Bảo tồn và phát triển giá trị thương hiệu thành phố Festival Hoa Đà Lạt và phong cách con người Đà Lạt

PHẠM S 16:35, 06/01/2023

(LĐ online) - Mỗi vị trí địa lý trên trái đất này được hình thành ngẫu nhiên của hiện tượng tự nhiên trong quá trình hình thành trái đất trong vũ trụ; song có lẽ như hiện tượng nhiên đã sắp sẵn cho thành phố Đà Lạt, quá trình hình thành trái đất đã tạo cho Đà Lạt có độ cao khác biệt ở Đông Dương, có địa hình, khí hậu, cảnh quan và đa dạng sinh học ngay trong vùng nhiệt đới, do đó có một nét rất riêng tầm quốc gia và quốc tế. 

 

Sắc màu đêm khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX
Sắc màu đêm khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX

 

Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây những báu vật vô cùng quý giá khó có một nơi nào sánh được, như một bảo tàng thiên nhiên đầy kỳ thú; cho khí hậu mát mẻ trong lành như sống giữa rừng sâu; cho phong cảnh tuyệt vời, nét đẹp nên thơ, nhìn đâu cũng đẹp bất ngờ; cho nhiều hồ cảnh quan thơ mộng làm cho tâm hồn hướng đến những gì tốt đẹp nhất, cho nhiều thác nước trữ tình, làm lòng người như bị níu giữ và từ đó mà thả tâm hồn nhẹ nhàng và sáng tạo. Tất cả những gam sáng đầy sắc màu của thiên nhiên kỳ thú đã làm cho lòng người man mác nhớ nhung khi đặt chân đến vùng đất diệu kỳ này; bởi vì Đà Lạt là vùng đất tình người, vùng đất của báu vật thiên nhiên.

Yếu tố cảnh quan do hoa mang lại mà tất cả du khách phải động cảm; một điều rất thú vị ở Đà lạt du khách có thể nhìn thấy hoa khắp mọi nơi ở thành phố này; hoa rất đa dạng ở các đường phố, mỗi đường phố được trồng các lại hoa riêng để tạo điểm nhấn như: mai anh đào ở đường Hùng Vương; hoa mimosa ở đèo mimosa; hoa ban ở đường Trần Phú, đường Quang Trung; hoa hồng trồng ở đường 3/4, đường Hồ Tùng Mậu, đường phố cửa ngõ vào nội thành Đà Lạt; hoa trồng ở các sân vườn các cơ quan công sở, các doanh nghiệp; hoa trồng trang trí để ngắm nhìn thư giản cho các chủ nhận ở từng gia đình sau giờ làm việc; hoa trang trí làm đẹp hầu hết ở các nhà hàng, quán cà phê; hoa trồng thương mại ở các trang trại nông nghiệp. Hoa còn xuất hiện như khoe sắc ở ngay những cánh rừng tự nhiên như muốn nói lên với du khách nơi đây có tính đa dạng sinh học cao, hay hoa xuất hiện ngay hai bên khu đất hành lang quốc lộ 27, 20 và 28 ở các cửa ngõ vào Đà Lạt như báo hiệu hết mùa mưa như hoa dã qùy vàng. 

Đặc biệt, hoa là sản phẩm không thể thiếu được do các chủ trang trại du lịch canh nông luôn đầu tư trồng nhiều, khai thác trồng hoa theo từng chủ đề để làm tăng sự hài lòng du khách; hoa có ngàn loài ở vườn hoa Đà Lạt mà không nơi nào ở Việt Nam có được, điều đó cho thấy Đà Lạt là thiên đường hoa, Đà Lạt là thành phố ngàn hoa.

FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT LÀ SỰ KIỆN VĂN HOÁ, DU LỊCH TẦM CỠ QUỐC GIA VÀ ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

Nhằm khai thác lợi thế tiềm năng lợi thế của Đà Lạt, nhân kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; năm 2003 tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức sự kiện văn hóa - du lịch rất hoành tráng, trong đó có các hoạt động quảng bá, giới thiệu và thu hút đầu tư ngành hoa; sự kiện này được xem như sự kiện khởi đầu cho các lễ hội hoa hôm nay. Từ kết quả sự kiện văn hóa chào mừng Đà Lạt 110 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt tiếp tục tổ chức sự kiện Lễ hội sắc hoa Đà Lạt 2004. Trên cơ sở thành công lễ hội sắc hoa Đà Lạt 2004, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tổ chức Festival hoa Đà Lạt lần thứ nhất vào năm 2005 và tiếp tục tổ chức các Festival hoa Đà Lạt lần thứ hai năm 2007; đến năm 2009 Đà Lạt là thành phố duy nhất ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đà Lạt là thành phố Festival hoa tại Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 10/6/2009 và từ đó cứ 2 năm một lần Festival hoa Đà Lạt được tổ chức. Đến năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thành công Festival hoa Đà Lạt lần thứ tám. Năm 2021, do tình hình đại dịch Covid-19, vì vậy không tổ chức Festival hoa, do đó tổ chức Festival hoa Đà Lạt lần thứ chín vào năm 2022, Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX – năm 2022 có 9 chương trình chính và nhiều chương trình hưởng ứng được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội kéo dài từ 1/11/2022 đến 31/ 12/2022, có nhiều đổi mới, sáng tạo và nhiều hoạt động ấn tượng. Có thể nói, Festival hoa Đà Lạt là sự kiện văn hoá du lịch tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.

PHONG CÁCH NGƯỜI ĐÀ LẠT  - TÀI SẢN VÔ CÙNG QUÝ GIÁ 

Theo Địa chí Đà Lạt, do nhiều biến đổi lịch sử, dân số Đà Lạt có sự biến động rất lớn trong từng giai đoạn; tuy nhiên với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ sau một thời gian ngắn, dân số Đà Lạt tăng lên đáng kể, năm 1923 là 1.500 người, sau đó hai năm tăng lên 2.400 người và đến năm 1939 là 11.500 người. Chỉ trong vòng hơn hai năm từ 1954 đến 1956, dân số Đà Lạt đã tăng vọt từ trên 25.000 người lên 58.958 người, trong đó một bộ phận dân cư rất quan trọng bổ sung vào dân số Đà Lạt trong giai đoạn này là dòng người di cư từ miền Bắc vào theo chính sách di dân của chính quyền miền Nam, cùng với làn sóng người miền Trung đến lập nghiệp, đây là lần biến động dân cư cực lớn nhất trong các giai đoạn trước đó, chỉ trong vòng 2 năm dân số Đà Lạt tăng hơn 200%.

Trong những năm 1960, dân số Đà Lạt gia tăng điều hòa: từ 73.000 người năm 1965 lên 89.656 người năm 1970. Từ năm 1970 trở đi, bởi tình hình chiến sự ngày càng ác liệt nên cư dân Đà Lạt cũng có sự biến động đáng kể, đến năm 1975 dân số Đà Lạt chỉ còn 85.833 người.

Từ năm 1975 đến nay, địa giới hành chính thành phố Đà Lạt được mở rộng, nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập, kinh tế - xã hội phát triển nên có sự gia tăng dân số cơ học đáng kể. Năm 1981, dân số Đà Lạt tăng lên 98.437 người; năm 1990: 120.261 người; năm 1999 Đà Lạt là 160.663 người; đến năm 2007 là 197.000 người.  Sau 10 năm, đến cuối năm 2017: 226.978 người, năm 2018: 229.614 người; năm 2019: 227.002 người, năm 2020: 229.286 người; năm 2021: 231.334 người; năm 2022:  232.000 người và hàng năm Đà Lạt đón khoảng 5,5 - 6 triệu du khách.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, do nhiễm mặn và nước biển dâng sẽ làm xáo trộn cuộc sống người dân một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, do đó dự báo khoảng 15 - 20 năm nữa, có một bộ phận người dân các tỉnh miền Tây sẽ lên Đà Lạt sống, tuy nhiên luồng nhập cư lần này sẽ khác hoàn toàn dân cư các giai đoạn trước. Dân cư các giai đoạn trước vào Đà Lạt lúc bấy giờ đất rộng người thưa nên có điều kiện khai hoang lấy đất canh tác, giá trị đất nông nghiệp thấp có thể chuyển nhượng sản xuất nông nghiệp; còn thời điểm nhập cư hiện nay và tương lai khi Đà Lạt đang thiếu đất canh tác và giá nông nghiệp và đất ở cao, vì vậy những người đến Đà Lạt trong thời gian tới phải là những người có điều kiện kinh tế nhất định.

Thực tế cho thấy, người dân Đà Lạt là sự hội tụ từ mọi miền đất nước, điều kiện đến với Đà Lạt cũng khác nhau: có người do tinh thần yêu nước vào hoạt động cách mạng, có người đến từ làm công nhân từ các công trình, trang trại thời pháp, có người đi do khám phá vùng đất mới giàu tiềm năng, có người đi kiếm việc làm, có người do tổ chức phân công, có người đi lập nghiệp, song đều có điểm chung là tình yêu quê hương đất nước, yêu cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt, xem Đà Lạt là quê hương thứ hai của họ, họ chăm chỉ lao động sáng tạo, hòa quyện phong cách người Đà Lạt và cống hiến trong quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt.

Do đó người Đà Lạt có thể ở một số tỉnh thành khác ở phía Nam, chủ yếu thành phố Hồ Chí Minh, song rất ít ở các tỉnh và thành phố khác, song hầu như người dân 63 tỉnh thành trong cả nước đều có mặt ở Đà Lạt. Bởi vậy Đà Lạt là một trong những địa phương có rất nhiều hội đồng hương các tỉnh cũng là chuyện thường tình, trong khi đó đến nay chưa có hội đồng hương của Đà Lạt bất cứ nơi nào ở Việt Nam.

Từ đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa đến Trung tâm du lịch quốc gia và quôc tế trải qua biết bao thời gian là cả một quá trình biến động của lịch sử, đó là lý do tạo nên những dòng hợp cư đến với Đà Lạt. Vì lẽ đó, có thể nói, phong cách của người Đà Lạt là sự chắt lọc, quyện hòa giữa tính thật thà, hồn nhiên của người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên; với nét tế nhị, sâu sắc, trọng lễ nghĩa của người miền Bắc; vẻ suy tư, trầm mặc, cẩn trọng của người Thừa Thiên - Huế; tính cần cù, cương nghị của người Quảng Nam, Quảng Ngãi; sự chân thành, tìm tòi chịu khó, ham học hỏi của người Bình Định, Phú Yên; nét đôn hậu, phóng khoáng của người phương Nam; cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và tinh thần cầu tiến, không cố chấp của người Pháp, tất cả cư dân dù xuất phát nơi đâu song cùng đến với một nơi có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với khí trời se lạnh như đã cảm hoá tình người.

Từ sự hội tụ dân cư mọi miền đất nước, do đó những nét cơ bản và văn hóa ứng xử của con người Đà Lạt, được hình thành trên cơ sở hội tụ những gì tinh túy nhất của bản sắc văn hóa cư dân bản địa và các vùng miền Tổ quốc. Nói đến người Đà Lạt là nói đến phong cách đặc trưng: “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách”; đã đi vào văn học, nghệ thuật và là đề tài, nguồn cảm hứng không bao giờ cạn đối với văn nghệ sĩ. Phong cách đó đã lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước, góp phần làm nên một Đà Lạt đầy quyến rũ tình người.

Ngày 23/12/2022, tham dự Hội thảo Khoa học kết hợp triển lãm nghệ thuật với chủ đề: “Phát huy giá trị thương hiệu Thành phố Festival Hoa Đà Lạt và phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách”. Do UBND thành phố Đà Lạt phối hợp cùng Trường Đại học Đà Lạt và Chi nhánh Công ty TNHH Nghệ thuật số Bảy đồng tổ chức tại thành phố Đà Lạt. Kết quả Hội thảo được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Xin cảm ơn các nhà trí thức Pháp đã khéo léo sáng tạo tạo địa danh DALAT từ một câu cách ngôn bằng tiếng Latin “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem”có nghĩa là “cho người này niềm vui, cho người khác sự mát mẻ”; thật sự cảnh đẹp thiên nhiên đã đóng góp tạo nên nét đẹp hiền hòa của con người. Con người Đà Lạt vốn thanh lịch làm tô thêm vẻ đẹp của một thành phố ba thiên đường: thiên đường du lịch, thiên đường tình yêu và thiên đường nông nghiệp đã tạo nên nét riêng phong cách người Đà Lạt.

Nhắc đến người Đà Lạt là người ta nghĩ đến những con người hiền hòa, thanh lịch và mến khách. Cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên, chính phong cách của con người Đà Lạt là một trong những yếu tố quan trọng để xứ sở sương mù, thành phố ba thiên đường trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Trải qua các biến động của các nhóm dân cư qua quá trình hình thành, phát triển và chịu ảnh hưởng của các điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội..., có thể khẳng định những nét đặc trưng, là vẻ đẹp hiền hòa, thanh lịch, mến khách đã được nhiều người cảm nhận và đồng tình.

Trải qua hơn 130 năm quá trình hình thành và phát triển, thừa hưởng đặc thù về điều kiện tự nhiên và lịch sử, người Đà Lạt đã hình thành một phong cách rất riêng. Tiếp tục phát huy suốt chuỗi thời gian; mỗi một người dân của thành phố Đà Lạt với phong cách hiền hòa, thanh lịch, mến khách sẽ luôn là những hướng dẫn viên du lịch góp phần không nhỏ tạo dấu ấn riêng cho du lịch Đà Lạt.Phong cách và nét riêng ấy là tài sản vô cùng quý giá để người dân Đà Lạt luôn tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách trong nước và bạn bè quốc tế trong hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, họp tác đầu tư và du lịch.

Qua phân tích quá trình hình thành dân cư Đà Lạt, nhằm tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, phong cách người Đà Lạt, chúng tôi xin có một mong muốn: “Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống phong cách người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch, mến khách; đồng thời dù bạn ở đâu, đang làm gì nếu có ý định chọn Đà Lạt là quê hương thứ hai thì cũng phải hòa quyện phong cách người Đà Lạt”.

Đà Lạt là thành phố diệu kỳ bởi có khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng luôn quyến rũ tình người khi mới đến, khi đến muốn khám phá bao điều, khi về mà lòng luôn lưu luyến làm tâm hồn luôn nhung nhớ khó quên. Có thành phố nào mà đi chỗ nào cũng thấy đẹp, cho  niềm vui, đem yêu thương và cho sức khỏe mọi người; với đặc trưng “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” mà không gian nơi nào cũng luôn tươi đẹp, làm say đắm biết bao giới nghệ sỹ tài năng để sáng tạo nhiều tác phẩm hay làm lay động lòng người. Nhiều bộ phim mà đạo diễn tư duy sáng tạo để có phong cảnh đẹp nhất tạo giá trị cốt lõi cho bộ phim nhưng vô tình khiến khán giả xem phong cảnh Đà Lạt nhiều hơn cốt lõi của phim, Đà Lạt đã làm biết bao điều trăn trở của hàng ngàn nhà nhiếp ảnh đam mê, chụp rất nhiều hình song vẫn còn thơ thẩn, Đà Lạt là một trong ba thành phố ở Việt Nam có nhiều bài hát nhất bởi tình cảm yêu thương của các nhạc sỹ chuyên nghiệp và không chuyên dành cho Đà Lạt. Tài nguyên thiên nhiên và kiến trúc cảnh quan của Đà Lạt còn được xem là phần thưởng quý giá của bố mẹ dành cho con cái yêu thương cho đi tham quan, du lịch khi học giỏi hoặc khi công việc thành công.

Có thành phố nào đã tạo cho nhiều du khách luôn suy tư khám phá nhiều hơn khi chưa bước chân đến của mỗi chuyến đi đến Đà Lạt, bởi có bao điều bí ẩn nơi đây. Đà Lạt là thành phố mà hội tụ tất cả cư dân mọi miền đất nước trong quá trình hình thành và phát triển, nhờ đó đã tạo nên phong cách của người Đà Lạt rất riêng: hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Có thành phố nào ở Châu Á mà giống như phong cảnh ở Châu Âu đầy quyến rũ, khiến mọi người xao xuyến trong lòng khi mới đến. Đà Lạt có quốc lộ 27C là cung đường kết nối giữa hoa và biển đi ngang qua những cánh rừng già, hòa quyện trong mây và sương tạo nên nét riêng độc đáo vô cùng bởi cung đường di sản thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam…

Tất cả những sự kết hợp rất tinh tuý từ thiên nhiên, sự hội tụ cư dân từ mọi miền đất nước, sự giao thoa văn hoá của phương Đông và phương Tây cùng hoà quyện với khí hậu Đà Lạt đã kết tinh kỳ diệu từ đất lành, có tầm quan trọng lớn trong việc quy định tính tình người Đà Lạt. Đà Lạt một ngày như có bốn mùa, rất dễ chịu; đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, khí hậu và cảnh quan tạo nét du lịch rất riêng có tầm quốc gia và quốc tế. Những yếu tố đó ảnh hưởng tốt tới tinh thần, thái độ vui vẻ, cởi mở, hiếu khách của người Đà Lạt đã tạo nên phong cách người Đà Lạt: Hiền hoà, thanh lịch, mến khách; Festival hoa Đà Lạt là sự kiện văn hoá, du lịch tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế. Tất cả nhữg giá trị nhân văn đó được khẳng định. Do đó không chỉ người dân của Đà Lạt mà còn tất cả những người yêu Đà Lạt cần có những việc làm thiết thực với cái tâm: “tất cả vì Đà Lạt từ dư duy đến hành động” về: văn hoá, con người, môi trường, cảnh quan, kiến trúc, đối ngoại và hệ thống công trình hạ tầng xã hội… để bảo tồn và phát triển giá trị thương hiệu thành phố Festival hoa Đà Lạt và phong cách con người Đà Lạt tường tồn mãi mãi với thời gian.

                                                                                       PHẠM S

                                                             P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng