Kết quả bước đầu chuyển đổi số y tế

AN NHIÊN 08:26, 17/01/2023

Ngành Y tế Lâm Đồng đang từng bước phát triển nền y tế thông minh, hiện đại, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số lĩnh vực y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh là một trong những giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý, điều hành, cải cách hành chính tại các cơ sở y tế.

BVĐK Lâm Đồng hội chẩn ca bệnh qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với Trung tâm Y tế tuyến huyện
BVĐK Lâm Đồng hội chẩn ca bệnh qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với Trung tâm Y tế tuyến huyện

Điều dễ nhận thấy, trong công tác quản lý, Sở Y tế Lâm Đồng đã chủ động triển khai cho 24/24 đơn vị sử dụng eGov từ năm 2020. Năm 2022, triển khai ký số trên văn bản điện tử và đã thực hiện trên 95% văn bản đi tại Sở Y tế và trên 90% văn bản đi tại đơn vị trực thuộc, đem lại hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời tiết kiệm chi phí. 

Đối với hồ sơ sức khỏe điện tử, tỷ lệ tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn đạt trên 90% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ có thông tin được cập nhật đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế hiện tại tỉnh còn rất thấp tính trên số liệu hồ sơ đã tạo lập. Kế hoạch năm 2023 từng bước hoàn thiện nền tảng quản lý hồ sơ sức khỏe, triển khai đến người dân ứng dụng di động sổ sức khỏe điện tử. Mục tiêu đến hết năm 2023, có 100% người dân có thông tin khám, chữa bệnh BHYT tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử và sẵn sàng liên thông với các nền tảng ứng dụng do Bộ Y tế triển khai. 

Theo quy định của Bộ Y tế đến năm 2023 ít nhất 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thực hiện bệnh án điện tử, hướng tới mục tiêu từ năm 2024 -2028 tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Vì vậy, trong giai đoạn năm 2023 - 2024, Sở Y tế tỉnh xây dựng và triển khai hệ thống quản lý PACS (Dữ liệu chẩn đoán hình ảnh) tập trung, phục vụ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và tư vấn, hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa. Triển khai thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y tế Đơn Dương. Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 20% số bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy. 

Sở Y tế Lâm Đồng cũng đã đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức các cuộc họp chỉ đạo, họp giao ban, họp khẩn, hội chẩn khám, chữa bệnh ở các tuyến. Điểm nổi bật trong năm 2022 đã ký xác nhận được 2.852.005 mũi tiêm trên 307.499 đối tượng tiêm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được Bộ Y tế xác thực. Năm 2023, duy trì công tác cập nhật, xác minh mũi tiêm chủng COVID-19, làm sạch dữ liệu tiêm chủng, giúp cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác minh mũi tiêm. 
 
Qua đó, Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng làm sạch 242.064 đối tượng sai thông tin, đạt tỷ lệ 76% theo số liệu phần mềm tiêm chủng quốc gia. Bên cạnh đó, 100% các đơn vị khám, chữa bệnh trong ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai thực hiện liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT qua thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip. Mặt khác, Sở Y tế Lâm Đồng là đơn vị đầu tiên trong cả nước đề xuất Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số. Theo đó, bác sĩ, y sĩ có Chứng chỉ hành nghề mới được ký đơn thuốc điện tử liên thông lên hệ thống cho các nhà thuốc lấy xuống bán. Đến nay, ngành Y tế Lâm Đồng có 1.382 y, bác sĩ thì đã xin Ban Cơ yếu Chính phủ cấp được 846 chữ ký số - là đơn vị đầu tiên trong cả nước xin cấp sử dụng chữ ký chuyên dùng Chính phủ trong ký đơn thuốc điện tử; số còn lại đang trong quá trình xin cấp.

Hiện tại 100% đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh đã thực hiện liên thông 246.721 đơn thuốc điện tử sau 2 tháng triển khai. 

Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, năm 2022, ngành Y tế tỉnh được giao chỉ tiêu hơn 50% trên tổng lượt giao dịch. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 12/2022 mới đạt được hơn 6% (không tính thanh toán BHYT). Ngành Y tế tiếp tục thực hiện kế hoạch của tỉnh về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt 2021 - 2025 trên địa bàn Lâm Đồng. Riêng hệ thống trạm y tế đã triển khai tại 142/142 trạm, đạt tỷ lệ 100%; đảm bảo đạt mục tiêu trên 50% cơ sở y tế cấp xã, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng này. 

Bà Lưu Minh Nguyệt - Chánh Văn phòng Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số lĩnh vực y tế, nhu cầu khai thác tích hợp dữ liệu một cách nhất quán, như: khám, chữa bệnh của người dân, thanh toán BHYT, hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, báo cáo thống kê y tế… cần phải xây dựng một Kho Cơ sở dữ liệu tổng hợp và khai thác một cách nhất quán về chuyển đổi số một cách đồng bộ là xây dựng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Hệ thống quản lý điều hành y tế tập trung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Năm 2023, ngành Y tế tỉnh triển khai số hóa dữ liệu khám sức khỏe lái xe (Đề án 06) chia sẻ trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Ngành Y tế nỗ lực khắc phục những khó khăn như: Nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế; phần mềm nhiều chưa được liên thông dữ liệu; kinh phí để trang bị phần cứng (máy móc, trang thiết bị) và phần mềm sử dụng trong các hạng mục.