Có một người cựu binh Mỹ đã dành phần đời còn lại của mình để làm một công việc rất đỗi thầm lặng nhưng cũng rất ý nghĩa: Dịch thơ ca Việt Nam sang tiếng Anh, đưa thơ ca Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung đến gần hơn với công chúng Mỹ, cũng như với bạn đọc toàn cầu. Ông là Giáo sư - dịch giả Bruce Weigl - một “đại sứ văn hóa” Việt - Mỹ đáng kính.
Giáo sư - dịch giả, nhà thơ Bruce Weigl và tác giả tại Nhà Sáng tác Đà Lạt vào cuối tháng 3/2022 |
Mới đây, tôi may mắn gặp nhà thơ - dịch giả - Giáo sư người Mỹ Bruce Weigl. Ấy là khi ông được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh mời nói chuyện, trao đổi về nghề viết tại Trại sáng tác trẻ do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà Sáng tác Đà Lạt. Đây là buổi đầu tiên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu giữa hội viên trẻ với chuyên gia nước ngoài, cũng là lần đầu tiên Hội tổ chức Trại sáng tác dành cho những người trẻ - lứa nhà văn 8X. Qua lời giới thiệu “nửa mở, nửa đóng” của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng trại viết trẻ, tôi càng tò mò muốn tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn về vị giáo sư - dịch giả nổi tiếng và đáng kính này.
Được biết, Giáo sư - dịch giả Bruce Weigl từng là một cựu binh Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam vào năm 1967. 25 năm qua, ông được biết đến với tư cách là một “Đại sứ văn hóa” Việt - Mỹ. Bởi lẽ, ông là một trong số rất ít người đã dành nhiều tâm huyết và thời gian làm công việc thầm lặng, đó là: dịch thơ Việt Nam sang tiếng Anh và phổ biến rộng rãi để bạn đọc Mỹ cũng như bạn đọc nhiều nước trên thế giới có thể hiểu hơn về quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Ông không chỉ là giáo sư đáng kính giảng dạy đại học tại Mỹ, mà còn là tác giả của tập thơ “Sau mưa thôi nã đạn” (Nguyễn Phan Quế Mai dịch ra tiếng Việt) và tập hồi kí “Vòng tròn của Hạnh” - viết về con gái nuôi người Việt của mình thật nhân văn và tuyệt vời.
Với tôi, được chứng kiến và nghe Giáo sư - dịch giả Bruce Weigl nói chuyện về thơ và dịch thơ Việt sang tiếng Anh quả là điều thú vị! Thú vị ở chỗ, ông rất đam mê, yêu thích và khá am tường về thơ ca. Ông quan niệm và nhận định về thơ ca với một tầm nhìn rất biện chứng, sắc sảo và khoa học. Theo ông, thơ ca là một dạng cảm xúc có kỷ luật, được nâng lên ở tầm nghệ thuật trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc sống. Vấn đề ở đây là chủ thể sáng tạo phải nhìn thật sâu vào khoảnh khắc đó để sáng tạo nên những tác phẩm thơ ca có giá trị. Ông yêu thơ ca và chính thơ ca đã “cứu rỗi” tâm hồn ông - như cách ông vẫn thường nói với mọi người. Thông qua thơ ca, ông có thể diễn tả một cách chân thực nhất về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, mà ông là người đã một thời từng cầm súng... Giáo sư - dịch giả Bruce Weigl cho rằng, điều tuyệt vời của thi ca là ở chỗ, tuy chỉ nói đến một khía cạnh nhỏ của cuộc sống, nhưng kỳ thực lại không nhỏ một chút nào! Thơ ca gián tiếp đề cập đến một vấn đề lớn của xã hội và mang tính khái quát cao. Đấy chính là đặc trưng nổi bật của thơ ca. Theo ông, điều khó khăn nhất hiện nay là dịch thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Muốn làm được và làm tốt điều này phải có kiến thức nhất định và phải hiểu về văn hóa Việt Nam, phải đưa vào ngữ cảnh cụ thể của bài thơ để có thể dịch thơ sao cho thật sát đúng và chuẩn xác nhất. Ông cũng chân thành khuyên các cây bút trẻ dự trại viết của TP Hồ Chí Minh rằng, đối với những người sáng tác trẻ là phải mang những điều mới mẻ và cả những độc giả mới vào thơ ca. Có như vậy, thơ ca mới thực sự tươi mới, cuốn hút người nghe, người đọc và tồn tại mãi với thời gian.
Qua tìm hiểu, tôi khá bất ngờ khi được biết Giáo sư - dịch giả - nhà thơ Bruce Weigl bắt đầu công việc dịch thơ Việt sang tiếng Anh từ cách đây khá lâu với xuất phát điểm là những tập thơ Việt từ thế kỷ X. Theo ông, thơ Việt có từ rất sớm và rất hay sau khi nghiên cứu, tìm hiểu một cách nghiêm túc về nó. Vì vậy, ông dành khá nhiều thời gian còn lại của đời mình cho công việc dịch thuật thầm lặng này. Tính đến nay, Giáo sư - dịch giả Bruce Weigl đã dịch, in ấn và công bố được hơn 20 cuốn sách thơ Việt bằng tiếng Anh. Đây cũng chính là tâm nguyện mà người cựu binh Mỹ này muốn dành cho đất nước Việt Nam. Ông nói rằng, ông rất hối hận vì đã tham gia cuộc chiến tại Việt Nam... Vì vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, ông muốn làm một điều gì đó như để “trả nợ” đất nước này. Và rồi, ông cũng đã làm được 2 điều cho Việt Nam đó là: Nhận một người con gái nuôi người Việt tên Hạnh để chăm sóc và giúp đỡ về mọi mặt (Nhân vật chính trong tập hồi kí “Vòng tròn của Hạnh” của ông) và làm một dịch giả - “sứ giả văn hóa” để đưa thơ ca Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung đến gần hơn với công chúng Mỹ, cũng như với bạn đọc toàn cầu.
LÊ TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin