôi đồng tình cùng Y Phôn Ksor, học để biết, để có kiến thức cao hơn nhưng nhiều khi nghệ thuật đích thực lại tìm đến với chủ thể sáng tạo từ một ngọn gió vô định thổi ngang qua tâm hồn.
Cảm xúc và suy tưởng Y Phôn chân thật nhất khi: “Một mình lang thang trên đất này/ Theo dấu chân cha ông từng ngày/ Một mình qua sông quan núi đồi/ Tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời…”. Bởi vậy mà tôi hằng mong, sẽ vẫn là một Y Phôn, không lạc vào ai khác. Một Y Phôn chớp bắt được những đồng vọng ký ức văn hóa tộc người vào dòng cảm thức âm nhạc của mình…
UÔNG THÁI BIỂU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin