Năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã triển khai thực hiện tốt hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, công tác chuyển đổi số - nội dung cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh trên phạm vi toàn tỉnh, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trung tâm Điều hành thông minh huyện Đạ Tẻh vừa chính thức vận hành vào tháng 12/2022. |
Ở lĩnh vực bưu chính - viễn thông, ngành đã triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP 3 sao trở lên lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) postmart.vn và voso.vn. Đây là nền tảng cơ bản để phát triển TMĐT trong chiến lược cấp quốc gia đầu tiên của lĩnh vực bưu chính, là định hướng để bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số, đặc biệt là của TMĐT thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số. Thực hiện đo lường và công bố công khai chất lượng dịch vụ chuyển phát của các doanh nghiệp bưu chính để tạo động lực thi đua, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tăng cường số lượng kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bưu chính để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm và công bố công khai hình thức, kết quả xử lý.
Xây dựng và triển khai kế hoạch về phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 -2025. Đến nay, đã phủ sóng di động đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 99 %; phát triển thêm 70 vị trí cột thu phát sóng di động các khu vực sóng yếu, vùng lõm sóng ở khu dân cư vùng sâu, vùng xa; hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhà mạng Viettel phát triển thí điểm mạng di động 5G. Triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, truyền hình tại các nút giao thông, các tuyến đường chính trong TP Đà Lạt và chỉnh trang, căng gọn cáp đảm bảo mỹ quan đô thị phục vụ Festival Hoa. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xử lý thuê bao quảng cáo, rao vặt sai quy định trên địa bàn tỉnh; phát triển mở rộng mạng lưới hạ tầng viễn thông xây dựng trạm thu phát sóng khắc phục các khu vực sóng yếu, vùng lõm sóng.
Đối với lĩnh vực chuyển đổi số và chính quyền số, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất sử dụng chung 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo công tác quản lý và điều hành qua môi trường mạng; duy trì hệ thống mạng CAMPUS Trung tâm Hành chính tỉnh tập trung hoạt động ổn định; hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh; hình thành nền tảng họp trực tuyến… Công nghệ số đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong một số ngành, lĩnh vực như: Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp...
Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 12 nền tảng số như: địa chỉ số; bản đồ số (CSDL đất đai); tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; dạy học trực tuyến; hóa đơn điện tử; truy xuất nguồn gốc nông sản; trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC)…
Nhân lực chuyển đổi số cũng được ngành triển khai với kết quả tích cực với Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tới đơn vị cấp xã 142/142 tổ.
Vấn đề an toàn an ninh mạng được tỉnh Lâm Đồng phân loại, xác định, phê duyệt cấp độ an toàn các hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ cho 8 hệ thống thông tin có quy mô lớn của tỉnh. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Lâm Đồng có trang thiết bị tương đối hiện đại, thiết bị an toàn thông tin hoạt động tốt, sẵn sàng theo dõi và hoạt động 24/7.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông, theo quy hoạch báo chí, tỉnh Lâm Đồng có 3 cơ quan báo chí địa phương đã thực hiện đúng theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu báo chí, truyền thông phản ánh trung thực dòng chảy thông tin chính của xã hội, tạo đồng thuận, tạo niềm tin xã hội. Là cầu nối chuyển tải thông tin giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
Nổi bật năm qua, phải kể đến xếp hạng chỉ số chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng (DTI) năm 2021 đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố. DTI cấp tỉnh được đánh giá gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần tập trung vào 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2023, sở tiếp tục tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, thông tin tuyên truyền. Đặc biệt, chủ đề năm 2023 là Dữ liệu số, các cơ quan nhà nước tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với các định hướng, chiến lược cụ thể.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin