''Làng biệt thự''

PHONG VÂN 08:29, 17/01/2023

Ký ức về những ngày tháng đói giáp hạt của người đồng bào dân tộc K’Ho ở Thôn 1, hay còn gọi là buôn B’su Lạch (xã Tân Lâm, huyện Di Linh) đã là quá khứ. Những ngôi nhà tạm bợ nay cũng không còn. Giờ đây, bộ mặt của buôn đã đổi khác, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên ngày càng nhiều, hầu như nhà nào cũng có ô tô, máy kéo để phục vụ đi lại và sản xuất. 

Đời sống của bà con buôn B’su Lạch ngày càng khá và giàu nhờ chăm chỉ làm ăn
Đời sống của bà con buôn B’su Lạch ngày càng khá và giàu nhờ chăm chỉ làm ăn

VƯỢT QUA GIAN KHÓ
Tôi đến buôn B’su Lạch giữa mùa cà phê chín, khi người dân đang tất bật với công việc thu hoạch, cà phê phơi kín sân. Trước ngôi biệt thự rộng rãi, khang trang của gia đình, già K’Pier (69 tuổi) nhớ lại: “Vào những năm 1963 khi chỉ là một cậu bé 9 tuổi tôi lẽo đẽo theo cha mẹ quanh quẩn tận núi sâu Sà Lùng (xã Đinh Trang Hoà). Để có cái ăn, tôi theo cha mẹ đi hết đồi núi này đến đồi núi khác làm rẫy, khai phá được khoảnh đất nào lại tỉa bắp, trồng lúa đồi”. 
Sau giải phóng, cán bộ Nhà nước vào tuyên truyền, vận động bà con ra khỏi rừng sâu, di dời về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn để làm ăn, sinh sống. Từ đó, các nhóm hộ chia nhau tìm nơi định cư, làm ăn, từng nhóm một định cư và đặt tên buôn làng mình theo tên địa danh nơi mình sinh sống xưa kia như: B’Su Bla, B’Su Blach, B’Su Pia… Và, cư dân B’su Lạch vào vùng đất Tân Thượng (nay là Tân Lâm) để định cư. 
Khi ấy, cuộc sống người dân mới về chỉ dựa vào một vụ lúa rẫy và sắn. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5 triệu đồng/người/năm, 100% số hộ là hộ nghèo. Ông K’Bần - Trưởng buôn B’su Lạch cho hay, vào những năm 1987, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương chuyển từ trồng lúa bắp sang trồng cà phê, người dân nơi đây đồng loạt hưởng ứng, với hi vọng nhờ cây trồng mới này họ sẽ có cuộc sống đủ đầy hơn. Đặc biệt, khi làn sóng dân kinh tế mới nổi lên, nhiều người từ khắp nơi đổ về đây, thì bà con mới học được cách trồng - chăm sóc, làm sao để cây cà phê lớn nhanh và đạt năng suất cao. Năm 1991, cà phê cho thu hoạch vụ đầu, nhận thấy vùng đất phù hợp với loại cây trồng này, bà con dần mở rộng diện tích. Nhanh nhạy nắm bắt thị trường, bà con buôn B’su Lạch trồng xen các loại cây ăn quả và cây mắc ca để tăng thu nhập. Trung bình mỗi nhà 2 - 3 ha đất trồng cây cà phê xen cây ăn quả. Nhà thu nhập thấp nhất cũng khoảng 200 triệu đồng, nhiều nhà thu 600 - 700 triệu đồng/năm. Nhờ đó, người người ấm no, nhà nhà khấm khá. 
CUỘC SỐNG ẤM NO, ĐỦ ĐẦY
Dù đang vào vụ thu hoạch cà phê nhưng gia đình anh K’Thành vẫn quyết định khởi công xây dựng ngôi nhà với diện tích gần 90 m2, với mong muốn gia đình sẽ được vào ở trong căn nhà mới vào dịp Tết sắp tới. Căn nhà giá trị hơn 600 triệu đồng là thành quả chăm chỉ, cần cù lao động của vợ chồng anh Thành suốt bao năm qua. Anh K’Thành chia sẻ: “Vợ chồng mình có 2 ha đất trồng cà phê. Trước đây, nhiều người nói muốn có nhà cửa to phải bán đất, nhưng mình quyết tâm giữ đất của cha mẹ để lại và học hỏi người Kinh làm kinh tế. Trên diện tích vườn nhà, mình trồng cà phê, trồng xen cây bơ, mắc ca, sầu riêng. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, mình còn trồng xen cây ngắn ngày như rau, dưa leo, bí đỏ, bắp… Mùa nào thức đó, lấy ngắn nuôi dài, có vụ còn kiếm được cả trăm triệu đồng từ dưa leo. Nhờ tích luỹ làm ăn, cuối cùng gia đình cũng có căn nhà khang trang để ở”.
Gia đình anh K’Thành chỉ là một trong rất nhiều hộ dân khá giả, xây nhà, tậu xe trong buôn B’su Lạch, bởi trong buôn giờ đây đã không còn hộ nghèo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, những năm gần đây hầu như nhà nào cũng thu hoạch trung bình mỗi năm từ 5 - 20 tấn cà phê trở lên, hộ nào cũng có 1 - 2 chiếc máy cày, máy kéo để phục vụ cho việc vận chuyển nông sản. Không những thế, trong buôn nhiều nhà cũng đã sắm ô tô. Đến nay, tiện nghi sinh hoạt của nhiều hộ không kém gì người dân phố thị. Kinh tế phát triển, họ tập trung đầu tư cho con cái học hành. Bà con cũng sẵn sàng đóng góp xây dựng nông thôn mới, làm đường bê tông để di chuyển thuận tiện hơn.
Bộ mặt thôn bản đã có sự thay đổi lớn đến bất ngờ. Bên cạnh việc phát triển đời sống kinh tế, bà con cũng không quên việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào mình.
Già làng K’Rê tự hào: “Ngày xưa, đến cả chiếc khố để mặc còn phải chia nhau, nay đời sống khác nhiều lắm, gạo, muối, áo quần, xe cộ đều đủ cả… Già cảm thấy rất vui và tự hào bởi buôn làng đã thay da đổi thịt, kinh tế, an ninh trật tự đều ổn định hơn. Cuộc đời già như thế này là quá mãn nguyện rồi…”. 
Ông Phạm Ngọc Hậu - Bí thư Đảng ủy xã Tân Lâm cho biết, buôn B’su Lạch hiện có 180 hộ với 766 nhân khẩu, nhờ chịu khó làm ăn và biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cà phê, sầu riêng, bơ nên đời sống của người dân ngày một khá giả, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong buôn vào năm 2021 là 54 triệu đồng/người/năm. 
Hiện nay, thôn không còn hộ nghèo, các hộ khá giả ngày càng tăng. Trong số hơn 180 hộ của buôn, 2/3 là những hộ khá và giàu. Cùng với kinh tế, đời sống văn hóa, giáo dục của người dân buôn B’su Lạch cũng có nhiều khởi sắc. Nhờ đó, buôn B’su Lạch vinh dự được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Di Linh lựa chọn xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu năm 2022.