(LĐ online) - Ngày 16/1, Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt bảo đảm an ninh trật tự, các hoạt động chuyên môn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Đặc biệt chú trọng công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm. Các đơn vị y tế dự phòng phân công cán bộ trực phòng chống dịch 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết để theo dõi, báo cáo ngay khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, thực hiện công tác báo cáo dịch bệnh và hoạt động kiểm dịch y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chủ động triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh như: Covid-19, Cúm A (H5N1), Cúm A (H1N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, tiêu chảy cấp và các bệnh dịch lưu hành tại địa phương. Tăng cường các biện pháp truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong các ngày nghỉ tết tại các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở chế biến thực phẩm, quán ăn tại các khu đông dân cư, đề phòng các trường hợp ngộ độc thức ăn xảy ra trong các ngày nghỉ tết. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, tác hại của việc uống rượu bia quá nhiều trong dịp tết…
Trong công tác điều trị bố trí trực 24/24 giờ và tổ chức trực theo 4 cấp: Trực lãnh đạo – xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Danh sách cán bộ trực niêm yết công khai tại các khoa, phòng. Cán bộ trực phải đảm bảo thường trực 24/24 giờ và trực đúng vị trí. Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh. Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Củng cố, kiện toàn các đội cấp cứu ngoại viện của đơn vị; nâng cao năng lực cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn thương tích cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế, đặc biệt là các trạm y tế dọc quốc lộ.
Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết, đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.
Có phương án ứng phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra. Cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn hay gặp ngày tết như: Thảm họa do tập trung đông người tại các sự kiện và điểm du lịch, tai nạn giao thông do rượu bia, đánh nhau, pháo nổ, vũ khí vật liệu nổ tự chế, ngộ độc thực phẩm. Có phương án cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống xấu xảy ra.
Quán triệt cán bộ y tế ở các tuyến nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, đặc biệt chú ý đến phong cách giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã; thực hiện đúng các quy định quy trình chuyên môn kỹ thuật, quy tắc ứng xử quy định của Bộ Y tế. Đối với các bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị nội trú trong dịp tết, tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt, tổ chức thăm hỏi, chúc tết những người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin