“Xoang là điệu múa mang tính cộng đồng và ai cũng có thể tham gia. Ở đâu có lễ hội và tiếng cồng chiêng vang lên là ở đó có điệu múa xoang. Tuy không mở trường lớp nhưng chúng tôi luôn quan tâm truyền dạy nghệ thuật múa xoang cho thế hệ trẻ” - đó là những tâm tình của chị Ka Hái - Đội trưởng Đội Múa xoang tại buôn Con Ó (nay là Thôn 8, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh).
|
Những điệu múa xoang được các mẹ, các chị buôn Con Ó biểu diễn tại đêm giao lưu |
Dưới ngọn lửa bập bùng của buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, đội cồng chiêng, múa xoang trong buôn Con Ó tất thảy đều hăng say bên những điệu chiêng, điệu múa. Khi tấu khúc kết thúc, những người thưởng lãm vẫn chưa thôi ngẩn ngơ trước những tinh hoa văn hóa dân tộc vừa được tái hiện từ đôi bàn tay và nhịp bước của người Mạ nói riêng, cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên nói chung.
Chuếnh choáng trong men của rượu cần, lặng nghe âm thanh du dương của những khúc tấu cồng chiêng vang vọng khắp đại ngàn mênh mông, lúc này đây, yểu điệu trong trang phục truyền thống của người Mạ là những tốp mẹ, tốp chị nắm chặt tay nhau để múa lên những điệu xoang uyển chuyển, độc đáo.
Hơn 30 năm gắn bó với điệu múa xoang mang đậm bản sắc của người đồng bào dân tộc Mạ, chị Ka Hái - Đội trưởng Đội Múa xoang buôn Con Ó tâm sự rằng, từ nhỏ, chị đã mê điệu xoang dập dìu nên thường theo mẹ đến các lễ hội trong buôn để quan sát rồi tự học theo. Năm lên 10, ngoài các nhịp xoang quen thuộc như Đón khách, Mừng lúa mới…, chị còn thuộc lòng những bài múa trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày như gieo hạt, trỉa lúa, làm cỏ… “Với bản thân tôi, điệu xoang uyển chuyển, mượt mà đã tôn thêm vẻ đẹp chắc khỏe, giỏi giang của phụ nữ Mạ”, chị Ka Hái nói.
Dù được diễn ra trong những dịp khác nhau, nhưng mỗi một động tác đều trực tiếp hay gián tiếp mô phỏng diễn tả, tái hiện đời sống sinh hoạt sản xuất hàng ngày của bà con. Từ các hoạt động đi, đứng cho đến sắc thái tình cảm yêu thương, giận hờn đều được đưa vào điệu múa xoang trong những cuộc vui. Chị Ka Hái cho hay: “Kỹ thuật múa xoang không khó nhưng đòi hỏi người tập phải tập trung cao độ, biết cảm âm, kết hợp nhịp nhàng giữa múa xoang và giai điệu ngân vang của cồng chiêng. Từ 4 động tác múa xoang cơ bản là vỗ tay, đưa tay ra sau, chống hai tay bên hông rồi nhún lần lượt qua trái, qua phải và tiếp tục đưa tay theo điệu tấu nhịp nhàng của cồng chiêng. Tùy theo từng dịp, từng lễ hội khác nhau mà sắc thái các bài múa xoang sẽ thay đổi từ nhẹ nhàng, uyển chuyển sang nhiệt tình, hồ hởi hay đôi khi là trầm lắng, u buồn…”.
Nắm chặt đôi bàn tay các mẹ, các chị để hòa mình cùng nhịp xoang, chị Ka Miễu hào hứng nói: “Ngày xưa, mình chỉ đứng bên ngoài xem các cô múa và thấy mê lắm. Dần sau này, khi được tiếp cận và học nên mình hiểu rằng, khi múa xoang thì phải chuyển động thân hình theo nhịp cồng chiêng, di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng trong đội hình đồng điệu. Nếu nắm những bước cơ bản này sẽ rất dễ để học múa xoang”.
Năm tháng cứ thế trôi qua, người đồng bào DTTS trên địa bàn xã Mỹ Đức nói riêng và toàn huyện Đạ Tẻh nói chung vẫn ngày đêm lưu giữ điệu múa xoang hay tiếng ngân vang cồng chiêng truyền thống của dân tộc. Và rồi như một cách duy trì, phát huy hiệu quả văn hóa đó, chính quyền địa phương đã thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và Múa xoang Con Ó vào năm 2022.
Ông K’Túc - Trưởng thôn, bộc bạch: “Mặc dù thời gian thành lập Câu lạc bộ chưa lâu, song trước đó người dân trong buôn đã cùng nhau lưu giữ bằng cách gặp gỡ và tập luyện cùng nhau vào các dịp cuối tuần, hoặc thời điểm chưa bước vào mùa hái cà phê. Chính vì sợ văn hóa của dân tộc mình bị mai một theo thời gian nên bản thân những người uy tín, hay già làng đều thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong buôn phải cố gắng giữ gìn tiếng chiêng, nhịp xoang. Và điều tôi vui mừng nhất là bên cạnh mình còn có các ông, các bà, các mẹ luôn tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ”.
Theo UBND huyện Đạ Tẻh, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, những năm qua, từ già làng, trưởng thôn đến các nghệ nhân luôn tích cực duy trì việc tổ chức lễ hội và chăm lo truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho đội cồng chiêng tham gia các hội thi, hội diễn, khuyến khích bà con gìn giữ các điệu xoang truyền thống, huyện còn mở thêm nhiều lớp tập huấn, truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thanh niên. Hàng năm, địa phương đều tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ để “truyền lửa” cho thế hệ kế cận.
HƯƠNG LY - THÂN HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin